Hotline 24/7
08983-08983

Đi khám hoặc ghé thăm bệnh viện, liệu vi khuẩn có bám theo bạn về nhà?

Mỗi lần có việc phải vào viện khám bệnh hay chăm sóc người thân, mọi người luôn tự hỏi loại vi khuẩn nào đang trôi nổi trong không khí, và liệu chúng có bám vào người mình hay không.

Nỗi sợ hãi vô hình này, bây giờ, đã được một nghiên cứu làm sáng tỏ. Theo đó, các nhà khoa học khẳng định dù muốn hay không, bạn cũng sẽ nhiễm vào người một vài loại vi khuẩn khi tới bệnh viện. Nhưng ngược lại, mỗi người ghé thăm cũng sẽ để lại đó một số vi khuẩn sống trên cơ thể mình.

Sự trao đổi hai chiều này khiến bệnh viện lúc nào cũng ngập tràn vi khuẩn, trong đó có cả các vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm.

Các nhà khoa học đang lập bản đồ thế giới các vi sinh vật "vô hình" trong bệnh viện

Các nhà nghiên cứu đã “đột nhập” vào thế giới của những con vi khuẩn, bên trong một bệnh viện mới xây dựng ở Chicago. Họ chọn hai thời điểm để nghiên cứu: trước khi bệnh viện mở cửa 2 tháng và sau đó đúng 1 năm.

Mọi ngóc ngách nơi vi khuẩn có thể trú ngụ đều bị lục tung lên, cho dù đó là sàn nhà, giường ngủ, điện thoại, hay là bên trong mũi, trên tay và dưới nách những bệnh nhân.

Kết quả chỉ ra rằng thế giới của những con vi khuẩn đã chuyển mình nhanh chóng ngay sau khi bệnh viện đón tiếp bệnh nhân và đi vào hoạt động. Những bệnh nhân đầu tiên đến với bệnh viện sẽ vô tình thu nạp vi khuẩn đã có sẵn trong các căn phòng. Nhưng sau đó, vi khuẩn trên chính cơ thể họ sẽ lan trở lại môi trường bệnh viện.

Quá trình trao đổi vi khuẩn diễn ra mạnh hơn vào mùa hè. Và chỉ sau vài tháng bệnh viện mở cửa, các vi khuẩn độc hại bao gồm những chủng kháng kháng sinh bắt đầu được phát hiện.

Báo cáo nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine, miêu tả rõ thế giới của những vi sinh vật phát triển ra sao bên trong các bệnh viện. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ xây dựng được những quy trình hoạt động tốt hơn, giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo cho các bác sĩ, bệnh nhân hay bất kể ai khác, những người phải bước chân vào bệnh viện.

Cơ thể bạn là một ngôi nhà cho hàng tỷ cá thể vi khuẩn, virus và nấm

Cơ thể bạn là một ngôi nhà cho hàng tỷ cá thể vi khuẩn, virus và nấm - được gọi chung là hệ vi sinh vật (microbiome) người. Chúng sống trên da và cả bên trong cơ thể bạn. Bất kể một địa điểm tạo được môi trường nào, chẳng hạn như văn phòng hay bệnh viện, cũng đều có hệ vi sinh vật “bản địa” riêng.

Cho dù muốn hay không, mỗi khi ghé thăm một địa điểm mới, bạn sẽ thu nạp một lượng vi khuẩn ở đó và để lại một lượng vi khuẩn của mình. Sự trao đổi này ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, các nhà khoa học bây giờ mới bắt đầu tìm hiểu điều đó.

Trước đây, đã từng có nghiên cứu xem xét môi trường vi sinh vật ở văn phòng cũng như trong nhà. Nhưng giáo sư Jack Gilbert, một nhà vi sinh thái học tại Đại học Chicago, đặt sự chú ý đến môi trường nhạy cảm hơn: bên trong các bệnh viện.

Anh bắt được một cơ hội tuyệt vời để thực hiện nghiên cứu này. Đại học Chicago đang xây dựng một bệnh viện mới, và nhóm nghiên cứu của anh có đủ thời gian để phân tích các vi sinh vật ở hai thời điểm: trước và sau khi các bệnh nhân có mặt.

Chúng tôi đã rất may mắn”, Gilbert nói. Đó là khoảng tháng 1 năm 2013, nhóm nghiên cứu của anh bắt đầu thu thập mẫu vi sinh vật trên từng khu sàn, bề mặt làm việc, chuột máy tính và điện thoại.

Bệnh viện được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 2 năm 2013, Gilbert vẫn tiếp tục thu thập mẫu đều đặn suốt 10 tháng. Anh quệt những tăm bông trên sàn nhà, giường ngủ, tay, mũi và nách của mọi người trong bệnh viện.

Tổng cộng 6.523 mẫu được thu thập, trong 10 phòng bệnh và hai phòng y tá của hai tầng lầu. Độ ẩm, nhiệt độ và tốc độ thông gió ở mỗi địa điểm đều được ghi lại tỉ mỉ. “Chúng tôi có thể dựng lại một bản đồ chi tiết về môi trường bên trong bệnh viện mới này”, Gilbert nói.

