Hotline 24/7
08983-08983

Khám sức khỏe cùng cơ quan, liệu có phát hiện bệnh lao?

BS Tố Uyên giải đáp câu hỏi của bạn đọc AloBacsi: viêm thượng củng mạc mắt, khám sức khỏe cùng cơ quan liệu có phát hiện bệnh lao, đánh nhau gây chấn thương đầu...

BS.CK1 Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nguyễn Tri Phương

Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi


- Đỗ Thị D. - Hà Nam

Cháu chào BS, BS cho hỏi một chút ạ,

Cháu điều trị lao phổi ở tháng thứ 5 rồi. Hiện giờ cháu chỉ còn dùng 2 loại thuốc là R, E. Mọi xét nghiệm của cháu BS bảo hiện tại vẫn ổn.hiện giờ cháu không có biểu hiện gì của bệnh.

Giờ cháu muốn đi làm nhưng công ty chỗ cháu làm khám sức khoẻ, khi cháu khám có phát hiện ra được lao phổi không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Khi bị lao phổi, vi khuẩn lao thường sẽ để lại di chứng tổn thương vĩnh viễn trên phổi. Ở tháng thứ 5 khi chụp Xquang có thể phát hiện ra tổn thương phổi, nhưng sẽ không còn những dấu hiệu của lao tiến triển.

Xét nghiệm đàm ở tháng thứ 5 nếu điều trị ổn sẽ âm tính. Do đó khó phát hiện ra em đang điều trị lao nhưng vẫn có bằng chứng cho thấy em đã từng bị lao.


- Quí Cường - Cần Thơ

Cách đây 1 tháng em có đánh nhau bằng tay không. Nay nạn nhân bị chấn thương đầu. Cho em hỏi BS, đánh nhau bằng tay có thể gây chấn thương đầu không?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn Cường,

Chấn thương đầu có nhiều mức độ. Có những trường hợp bệnh nhân không nứt vỡ xương sọ vẫn có thể tổn thương do chấn động não.

Khi đánh nhau bằng tay, nếu tác động với lực lớn hoặc té ngã, va vào vật cứng trong quá trình vật lộn… đều có thể gây ra tổn thương nặng nề hơn là xây xát ngoài da. Điều này còn tùy thuộc vào kết quả giám định và quyết định của cơ quan điều tra.

Dù sao, việc cố ý tổn hại thân thể người khác cũng là điều không nên, nếu bạn vẫn còn tiếp tục không kiểm soát được hành vi thì thật là nguy hiểm!


- Bá Hiệp - Hà Nội

Vết mổ lao của cháu ở bẹn đã được 3 năm, nhưng vẫn cứng như 1 con chuột ở bên trong, không đau. Vậy có sao không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Hiệp thân mến,

Sẹo là sự xơ hóa của mô sau tổn thương, do đó mật độ có thể hơi cứng hơn bình thường một chút.

Trường hợp của em nếu sau 3 năm, kích thước sẹo không tăng thêm, không có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau thì không phải là bệnh lý. Em không cần lo lắng quá.


- Nguyễn Thị Hiếu - Dak Lak

Chồng tôi bị tai nạn xe máy dập tủy đốt sống cổ c3.c4, hiện nay cử động đi lại rất khó khăn, người đang bị cứng cơ và rút. Cho tôi hỏi có chữa được chứng co rút và cứng cơ không?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn Hiếu,

Tủy sống cùng với não bộ hình thành nên hệ thần kinh trung ương, có nhiệm vụ điều phối cử động và cảm giác của cơ thể. Khi tủy sống bị chấn thương, các tín hiệu từ cơ thể lên não hay tín hiệu từ não xuống cơ thể đều bị cắt đứt làm cho bệnh nhân bị liệt một phần hay hoàn toàn.

Các di chứng sau chấn thương tủy sống phần lớn chỉ điều trị triệu chứng, hỗ trợ thần kinh bằng thuốc, quan trọng nhất là tập vật lý trị liệu để tránh teo cơ, cứng cơ và giúp hồi phục phần nào khả năng vận động.

Bạn nên liên hệ với khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng của BV để được hướng dẫn tập tại nhà, bạn nhé!


- Nguyen Vic - vicnguyen…@icloud.com

Chào BS,

Mẹ con có chứng bệnh mất ngủ lâu năm vì lí do stress về gia đình thưa BS. Và mẹ đã sử dụng qua rất rất nhiều các loại thuốc chuyên chữa mất ngủ như: tâm sen, lá sen, thuốc Otiv cũng như các thực phẩm chức năng khác và các đơn thuốc của BS khác.

Hầu như ai chỉ gì về điều trị mất ngủ mẹ con cũng đều đến và thử nghiệm. Từ thuốc bắc hàng trăm thang cho tới thuốc tây hàng chục viên vẫn không hề có tác dụng với mẹ con.

