Hotline 24/7
08983-08983

Điều dưỡng - Chăm sóc giảm nhẹ ung thư đang được đặc biệt quan tâm tại Việt Nam

Năm nay, phiên Điều dưỡng - Chăm sóc giảm nhẹ tại Hội thảo phòng chống ung thư hàng năm lần 21 được tổ chức tại TPHCM đã mang đến nhiều góc nhìn thú vị về ngành điều dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ tại Việt Nam, mở ra những hướng mới cho bệnh nhân ung thư.


Khách mời chăm chú theo dõi phần trình bày của các báo cáo viên và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia

Nhiều bài báo cáo chuyên đề ấn tượng, đào sâu vào những góc mới, thu hút các chuyên gia, đại biểu tham dự. Chủ tọa Hội thảo, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh cho biết: “Năm nay có rất nhiều bài báo cáo hay, cho thấy nhiều góc nhìn mới, đa chiều về lĩnh vực điều dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ”.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Chủ toạ phiên 1 Hội thảo Điều dưỡng - Chăm sóc giảm nhẹ

Tại Hội thảo, ThS Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn đã có bài báo cáo “Kiến thức liên quan đến công tác xã hội y tế của nhân viên y tế - một nghiên cứu định lượng tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM” nghiên cứu về vai trò, tầm quan trọng của việc “kết nối” công tác xã hội đối với nhân viên y tế (điều dưỡng, y tá, bác sĩ…).

Đánh giá về công tác xã hội tại các bệnh viện hiện nay, ThS Trương Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết: “Qua khảo sát, phòng CTXH tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM và các bệnh viện khác trên địa bàn đang làm tốt công việc hỗ trợ bệnh nhân nghèo như tìm kiếm các nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân, triển khai chương trình Bếp ăn từ thiện…

Bên cạnh đó, BHYT dành cho bệnh nhân nghèo cũng phần nào giúp đỡ được các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường nâng cao kiến thức cho nhân viên y tế về vấn đề công tác xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư.

ThS Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn đã mang đến góc nhìn mới về vai trò của công tác xã hội trong chăm sóc bệnh nhân

Bài báo cáo đã nhận được rất nhiều ý kiến tham luận từ các đại biểu. Bác sĩ Nhật - Bệnh viện Quân Y 175 nêu ý kiến: “Bệnh nhân ung thư cần được điều trị thực thể và tinh thần, công tác xã hội tốt góp phần tạo điều kiện để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Tại Việt Nam, truyền thống “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm nát, lá nát đùm lá te tua” cũng là một trong những minh chứng cho thấy những bệnh nhân có hoàn cảnh nghèo khó luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng. Đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội phát triển như ngày nay. Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn, thông qua công tác tuyên truyền, vận động trên mạng xã hội, đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và cảm thấy được sẻ chia”.

Bài báo cáo của ThS.CK2 Quách Thanh Khánh - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM với chủ đề “Kiểm soát đau đột xuất trong ung thư” cũng nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ các chuyên gia.

“Kiểm soát đau đột xuất trong ung thư giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, gần 50% bệnh nhân ung thư không được điều trị hiệu quả. Một trong những lý do đó là nước ta đang gặp một số rào cản trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư” - ThS.CK2 Quách Thanh Khánh nói. Bài báo cáo tập trung vào hướng dẫn, phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư theo thang điểm WHO đồng thời chia sẻ về các nhóm thuốc hỗ trợ trong điều trị.

ThS.CK2 Quách Thanh Khánh chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát đau và đau đột xuất trên bệnh nhân ung thư

Bên cạnh các báo cáo của các bác sĩ, thạc sĩ, cử nhân Việt Nam còn có các báo cáo tham luận của các chuyên gia nước ngoài như báo cáo “Đồng thuận về sự phát triển chăm sóc giảm nhẹ quốc tế” của GS Eric Lewis Krakauer - Mỹ; Báo cáo “Nghiên cứu về các bệnh nhân ung thư đầu cổ, ảnh hưởng đến giọng nói” của chuyên gia âm ngữ trị liệu Lauril Sachet - Mỹ.

