Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng cho người mắc bệnh thận mãn tính như thế nào cho hợp lý?

Khuyến nghị dinh dưỡng trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Vũ Linh - Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk dành cho việc phòng chống bệnh và những người mắc bệnh thận mãn tính mức độ nhẹ.

Mô hình bệnh lý trong cộng đồng đã và đang dịch chuyển từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh mãn tính không lây nhiễm, đồng thời đang là gánh nặng sức khỏe - kinh tế ở mức độ toàn cầu(1). Trong các bệnh lý mãn tính không lây, bệnh thận mãn tính - Suy thận là vấn đề sức khỏe đang tăng nhanh về tỷ lệ hiện mắc và tổn thất kinh tế đi kèm (2)

Hiện tại, tỷ lệ hiện mắc của bệnh thận mãn tính trên toàn cầu khoảng 11 - 13%. Nghĩa là cứ 100 người thì có khoảng 11 - 13 người mắc bệnh mãn tính về thận tùy theo quốc gia. Quan trọng hơn không ít trong số họ, không hề biết mình đang mắc bệnh (2). Đơn cử vài con số về tỷ lệ mắc bệnh hiện tại, ở Hoa Kỳ con số này là khoảng 9%, tại Úc là khoảng 10% và may mắn thay tại Việt nam, theo nghiên cứu của Võ Tam - Nguyễn Hữu Sơn, tỷ lệ người Việt mắc bệnh thận mãn tính là khoảng 6,7% (3;4;5).

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bệnh thận mãn tính là gì?


Theo hiệp hội Thận học Hoa Kỳ và hội Nội khoa Việt Nam, bệnh thận mãn tính là tình trạng bệnh lý tại thận, làm tổn thương thận một cách trường diễn, không phục hồi và quan trọng là làm giảm chức năng lọc của thận. Bệnh này được phân độ từ nhẹ đến nặng theo 5 cấp, dựa theo độ lọc cầu thận, khái niệm để chỉ khả năng lọc của thận:

Phân độ

Mô tả

Độ lọc cầu thận

1

Độ lọc cầu thận còn tốt, tổn thương thận nhẹ

≥ 90%

2

Độ lọc cầu thận giảm, tổn thương thận mức độ vừa

60 – 89%

3

Độ lọc cầu thận giảm vừa, tổn thương thận mức độ nặng

30 – 59%

4

Độ lọc cầu thận giảm nặng, tổn thương thận mức độ rất nặng

15 – 29%

5

Độ lọc cầu thận giảm nghiêm trọng, tổn thương thận mức độ rất nặng, thận không còn khả năng lọc để duy trì sự sống cho cơ thể.

< 15%

Dinh dưỡng hợp lý cho người mắc bệnh thận ra sao?

Khi mắc bệnh thận mãn tính, chế độ ăn uống cực kỳ quan trọng và là một phần trong phác đồ điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc ăn uống hợp lý không đơn giản vì phải tùy thuộc vào thể trạng, giai đoạn mắc bệnh, mức độ nặng của bệnh đối với từng người khác nhau. Chế độ ăn uống hợp lý nhất phải được bác sĩ điều trị tư vấn và lập khẩu phần cho từng bệnh nhân.

Khuyến nghị dinh dưỡng của bài viết này, chủ yếu dành cho việc phòng chống bệnh và những người mắc bệnh thận mãn tính mức độ nhẹ. Vài tiêu chí phải tuân thủ như sau (3):

1. Khẩu phần từng bữa ăn, (sáng - trưa - tối và các bữa phụ) phải đúng và đủ về tổng năng lượng và chất đạm như sau:

• Khẩu phần ăn giảm đạm: 0,6 - 0,8 g chất đạm/kg cân nặng/ngày (6)

• Khẩu phần ăn giảm năng lượng: 25 - 30 Kcal/kg cân nặng/ngày (7)

2. Cân nhắc các thành phần quan trọng khác trong khẩu phần (8)

• Muối (Natri):  ≤ 2g/ngày

• Kali (Potasium): Theo nhu cầu khuyến nghị người bình thường.

