Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Lo lắng và ám ảnh mọi thứ xung quanh, em mắc bệnh gì thưa BS?
Câu hỏi
Thưa BS, Em từng bị té sau khi va chạm xe, đã chụp hình X-quang kiểm tra. Trong thời gian đó em sợ qua đường hay lên cầu thang vì sợ té từ cầu thang xuống. Nó chiếm ngự vào suy nghĩ em 1 tháng rồi lại hết. Khi em không học hay không làm gì thì em không có suy nghĩ gì nhiều về tiêu cực, nhưng bắt đầu bước vào năm cuối cấp em có những suy nghĩ điên rồ như sợ khi dùng facebook và nhắn tin bậy cho người khác mặc dù em không làm. Khi qua tết xong em lại có cảm giác sợ mình đã tiết lộ ra bí mật của bạn thân rồi cứ thế ám ảnh em. Quan trọng nhất là gần 1 tháng nay em cứ bị ám ảnh về phân. Em luôn có suy nghĩ khi em ị ra có thể đã chét vào người làm dơ đồ và vì em cứ phải đi tắm gội nhiều lần nên em cảm nhận mọi thứ xung quanh em toàn là phân. Em không biết mình mất cảm giác hay bị bệnh tưởng tượng nhưng em cứ bị như vậy kèm theo áp lực học ôn thi. Em không biết liệu mình có bị bệnh tưởng tượng hay không, BS cho em hỏi cách khắc phục bệnh là như thế nào? Em cảm ơn BS.
Trả lời
Tôi mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi, chịu mở lòng chia sẻ những bí mật này và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em. Theo thông tin em cung cấp thì quả thật em có một số bất ổn về mặt tâm lý - tâm thần.
Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, người bệnh có bất ổn về mặt tâm lý - tâm thần sẽ bị lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, lo lắng những chuyện không có thật, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý. Và vì thế em thật sự có bất ổn và điều đó vượt qua khả năng kiểm soát lý trí của em, nói cách khác em có dấu hiệu của rối loạn tâm thần.
Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”. bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Để chẩn đoán một người bị rối loạn tâm thần dạng gì, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì BS chuyên khoa Tâm thần và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau, dành thời gian khai nhác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…). Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh.
Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được. Vì thế, tốt nhất em nên tâm sự với người em tin tưởng để cùng em đến khám BS chuyên khoa Tâm thần, để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu), em nhé. Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, ĐH Y dược... em có thể tham khảo thêm.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
>> Rối loạn lo âu có chữa khỏi bằng thuốc?
>> Alobacsi ơi, có phải em bị rối loạn lo âu?
Lo lắng là một trạng thái bình thường. Tuy nhiên, luôn luôn lo lắng bồn chồn quá mức lại trở thành bệnh lý - gọi là rối loạn lo âu toàn thể hoá (GAD). Rối loạn lo âu toàn thể hoá thường gây căng thẳng và lo lắng. Những triệu chứng khác như bồn chồn không yên, mệt mỏi, khó tập trung, thấy khó chịu, căng cơ, khó ngủ, run tay, đau đầu, tim đập mạnh, khó thở, vã mồ hôi và trầm cảm. Nếu bạn luôn thấy căng thẳng khi làm việc lẫn khi ở nhà, thì bạn có thể đang mắc bệnh lo âu. Bạn cũng dễ mắc lo âu nếu bản thân hay mong đợi những điều hoàn hảo, luôn thấy mệt mỏi, ngột ngạt, từng trải qua những việc tồi tệ, nguy hại, đang có bệnh lý thực thể, đang cai nghiện rượu và ma túy, hoặc bị bạo hành khi còn nhỏ. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình