Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị thoát vị bẹn bẩm sinh và tinh hoàn di động như thế nào?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Em mới mổ thoát vị bẹn bẩm sinh và tinh hoàn di động ở Bệnh viện Bình Dân TPHCM. Cho em hỏi là tinh hoàn sau mổ có tự phục hồi chức năng được không ạ? Em mổ thoát vị bẹn bằng cách thắt ống phúc tinh mạc. Vậy tỉ lệ tái phát có cao không, em phải nghỉ ngơi bao lâu thì có thể trở lại lao động ạ? Và nếu thoát vị bẹn tái phát thì làm cách nào để nhận biết? Em làm công nhân phụ hồ. Em xin cảm ơn.

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Thời kỳ phôi thai, tinh hoàn di chuyển xuống bìu kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra, ống này sẽ đóng lại nhưng do một nguyên nhân nào đó mà ống không đóng, sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối lớn chui vào và gây một số biến chứng. Trong một số trường hợp, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột gây nguy hiểm.

Ngoài ra, em có gặp phải tình trạng tinh hoàn lạc chỗ, tức là tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) mà nằm trong ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu. Tinh hoàn lạc chỗ cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu để lâu tinh hoàn sẽ bị teo, xoắn thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, ung thư hóa. Do đó, sau phẫu thuật, em cần tái khám kiểm tra lại để đảm bảo tinh hoàn phát triển bình thường, hoạt động tốt và duy trì vị trí tại chỗ.

Đối với thoát vị bẹn trực tiếp, tỷ lệ tái phát của phẫu thuật nội soi khá thấp, khoảng từ 0,1 - 0,2 %. Sau mổ từ 3-6 tháng, em nên hạn chế làm việc nặng (khuân vác quá nặng), tránh chơi những môn thể thao đòi hỏi phải nhảy nhiều như bóng rổ, bóng chuyền,  nếu bị nhiễm trùng hô hấp ho nhiều thì nên điều trị sớm, tránh hút thuốc lá… vì có thể khiến tình trạng thoát vị bẹn bị tái lại.
Dấu hiệu tái phát của thoát vị bẹn thường là cảm giác tức nặng ở vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Bìu này càng to thêm khi đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, nằm nghỉ khối phồng nhỏ lại hoặc mất hẳn.
Trường hợp thoát vị bẹn nghẹt sẽ có đau đột ngột, đau tức tăng dần cảm giác bị bó nghẹt và các dấu hiệu của tắc ruột như nôn mửa, đau bụng, bí trung đại tiện thì nên khám cấp cứu ngay em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường.

Thoát vị bẹn nghẹt khi vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc than đau (với trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ). Thường thì ghi nhận có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó ở trẻ, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi. Trong trường hợp này, nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể gây ra các biến chứng như hoại tử ruột nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X