GS Eric Lewis Krakauer - Mỹ chia sẻ rằng, việc chăm sóc bệnh nhân ung thư luôn được quan tâm, chú trọng. Trên thế giới, mô hình chăm sóc giảm nhẹ cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Các nhân viên y khoa và các bác sĩ sẽ được đào tạo kiến thức chăm sóc giảm nhẹ. Trong đó, các bác sĩ thường xuyên chăm sóc người bệnh phải được đào tạo cao hơn 70% để chăm sóc tốt nhất có thể cho người bệnh. Ngoài ra, GS Eric cũng giới thiệu những chương trình, chính sách hỗ trợ bệnh nhân đang được áp dụng trên thế giới hiện nay.

“Tổ chức Y tế thế giới xuất bản một cuốn sách hướng dẫn để các đồng nghiệp ứng dụng” - GS. Eric Lewis Krakauer cho biết thêm.

GS. Eric Lewis Krakauer - Mỹ giới thiệu các mô hình chăm sóc giảm nhẹ đang được áp dụng trên thế giới hiện nay trong bài nghiên cứu của mình

Báo cáo của “Nghiên cứu về các bệnh nhân ung thư đầu cổ, ảnh hưởng đến giọng nói” của chuyên gia âm ngữ trị liệu Lauril Sachet - Mỹ đã đưa ra kết luận mở về việc dựa vào những tình huống thực tế của bệnh nhân từ đó có những phương pháp chăm sóc bệnh nhân thích hợp nhằm khôi phục tốt nhất có thể chức năng nói, nuốt cho bệnh nhân điều trị ung thư.

Chuyên gia âm ngữ trị liệu Lauril Sachet đến từ Mỹ với bài báo cáo thú vị “Nghiên cứu về các bệnh nhân ung thư đầu cổ, ảnh hưởng đến giọng nói”

Tựu chung, các bài báo cáo tại Hội thảo năm nay đưa ra các vấn đề điều trị cho bệnh nhân rất phong phú. Trong đó phải kể đến vai trò của các bác sĩ, nhân viên y tế và công tác xã hội tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân cũng được quan tâm lưu ý.

Cũng tại Hội thảo, đại diện bệnh viên Ung Bướu TPHCM cho biết sẽ hợp tác phát triển với cô Lauril Sachet về âm ngữ trị liệu cho bệnh nhân; đại diện bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết sẽ triển khai chăm sóc giảm nhẹ tại 2 khoa Lao đa kháng thuốc và Lao HIV.

Chăm sóc giảm nhẹ là một hoạt động điều trị đặc biệt, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, những người đang phải đối mặt với bệnh tật. Chăm sóc giảm nhẹ giúp ngăn ngừa và làm giảm nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh thông qua việc xác định sớm, đánh giá chính xác và điều trị giảm đau, cùng các can thiệp khác liên quan đến thể chất, tâm lý, xã hội của người bệnh.

Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ áp dụng đối với bệnh ung thư giai đoạn cuối, mà còn nhiều bệnh lý khác như: suy cơ quan, lao kháng thuốc, bệnh mạn tính giai đoạn cuối, sơ sinh cực non, tuổi già. Trên thế giới hiện có 61 triệu bệnh nhân cần chăm sóc giảm nhẹ mỗi năm.

Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TP HCM lần thứ 21 quy tụ hơn 1500 đại biểu tham dự, đại biểu đến từ các tỉnh thành trên khắp cả nước tỉnh thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… các đơn vị y tế trong cả nước, các trường Đại học Y khoa, các công ty Dược và trang thiết bị y tế…

Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài với những báo cáo chuyên đề chuyên sâu, mang đến những cập nhật mới nhất về ung bướu như Mỹ, Úc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia… Đây là những bài báo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.

Đây là cơ hội để các đồng nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau nhìn lại, sẻ chia, đúc kết kinh nghiệm từ những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ y học và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu trong tương lai.


Mỹ Thi - Ảnh: Viết Hưởng - AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X