Và nhiều đêm mẹ đã sử dụng thuốc thậm chí còn tự tăng thêm liều lượng, mới có thể nhắm mắt được 1-2 giờ đồng hồ và sáng dậy rất mệt mỏi trong người, đi đứng rất choáng nhưng lạ là buổi trưa mẹ con không bao giờ chợp mắt được vì mẹ con không thể ngủ mặc dù đã cố nhắm mắt nhưng não vẫn hoạt động.

Con rất không yên tâm nên con đã lên mạng và tìm đến AloBacsi, mong BS hãy tư vấn giúp con.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nếu đã xác định được mất ngủ có liên quan đến stress thì điều trị quan trọng nhất là phải giải tỏa những căng thẳng tâm lý này.

Rối loạn lo âu quá mức, ảnh hưởng giấc ngủ nặng nề là một bệnh lý cần được chữa trị chứ không nên chủ quan

Nếu quan tâm đến sức khỏe của mẹ, bạn cần dành thời gian để trò chuyện nhiều hơn, khích lệ và xoa dịu lo lắng cho mẹ, có thể khuyến khích mẹ bạn tham gia một vài hoạt động thể dục nhẹ nhàng vào chiều tối như yoga, đi bộ dưỡng sinh… để giúp ngủ ngon hơn.

Nếu vẫn không cải thiện, bạn nên đưa mẹ đến gặp BS chuyên khoa Tâm thần kinh để được hỗ trợ tư vấn tâm lý và kê toa các thuốc giảm stress, có thể sẽ giúp ích phần nào.


- Cao Thanh Hai - caothanhhai…@gmail.com

Xin cho em hỏi,

Em hôm nay mới đi khám mắt trên BV Mắt được BS chẩn đoán là bị viêm thượng củng mạc, mua thuốc uống và nhỏ mắt.1 tuần sau tái khám lại.

Bệnh này có nguy hiểm không ạ? Nên kiêng ăn uống như thế nào? Nếu 1 tuần sau không đỡ thì có phải mổ không ạ? Em xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Hải,

Viêm thượng củng mạc là bệnh viêm lành tính của tổ chức thượng củng mạc, thường xảy ra ở người trẻ, nữ giới. Bản thân bệnh không có tính di truyền, trừ những trường hợp phối hợp với các bệnh toàn thân có tính chất di truyền như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ rải rác, viêm cột sống dính khớp…

Triệu chứng chủ yếu của bệnh là cảm giác khó chịu nhẹ có thể được mô tả như kích thích, cộm, nóng, dấu hiệu chủ yếu là đỏ mắt có thể ở một khu vực hoặc toả lan toàn bộ thượng củng mạc. Đỏ mắt có mức độ khác nhau có thể hồng nhẹ hoặc đỏ tươi nhưng không có sắc xanh nhạt của viêm củng mạc.

Trong trường hợp nặng có thể phù mi nhẹ, co thắt cơ nội nhãn gây co đồng tử và cận thị tạm thời. Các triệu chứng khác gồm có chảy nước mắt và sợ ánh sáng nhẹ.

Viêm thượng củng mạc không bao giờ tiến triển thành viêm củng mạc, bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi, nhưng có nhiều đợt tái phát.

Bệnh không có chỉ định phẫu thuật, về ăn uống cũng không quá kiêng khem, chỉ cần tránh các loại thức ăn thường gây dị ứng thôi, em nhé!


- Bạn đọc M. V. - thanh…@yahoo.com

Cháu sinh năm 1985, ngày 26/9/2017, cháu có đi xét nghiệm HIV sau 3 tháng nghi ngờ bị nhiễm, kết quả âm tính. Cháu an tâm mình không bị nhiễm HIV sau lần nghi ngờ này.

Có điều làm cháu lo lắng, trong lúc lấy máu xét nghiệm, người vào trước cháu anh ấy nói đã bị nhiễm HIV từ 2008, sau đó liền đến lượt cháu.

Cháu lo vì thấy BS lấy máu không mang găng tay, trực tiếp dùng tay cầm miếng bông ướt sát trùng và dùng chính miếng bông đó bịt vào miệng kim tiêm trên tay cháu sau khi lấy máu xong. Cháu không biết tay của BS đó có dính máu của người bị HIV trước đó không?

Trong trường hợp tay BS đó có dính ít máu có HIV thì có nguy cơ lây nghiễm HIV cho cháu không?

Và nếu tay BS đó có dính máu HIV thì cồn trên bông có làm bất hoạt HIV ngay không? Cháu mong nhận được sự tư vấn của BS, cháu cảm ơn BS!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thực sự nguy cơ bị lây nhiễm của em là rất thấp.

Một là virus HIV sẽ bị bất hoạt khi gặp cồn 70 độ, lượng virus càng ít thì thời gian tác dụng càng nhanh.

