Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng cho bé theo từng độ tuổi

Dinh dưỡng cho bé thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ. Làm sao để biết chế độ dinh dưỡng cho bé thế nào thì phù hợp, giúp bé phát triển toàn diện, mời mẹ tham khảo bài viết dưới đây.

Dinh dưỡng cho bé ăn dặm

Trẻ dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu. Vì vậy, giai đoạn này mẹ nên cho bé ăn dặm kết hợp với bú sữa để bé dần làm quen từng bước.

Do đó, dinh dưỡng cho bé ăn dặm chỉ nên bao gồm các món bột kết hợp với thịt gà, thịt lợn, trứng và sữa. Khi nấu bột cho trẻ, mẹ hãy cho 1 thìa cà phê dầu ăn và mỡ vì đây là môi trường cần thiết để cơ thể chuyển hóa các chất đạm, hạn chế cho gia vị vào món ăn của trẻ.

Cũng như người lớn, trẻ cần cung cấp đủ 4 nhóm chất trong các bữa ăn hàng ngày, gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Bên cạnh việc ăn bột, mỗi ngày mẹ nên cho trẻ ăn một bữa trái cây nguyên chất để tận dụng nguồn chất xơ, một bữa nước ép. Đặc biệt, sữa mẹ vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng quý báu cho trẻ nên cần phải duy trì việc cho trẻ bú thường xuyên.

Trường hợp mẹ ít sữa, có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức. Mỗi ngày, đảm bảo lượng sữa từ 500-700 ml.

Tháp dinh dưỡng cho bé dưới 1 tuổi

Tháp dinh dưỡng cho bé dưới 1 tuổi bao gồm nhiều nhóm thực phẩm khác nhau được sắp xếp theo hình kim tự tháp. Tháp dinh dưỡng sẽ giúp mẹ biết được nhóm thực phẩm nào nên bổ sung nhiều, nhóm thực phẩm nào nên bổ sung ít để từ đó có chế độ dinh dưỡng cho trẻ dễ dàng hơn.

Các nhóm thực phẩm trong tháp dinh dưỡng bao gồm:

- Nhóm ngũ cốc, bột đường: 60 – 120g/ ngày

- Nhóm rau củ quả, trái cây: 300g/ ngày

- Nhóm sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa: 150 – 250ml/ lần, từ 3 – 6 lần/ ngày

- Nhóm thịt, cá, trứng và các loại hạt cung cấp đạm: 12 – 25g đạm/ ngày

- Nhóm chất béo: 35g/ ngày

- Nhóm muối và đường: Trẻ dưới 1 tuổi không nên cho muối và đường vào thức ăn của trẻ.

Cho trẻ ăn theo tháp dinh dưỡng giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện

Dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi

Theo bác sĩ dinh dưỡng Trần Thị Minh Nguyệt, trẻ 7 - 9 tháng tuổi nên cho bú mẹ nhiều lần theo nhu cầu. Ở tháng thứ 7, trẻ bú mẹ là chính, bên cạnh đó cần tập ăn dặm thêm từ một đến 2 bữa bữa bột loãng, pha đặc dần lên, cùng với nước trái cây. Đến tháng thứ 8-9 bé vừa bú mẹ vừa cho ăn thêm 2-3 bữa bột đặc và nước trái cây hoặc trái cây nghiền. Năng lượng cần cho bé trong giai đoạn này là 800-900 kcal mỗi ngày (tính cả năng lượng từ sữa mẹ).

Lưu ý khi cho trẻ ăn

- Ngoài sữa, nên tập cho bé làm quen với các thức ăn khác loãng đến đặc dần. Từ 8 tháng tuổi, bé nên bắt đầu với thức ăn đặc 2 bữa mỗi ngày.

- Khi bé đã ăn 2 bữa, cần chú ý tới chất lượng bữa ăn vì nó chiếm phần quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho bé bên cạnh sữa mẹ.

- Cho bé ăn 2 cữ sao cho thuận tiện với sinh hoạt gia đình nhưng nên giữ đúng giờ giấc bé đã quen.

- Các cữ bột không nên liên tiếp nhau mà cách đều giữa các cữ bú mẹ. Ví dụ: bú mẹ - ăn bột có vị ngọt - bú mẹ - bột vị mặn - bú mẹ.

- Nếu trẻ chưa ăn được nhiều, hãy cho bú thêm ngay sau bữa ăn để bé nhận đủ dinh dưỡng.

