Hotline 24/7
08983-08983

Dị vật đường thở - Nguy hiểm khó lường (kỳ 2)

Dị vật đường thở là tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặt biệt ở trẻ em có nguy cơ bỏ quên dị vật, khó chẩn đoán.

(Tiếp theo kỳ 1)

Biến chứng nào có thể xảy ra?


Có rất nhiều biến chứng, tùy thuộc vào bản chất dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.

Nếu dị vật là chất hữu cơ, hạt trái cây, khi ngấm nước trương to ra, gây nhiễm trùng và ứ đọng xuất tiết, nguy hiểm hơn dị vật kim khí nhẵn, sạch.

Tuổi của bệnh nhân càng nhỏ càng nguy hiểm. Có khi dị vật được lấy ra khá nhanh chóng vẫn không cứu được vì bệnh nhi bị viêm phế quản-phổi cấp rất nặng.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì dễ lấy dị vật, ít biến chứng. Nếu đến muộn, đã có phản ứng viêm phù nề tổ chức, lấy dị vật khó hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Một số biến chứng hay gặp là: Tử vong do ngạt thở cấp, viêm phế quản, phế quản phế viêm; xẹp phổi, áp-xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp-xe vỡ vào màng phổi; tràn khí màng phổi, trung thất; giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày; sẹo hẹp thanh quản.

 
Một trường hợp mắc dị vật sống trong đường thở

Điều trị thế nào?

Dị vật đường thở là một cấp cứu nội – ngoại khoa, do đó việc tiến hành càng nhanh càng tốt, trong đó, sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trong trường hợp tối khẩn cấp, nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong.

Đối với dị vật là chất lỏng (sữa, bột…): nhanh chóng khai thông đường thở, nắm 2 cổ chân trẻ đưa lên cao, đầu hướng xuống dưới, tay kia vỗ mạnh lưng trẻ để trẻ khóc to lên.

Đối với dị vật không phải chất lỏng: tùy theo độ tuổi của bệnh nhân mà tiến hành làm nghiệm pháp Hemlich ở các tư thế khác nhau.

Với trẻ < 1 tuổi, cấp cứu đầu tiên là nên thổi ngược lại vì nếu làm nghiệm pháp Hemlich có thể gây ra chấn thương bụng.

Với trẻ > 1 tuổi thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở tư thế nằm.

Với trẻ lớn hoặc người lớn, thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở 3 tư thế đứng, ngồi, hoặc nằm.




Hemlich tư thế nằm: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau đè ngay vùng thượng vị, rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn.

 

Hemlich ngồi hoặc đứng: người cứu nạn đứng sau lưng nạn nhân, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng nạn nhân dựa vào ngực người cứu nạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị nạn nhân từng đợt (ép 4-5 cái 1 lần).

Nếu nghiệm pháp Hemlich 3 lần không thành công, lập tức hô hấp nhân tạo ngay với hy vọng đẩy dị vật xuống để đường thở phần nào được lưu thông.

Chọc kim qua màng nhẫn giáp hoặc mở khí quản cấp cứu một thì, nếu các biện pháp trên không kết quả. Tuy nhiên, điều này chỉ được tiến hành ở cơ sở y tế hoặc do người có kinh nghiệm.

Nếu dị vật không có nguy cơ gây tử vong mà chỉ làm bệnh nhân khò khè, khó thở cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời nội soi thanh – khí – phế quản.

Dự phòng

Trẻ em: không để các vật dụng, đồ chơi, nhất là loại có kích thước nhỏ gần trẻ khi không có người lớn bên cạnh. Cẩn thận trong việc ăn uống của trẻ, không được bịt mũi để ép trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn trong khi đang ngủ, không cho trẻ ăn các loại thức ăn có hạt dễ hóc như mãng cầu (na), lạc, quất, hạt bí, hạt dưa… Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, mắng trẻ vì sẽ làm trẻ giật mình, càng dễ bị hóc.

 
Người lớn: tránh các thói quen không tốt như ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa…

Hướng dẫn rộng rãi cho cộng đồng cách làm nghiệm pháp Hemlich, khai thông đường hô hấp khi bị dị vật dường thở.

Nhanh chóng chuyển bệnh nhân bị dị vật đường thở, đường ăn đến bệnh viện, không chủ quan điều trị theo kinh nghiệm dân gian.

 

Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X