Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nang keo tuyến giáp điều trị ở khoa nào vậy AloBacsi?

BS Lan Hương tư vấn về bệnh nang keo tuyến giáp, tê lan từ thắt lưng xuống bàn chân, bệnh đa hồng cầu, rối loạn thần kinh tim, xét nghiệm CA 72-4, thế nào là rối loạn lo âu…

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

Kim Oanh - kimoanh…@gmail.com

Chào BS,

Em muốn xét nghiệm CA 72-4 (dạ dày). Vậy xét nghiệm này có bao gồm Helicobacter Pylori (IgG, IgM)-H.p/máu không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Kim Oanh,

CA 72-4 là xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu trong ung thư dạ dày. Còn xét nghiệm huyết thanh miễn dịch Helicobacter Pylori (IgG, IgM) là xét nghiệm tìm kháng thể kháng với Hp trong máu.

Do đó, xét nghiệm CA 72-4 và xét nghiệm Helicobacter Pylori (IgG, IgM) là 2 xét nghiệm hoàn toàn khác nhau, độc lập với nhau.

Nói rõ hơn, xét nghiệm CA 72-4 không bao gồm xét nghiệm huyết thanh miễn dịch Helicobacter Pylori (IgG, IgM), em nhé.


Nguyễn Hoà - hoa…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị nang keo tuyến giáp 1 cái 2mmm và 1 cái 6mmm. Tôi muốn hỏi bệnh có nguy hiểm không, và tôi nên khám chuyên sâu ở bệnh viện nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nang keo tuyến giáp là tình trạng trong tuyến giáp có những bọc nhỏ chứa dịch, kích thước thay đổi từ vài milimet đến vài centimet. Đây là bệnh lành tính rất thường gặp của tuyến giáp, nữ gặp nhiều hơn nam, nguyên nhân chưa rõ. Phần lớn được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ và siêu âm tuyến giáp.

Nếu các xét nghiệm chức năng tuyến giáp bao gồm TSH và FT4 hoàn toàn bình thường, nang tuyến giáp nhỏ vài milimet chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi sáu tháng một lần mà không cần bất cứ điều trị nào.

Còn nang to vài centimet, nang có xuất huyết bên trong, nang to đau thì bác sĩ sẽ dùng kim chọc vào nang hút hết dịch và cho uống kháng sinh kháng viêm thông thường, nhưng nếu tái phát nhiều lần sau chọc hút nên được can thiệp bằng phẫu thuật.

Với bệnh lý này, bạn có thể theo dõi bệnh tại chuyên khoa Nội tiết hay chuyên khoa Ung bướu chuyên về bướu giáp hay chuyên khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu (cũng có chuyên môn về bướu giáp), đều được.


Công Luận - phamluan…@gmail.com

Chào BS,

BS cho em hỏi về chỉ số cao hơn mức bình thường của bệnh đa hồng cầu, có nguy hiểm hay không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Công Luận thân mến,

Bệnh đa hồng cầu là một trong những nhóm bệnh tăng sinh tủy. Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi, hiếm gặp ở tuổi trẻ (5% ở tuổi dưới 40). Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh khởi phát âm thầm và được phát hiện nhân một số hoàn cảnh sau: làm huyết đồ hệ thông, nhân một biến chứng tắc mạch và hiếm khi là các biểu hiện của đa hồng cầu...

Chẩn đoán bệnh dựa vào Hemoglobin và HCT, chứ không chỉ dựa vào số lượng hồng cầu trong máu, vì có thể là đa hồng cầu giả.

Nếu chứng đa hồng cầu là hậu quả của bệnh lý khác (tâm phế mạn, thiếu oxy máu mạn...) thì đây là đa hồng cầu thứ phát. Nếu đa hồng cầu không do bệnh lý nào khác gây ra, gọi là đa hồng cầu nguyên phát (vô căn), đây là một loại ung thư máu thuộc dòng hồng cầu, tiến triển chậm.

Không thể chữa khỏi bệnh đa hồng cầu nguyên phát nhưng chủ yếu là điều trị giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tai biến. Đa hồng cầu nguyên phát có tiên lượng tương đối tốt.

