Hotline 24/7
08983-08983

Đau nửa đầu có cần chụp MRI?

BS Lan Hương giải đáp câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về: đau nửa đầu có cần chụp MRI, mụt nhọt ở mông, nổi mẩn đỏ kèm giảm tiểu cầu, mặt và cổ đỏ bất thường...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Lan Nhung - Vũng Tàu

Em đã đi chích vắcxin viêm gan B lần 2 và em thường hay bị đau bụng âm ỉ. Cách đây vài năm trước em đã đi nội soi dạ dày một lần rồi em rất sợ nội soi.

BS cho em hỏi xét nghiêm phân, nước tiểu, máu có biết được các bệnh về đại tràng, dạ dày, đường ruột không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Nhung,

Triệu chứng đau bụng âm ỉ có thể gặp trong bệnh lý của ống tiêu hóa trên (dạ dày, tá tràng), ống tiêu hóa dưới (ruột non, đại trực tràng), hội chứng ruột kích thích, nhiễm ký sinh trùng, bệnh phụ khoa...

Các xét nghiệm mà em liệt kê (phân, nước tiểu, máu) là cần thiết nên làm để tầm soát bệnh, nhưng chỉ mang tính hỗ trợ, không thể biết được tất cả thông tin về bệnh đại trực tràng.

Cho đến nay, nội soi đại trực tràng là phương pháp ít tiền, ít biến chứng và hữu ích để quan sát lòng đại tràng, thực hiện được thủ thuật (như sinh thiết), và điều trị (cắt đốt qua nội soi), nếu khó chịu có thể làm với gây mê nhẹ.

Tùy từng bệnh lý khác nhau mà vai trò của nội soi đại trực tràng có giá trị khác nhau, có trường hợp không nhất thiết phải nội soi, nhưng có trường hợp bắt buộc phải nội soi đại trực tràng để chẩn đoán và điều trị bệnh (ví dụ như polyp, ung thư đại trực tràng...).


- Huynh Thai Phu - Tan Binh

Thưa BS, em bị mụt nhọt ở mông đã 4 tháng nay rồi. Vậy BS cho hỏi làm cách nào cho hết, em có cần đến BV để trị không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu nhọt mông tụ mủ lớn trên 1 cm và chảy mủ rỉ rả liên tục thì đã là ổ áp xe. Trong trường hợp này, em cần đến khám chuyên khoa da liễu sớm hoặc chuyên khoa ngoại tổng quát, hay có thể đến cơ sở y tế đa khoa gần nhà, để BS kiểm tra mức độ viêm nhiễm và điều trị thích hợp, như nặn sạch mủ, nạo lòng nếu sâu, đặt dẫn lưu nếu ổ áp xe lớn, thêm thuốc kháng sinh kháng viêm khi cần...

Em không nên tự giải quyết tại nhà có thể làm ổ viêm nặng hơn, lan rộng.

Ngoài ra, em cần mặc đồ thoáng mát, tránh quần bó chặt, dùng loại vải thoáng, thấm nước, tắm rửa vệ sinh mỗi ngày, nếu mồ hôi đổ nhiều chảy xuống mông thì cần thiết phải thay quần 2 lần/ngày, xem lại vệ sinh quần áo có sạch không, và cũng không nên ngồi lâu 1 chỗ, uống đủ nước và ăn đồ mát.


- Bích Tâm - TPHCM

Em có 1 thắc mắc rất cần mọi người giải đáp giúp ạ. Lúc sinh ra thì bàn tay em bình thường không có vấn đề gì nhưng mà đột nhiên từ năm lớp 4 đến nay (lớp 9) ngón trỏ, ngón nhẫn và ngón út của bàn tay phải bị cong. Chỉ có bàn tay phải thôi ạ, tay trái vẫn bình thường.

Em chưa từng bị tai nạn hay chấn thương nào hết. Không biết là em có bị mắc bệnh gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bích Tâm thân mến,

Triệu chứng ngón tay bị cong không do chấn thương có thể gặp trong nhiều nguyên nhân khác nhau, như co rút gân cơ, do chèn ép thần kinh, do rối loạn điện giải và thiếu vitamin, khoáng chất (hay gặp ở người uống rượu bia nhiều), do viêm khớp, do viêm hẹp bao gân gấp (ngón tay bật hay ngón tay cò súng, khi cố gắng duỗi thẳng ngón tay thì nó sẽ bị kẹt và trước khi duỗi thẳng sẽ cảm giác nghe tiếng “bật”).

Tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hoặc cơ xương khớp để BS xem xét, đánh giá và chụp Xquang khớp bàn ngón, từ đó sẽ xác định được bệnh và điều trị thích hợp sớm, càng để lâu càng khó chữa, em nhé.


- Vũ Tiến - coyen…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Năm nay em 25 tuổi ngực của em bên tay thuận thì to ra trông thấy còn bên tay trái thì rất bình thường. BS cho em hỏi em bị vậy là sao ạ? Em rất mong BS sẽ tư vấn cho em để em khắc phục ạ. Em cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Tiến,

Bình thường các cơ quan “có cặp, có đôi” trên cơ thể đều không cân xứng 100%, tùy bên nào sử dụng nhiều thì khối cơ bên đó sẽ phát triển hơn bên đó. Nếu em thuận tay phải và sử dụng mọi thứ chủ yếu bằng tay phải thì việc tay thuận to hơn tay trái cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, nếu sự mất cân đối này quá rõ thì coi chừng là có bệnh. Tôi không khám trực tiếp cho em nên không thể kết luận được em có bệnh hay không. Em nên khám chuyên khoa Cơ xương khớp hay BV Chấn thương chỉnh hình để được kiểm tra và điều trị sớm nếu có bệnh.


- Hà Na - Quảng Trị

Chào BS,

Cho em hỏi năm nay em 23 tuổi, dạo gần đây em hay bị nặng ngực, khó thở hít sâu thở dài, như vậy là bị gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Những biểu hiện trên báo hiệu sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa đủ để chỉ điểm ra bệnh gì, vì có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như thiếu máu, huyết áp thấp, căng thẳng lo âu nhiều, viêm nhiễm, cảm mùa, thiếu chất, bệnh lý tim mạch (có bệnh cơ tim, van tim, động mạch vành...), hô hấp, thần kinh cơ, tâm lý, bệnh lý nội tiết tố...

Do vậy, BS phải khám trực tiếp cho em và có thể cần một số xét nghiệm hỗ trợ mới chẩn đoán được nguyên nhân. Em cần đến BV để kiểm tra sức khỏe, có thể đăng ký khám tổng quát, hay chuyên khoa tim mạch đều được.

Song song đó, em nên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá và bổ sung thêm một số vi khoáng chất cho cơ như canxi, magie, kẽm, kali, vitamin nhóm B.


- Thùy Dung - Bình Phước

Chào BS,

Em bị nổi mẩn đỏ hết người và ngứa hôm qua em có đi xét nghiệm máu thì bị giảm tiểu cầu, như vậy có nguy hiểm không và có phải em bị sốt siêu vi không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Dung thân mến,

Biểu hiện sốt cấp tính vài ngày rồi nổi ban là thường gặp trong sốt siêu vi (bao gồm cả sốt xuất huyết, sốt phát ban...)

Trước hết cần xác định ban này có phải ban xuất huyết (đè không mất) trong sốt xuất huyết không. Nếu không chắc thì cần đưa người bệnh đến BV để kiểm tra, làm xét nghiệm máu để loại trừ sốt xuất huyết.

Nếu không phải sốt xuất huyết thì đây là sốt phát ban bình thường, không cần làm gì ban cũng sẽ tự mất đi theo kiểu cuốn chiếu (lúc đầu xuất hiện ở mặt lan dần xuống tay chân thì khi mất đi cũng vậy).

Em cần ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, nước mát như mía lau, rong biển, hoa cúc...ăn trái cây có nhiều vitamin C, hạn chế thực phẩm chua cay nhiều gia vị, không bia rượu, không thuốc lá, vẫn có thể tắm rửa vệ sinh thân thể mỗi ngày nhưng tắm nhanh, ở nơi kín gió, với nước ấm vừa phải, bệnh sẽ chóng khỏi trong vòng 5-7 ngày.

