Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Không khí ô nhiễm, nhà có trẻ nhỏ nên làm gì?

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em - đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sẽ giải đáp những thắc mắc của quý phụ huynh trong tình hình không khí ở mức báo động như hiện nay. Kính mời quý bạn đọc theo dõi.

Không khí ô nhiễm là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí,… làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, có thể làm hỏng môi trường tự nhiên hoặc xây dựng. Hoạt động của con người và các quá trình tự nhiên có thể gây ra ô nhiễm không khí.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa của AloBacsi.

Xin BS cho biết không khí ô nhiễm có thể gây ra những bệnh gì đối với trẻ nhỏ?

- Không khí ô nhiễm, bụi, nhất là bụi mịn gây kích ứng đường hô hấp của trẻ như hắt xì, ho, chảy nước mũi. Bụi bẩn cũng kích ứng làm trẻ lên cơn hen suyễn.

- Kích ứng lên hệ thống mắt làm đỏ mắt; kích ứng da gây nên các hiện tượng như nổi mề đay, ngứa, khó chịu.

- Ngoài ra, các loại bụi bặm thông qua niêm mạc, đường tiêu hóa, đi đến những cơ quan khác, ảnh hưởng đến gan thận và thần kinh của trẻ.

- Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới còn cho biết ô nhiễm không khí rây rối loạn tự kỷ ở trẻ em do biến đổi ADN.


Với trẻ bị hen suyễn, cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc con trong môi trường ô nhiễm?

Khi trẻ bị hen suyễn, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc con trong môi trường ô nhiễm:

- Khi ra đường nên đeo kính và khẩu trang đạt chất lượng để chống bụi cho trẻ. Khi ở ngoài đường về nhà nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% để loại bỏ bụi bẩn bay vào mắt, đường hô hấp. Cần giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh.

- Hạn chế cho trẻ ra đường vào những giờ cao điểm, xe đông, nơi đông người.

- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để tăng cường sức đề kháng; trẻ nhỏ cần bú đủ, trẻ lớn cần uống đủ nước, tránh ăn các chất dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, thực phẩm chiên xào, thịt nướng, nước có gas,…

- Tiêm ngừa đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng .

- Nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, nhiệt độ trong phòng tránh nóng quá hoặc lạnh quá, nằm máy lạnh ở nhiệt độ 27-28 độ C, tránh gió lùa; không tắm lâu và tắm nhiều lần.

- Ngoài ra nên cho trẻ ngủ đủ giấc, không thức khuya hơn 21 giờ vì giấc ngủ sâu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau rất quan trọng để tạo miễn dịch tăng sức đề kháng.


Dấu hiệu nào cho biết trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp và cần phải đưa đi khám bệnh ạ?

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, khiến đường hô hấp bị tổn thương ở các vị trí khác nhau gồm: thanh quản, khí quản, phế quản, tai, mũi, họng, phổi. Có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sau này của trẻ. Chính vì vậy cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm của nhiễm khuẩn đường hô hấp như:

- Các triệu chứng khởi phát: trẻ biếng ăn hoặc ít bú, mệt mỏi, hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn. Trẻ bị ho và kèm theo các dấu hiệu khác như tiêu chảy, chảy mũi, thở khò khè.

- Khi bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các dấu hiệu nguy hiểm như: thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực, không bú, bú ít hoặc không ăn uống được, nôn; sau đó co giật, tím tái, ngủ li bì hoặc rất khó để đánh thức trẻ, trẻ thở bất thường…


Trước khi đi ra đường, trẻ cần được trang bị thế nào? Sau khi về nhà, cần vệ sinh thân thể ra sao để loại bỏ khói bụi ô nhiễm?

Để loại bỏ khói bụi trước khi đi ra đường, trẻ cần được trang bị: mắt kính, khẩu trang, mặc quần áo dài chống nắng và bụi bặm. Nếu có thể nên hạn chế đưa trẻ ra đường.

Bố mẹ cần trang bị khẩu trang khi đưa con ra đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Sau khi về nhà cần vệ sinh thân thể trẻ để loại bỏ khói bụi như: nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý; rửa mặt mũi tay chân sạch sẽ; thay quần áo thoáng rộng; cho trẻ uống nhiều sữa (đối với trẻ nhỏ còn bú), uống nhiều nước (đối với trẻ lớn), nước ép trái cây; chế độ dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm chất để trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra, nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát để có bầu không khí trong lành cho trẻ.


Trong môi trường ô nhiễm, cha mẹ cần bảo vệ mắt cho trẻ như thế nào, nên dùng dung dịch gì để vệ sinh mắt, thưa BS?

Trong môi trường ô nhiễm, cha mẹ cần bảo vệ mắt cho trẻ như: khi ra đường nên mang kính râm vừa vặn, không quá lỏng hay quá chặt.

Sau khi về nhà cho trẻ rửa mặt sạch sẽ, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% sau đó dùng bông gòn lau sạch.


Nhờ BS kể tên những loại thuốc/nước xịt mũi nào phù hợp với trẻ nhỏ?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước xịt mũi, nhưng sử dụng an toàn cho trẻ là nước muối sinh lý 0,9% nhỏ mắt mũi, dung dịch nước biển sâu.

