Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phụ nữ thường gặp, chỉ sau ung thư vú.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư ác tính hình thành trong các mô cổ tử cung (các cơ quan kết nối tử cung và âm đạo).

Nguyên nhân

Hiện nay, vi-rút gây bệnh bướu gai ở người (HPV: Human Papilloma Virus) được xác nhận là thủ phạm gây ra ung thư cổ tử cung. Quan hệ tình dục trước 18 tuổi, quan hệ với nhiều bạn tình, sinh đẻ nhiều, hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung.

Khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc bị nhiễm HPV. Chính việc bị nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV thâm nhập vào bên trong tế bào cổ tử cung, phát triển và làm biến đổi gien của tế bào.

Các tế bào bị đột biến gien sẽ phát triển thành các tế bào ác tính. Quá trình này phải mất nhiều năm, có thể từ 10 -15 năm. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền lâm sàng, nghĩa là đã có bất thường về mức độ tế bào nhưng khi thăm khám thì cổ tử cung có thể hoàn toàn bình thường. Nhưng sau đó, một khi đã là ung thư thì bướu sẽ nhanh chóng lan rộng.

Triệu chứng

Bạn nên đến bác sĩ nếu phát hiện những triệu chứng của ung thư cổ tử cung sau đây:

- Chảy máu âm đạo

- Đau lưng

- Đi tiểu bị đau hoặc khó khăn và nước tiểu đục

- Táo bón mãn tính và người bệnh luôn có cảm giác mót cầu

- Đau khi quan hệ tình dục và tiết dịch âm đạo

- Một chân bị sưng

- Rò rỉ nước tiểu hoặc phân qua ngả âm đạo

Chẩn đoán và Đánh giá

Dù xét nghiệm phết tế bào âm đạo - cổ tử cung là một xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả, nhưng việc xác nhận chẩn đoán ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư đòi hỏi phải sinh thiết cổ tử cung. Việc sinh thiết được thực hiện rất đơn giản, nhanh chóng và không đau.

Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ đặc biệt, được gọi là “kềm bấm sinh thiết” để cắt một mẩu mô nhỏ từ tổn thương để xét nghiệm ung thư. Sau đó, mẩu bệnh phẩm này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm. Tại đây, các bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành khảo sát dưới kính hiển vi để có được bằng chứng khẳng định sự hiện diện của các tế bào ung thư. Từ đó, các bác sĩ lâm sàng mới có được chẩn đoán xác định.

Điều trị và chăm sóc

Ung thư cổ tử cung được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị. Hai phương pháp chữa ung thư này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc đôi khi phải kết hợp cả hai để tăng thêm hiệu quả điều trị. Cách thức điều trị cụ thể tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:

Ung Thư Cổ Tử Cung Giai đoạn I với bướu nhỏ hơn 4cm: Đây là giai đoạn bướu còn khu trú hoàn toàn tại cổ tử cung. Chỉ cần phẫu thuật hoặc xạ trị đơn thuần, kết quả điều trị tương đương. Việc chọn lựa phẫu thuật hoặc xạ trị tùy thuộc vào một số yếu tố : tuổi, tình trạng sức khoẻ và tình trạng bệnh tật kèm theo của bệnh nhân, v.v...

Giai đoạn I nhưng có bướu lớn hơn 4cm đến giai đoạn IIB: Đây là giai đoạn bệnh đã lan sang các mô cạnh tử cung và 1/3 trên âm đạo. Theo các đồng thuận quốc tế, kết hợp xạ trị – hóa trị đồng thời được xem là chọn lựa tối ưu và là bước điều trị đầu tiên. Sau đó, tùy theo đáp ứng điều trị, các bác sĩ ung bướu sẽ quyết định các bước điều trị tiếp theo.

Từ giai đoạn III đến giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, bệnh đã lan rộng sang vùng mô cạnh tử cung, xuống 1/3 dưới âm đạo và/hoặc các cơ quan lân cận trong vùng chậu như bàng quang, trực tràng. Phẫu thuật rất khó khăn và gần như không thể thực hiện an toàn. Nguy cơ tái phát sau phẫu thuật gần như chắc chắn. Hơn nữa, nguy cơ di căn xa vào các tạng khác như phổi, gan... Do đó, phải điều trị bằng xạ trị kết hợp hóa trị đồng thời và phải dùng cả 2 phương pháp xạ trị ngoài và xạ trị trong.