Nếu em ăn kém thì có thể dùng nước súp, sữa.

Cần đến khám trung tâm y tế nếu có một trong các biểu hiện sau:

- Sốt cao không hạ hoặc co giật.

- Ngủ nhiều li bì, khó đánh thức.

- Nôn ói nhiều, không ăn uống được.

- Tiêu ra máu.

- Thở mệt, tím tái

- Xuất hiện những chấm xuất huyết ở da, toàn thân.

Sốt phát ban là bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, do vậy em nên hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, Luôn mang khẩu trang khi chăm sóc người bệnh và Đảm bảo vệ sinh ăn uống, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ là cách phòng bệnh tốt nhất.


- Bích Sâm - bichsam…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 32 tuổi em hay bị đau nửa đầu. Em bị đau nửa đầu cũng gần 2 năm nay rồi đi chụp CT thì BS nói không có gì. Em muốn hỏi là em bị như vậy có đi chụp MRI được không? Và hết đau nửa đầu mới đi hay là trong thời gian còn đau thì đi ạ? Em ở Vũng Tàu.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Bích Sâm,

Những triệu chứng đau nửa đầu ở độ tuổi của em có thể do bệnh đau nửa đầu Migraine, do căng thẳng quá mức, thiếu máu và thiếu dưỡng chất, bệnh lý ở mắt kích thích gây đau đầu... Bệnh migraine là bệnh gây đau một bên đầu từng cơn.

Đặc điểm của bệnh là đau một nửa đầu, người bệnh có cảm giác trong đầu như có sợi dây giật giật theo nhịp mạch đập. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia. Cơn đau thay đổi cường độ từ nhẹ đau thoáng qua đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày.

Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, nói khó, tê buốt da đầu. Cơn đau sẽ nặng lên khi người bệnh di chuyển, chạy nhảy, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế đầu. Sau cơn đau đầu người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ.

Bệnh migraine là bệnh chưa rõ căn nguyên, rất thường gặp, nếu điều trị đúng sẽ đáp ứng rất tốt và còn có thể điều trị dự phòng.

Trước hết, em nên khám chuyên khoa nội thần kinh, xem có bệnh lý nào tiềm ẩn gây ra các bất thường kể trên không để điều trị thích hợp sớm. Em đã chụp CTscan sọ não bình thường thì hiện giờ chưa cần thiết chụp MRI.

Đồng thời, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, ăn uống tẩm bổ, có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ tuần hoàn não, vitamin và khoáng chất.


- Hồng Vân - Q. Thủ Đức

Chào BS,

Em đi khám sức khỏe xin việc và công ty có yêu cầu khám HAV IgA, IgM. Kết quả xét nghiệm của em là: ANTI HAV total (siemens) POS >100 (<20mIU/mL) Anti HAV IgM NEG 0.12 (S/CO < 0.8, GZ: 0.8-1.2)

BS cho em hỏi với kết quả này thì em có bị bệnh gì? Có nghiêm trọng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hồng Vân,

Kết quả xét nghiệm trên cho thấy em đã từng nhiễm viêm gan siêu vi A, hiện đã qua đợt cấp của bệnh. Viêm gan siêu vi A là một dạng viêm nhiễm cấp tính của gan do virus viêm gan A (HAV), vốn lây truyền phổ biến qua thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm.

Khi xâm nhập vào cơ thể người khoảng 2- 4 tuần, HAV có thể gây bệnh viêm gan siêu vi A cấp, kéo dài không quá 6 tháng, thường diễn tiến lành tính, tự giới hạn rồi khỏi bệnh. Do đó bệnh ở giai đoạn này không còn nguy hiểm và cũng không để di chứng gì cho gan.


- Đào Thế Thái - daothe…@gmail.com

Chào BS,

Năm nay tôi 42 tuổi, khoảng 2 tháng trở lại đây, mặt và vùng cổ của tôi đỏ như người uống rượu, cảm giác không ngứa. Xin BS cho biết bệnh gì và cách điều trị?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào anh Thái,

Hiện tượng đỏ da vùng mặt, cổ kéo dài 2 tháng có thể do nhiều nguyên nhân, như tăng sắc tố và giãn mạch do ánh nắng, do thuốc (đặc biệt là các thuốc có corticoid), do mỹ phẩm, bệnh lupus ban đỏ, bệnh gan...