- Tập cho bé ăn đa dạng từ 4 nhóm thức phẩm và thay đổi thức ăn theo bữa ăn của người lớn. Ví dụ: cha mẹ ăn cá, hãy cho con ăn bột cá, người lớn ăn rau bồ ngót thì làm bột bồ ngót cho trẻ.

- Mỗi chén thức ăn của trẻ luôn có 1-2 muỗng cà phê dầu ăn để bé có đủ năng lượng hoạt động và lớn lên.

Ngoài thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 7 tháng tuổi như trên, cần cho bé bú mẹ nhiều lần trong ngày, ăn thêm các loại trái cây tán nhuyễn, nước trái cây tươi.

Dinh dưỡng cho bé 1 tuổi

Thực phẩm cho bé cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết: Nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất. Một số lưu ý mà mẹ cần nhớ đối với dinh dưỡng cho bé 1 tuổi như sau:

- Gạo nấu cháo cho trẻ không nên vo quá kỹ sẽ làm mất đi vitamin B1 nằm trong lớp cám gạo bên ngoài.

- Khi nấu cháo cho trẻ không nên pha thêm gạo nếp hoặc bất cứ loại ngũ cốc nào khác như đậu đỗ, lạc…

- Nêm gia vị nhạt hơn khẩu vị của người lớn, thậm chí không cần nêm gia vị trong món ăn của bé.

- Rau xanh cho trẻ nên dùng phần lá mềm, không nên sử dụng phần cuống sơ cứng trẻ khó nhai nuốt và quá trình tiêu hóa.

- Mẹ đừng quên thêm một thìa café dầu ăn như dầu gấc, dầu ô lưu… vào món ăn cho trẻ khi đã chín.

- Ngoài các món ăn hàng ngày, trẻ cần được bổ sung sữa mẹ/sữa công thức/sữa tươi, sữa chua, phô mai, hoa quả… để đảm bảo dinh dưỡng và tăng sức đề kháng.

Dinh dưỡng cho bé 2 tuổi

Chế độ dinh dưỡng cho bé 2 tuổi cũng phải đảm bảo đủ chất như dinh dưỡng cho bé 1 tuổi. Cho bé ăn 3 bữa ăn chính, xen kẽ là 3 - 4 cữ bú mẹ. Ngoài cháo và bột, có thể tập cho bé ăn thêm các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui. Trong mỗi chén cháo của bé cần có 4 nhóm thực phẩm sau:

- 2-3 muỗng canh chất đạm băm nhuyễn (Thịt, cá, tôm, cua, trứng… Nếu mẹ nấu cháo nước xương, hãy cho bé ăn cả phần thịt vì chứa nhiều chất đạm)

- 2 muỗng rau lá hoặc củ băm nhuyễn (rau muống, rau dền, bí đỏ, cà rốt..)

- 1đến 2 muỗng dầu ăn

- Thêm bột hoặc cháo cho đầy chén

Sữa mẹ, sữa tươi và các chế phẩm sữa như phô mai vô cùng quan trọng cho sự phát triển đầu đời của bé.

Dinh dưỡng cho bé 3 tuổi

Lúc này việc ăn uống của bé đã gần giống như người lớn, tức là bé đã có thể tham gia cả 3 bữa ăn chính của gia đình. Mẹ chỉ cần lưu ý cho bé nhận đủ 4 nhóm thực phẩm trong các bữa ăn chính. Bên cạnh đó, bé vẫn cần ít nhất 3 cữ sữa với khoảng 200ml mỗi cữ để đạt chiều cao tốt nhất và bổ sung thêm chất đạm, vitamin và khoáng chất cho các hoạt động của bé.

Nếu bé tăng cân chậm, mẹ có thể lựa chọn các món nhiều năng lượng, các món béo, ngọt cho bé dùng thường xuyên, thêm 1-2 muỗng cà phê dầu ăn (dầu đậu nành, dầu mè tinh luyện) vào chén canh hay cơm của bé. Chọn loại sữa tươi hay sữa bột béo nguyên kem để cung cấp đủ năng lượng cho bé.


Khi bé 3 tuổi, bé đã có thể ăn được như người lớn. Vì vậy, mẹ cần chú ý lựa chọn các món ăn phù hợp cho sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Nếu bé tăng cân nhanh, mẹ nên giảm chế độ ăn béo, ngọt và tăng lượng rau, củ, trái cây hơn. Nên duy trì sữa để giúp bé tiếp tục phát triển chiều cao. Đối với trẻ béo phì, mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm thêm sữa không béo (sữa gầy, sữa tách bơ) và không đường.