Hai là BS đó chắc chắn không dùng miếng bông đã lau máu của bệnh nhân HIV để dùng cho em, vì việc này vi phạm nguyên tắc vô khuẩn trong y khoa. Miếng bông đó có thể chỉ tiếp xúc với tay của BS, điều này thì không thể tránh khỏi nhưng sẽ không đủ lượng virus để lây nhiễm.

Ba là ngay cả khi miếng bông dính một ít máu HIV đi nữa, tải lượng virus thấp mà vết thương miệng kim khá nhỏ, không đủ để virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Do đó, em không nên quá lo lắng.


- Tecmido - Hà Nội

Tôi bị viêm kết mạc cấp, giác mạc trong. BS kê đơn như sau: 1. Cravit 0, 5% - 1 lọ. 2. Taurine - 20 ống. 3. Maxitrol 4ml -1 lọ x 7 ngày. 4. Oflovid 0, 3% mỡ 3, 5g - 1 tube. 5. selenace - 40 viên.

Xin hỏi BS, ngoại trừ Maxitrol kê 7 ngày thì các thuốc khác sử dụng đến khi hết thuốc hay trong thời gian bao lâu? Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thời gian điều trị kháng sinh đối với các trường hợp viêm kết mạc thông thường là từ 7 ngày. Em có thể sử dụng các thuốc trên trong 7 ngày và tái khám để BS chuyên khoa đánh giá lại tình trạng mắt và đưa ra hướng xử trí tiếp theo.


- Trần Thị Trang - Đồng Nai

Em chào BS ạ,

Em bị tê tay ngón tay út. Đi khám ở BV tỉnh đo điện cơ BS bảo là bị hội chứng ống cổ tay và có cho thuốc uống đi về uống không khỏi và em quay lại, BS bảo nhập viện để mổ.

Trước khi mổ BS khám còn nói em bị cả teo tay nữa, và BS mổ 2 nơi là cổ tay và sau khuỷu tay vết mổ rất dài. Mặc dù đã mổ gần 20 ngày rồi nhưng ngón tay em vẫn không hết tê.

BS cho em hỏi đây có phải là mổ không thành công phải không ạ? Giờ em muốn đến BV Chấn thương Chỉnh hình để khám lại có được không, chi phí hết bao nhiêu ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Trang thân mến,

Hội chứng ống cổ tay tình trạng thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép viêm sưng nề gây tê các đầu ngón tay. Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Phẫu thuật cho tỷ lệ thành công cao. Có thể do tổn thương trước đây của em khá nặng nề nên chưa thể hồi phục được ngay. Em nên tái khám để BS kê toa các thuốc giảm triệu chứng tê và hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi sớm, em nhé!


- Hồng Tươi - TPHCM

Mấy hôm nay em bị đau phía dưới xương sườn bên trái (em tìm hiểu thấy là vị trí hạ sườn trái) nhất là khi xoay người hay hít thở sâu, cảm thấy khó thở.

BS cho em hỏi tình trạng như vậy có nguy hiểm gì không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Tươi,

Đau vùng sườn bên trái, tăng khi hít thở và cảm giác khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh lý tại màng phổi, thông thường là viêm màng phổi.

Một số trường hợp đau thần kinh liên sườn cũng có thể gây đau, làm bệnh nhân ngại hít thở sâu, cảm giác khó thở nhẹ.

Tốt nhất em nên đến BV để BS thăm khám, chụp Xquang kiểm tra phục vụ chẩn đoán và điều trị.


- Do Thu Thu - Đồng Nai

Bố tôi năm nay 59 tuổi, mới đi khám bệnh ở BV Đại học Y Hà Nội được BS chẩn đoán là ung thư phổi, mới vừa biết kết quả ngày 12/10/2017.

Hiện nay gia đình rất lo lắng, nhờ BS tư vấn cách chữa bệnh. Cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Điều trị ung thư phổi hiện nay có nhiều phương pháp, lựa chọn tùy thuộc vào đặc điểm giải phẫu bệnh và giai đoạn của khối u.

Đối với giai đoạn sớm, phương pháp điều trị tối ưu chính là phẫu thuật, cho tỉ lệ thành công cao, có thể tiêu diệt hoàn toàn khối u. Những trường hợp khối u lớn hơn, BS có thể chỉ định hóa trị trước để thu nhỏ khối u, sau đó phẫu thuật.

Những giai đoạn muộn, phương pháp chính là hóa trị, ngoài ra còn có biện pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch cũng cho kết quả hứa hẹn, giúp kéo dài đời sống bệnh nhân thêm một vài năm.

Bạn nên tiếp tục đưa bố mình tới trung tâm về ung bướu để làm rõ đặc điểm giải phẫu bệnh, định giai đoạn, xác định di căn để đưa ra hướng điều trị tối ưu, bạn nhé!


