Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt thế nào sau ghép thận?

Sáng 16/1 buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân thận lần thứ 1 năm 2018, được tổ chức tại BV Nhân Dân 115 với chủ đề “Cập nhật theo dõi sau ghép thận”.

Buổi sinh hoạt thu hút đông đảo người tham gia, trong đó có thân nhân, bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt, TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện tại BV Nhân Dân 115 là bệnh viện có quy mô lớn nhất thuộc Sở y tế TPHCM và vẫn tiên phong trong 5 chuyên khoa: Tim mạch, Ung thư, Đột quỵ, Gây mê hồi sức và khoa Thận niệu. Ngoài ra, bệnh viện có tổng cộng 43 khoa phòng, có nhiều khoa có kỹ thuật phát triển tương đương với các bệnh viện chuyên khoa.

TS.BS Phan Văn Báu cảm ơn BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa khoa Nội thận - Miễn dịch ghép vì đã sống và làm việc hết mình vì bệnh nhân và vì BV Nhân Dân 115, ông cũng gửi lời chúc sức khoẻ, gặp nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống đến mọi người trong dịp đầu năm mới


Tại buổi sinh hoạt đầu tiên của năm 2018, BS.CK2 Tạ Phương Dung chia sẻ về vấn đề “Tuân thủ sau ghép thận”. BS Dung cho biết, đây là chủ đề đã được nhắc đến nhiều trong các buổi sinh hoạt trước, tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân mới và đối với các bệnh nhân cũ thì đề tài này cũng không bao giờ cũ. Bởi vì, bệnh nhân sau ghép thận luôn luôn phải can thiệp các hướng dẫn này để giữ cho mảnh ghép của mình được khỏe mạnh.

BS Dung căn dặn, mỗi bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân mới ghép thận, cần có một cuốn sổ tay để ghi chép những điều thắc mắc cần hỏi BS và những biểu hiện lạ hàng ngày về huyết áp, cân nặng, nhiệt độ cơ thể,… để khi gặp BS điều trị sẽ không bị quên và BS có thể dựa vào sổ tay để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Sau khi ghép thận, cần phải tuân thủ lịch khám và theo dõi của bác sĩ. Mặc dù, ghép thận rồi nhưng người sau ghép thận vẫn là bệnh nhân chứ không phải là khỏi hẳn, nên cần phải xét nghiệm máu thường xuyên, cần CT, siêu âm hoặc sinh thiết định kỳ để theo dõi tình trạng tiến triển của bản thân.

Thành viên CLB bệnh nhân thận ghi lại những kiến thức bổ ích được bác sĩ chia sẻ


Nhiễm trùng là nguyên nhân gây tử vong cao, bởi hệ miễn dịch của bệnh nhân sau ghép thận đã suy giảm. Vì thế, BS Dung khuyên rằng, phải thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng hằng ngày, tránh làm trầy xước da hoặc nặn các mụn, các nốt ruồi trên da, nếu đau mắt phải đi khám BS, không tự ý sử dụng kem thoa khi không có chỉ định của BS, sử dụng quần áo chất liệu coton có tác dụng thấm mồ hôi tránh gây nhiễm trùng.

Việc uống thuốc không đúng cách và sai liều lượng là một trong những nguyên nhân gây thất bại hàng đầu trong việc ghép thận, vì thế cần tuân thủ liệu trình dùng thuốc của BS.

Người sau ghép thận có nguy cơ bị ung thư bằng hoặc lớn hơn so với người bình thường. Đặc biệt, người sau ghép thận có khả năng bị ung thư da rất cao vì thế cần tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, nhất là vào buổi trưa.

Mặc dù ghép thận tốn kém, có khả năng gây tử vong do một số biến cố nhưng tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ghép thận là 90% trong khi đó, ở người chạy thận là khoảng 40% nên có rất nhiều bệnh nhân chọn phương pháp ghép thận.

Cảm xúc trào dâng trong khán phòng khi một chàng họa sĩ đã ghép thận vào 2 năm trước kể lại phút đầu tiên tỉnh dậy sau ca phẫu thuật: “Câu đầu tiên tôi nghe được đó là tiếng của BS Mai, “Chị Mai đây, chị Mai đây, mọi việc xong hết rồi, ổn hết cả rồi Thành ơi!”. Với tôi lúc đó, chị Mai giống như mẹ của mình khi tôi được tái sinh một lần nữa”.

Anh họa sĩ được ghép thận góp vui với ca khúc Im lặng đêm Hà Nội để tặng mọi người


Tiếp theo buổi sinh hoạt là vấn đề về dinh dưỡng sau ghép thận, được BS.CK2 Lê Thị Hồng Vũ trình bày.

Dinh dưỡng tốt đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục vết mổ và duy trì hoạt động sau ghép thận, trong bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, đường, muối, kali… Trong vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra là: sau khi ghép thận có phải ăn kiêng nữa không?

BS Hồng Vũ cho biết, các bệnh nhân nên lưu ý, sau khi ghép thận bệnh nhân sẽ chuyển từ trạng thái bệnh này sang trạng thái bệnh khác, chứ không phải là hồi phục hoàn toàn. Vì thế, cần phải có chế độ ăn và tập luyện hợp lý giúp duy trì sức khoẻ, kiểm soát huyết áp, đường huyết, cân nặng và chế độ ăn thì giảm muối, ăn nhiều rau quả tươi, thịt nạc, ít béo, ít đường và nhiều nước.