Một lưu ý quan trọng cho các bậc cha mẹ là nên cho bé đi ngủ sớm khoảng 9-9h30 tối vì bé sẽ tăng được chiều cao tốt hơn trong bé ngủ từ 11-12h đêm.

Dinh dưỡng cho trẻ 4 tuổi

Chế độ ăn cho bé cần linh hoạt vì thái độ ăn uống của con hoàn toàn khác so với giai đoạn từ 0 - 3 tuổi. Trẻ 4 tuổi đã bắt đầu có chính kiến riêng về khẩu vị ăn uống, một số thực phẩm trẻ có thể thích trong 1 tuần đầu, nhưng sang tuần mới trẻ sẽ không ăn chúng nữa. Hành động ép trẻ ăn uống theo sở thích của bố mẹ chỉ khiến con cảm thấy chán ăn, tủi thân vì nghĩ cha mẹ không hiểu, không thương mình.

Vì vậy, dinh dưỡng cho bé 4 tuổi cần đa dạng, bên cạnh thiết kế món ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, cha mẹ cần chiều theo một số sở thích lành mạnh ở trẻ như làm món ăn con thích chẳng hạn. Và điều quan trọng là cha mẹ cần phải cân bằng việc khuyến khích trẻ ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và vẫn cho phép trẻ tự chọn món ăn mình yêu thích trong ngày.

Cha mẹ cũng lưu ý, việc cho trẻ ăn trong 1 ngày không quan trọng bằng dinh dưỡng trẻ hấp thu trong 1 tuần. Vì vậy, có thể hôm nay trẻ không ăn nhiều nhưng ngày mai trẻ sẽ ăn nhiều, và điều đó hoàn toàn bình thường. Trẻ 4 tuổi đã có những xúc cảm riêng và rất đặc biệt, cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, đồng thời cần giải thích con hiểu nên lựa chọn điều gì là tốt nhất.

Trong đó, khi thiết kế thực đơn cho trẻ/ ngày, mẹ lưu ý:

- Cần đảm bảo bữa ăn của con đầy đủ dinh dưỡng: đạm, sắt, kẽm, selen, iot, folate, vitamin A, choline, DHA, ARA.

- 3 bữa ăn chính/ngày (cơm và các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, rau)

- 1 bữa phụ bao gồm: sữa chua, trái cây, váng sữa, bánh flan, chè

- Uống 700 - 800ml sữa/ngày (sữa tươi, công thức)

- Khi nấu thức ăn, mẹ nên thêm vào 1 - 2 thìa dầu gấc hoặc dầu oliu, dầu mè cho bé để tăng hấp thu các vitamin.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đảm bảo các nhóm chất cần thiết cho trẻ, mẹ chú ý bổ sung sữa vào khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ

Dinh dưỡng cho bé 5 tuổi

Hãy cho trẻ ăn những gì trẻ thích nhưng phải đảm bảo các nhóm chất sau:

- Chất xơ (Rau xanh và trái cây): Đây là thực phẩm rất quan trọng trong việc cân đối nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, nên cho trẻ ăn khoảng 200g rau/ngày.

- Chất đạm: Chọn thịt nạc như thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá ngừ, cá thu, trứng luộc, sữa… Chúng chứa nhiều đạm và đảm bảo nhu cầu đạm cho mỗi bữa ăn của trẻ.

- Carbohydrate (Tinh bột): Chọn những nguyên liệu cung cấp carbohydrate phức hợp như bánh mì toàn phần, khoai tây, mì sợi… Những món ăn này phóng xuất năng lượng chậm, lâu bền nên duy trì được năng lượng, giúp trẻ hoạt động và tập trung trong thời gian dài.

- Can-xi: Lượng sữa trẻ uống hàng ngày sẽ cung cấp một lượng canxi dồi dào cho nhu cầu phát triển hệ xương, răng đang ngày càng cao của cơ thể. Ngoài ra, canxi còn có nhiều trong các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá…

- Vitamin C: Có nhiều trong cam vắt, chanh, trái kiwi, quýt, bông cải xanh, cà chua… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và ngăn cản các bệnh khi thời tiết lạnh, hấp thu sắt tối đa.

Hạ Hân tổng hợp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X