Hotline 24/7
08983-08983

Em đã hết sưng mang tai 7 ngày, vậy có còn xảy ra biến chứng viêm tinh hoàn?

Câu hỏi

Chào BS, Em có hiện tượng này đã 8 ngày rồi ạ. Cổ em bị sưng chút xíu bên mang tai trái, sưng nhẹ. Em có chữa thầy gần nhà không dùng thuốc, chữa mẹo. Sau 1 ngày thì chỗ sưng của em đã xẹp và không sưng lại. Từ ngày đầu tiên đến hôm nay là 8 ngày, không còn triệu chứng. Vậy như của em là đã hết bệnh chưa ạ? Vì em sợ xảy ra biến chứng viêm tinh hoàn. Sưng hết được 7 ngày rồi thì có còn khả năng xảy ra biến chứng nữa không ạ?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Quai bị. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Quai bị. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Quai bị là bệnh do virus gây ra, điều trị hiện nay chủ yếu là giảm triệu chứng chứ chưa có thuốc đặc trị. Thời gian diễn tiến đến viêm tinh hoàn là khoảng từ 1-2 tuần sau khi xuất hiện triệu chứng sưng đau tuyến mang tai đầu tiên. Do đó đến thời điểm này chưa thể kết luận được gì.

Mặc dù vậy không phải trường hợp nào viêm tuyến mang tai cũng diễn tiến tới viêm tinh hoàn. Em nên nghỉ ngơi thêm một vài ngày nữa, không nên lo lắng quá mà cần giữ cho tinh thần thoải mái để tăng cường sức đề kháng em nhé!

Thân mến.


Mời tham khảo thêm:

>> AloBacsi ơi: Viêm tinh hoàn do quai bị có biểu hiện thế nào?

>> Cháu bị quai bị, có biến chứng thành viêm tinh hoàn không AloBacsi?

Bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) do virus có tên khoa học là Paramyxovirus gây nên, chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 - 10 tuổi.

Biến chứng viêm tinh hoàn của bệnh quai bị thường xuất hiện từ 7 đến 10 ngày sau khi viêm tuyến nước bọt mang tai. Thường viêm một bên, chỉ có 3-7% là viêm hai bên. Bệnh hay gặp ở thiếu niên tuổi dậy thì, chiếm khoảng 30%.

Khi xuất hiện viêm tinh hoàn nên cho người bệnh mặc quần lót để nâng tinh hoàn lên cao làm cho tinh hoàn giảm căng, đỡ đau nhức.

Người bệnh nên nằm nghỉ ngơi trên giường, tránh vận động nhiều, vì khi vận động nhiều như đi xe đạp, chạy bộ... sẽ làm tinh hoàn dễ tổn thương thêm, các mạch máu tinh hoàn và ống sinh tinh bị tổn thương nặng, dẫn tới teo tinh hoàn (có khoảng 30-40% trường hợp người bệnh bị teo tinh hoàn 2-6 tháng sau khi mắc bệnh). Nhưng vô sinh thực sự hiếm thấy ngay cả khi teo tinh hoàn hai bên.

Để tránh bệnh quai bị và biến chứng viêm tinh hoàn, nên đưa các cháu trai đi chích ngừa quai bị. Văcxin được chỉ định cho tiêm chủng phòng bệnh quai bị định kỳ và khẩn cấp. Tiêm chủng được định kỳ tiến hành 2 lần ở các lứa tuổi 12-15 tháng và 6 tuổi ở trẻ chưa có tiền sử mắc quai bị. Khoảng cách giữa mũi tiêm chủng lần đầu, liều nhắc lại không ít hơn 6 tháng.

Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên, người lớn nếu đã có tiếp xúc với người mắc quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị.

Trong trường hợp không có chống chỉ định, văcxin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với người bệnh.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X