Hotline 24/7
08983-08983

Để mãn kinh không còn là nỗi khiếp sợ của chị em

Đến tuổi mãn kinh, cơ thể lên tiếng với những thay đổi tâm sinh lý ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng kéo theo vô số hệ lụy khó lường. Sức Khỏe Gia Đình đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) về vấn đề này.

Xin ông cho biết, phụ nữ tuổi mãn kinh hay gặp phải những rối loạn tâm lý như thế nào?

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần một ở tuổi dậy thì) biểu hiện qua việc ngừng hành kinh mỗi tháng, đồng nghĩa với chấm dứt khả năng sinh sản ở nữ giới.

Những thay đổi của cơ thể như âm đạo khô do các tuyến sinh dục giảm tiết dịch, mụn trứng cá xuất hiện, tóc rụng và khô, không còn óng mượt như trước; da khô, xuất hiện các vết nhám, nhăn nheo; tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói ồ ồ hoặc chua không còn trong trẻo như trước, nhiều người mắc chứng đi tiểu nhiều lần, tiểu khó. Ham muốn tình dục giảm, thậm chí một số người không còn nhu cầu ân ái vợ chồng.

Những cơn bốc hỏa như nóng bừng ở mặt, ngực, lưng, cổ, đổ mồ hôi nhiều về đêm xuất hiện và ngày một nhiều hơn làm cho cơ thể người phụ nữ luôn thấy khó chịu, hay lo lắng, dễ kích động, cáu gắt, giận hờn, thường kiếm cớ gây sự với người khác hoặc buồn rầu, khóc lóc, đau khổ kèm theo chứng mất ngủ.

Họ không thể điều chỉnh được hành vi của bản thân, không làm chủ được mình nên hành động có thể hoàn toàn theo bản năng.

Đến tuổi mãn kinh, nhiều chị em phụ nữ luôn trong trạng thái lo sợ mình già, chồng không còn say mê, yêu thương mình như trước nên sẽ tìm kiếm người phụ nữ khác để thay thế. Họ cho rằng đời phụ nữ như vậy không còn giá trị, ý nghĩa gì nữa.

Cuộc sống của người phụ nữ khi đó gặp phải những khó khăn gì về mặt tâm lý, thưa ông?

Người phụ nữ lúc này có tâm lý luôn muốn làm chủ gia đình, quản lý các mối quan hệ của chồng con cũng như can thiệp vào đời sống vợ chồng của các con.

Họ nghi ngờ con cái khi cho rằng chúng trưởng thành, đã tìm được hạnh phúc riêng cho mình với người bạn đời/người yêu nên không còn cần mình, không muốn quan tâm, chia sẻ cùng mẹ. Chính những điều này là nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý mẹ chồng ghét con dâu, bắt con trai phải làm theo ý mình cho dù điều đó không hợp lý.

Phụ nữ tuổi mãn kinh mắc bệnh “chê chồng, khoe con” với tất cả những nhược điểm. Họ không phải muốn nói xấu hay chê bai chồng con mà trong thâm tâm ý định nói ra với mong muốn chồng con sẽ quan tâm, chia sẻ với mình nhiều hơn để bản thân không còn cảm thấy cô đơn, lãnh lẽo. Tuy nhiên, điều này mang tác dụng ngược lại.

Những người chồng/con khi nghe vợ/mẹ nói quá nhiều, trì triết hoặc nặng hơn nữa là năng mạ họ sẽ cảm thấy nhục nhã và xem đó là bạo hành tinh thần khiến người ta không thể chịu nổi, buộc phải tìm giải pháp cho mình là lẩn trốn.

Chồng/con xa lánh sẽ càng làm cho những rối loạn tâm lý của phụ nữ mãn kinh thêm trầm trọng. Nỗi cô đơn bủa vậy họ với sự nghi ngờ mọi người xung quanh, cho rằng không ai tốt với mình. Họ buồn bực nhiều hơn và cho rằng những hy sinh của bản thân cho chồng con trước giờ là hoàn toàn vô ích.

Do vậy, mối quan hệ chồng-vợ, mẹ-con có những vết rạn nứt, hạnh phúc gia đình dễ có nguy cơ đưa đến bờ vực thẳm. Sức khỏe của người phụ nữ cũng suy giảm nghiêm trọng. Nhiều người mắc bệnh trầm cảm và có hành vi tự sát.

Theo ông, những người thân nên làm gì để giúp họ vượt qua thời kỳ khủng hoảng này?

Những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Á đông, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam (cần cù, chịu thương chịu khó, giàu lòng nhân ái, vị tha,…) làm chồng/con luôn hạnh phúc.

Giai đoạn này, họ rất cần sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ của những người thân bên mình; đặc biệt là người chồng, con.

Những lời nói dịu dàng, những hành động âu yếm nhẹ nhàng, vỗ về sẽ là liều thuốc tinh thần quý giá cho bạn đời của bạn. Họ sẽ cảm thấy giá trị của mình với chồng con và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống để luôn yêu đời, tươi trẻ.

Những người chồng/con có vợ/mẹ ở tuổi này nên tìm hiểu những thông tin liên quan đến mãn kinh để có kiến thức và cách ứng xử sao cho linh hoạt nhất với người phụ nữ của mình. Đừng nghĩ rằng vợ-người đàn bà của mình đến tuổi đó là chấm hết.

Học cách trò chuyện, lắng nghe, thông cảm, tế nhị, biết kiềm chế, tha thứ và vui vẻ để không khí gia đình không còn căng thẳng. Khi người phụ nữ không còn những rối loạn tâm lý đe dọa họ thì họ sẽ lại trở về với con người thực sự của mình-luôn yêu chồng và thương con hết mực. Hãy luôn ghi nhớ, với người phụ nữ, chồng con luôn là bến đỗ bình yên của họ.

Xin ông cho biết thêm, bên cạnh sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình thì bản thân người phụ nữ cần làm gì để mãn kinh không còn là nỗi kinh hoàng cho họ?

Bác sỹ trước hết phải là chính mình. Người phụ nữ tuổi mãn kinh có thể vượt qua những rối loạn tâm lý kèm theo sức khỏe giảm sút bằng cách tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về tiền mãn kinh và mãn kinh. Luôn biết chăm sóc bản thân, biết mình cần gì, gặp khó khăn gì để trao đổi và nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.

Họ nên có thái độ lạc quan, giữ cho tinh thần thư thái, ổn định. Có thể quan sát và đánh giá mọi việc một cách đơn giản, nhẹ nhàng để kiểm soát những thay đổi tâm sinh lý của bản thân.

Cần có suy nghĩ tích cực, con cái đến tuổi trưởng thành có quyền tự quyết, xây dựng cuộc sống riêng cho mình.

Do vậy, không nên bắt con làm theo ý mình bởi mình đã là người của thế hệ trước; xã hội luôn vận động và biến đổi, rất nhiều điều trước đây được xem là hợp lý nhưng bây giờ chưa chắc đã đúng. Đòi kiểm soát cuộc sống của các con sẽ khiến cả hai bên cùng cảm thấy ngột ngạt, không thể chịu nổi dẫn đến bất hòa liên tiếp bất hòa.

Để có thể bước qua tuổi mãn kinh một cách nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Bạn nên chuẩn bị ngay khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh bằng cách ăn uống đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau củ quả và bổ sung calci cho cơ thể.

Bản thân người phụ nữ cũng cần có cuộc sống lành mạnh bằng cách thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai cho cơ thể. Có thể tham gia các câu lạc bộ (CLB), hội quán như CLB thơ, văn xuôi, múa hát, cây cảnh… để tìm được những thú vui cho mình và hòa đồng hơn với mọi người.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi bổ ích này!

Theo Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X