Phụ huynh nên nhỏ/xịt mũi sau khi trẻ từ ngoài đường về. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nếu không mua được khẩu trang N95 hay N99, nên dùng khẩu trang cho trẻ như thế nào để ngăn chặn bụi mịn?

Trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang khác nhau, nào là khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang vải, khẩu trang giấy… Khi không mua được khẩu trang N95 hay N99 thì mua khẩu trang khác cho trẻ sử dụng phải đạt các tiêu chuẩn sau:

- Chất liệu: các lớp chất liệu có khả năng lọc các vật chất có hại trong không khí;

- Khẩu trang ôm sát khuôn mặt: đây là tiêu chí quan trọng bậc nhất của chiếc khẩu trang, vì nếu khẩu trang rộng hơn khuôn mặt thì bụi sẽ “vô tư” lọt vào và không có tác dụng trong việc bảo vệ đường hô hấp.

- Độ thoáng và tính thẩm mỹ: nếu như chiếc khẩu trang quá bí sẽ khiến trẻ khó thở, không thể mang được.

Tuy nhiên, tốt nhất nên hạn chế trẻ ra đường nhất là giờ cao điểm hoặc đến chỗ đông người.


Có một số lời khuyên là nên dùng máy điều hòa để lọc không khí. Theo BS, việc sử dụng máy điều hòa trong gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý gì? Ngoài việc dùng máy điều hòa thì còn cách nào khác giúp lọc không khí?

Để phòng tránh những căn bệnh dễ mắc phải ở bé khi nằm điều hòa, bố mẹ hãy chú ý đếnhững lưu ý sau để giúp con trẻ luôn khỏe mạnh:

- Khi nằm điều hòa, không nên cho trẻ nằm điều hòa 24/24 giờ mà cần có thời gian nghỉ ngơi, tiếp xúc với nhiệt độ thật khi trời giảm nóng. Nên bật điều hòa trước khi cho trẻ đi ngủ 10 - 15 phút để làm mát phòng, hẹn giờ điều hòa sau 2-3 tiếng sử dụng và có thể dùng quạt cũng đủ làm bé mát mà không bị thức giấc.

Khi trẻ vui chơi trong nhà, cứ khoảng 2 tiếng bố mẹ nên để cho trẻ ra khỏi phòng điều hòa và tiếp xúc với môi trường bên ngoài khoảng 10-15 phút để trẻ làm quen dần với nhiệt độ thường.

Thời gian bật điều hòa tốt nhất cho trẻ là vào giấc ngủ trưa, từ khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì ở trong phòng điều hòa hơn 3 tiếng trở lên sẽ làm cho da khô, cơ thể mất nước (nếu không được bổ sung nước liên tục), đồng thời gây ra những bệnh về đường hô hấp và nhiều biến chứng nguy hiểm do sức đề kháng cơ thể trẻ còn yếu, không thể thích nghi lâu được ở điều kiện nhiệt độ thấp trong thời gian dài.

Chỉnh nhiệt độ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Mức điều chỉnh nhiệt độ điều hòa tốt nhất là giảm 6 độ C so với nhiệt độ bên ngoài. Bé dưới 3 tuổi thì chỉ nên để điều hòa ở mức nhiệt độ trong khoảng 26 - 27 độ, trẻ sơ sinh thì khoảng 28-29 độ và mặc quần áo dài tay, đắp chăn mỏng để không bị lạnh.

- Ngoài ra, vị trí nằm của trẻ khi bật điều hòa trong phòng cũng rất quan trọng. Không để điều hòa chĩa thẳng vào nơi trẻ nằm, hoặc nằm quá gần với luồng gió thổi từ điều hòa ra. Điều hòa tốt nhất nên đặt càng cao càng tốt, điều khiển chế độ quạt đảo chiều để không làm hướng gió thổi thẳng vào một chỗ. Cha mẹ thường xuyên kiểm tra xem trẻ có biểu hiện bị lạnh không hay thân nhiệt có tăng cao bất thường không. Tốt nhất nên đắp chăn cho bé và giữ ấm những phần cơ thể như mặc quần áo dài tay, đeo tất chân, bao tay, che kín vùng cổ, bụng.

- Cần vệ sinh máy điều hòa và vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, không đem thức ăn vào phòng bởi vi khuẩn tiếp xúc với trẻ dễ sinh bệnh. Sau khi bật điều hòa qua đêm, nên mở cửa phòng để giúp không khí điều hòa và lưu thông.

- Khi trẻ vừa đi ngoài trời nắng về, không cho bé vào phòng điều hòa ngay. Cần phải lau sạch mồ hôi và cho con nghỉ ngơi, ngồi quạt trong khoảng vài phút để trở về trạng thái thân nhiệt bình thường, sau đó mới vào phòng điều hòa.

- Ngoài việc dùng máy điều hòa để giúp lọc không khí thì nhà cần vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Có thể dùng máy hút ẩm hay tạo ẩm, máy lọc không khí, quạt hút không khí…

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X