Trong trường hợp đã di căn, bệnh ung thư cổ tử cung gần như không thể điều trị khỏi. Các bác sĩ sẽ dùng hóa trị nhằm ngăn chặn tạm thời sự phát triển của căn bệnh.

Sau điều trị, trong một số trường hợp bệnh vẫn có thể tiếp tục tiến triển hoặc tái phái và di căn sau một khoảng thời gian tạm ổn định. Vì thế, bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị để có thể sớm phát hiện các bất thường và kịp thời điều trị lại.

Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên ăn kiêng và tránh để sụt cân. Bệnh nhân nên tập thể dục đều đặn, có thể tập dưỡng sinh và có thể chơi một số môn thể thao phù hợp theo sự tư vấn của bác sĩ.

Cơ hội sống sót

Nếu được điều trị, tỷ lệ sống trên 5 năm của ung thư cổ tử cung 5 năm là 92% cho các giai đoạn sớm nhất, từ 80% đến 90% cho ung thư giai đoạn 1, và 50% đến 65% cho giai đoạn 2. Chỉ có 25% đến 35% phụ nữ ở giai đoạn 3 và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm. Do đó, kiểm tra và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất quan trọng

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Bằng cách chủng ngừa HPV

Hiện có trên 150 týp HPV đã được định danh, trong đó có trên 40 týp lây nhiễm qua đường tình dục, 14 týp được xác định là nhóm nguy cơ cao gây ung thư. Trong nhóm này, hai týp 16 và 18 gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Ngoài ra, 2 týp 6 và 11 là nguyên nhân gây ra 90% các trường hợp bướu lành đường sinh dục và hậu môn.

Hiện nay, có 2 loại thuốc chủng ngừa : loại thứ nhất ngừa được 2 týp HPV 16 và 18, loại thứ 2 ngừa được 4 týp 6,11, 16 và 18. Cả 2 loại thuốc chủng này đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc chủng ngừa hiệu quả nhất ở các bé gái và các bạn gái trong độ tuổi từ 10 – 26, chưa có sinh hoạt tình dục.

Cần tiêm ung thư cổ tử cung 3 liều : liều thứ nhất, liều thứ 2 sau đó 2 tháng và liều thứ 3 sau liều đầu tiên 6 tháng. Tiêm chủng càng sớm hiệu quả càng cao. Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, các bạn gái nên sinh hoạt tình dục lành mạnh, không hút thuốc lá, nên thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.


Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách phết tế bào cổ tử cung - âm đạo

Trên lý thuyết, chủng ngừa HPV giúp bạn phòng tránh 70% khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có thể có những trường hợp hiệu quả tiêm chủng không như mong muốn và còn 30% còn lại không liên quan đến HPV. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất cần thiết đối với chị em phụ nữ.

Tầm soát là truy tìm ung thư cổ tử cung trong cộng đồng phụ nữ bình thường. Phương pháp tầm soát rất đơn giản và không gây đau đớn, lẫn sang chấn cho người phụ nữ: khám phụ khoa định kỳ và phết tế bào cổ tử cung - âm đạo để làm tế bào học.

Phương pháp phết tế bào này cho phép phát hiện những tế bào đã có bất thường nhưng chưa phải là tế bào ung thư, những tổn thương này được gọi tổn thương tiền ung thư.

Phụ nữ đã quan hệ tình dục nên khám phụ khoa và thực hiện phết tế bào cổ tử cung - âm đạo ít nhất mỗi năm một lần để có thể phát hiện sớm những thay đổi ở mức độ tế bào này. Việc này được ví như “phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung từ trong trứng nước”. 
    AloBacsi.vn
    Theo Một thế giới/hyvong.com

    Đối tác AloBacsi

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

    Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    hoàn toàn MIỄN PHÍ

    Khám bệnh online

    X