- Cam Bach Bich - Lâm Đồng

Chào BS,

Lao màng bụng có phải là bệnh nan y không? Cách ăn uống chế độ sinh hoạt? Lao màng bụng có thể chữa khỏi không?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào chị,

Lao màng bụng cũng như lao phổi, lao hạch… là bệnh do vi khuẩn lao gây ra. Biểu hiện của bệnh là tình trạng cổ trướng do dịch tích tụ trong khoang màng bụng, có thể sờ thấy các đám hạch trong ổ bụng, nếu có đi kèm với lao ruột thì thường có triệu chứng đau bụng, tiêu lỏng, tiêu máu… đôi khi gây ra biến chứng tắc ruột.

Bệnh có thể chữa khỏi nếu điều trị với thuốc kháng lao đủ thời gian, đúng phác đồ - đây cũng là yếu tố tiên quyết cần tuân thủ khi điều trị lao.

Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể để lại di chứng lên hệ tiêu hóa, lan tràn vi khuẩn lao gây nguy hiểm tính mạng và lây lan cho cộng đồng.

Vấn đề sinh hoạt, ăn uống trong điều trị lao màng bụng không khác nhiều so với bệnh lao ở cơ quan khác, chủ yếu vẫn là ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, ngủ đúng giờ để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.


- Gia Long - Thái Bình

Chào AloBacsi,

Năm nay em 20 tuổi em bị điếc sâu bên tai trái. Em bị điếc từ nhỏ, không rõ nguyên nhân chính xác, nhưng có còn nhớ là gia đình cho đi khám, có thể là viêm tai giữa và không có tiền điều trị nên đi về. Chuyện 10 năm rồi em nhớ được chỉ vậy.

Nhưng càng lớn việc nghe bằng 1 bên tai càng bất tiện và tự ti, em muốn hỏi có thuốc giúp phục hồi thính lực không ạ? Còn có thì là ở trong những trường hợp như nào ạ?

Ngoài ra còn có biện pháp khác như là phục hồi chức năng không ạ? Và phẫu thuật có chi phí khoảng như nào ạ? Xin cảm ơn AloBacsi, mong được AloBacsi tư vấn để xin một tia sáng trong cuộc đời.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào Gia Long,

Viêm tai giữa có thể để lại những di chứng ở tai, gây ra điếc vĩnh viễn. Có những trường hợp có thể can thiệp điều trị bằng phẫu thuật, những cũng có trường hợp không thể điều trị, lúc này không có thuốc nào giúp phục hồi thính lực cả.

Do đó, em nên tới khám chuyên khoa Tai tại BV Tai Mũi Họng để BS thăm khám, xác định nguyên nhân gây điếc và tư vấn cụ thể tùy tình hình hiện tại, em nhé!


- Mai Thanh Tuấn - Đà Nẵng

Em bị gãy tay do té xe cách đây 5 năm. Tay em giờ hồi phục nhưng bị cong. Em muốn phẫu thuật chỉnh hình cho tay thẳng lại được không ạ? Mong BS giải đáp giúp em. Em xin cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Tuấn,

Những trường hợp gãy xương, trong quá trình lành có dấu hiệu lệch xương, nếu phát hiện sớm thì có thể tiến hành nắn chỉnh, phá can xương để tạo hình.

Tuy nhiên, với thời gian 5 năm, có lẽ xương của em đã liền chắc, không thể nắn chỉnh, cũng không thể phá can xương như trong giai đoạn đầu được.

Nếu như vấn đề thẩm mỹ thực sự gây khó chịu, em có thể đến các trung tâm chỉnh hình lớn để BS phẫu thuật xem xét và đưa ra hướng giải quyết can thiệp bằng phẫu thuật.


- Nguyễn Văn Lâm - kinqkull…@gmail.com

Chào BS, BS cho em hỏi,

Gần đây em bị nhức dưới tai dưới tai khoảng 2 cm, em bị nhức nhưng nói người nhà xem thì không đỏ hay gì cả. Em cảm giác như nhức đường gân vậy.

BS giúp em xem thử có bị sao, có nghiêm trọng không? Em rất lo ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Lâm thân mến,

Mô tả của em khá mơ hồ, không rõ em thường bị nhức lúc nào, vị trí nhức là ở vùng góc hàm hay ở cổ, đau nhức tự nhiên hay khi sờ nắn, có tăng khi cử động hay không, bị một bên hay hai bên, có sờ thấy gì lạ tại vị trí đau hay không…

Nếu em không thể mô tả rõ được vấn đề của mình thì rất khó có thể chẩn bệnh online, tốt nhất em cần tới BS để trực tiếp thăm khám và xác định chẩn đoán, em nhé!

Thân mến,
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X