Hotline 24/7
08983-08983

Chúng ta nhận được gì đằng sau bữa ăn nóng sốt trong hộp xốp, cốc nhựa?

Nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi làm thế nào để hạn chế tác hại của hộp xốp hay đồ nhựa?

Chào chuyên gia,

Tôi 30 tuổi, là nhân viên văn phòng, mỗi ngày sử dụng đồ nhựa, hộp xốp rất nhiều. Sáng làm ly cà phê trong ly nhựa, bữa trưa được “giải quyết” luôn trong hộp xốp.

Nghĩa là một tháng 30 ngày thì có đến 26 ngày tôi gắn bó với những vật dụng này. Tôi được biết chúng rất gây hại cho cơ thể nhưng thú thực cuộc sống độc thân cần phấn đấu cho sự nghiệp nên tôi nhận khá nhiều việc, không có thời gian chăm lo đời sống.

Vậy nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi làm thế nào để hạn chế tác hại của hộp xốp hay đồ nhựa?

Chân thành cảm ơn.

(Đức Tuấn - TPHCM)

Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Đức Tuấn thân mến,

Không phủ nhận thực tế rằng các vật dụng nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, chỉ cần để ý xung quanh, chúng nhiều đến mức đồ ăn thức uống được bán lưu động trên đường phố, từ cốc cà phê sáng, bữa ăn nhanh vào buổi trưa đều được đóng hộp xốp, hộp nhựa bán sẵn.

Đặc biệt, nhiều người trẻ còn háo hức xung quanh những ly soup nóng hổi đựng trong ly nhựa, những viên cá chiên giòn nóng hổi, đùi gà rán béo ngậy mới vớt ra từ chảo dầu sôi sùng sục và đựng ngay trong hộp xốp mà không biết rằng chúng có thể gây hại cho sức khỏe.

Bình thường dầu mỡ không phân cực, nhưng khi đun nóng dễ tạo hiện tượng thủy phân khiến các chất độc hại tồn dư thôi nhiễm ra thực phẩm, đặc biệt thường thấy nhất ở hộp xốp là hai chất styrene và ethylbenzene.

Tùy mức độ thôi nhiễm, hai chất này có thể gây các bệnh lý như rối loạn chức năng gan, thận, đột biến gen, gây loạn sản tổ chức tế bào (ung thư). Mặc dù hộp xốp chỉ có 5% là nhựa (95% còn lại là không khí), nhưng nếu nguyên liệu sử dụng không tinh khiết mà dùng loại nhựa tái chế, người sử dụng có thể bị thôi nhiễm chì, cadmium. Ngoài ra, quá trình tái chế đốt nhựa cháy ở nhiệt độ cao cũng có thể sản sinh dioxin ô nhiễm sang người sử dụng.

Vậy còn hộp nhựa dùng một lần thì sao? Đừng tưởng nó an toàn mà lầm. Nhựa chứa Bisphenol A (BPA), một hợp chất hoạt động như estrogen trong cơ thể con người và liên kết với các thụ thể estrogen trong cơ thể. Hợp chất này phá vỡ các quy định về trọng lượng cơ thể và thúc đẩy tăng cân và kháng insulin. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc phơi nhiễm BPA với béo phì và tăng cân. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu Lipid đã chỉ ra rằng phơi nhiễm BPA làm tăng số lượng tế bào mỡ trong cơ thể.

Mặc dù cuối năm 2008, FDA (Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ) đã công bố các nghiên cứu rằng BPA an toàn khi được dùng trong các loại đồ hộp thực phẩm, kể cả bình sữa trẻ em. Tuy nhiên FDA cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm về tác dụng có hại của BPA.

Một số nghiên cứu cho rằng BPA có khả năng có các tác dụng phụ như:

- BPA biểu hiện khả năng kích thích sự nhân lên của tế bào ung thư vú.

- Có khả năng gây đột biến nội tiết tố.

Các loại hóa chất này trong quá trình sử dụng có thể rỉ ra khỏi dụng cụ nhựa, thấm vào thức ăn, đồ uống, đặc biệt là khi đồ nhựa được đun nóng thì chất này càng ngấm nhanh hơn.

Mặc dù trên các phương tiện thông tin truyền thông đã nói nhiều đến tác hại của hộp xốp, ly nhực - hộp nhựa dùng một lần nhưng vì tính tiện dụng nên nó vẫn được nhiều người lựa chọn.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta cần lưu ý một vài vấn đề sau:

Không nên dùng hộp xốp, hộp nhựa chứa đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100 độ C, nhất là các loại thức ăn rán có nhiều mỡ đang nóng; không dùng hộp xốp chứa đựng thức ăn, đồ uống chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh...) hay mỡ, dầu ăn; không dùng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm chứa trong hộp xốp, hộp nhựa; chỉ dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; chỉ dùng một lần, không nên dùng trong thời gian dài.

Còn nếu bắt buộc phải xài đồ nhựa, để đảm bảo an toàn, nên mua đồ nhựa đựng thực phẩm của những nhãn hiệu có uy tín, có chứng nhận của cơ quan kiểm định. Nên chọn hộp nhựa vô cơ, cứng, màu trắng có độ trong, bóng cao, bề mặt không bị xước.

Bên cạnh đó, cũng không dùng hộp xốp chứa đựng thức ăn, đồ uống chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh...) hay mỡ, dầu ăn. Không nên dùng các hộp có màu sặc sỡ như đỏ, xanh, cam, tím, vì chúng thường được phủ phẩm màu nhiều hóa chất, có thể gây nhiễm độc cho cơ thể, về lâu dài có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh hiểm nghèo.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X