Bệnh nhân nên ăn đạm nhiều hơn trong giai đoạn hậu phẫu để phục hồi mô và cơ bị phá vỡ do sử dụng steroids liều cao (thuốc chống thải ghép), làm gia tăng nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh. Sau đó trở về chế độ ăn protein bình thường. Các thực phẩm có protein cao là: thịt, cá, trứng, đậu phộng, bơ đậu phụng, đậu sấy khô, các sản phẩm từ sữa, đậu nành, đậu hũ… tuy nhiên, không nên ăn quá 3 trái trứng/ tuần.

BS.CK2 Lê Thị Hồng Vũ


Để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, bệnh nhân sau ghép thận cần lưu ý một số vấn đề: Chế biến thực phẩm an toàn, rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến, trước và sau khi ăn, cẩn thận khi ăn nhà hàng, hạn chế tối đa việc ăn ngoài, ăn các thực phẩm còn tươi, được nấu chín, không sử dụng thực phẩm hâm đi hâm lại, các thực phẩm cần được bảo quản lạnh nếu chưa sử dụng.

Các thực phẩm có nguy cơ cao cần tránh: Trái cây và rau, nho, bưởi, lựu làm tăng nồng độ thuốc, không sử dụng trái cây còn xanh, trái cây chưa rửa hoặc trái cây đã bị hư, không ăn rau sống chưa được rửa sạch và các loại nước ép chưa được khử trùng.

Sau khi ghép thận, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tiểu đường, bởi một số nguyên nhân như: thừa cân, ít vận động thể lực, chế độ ăn không lành mạnh, tiền sử gia đình có tiểu đường type 2.

Vì thế, cần có một chế độ ăn uống hợp lý, kiểm soát cân nặng hàng tháng, hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất béo và ngọt, ăn rau cải, ngũ cốc, thịt nạc, các thực phẩm không chất béo, tăng cường tập thể dục.

Cần tập thể dục ít nhất 3-4 lần trên 1 tuần, mỗi lần khoảng 20-30phút, có thể đi bộ, đạp xe, bơi lội và các hoạt động khác để duy trì cân nặng, giảm nguy cơ tăng huyết áp, giảm xuất hiện đái tháođường, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ…


Mở đầu và xen kẽ xuyên suốt chương trình là các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” như: song ca “Thơ tình của núi”, “Giận mà thương”, tiết mục múa… do nhân viên của bệnh viện thể hiện góp phần tạo nên không khí vui tươi, sôi động cho cả khán phòng.

"Bệnh nhân sau khi ghép thận có nên chích ngừa hay không?" là nội dung cuối cùng được BS Dung chia sẻ trong buổi sinh hoạt CLB.

Theo BS Dung, có 2 loại vacxin dùng để chích ngừa là vacxin bất hoạt (vacxin mà virus gây bệnh đã được làm chết bằng hoá chất, tia xạ hoặc nhiệt) và vacxin sống (vacxin mà virus gây bệnh được làm yếu đi).Vacxin bất hoạt kích thích đáp ứng miễn dịch yếu hơn vacxin sống nhưng ổn định và an toàn hơn.

Đối với bệnh nhân ghép thận không được sử dụng loại vacxin còn sống vì hệ miễn dịch rất yếu. Tốt nhất nên chích ngừa trước khi ghép thận, nếu có chỉ định chích vacxin sau khi ghép thận cần phải cách ít nhất sau 6 tháng. Vì thế, trước khi ghép thận cần xây dựng một phương pháp phòng ngừa để chống lại vấn đề suy giảm miễn dịch của những bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

Kết thúc buổi sinh hoạt, một người đã chăm sóc vợ bị suy thận suốt 20 năm và vợ ông vừa mới được ghép thận chia sẻ niềm vui khi người thân của mình: “Người bệnh và người nuôi bệnh đều khổ như nhau, vì vậy khi vợ tôi được ghép thận, tôi rất vui sướng. Tôi xin gửi lời tri ân chân thành nhất đến các bác sĩ và lời chúc năm mới đầy sức khoẻ, mọi sự tốt đẹp và hạnh phúc”.



BS.CK2 Nguyễn Thuý Quỳnh Mai báo cáo về tình hình ghép thận BV Nhân Dân 115 tính từ năm tháng 2/2004 đến cuối năm 2017:

Tổng số ca ghép thận là 181ca từ nguồn thận cho sống, tuổi ghéptrung bình là 43 tuổi. Trong đó, tuổi ghép lớn nhất là 73 tuổi, tuổi ghép nhỏ nhất là 16 tuổi.

Thời gian tồn tại mảnh ghép trên người bệnh nhân trung bình là 45 tháng và dài nhất là 14 năm, ngắn nhất là 51 ngày.

Riêng trong năm 2017 vừa qua, số ca ghép được là 47 và chỉ tử vong 2 ca. Người ghép thận lần 2 tại bệnh viện là 9 ca.


Theo Nguyễn Chúc - BV Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X