Do vậy, anh cần đến khám tại chuyên khoa da liễu để BS thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra, xác định nguyên nhân từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp.


- Thanh Tâm - TP. Quy Nhơn

Dạ thưa BS,

Hôm trước con có xét nghiệm máu và kết quả là nhiễm giun lươn. Vậy điều trị thuốc như thế nào và bao lâu thì khỏi bệnh hẳn ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thanh Tâm,

Bệnh giun lươn là do nhiễm giun lươn Strongyloides stercoralis (2 - 2, 5 x 30 - 50 mm). Các triệu chứng chính của bệnh là do sự ký sinh của giun trưởng thành, chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng, hoặc do ấu trùng di trú qua phổi và các tổ chức dưới da. Có tới 30% số người nhiễm bệnh không có triệu chứng.

Thời gian từ khi ấu trùng dạng sợi xâm nhập qua da cho đến khi ấu trùng xuất hiện trong phân là 3 - 4 tuần. Một hội chứng cấp đôi khi được nhận biết, khi các triệu chứng ngoài da, thường ở chân, được nối tiếp bằng các triệu chứng phổi và sau đó là các triệu chứng đường ruột.

Tuy nhiên, bệnh nhân thường có các biểu hiện mạn tính (kéo dài hoặc tái phát từng đợt) tồn tại hàng năm hoặc suốt đời. Do giun lươn có thể sinh sản trong cơ thể người, điều trị cần được tiếp tục cho đến khi giun bị loại trừ hết.

BS không được phép kê thuốc qua kênh truyền thông, đây là luật. Em nên đem kết quả xét nghiệm đến gặp BS chuyên khoa tiêu hóa để được kê thuốc điều trị và lịch theo dõi bệnh thích hợp.


- Minh Sự - Bến xe An Sương

BS cho con hỏi,

Lúc trước tay con có bị gãy nhưng không đi bó bột mà đi bó lá. Giờ lâu lâu nó nhức và rân rân nên con muốn đi bó bột lại có được không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó nên ở chỗ gãy xương lâu lâu cũng nhói đau nhẹ khi vận động nhiều hay trời trở lạnh, ngay cả khi xương đã lành.

Tuy nhiên, vì lần gãy xương trước em không cố định bằng bó bột mà chỉ bó lá, có khả năng chỗ gãy lành xương xấu, gây hạn chế vận động, gây tật, gây đau.

Với tình trạng này, em cần khám lại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, sau khi thăm khám + chụp phim Xquang kiểm tra, tùy tình hình mà BS sẽ có hướng xử trí thích hợp cho em.


- Hùng Ngô - ngophi…@gmail.com

Chào BS,

Cháu đi đá bóng ngã chống tay xuống, đi khám bị bong gân ảnh hưởng phần mềm, cháu đã nẹp lại cách đây 20 ngày, đến nay vẫn chưa khỏi. Bây giờ cháu không còn đeo dây ở cổ mà buông xuống nhưng vẫn còn nẹp.

BS có thể tư vấn giúp cháu bao giờ khỏi không ạ? Cháu xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Em Hùng thân mến,

Tôi chưa hiểu rõ cụm từ “đến nay vẫn chưa khỏi” của em cụ thể là như thế nào, là do BS chẩn đoán em bị bong gân và khi tái khám BS nói chưa khỏi, hay là em còn đau nhiều, nghĩ là chưa khỏi nhưng lại chưa tái khám kiểm tra?

Nếu như em chưa đến BV chấn thương chỉnh hình để kiểm tra, thì nay em nên đi đến đó, bởi vì BS cần phải chụp phim Xquang, thăm khám để xác định xem em có bị gãy/ nứt xương không, có trật khớp không, khớp nắn đúng ổ khớp chưa, có bị tổn thương dây chằng gân cơ không... từ đó sẽ có hướng xử trí thích hợp.

Hiện tại, em nên tiếp tục nẹp tay, hạn chế cử động tay bị đau, không đưa tay cao quá đầu hay vung tay mạnh.

Thân mến,

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X