Hotline 24/7
08983-08983

Dạ dày căng, mệt mỏi, nặng ngực... do tác dụng phụ của thuốc điều trị lao vú?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em bị lao vú, điều trị và phát thuốc ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Em đang uống với 3 loại thuốc, gồm: Ethambutol 3 viên, Turbe 3 viên, Assolox 1.5 viên. Chỉ số men gan GGT 114, còn lại những chỉ số khác là bình thường. Em cũng đang uống thuốc hỗ trợ gan Bar, Fumagate, Debomin, sủi Scurma Fizy. Em uống thuốc đã 1 tháng, lúc 6h sáng và ăn sáng lúc 7h. Dạ dày không đau, nhưng không có cảm giác đói; khi ăn một chút xíu thức ăn vào là cảm giác nặng, dạ dày căng đầy, mệt, nặng ngực, khó thở; đi đứng nặng nhọc, suốt ngày khó chịu như vậy; khớp gối và bàn chân đau khi di chuyển. Bác sĩ cho em hỏi đây có phải là tác dụng phụ của thuốc không, nếu phải thì triệu chứng đó bao lâu sẽ khỏi? Em cảm ơn bác sĩ.

Trả lời
Bệnh lao vú. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh lao vú. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,

Phác đồ điều trị lao của bạn có sự điều chỉnh so với phác đồ cơ bản dành cho người bình thường, bác sĩ chưa rõ nguyên nhân vì sao lại có sự thay đổi như vậy. Liệu có phải do tác dụng phụ độc gan khi dùng Pyrazinamide (Z)? Chỉ số GGT thường gia tăng trong các trường hợp ảnh hưởng tới gan do thuốc nhưng chỉ số này tăng đơn độc không có ý nghĩa.

Khi sử dụng thuốc điều trị lao, một số bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ trên tiêu hoá, thần kinh… nhất là với phác đồ thay thế thì tác dụng phụ sẽ dễ gặp hơn so với phác đồ cơ bản. Thông thường không phải là dấu hiệu để ngưng thuốc mà bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn một số thuốc hỗ trợ dạ dày hoặc thay đổi thời điểm dùng thuốc.

Tuy nhiên, vì bạn có triệu chứng khó thở, không thể loại trừ ảnh hưởng của bệnh lên phổi, do vậy bạn nên quay lại bệnh viện để tái khám càng sớm càng tốt để bác sĩ hỗ trợ tìm nguyên nhân khó thở và tư vấn cụ thể cho bạn nhé!

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Lao vú là tình trạng vi trùng lao tấn công vào mô tuyến vú, đây là dạng lao ngoài phổi hiếm gặp. Thông thường vi trùng lao di chuyển theo đường máu, đường bạch huyết từ nơi khác đến vú vì thế khi nghi ngờ lao vú các bác sĩ cố gắng tìm thêm các ổ nguyên phát khác.

Quá trình phát hiện bệnh có thể kéo dài từ vài tháng thậm chí đến vài năm, thường xảy ra ở một bên vú phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nam cũng có thể bị nhưng rất hiếm. Bệnh nhân thường vào bệnh viện với tình trạng một cục u trong ngực hay viêm, áp-xe tái đi tái lại nhiều lần, đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi.

Bệnh lao vú đặc biệt nguy hiểm với chị em phụ nữ, bởi bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn là nam giới. Lao vú nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những thể lao khác như xâm nhập ngược trở lại lồng ngực, gây ra lao phổi và lao màng phổi. Lao vú cũng có thể gây biến dạng vú, làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của "phái đẹp".

Nếu lao vú để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao ở lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi trùng lao vào đường máu và có thể gây lao màng não.

Điều trị lao vú cũng giống như lao phổi, phải dùng kháng lao tối thiểu sáu tháng. Tuy nhiên, trong quá trình dùng kháng lao, tùy theo diễn tiến bệnh có thể phải can thiệp ngoại khoa, điều này do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ dẫn.

Để phòng chống bệnh lao vú:

- Chị em không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1.

- Xây dựng lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng.

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X