Hotline 24/7
08983-08983

Biến chứng nguy hiểm do viêm tai giữa

Trẻ nhỏ mắc viêm tai giữa, nếu không chữa kịp thời có thể làm giảm thính lực hoặc gây các bệnh nguy hiểm.

Biến chứng, nguy hiểm, viêm tai giữa, bệnh bẩm sinh
Ảnh minh họa

Ở nước ta, trung bình cứ 10 trẻ thì có 1 - 2 trẻ mắc viêm tai giữa. Nguyên nhân gây bệnh có thể do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, mắc bệnh bẩm sinh về miễn dịch. Những trẻ có cấu trúc giải phẫu học bất thường vùng mũi - họng (như hở vòm hầu), viêm VA, rối loạn chức năng vòi nhĩ hoặc bị trào ngược dạ dày thực quản.

Ngoài ra do sự tác động từ bên ngoài: Nhiễm vi trùng, khói thuốc lá, dị ứng với nhiều tác nhân (phấn hoa, bụi, lông thú vật), chọc ngoáy vào tai… Trẻ bị bệnh thường bị sốt, đau tai, quấy khóc, bỏ bú, kém ăn, nôn ói hay tiêu chảy; màng nhĩ sung huyết, đỏ phồng lên…

Các triệu chứng có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau bệnh tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng nhĩ bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài. Khi đó trẻ đỡ sốt, bớt khóc, ăn, ngủ được, hết rối loạn tiêu hóa, không kêu đau tai nữa.

Tuy nhiên, các bà mẹ nhầm tưởng bệnh đã lui nhưng thực ra bệnh bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn tính, thường chảy mủ tai tái đi, tái lại. Nếu vẫn không được điều trị, bệnh diễn biến thành viêm tai giữa mãn tính hoặc viêm tai - xương chũm mãn tính, dẫn đến nhiều hậu quả.

Viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ, xơ cứng khớp giữa các xương con… ảnh hưởng sức nghe. Nhất là những trẻ chưa nói sõi, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Biến chứng nặng hơn có thể gây viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch hoặc gây liệt thần kinh mặt.

Để phòng bệnh, BS Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế) khuyến cáo: Các bà mẹ giữ vệ sinh sạch sẽ mũi, họng cho con bằng cách nhỏ nước muối sinh lý; cho trẻ bú mẹ; không tự mua thuốc điều trị hay tự ý bơm, nhỏ bất cứ thứ thuốc gì vào tai trẻ; không ngoáy tai trẻ vì sẽ gây chấn thương hoặc nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Khi trẻ nôn ói, nên để đầu trẻ cao tránh chất nôn tràn vào tai giữa. Lúc tắm gội, không hạ thấp đầu trẻ phòng nước vào tai. Đối với trẻ viêm VA tái phát nhiều lần, cần nạo VA điều trị dứt điểm vì đó là nguồn gốc gây bệnh. Nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, kịp thời đưa trẻ đến khám bác sỹ chuyên khoa. Bệnh dễ tái phát, vì vậy trẻ cần được theo dõi thường xuyên.

Theo Thùy Vân - Báo Bắc Giang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X