Tổng cộng 6.523 mẫu được thu thập, trong 10 phòng bệnh và hai phòng y tá của hai tầng lầu

Trong vòng chưa đầy 1 ngày kể từ khi bệnh viện mở cửa, hệ vi sinh vật bên trong đó đã thay đổi đáng kể. Trước thời điểm bệnh nhân có mặt, bệnh viện chỉ toàn những vi khuẩn “cứng cỏi”. Chúng phải bám trụ trong một môi trường được vệ sinh sạch sẽ.

Nhưng sau đó, bệnh nhân đến và những loài vi khuẩn sống trên da người bắt đầu xâm chiếm mọi nơi. Có những loại vi khuẩn vô hại như Staphylococcus epidermidis, nhưng cũng có cả những loài như Staphylococcus aureus, gây ngộ độc thực phẩm.

Con người phát tán vào môi trường bệnh viện rất nhiều vi khuẩn”, Gilbert nói. “Khi các bệnh nhân bắt đầu tới, gần như họ kéo theo cả một cơn lũ vi sinh vật”.

Thế nhưng, quá trình trao đổi cũng diễn ra theo cả hai chiều. Bệnh nhân để lại vi khuẩn của mình thì bệnh viện cũng nhiễm ngược lại cho họ các vi khuẩn cũ. Các nhà nghiên cứu tìm thấy các vi sinh vật bị bỏ lại của một bệnh nhân, sau đó lại xuất hiện trong mũi và trên da của bệnh nhân mới – mặc cho phòng bệnh đã được dọn dẹp giữa các đợt bệnh nhân khác nhau.

Loại lây nhiễm chéo này không có gì lạ. Nhưng trước đây, chúng ta chỉ biết về nó chứ chưa đo lường và theo dõi được. Nghiên cứu mới của giáo sư Gilbert đã đưa ra bằng chứng cho những nhận định sơ lược nhất nhưng vô cùng hữu ích. Chẳng hạn như sự trao đổi vi khuẩn sẽ diễn ra mạnh hơn trong mùa hè, lí do có thể từ độ ẩm lớn.

Một điều khá ngạc nhiên, đó là hệ vi sinh vật trên da của tất cả các bệnh nhân đều có độ đa dạng như nhau, cho dù họ có là bệnh nhân ung thư, đang hồi phục sau phẫu thuật hoặc mắc bệnh nhiễm khuẩn phải sử dụng kháng sinh.

Ngoài ra, vào tháng thứ 10, tháng cuối cùng của nghiên cứu, các nhà khoa học bắt đầu phát hiện các chủng siêu vi khuẩn mang gen kháng kháng sinh. Đó có thể là hệ quả của việc bệnh viện thường xuyên được lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn, và một lý do nữa là từ các bệnh nhân đang dùng thuốc kháng sinh.

Các vi sinh vật đã có đủ thời gian để tiến hóa và thích nghi với môi trường chứa đầy các chất hóa học mà con người dùng để tiêu diệt chúng, giáo sư Gilbert cho biết.

Mô hình các mẫu vi khuẩn thu thập trên sàn bệnh viện trước khi mở cửa (màu xanh) và sau khi đón tiếp bệnh nhân (màu đỏ)

Nghiên cứu của giáo sư Gilbert mới chỉ dừng lại ở mức độ quan trắc. Có nghĩa là kết luận của nó chỉ phản ánh thực trạng, chứ chưa rút ra được những mối liên hệ sâu sắc, ví dụ, giữa vi khuẩn người bệnh bị nhiễm từ môi trường và sức khỏe của họ.

Tương tự, các vi khuẩn mang gen kháng kháng sinh được tìm thấy, nhưng việc chúng có gây hại hay không, và hại đến đâu vẫn là điều chưa thể biết chắc.

Nhưng nghiên cứu quan trắc cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. James Meadow, một nhà khoa học dữ liệu đã dành 10 năm nghiên cứu các vi sinh vật cho biết:

Tôi thực sự thích những nghiên cứu khoa học như thế này. Trước đây, chúng ta chỉ có thể đưa ra lời phỏng đoán. Tôi chắc chắn chúng ta rũ vi khuẩn từ cơ thể mình ra môi trường xung quanh và tôi chắc chắn rằng chúng ta cũng nhiễm ngược vi khuẩn từ môi trường trở lại cơ thể. Nhưng việc nhảy vào và tìm kiếm bằng chứng thực tế sẽ đảo bảo phỏng đoán của chúng ta trước đây là đúng”.

Trong tương lai, nghiên cứu của Gilbert có thể được sử dụng để thiết kế lên các bệnh viện và quy trình khám chữa bệnh tốt hơn, nơi rủi ro liên quan đến nhiễm vi sinh vật được giảm tải. Trên thực tế, tính riêng trong năm 2014 tại Mỹ có khoảng 722.000 người bị nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, khoảng 75.000 bệnh nhân trong số đó tử vong.

Càng nhiều hơn các nghiên cứu đi sâu vào tìm hiểu thế giới của các vi sinh vật đang sống trong bệnh viện, chúng ta sẽ càng có cơ hội tìm ra giải pháp, Meadow cho biết.

Theo ZKnight - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X