• Can-xi (Calcium): # 800 - 1200 mg/ngày

• Phốt-pho (Phosphorus): # 800 mg/ngày

• Uống nhiều nước: ≥ (1 lít + thể tích nước tiểu)/ngày hay # 2 lít ngày.

• Bổ sung rau xanh, củ quả để cung cấp đủ Vitamin và khoáng chất khác.

3. Bảo đảm cân nặng lý tưởng theo BMI hay cân nặng lý tưởng:

• Chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index) = BMI

MBMI = Cân nặng/bình phương chiều cao: Chỉ số hình thường là 18.5 - 23.5

• Cân nặng lý tưởng: 0.9x[Chiều cao (cm) - 100]

4. Kiểm soát chế độ ăn uống nghiêm ngặt nếu có kèm bệnh lý Đái tháo đường - Tăng huyết áp.

5. Kiểm soát được việc lượng hóa khẩu phần hàng ngày.

6. Cần có một chuyên gia về dinh dưỡng tứ vấn khi cần.

Bạn phải thực hành dinh dưỡng và hành vi lối sống như thế nào để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thận mãn tính? (3)


Việc đầu tiên bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tổng quát, đồng thời khảo sát chức năng lọc của thận. Qua đó, bác sĩ sẽ tư vấn bạn hợp lý nhất và can thiệp kịp thời nếu cần. Khi gặp chuyên gia dinh dưỡng, thận - niệu, những điều sau đây cần được làm rõ và thực hành nghiêm chỉnh:

1. Đăng ký được tư vấn khẩu phần ăn hàng ngày;

2. Được chuyên gia giải thích và hiểu rõ về lượng nước uống, chất đạm, năng lượng và các khoáng chất quan trọng (Natri, Can-xi, Phốt phi, Kali, vitamin...) cho mỗi bữa ăn/mỗi ngày;

3. Được chuyên gia giải thích và hiểu rõ thành phần dưỡng chất nêu trên và thực phẩm tương ứng; Qua đó bạn có thể chuẩn bị thực phẩm và xây dựng khẩu phần bữa ăn hợp lý;

4. Lấy được lời khuyên của Bác sĩ về cân nặng lý tưởng của bạn và các tiêu chí duy trì cân nặng lý tưởng;

5. Làm quyển sổ nhật ký và ghi chép đầy đủ việc ăn uống mỗi ngày để kiểm soát khẩu phần;

6. Kiểm tra sức khỏe theo hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt các lời khuyên của chuyên gia;

7. Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

8. Lên chương trình vận động thể lực và ngủ nghỉ hợp lý.



Tài liệu tham khảo:

1.    Global Health Observatory (GHO) data. http://www.who.int/gho/ncd/mortality_morbidity/en/
2.    Global Prevalence of Chronic Kidney Disease - A Systematic Review and Meta-Analysis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4934905/
3.    Nutrition and Chronic Kidney Disease. https://www.kidney.org/sites/default/files/docs/nutri_chronic.pdf
4.    Chronic Kidney Disease (CKD) Management in General Practice. https://kidney.org.au/cms_uploads/docs/ckd-management-in-gp-handbook-3rd-edition.pdf
5.    http://www.zbook.vn/ebook/nghien-cuu-thuc-trang-roi-loan-dien-giai-o-benh-nhan-mac-benh-than-man-tinh-tai-benh-vien-da-khoa-bac-giang-45239/
6.    Dietary protein intake and chronic kidney disease. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27801685
7.    Energy requirements in patients with chronic kidney disease. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15232789
8.    Protein energy wasting in chronic kidney disease: An update with focus on nutritional interventions to improve outcomes. http://www.ijem.in/article.asp?issn=2230-8210;year=2012;volume=16;issue=2;spage=246;epage=251;aulast=Jadeja


Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh - Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X