Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ mắc quai bị tăng, cảnh giác với biến chứng

Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bé trai 10 tuổi bị biến chứng viêm tinh hoàn khi mắc quai bị.

Sau 2 tuần, bé đã khỏi tuy nhiên phải đợi trẻ lớn hơn mới biết được khả năng sinh sản có bị ảnh hưởng hay không.
 
Theo các chuyên gia, không phải trẻ nào bị viêm tinh hoàn cũng bị biến chứng vô sinh, tỷ lệ này chỉ khoảng 13%.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, mùa đông xuân là thời điểm bùng phát nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp trong đó có quai bị. Hiện số trẻ đến khám vì quai bị đang có xu hướng tăng lên.

Viêm tuyến nước bọt tuyến mang tai (còn gọi là quai bị) hay gặp ở trẻ lớn hơn là trẻ nhỏ, đặc biệt là ở độ tuổi đi học. Lý do là bé không được tiêm phòng hoặc có tiêm nhưng được một lần, đến khi lớn nồng độ kháng thể giảm nên trẻ dễ lây bệnh.

Diễn biến bệnh thường nhẹ, trẻ có thể hơi sốt, mệt mỏi, vài trường hợp có thể ho, sau đó thấy sưng, đau một bên mang tai rồi đau cả hai bên. Thông thường trẻ chỉ cảm thấy hơi đau song cũng có trường hợp đau nặng không ăn uống được. 5-7 ngày sau bệnh có thể tự hết nếu diễn biến thông thường.

Quai bị là một bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng không nhiều, chỉ là một phần một nghìn. Trẻ trai có thể bị viêm tinh hoàn, xuất hiện trong khoảng 7-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai, phần lớn chỉ xảy ra viêm ở một bên. Nếu không được điều trị kịp thời tình trạng viêm nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến ống dẫn tinh, một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Nhưng không phải trẻ nào bị viêm tinh hoàn cũng dẫn đến vô sinh, tiến sĩ Dũng cho biết.

Ngoài ra trẻ cũng có thể bị viêm não, màng não. Biến chứng ở não thường gặp ở trẻ với tỷ lệ 25%, xảy ra vào ngày thứ 3-10 sau khi sưng đau ở tuyến mang tai với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật...

Vì thế, theo tiến sĩ Dũng, cha mẹ cần để ý để phát hiện kịp thời biến chứng ở trẻ. Nếu đang mắc bị quai bị mà trẻ có biểu hiện bất thường như: đau tinh hoàn, sờ rắn lại ở trẻ trai, đau bụng dưới ở bé gái hoặc thấy đau đầu, nôn... thì cần đến bệnh viện để kiểm tra sớm. Đặc biệt, với những trẻ bị suy giảm miễn dịch như bị thận hư, mắc bệnh về khớp, đang dùng thuốc có chứa corticoid... thì nguy cơ bị biến chứng cao hơn.

Tiến sĩ Dũng cũng cho biết, bệnh quai bị do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau... Một số cha mẹ cho trẻ dùng miếng cao dán nhưng cần lưu ý nó chỉ có tác dụng giảm đau chứ không làm thay đổi quá trình diễn biến của bệnh. Bên cạnh đó có thể đắp ấm vùng tuyến mang tai nhằm giảm những cơn đau, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. .

Bệnh dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm virus gây quai bị đến khi phát bệnh) có thể 17-28 ngày. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin.
 
Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X