Hotline 24/7
08983-08983

Khai mạc chương trình tư vấn và chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi

Sáng 4/11, chương trình chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi chính thức khởi động. Chương trình do Hội bác sĩ gia đình TPHCM, BV Ung bướu TPHCM và Phòng y tế của UBND quận Bình Thạnh đồng tổ chức.

Chương trình diễn ra vào sáng thứ 7 hàng tuần, từ 8g30 - 10g30 với 5 buổi sinh hoạt bắt đầu từ ngày 4/11/2017 đến 2/12/2017.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS.BS Phạm Lê An - Chủ tịch hội Bác sĩ gia đình TPHCM chia sẻ: “Tại Việt Nam chúng ta, cũng như trên thế giới với các phương tiện tầm soát, chuẩn đoán và xử lí đúng thì việc người bệnh ung thư kéo dài cuộc sống là điều bình thường.

Do đó, nảy sinh vấn đề mới cho các bác sĩ là đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khi được xử lí, điều trị như thế nào để mang lại niềm vui và nụ cười cho người bệnh”.

PGS.TS.BS Phạm Lê An - Chủ tịch hội Bác sĩ gia đình TPHCM

Chương trình tiếp diễn với nội dung báo cáo của PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường - Trưởng khoa Ngoại 2 - BV Ung Bướu, bao gồm: ung thư phổi có phòng chống được không; các yếu tố nguy cơ; phòng ngừa; ung thư phổi có phát hiện sớm được không; các bệnh nhân ung thư phổi thường có triệu chứng gì; những người nào có nguy cơ bị ung thư phổi; nên dùng những phương tiện tầm soát nào và bao lâu một lần; chọn lựa vũ khí điều trị ra sao…

PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường - Trưởng khoa Ngoại 2 - BV Ung Bướu TPHCM

Theo PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường, các yếu tố có nguy cơ gây ung thư phổi gồm: Hút thuốc - hút thuốc thụ động; khí radon (amiante, không khí ô nhiễm, tiền căn xạ trị vào nhổi); gia đình có người bị ung thư phổi. Vì vậy, để phòng bệnh thì mọi người không hút thuốc lá; kiểm tra và xử lý khí radon trong nhà ở.

Để phát hiện sớm ung thư phổi, BS Cường cho biết bệnh nhân ung thư phổi thường có các triệu chứng: đau ngực, ho, khó thở, khàn tiếng, hạch cổ. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Vì thế, muốn phát hiện sớm ung thư phổi cần phải tầm soát những đối tượng có nguy cơ ung thư phổi khi chưa có triệu chứng.

Nhóm người có nguy cơ trung bình là người có độ tuổi trên 50 không hút thuốc, ít hút thuốc hoặc từng hút thuốc nhưng đã ngưng hút thuốc hơn 15 năm. Nhóm người có nguy cơ cao và nhóm hút 30 Pack-year (1 gói/ngày trong 30 năm hoặc 2 gói/ngày trong 15 năm). Hoặc đã ngưng hút thuốc dưới 15 năm.

Về phương tiện và thời gian tầm soát, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường cho biết: theo hướng dẫn của Nhật Bản thì người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm. Người có nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực liều thấp 2 năm liên tiếp và mỗi 3 - 5 năm.

Kết thúc chương trình là phần đặt câu hỏi của các khán giả dành cho PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường về các vấn đề liên quan đến căn bệnh ung thư phổi.

Ông Huỳnh Văn Tấn hỏi về chi phí chụp CT liều thấp

Ông Huỳnh Văn Tấn đặt câu hỏi “Chụp CT liều thấp giá bao nhiêu và ở biệnh viện nào thì tốt nhất?”

BS Cường trả lời: “Giá thay dổi theo từng bệnh viện nhưng để chụp CT cần được tư vấn cụ thể. Ví dụ như tại BV Ung Bướu thì giá chụp CT liều thấp bằng với chụp CT liều cao, khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, nếu có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả theo chế độ của bảo hiểm”.

Bà Trần Thị Dương lo lắng về nguy cơ ung thư phổi của chồng mình

Còn bà Trần Thị Dương thì lo lắng cho chồng mình: “Ông xã tôi tôi một ngày hút hơn nửa gói thuốc lá, vẫn chưa ho thì có nguy cơ bị ung thư phổi không?”

Theo PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường, không phải hút nhiều thuốc mới bị ung thư phổi. Người hút nhiều thuốc lá thì tỉ lệ mắc ung thư phổi cao hơn người không hút khoảng 80% - đến 90%.

Hiện nay, tại nước ta ung thư phổi đã thực sự trở thành một gánh nặng cho toàn xã hội. mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, nhưng phần lớn bệnh nhân thường phát hiện trễ, do đó kết quả điều trị còn hạn chế và thời gian sống còn thấp.

Chiến lược phòng chống và điều trị căn bệnh ung thư phổi đang được nhà nước triển khai tích cực, song còn phải mất nhiều công sức và thời gian để đạt được hiệu quả của chiến lược này.

Chương trình tư vấn và chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi - buổi đầu tiên tại UBND quận Bình Thạnh

Các buổi tiếp theo của chương trình tư vấn và chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi:

Hội trường UBND quận Bình Thạnh (số 6 Phan Đăng Lưu) thứ 7 từ 8g30 đến 10g30.

Ngày 11/11: Những tiến bộ trong phẫu thuật và xạ trị điều trị ung thư phổi - BS Nguyễn Quốc Điền, Phó Khoa Xạ 4, BV Ung bướu TPHCM.

Ngày 18/11: Những tiến bộ trong điều trị nội khoa ung thư phổi - BS Võ Thị Ngọc Điệp, BV Ung bướu TPHCM.

Ngày 25/11: Suy mòn và chế độ dinh dưỡng trong bệnh lý ung thư phổi - BS Trần Thị Anh Tường, Phó Khoa Dinh dưỡng, BV Ung bướu TP HCM.

Ngày 2/12: Các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư phổi - BS Phan Đỗ Phương Thảo, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, BV Ung bướu TP HCM.

Hội trường UBND quận 10 (số 474 đường 3 tháng 2, P.14, quận 10) thứ 7 từ 8g30 đến 10g30.

Ngày 9/12: Phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư phổi - TS Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 16/12: Các vấn đề về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư phổi - BS Vương Thị Nguyên Thảo, Trưởng Khoa Điều trị giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 23/12: Những tiến bộ trong điều trị nội khoa ung thư phổi - BS Vương Đình Thy Hảo, Trung tâm Ung Bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 30/12: Những tiến bộ trong phẫu thuật và xạ trị điều trị ung thư phổi - BS Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, Trung tâm Ung Bướu, BV Chợ Rẫy.

Ngày 6/1: Suy mòn và chế độ dinh dưỡng trong bệnh lý ung thư phổi - TS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy.


Hồng Nhung - Nguyễn Chúc
 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X