Người bệnh có thể có thời gian sống thêm kéo dài gần bằng người bình thường nếu được điều trị phù hợp. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do tắc mạch, tai biến mạch máu não do tăng huyết áp. Một số người bệnh có thể chuyển thành leucemia cấp (ung thư máu tiên lượng xấu).


Bạn đọc Ngọc Thanh

Chào BS,

Em bị lo lắng sợ hãi, tim đập nhanh, huyết áp cao. Có phải em bị rối loạn lo âu không ạ? Mong BS tư vấn cho em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới.

Lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.

Để chẩn đoán một người có rối loạn lo âu thì cần nhiều triệu chứng, nhiều thông tin hơn. Việc em bị “em bị lo lắng sợ hãi, tim đập nhanh huyết áp cao” thì chưa đủ thông tin để chẩn đoán rối loạn lo âu được. Thứ nhất, em nên khám chyên khoa Tim mạch để xác định xem có phải do em lo lắng sợ hãi gây tim đập nhanh, tăng huyết áp; hay thật sự em có bệnh lý về tim mạch gây ra cảm giác lo lắng, bất an, khó chịu trong người?

Sau đó, em nên khám chuyên khoa Tâm thần để xác định xem em có bị rối loạn lo âu hay không, mức độ ra sao để điều trị thích hợp tương ứng. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để nhận sự hỗ trợ của y khoa, trong đó có tư vấn tâm lý và thuốc sẽ hỗ trợ em nhiều hơn.


Quỳnh Nghiêm - nghiem…@gmail.com

Cháu chào BS,

Khi cháu đi ra ngoài vào mùa đông bằng xe máy, có mặc ấm rồi nhưng vẫn lạnh run người. Cháu không biết nguyên nhân do đâu nên khi đến mùa đông thì cháu hạn chế đi xe máy. Mong nhận tin từ bác sớm cháu muốn biết nguyên nhân do đâu và cách khắc phục.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Phản xạ run khi cảm thấy lạnh là phản xạ bình thường của cơ thể. Em bảo em “có mặc ấm rồi” nhưng vẫn “lạnh run” có nghĩa là em mặc ấm chưa đủ!

Hơn nữa trong các phương tiện đi lại hiện nay thì đi xe máy là sẽ bị lạnh hơn cả. Vì đi xe đạp thì phải gắng sức chạy sinh ra nhiệt, đi xe hơi hay xe buýt thì kín gió rồi. Chạy xe máy càng nhanh thì gió thổi vào người càng nhiều sẽ gây lạnh.

Nếu em dễ bị lạnh run, dù không phải là đi xe máy thì cần khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra xem có thiếu máu hay không, có thiếu các vi khoáng chất hay không… em nhé.


Lê Văn Định - songbang…@gmail.com

Thân chào BS,

Em có đi xét nghiệm máu, BS chẩn đoán em bị theo dõi đa hồng cầu. Thời gian trước da mặt em lúc nào cũng đỏ và dạo gần đây em hay bị chảy máu chân răng nhiều, tắm xong người hay ngứa và rất dễ bị sốt.

Cho em hỏi là bệnh này có chữa được không ạ? Cảm ơn BS nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bệnh đa hồng cầu là một trong những nhóm bệnh tăng sinh tủy. Nếu đa hồng cầu không do bệnh lý nào khác gây ra, gọi là đa hồng cầu nguyên phát (vô căn), đây là một loại ung thư máu thuộc dòng hồng cầu, tiến triển chậm.

Không thể chữa khỏi bệnh đa hồng cầu nguyên phát nhưng chủ yếu là điều trị giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tai biến. Đa hồng cầu nguyên phát có tiên lượng tương đối tốt. Người bệnh có thể có thời gian sống thêm kéo dài gần bằng người bình thường nếu được điều trị phù hợp. Nếu mật độ hồng cầu quá nhiều có thể gây ra tắc mạch, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp.

Hydrea là thuốc ly giải tế bào hiệu quả, chi phí phù hợp thường dùng trong đa hồng cầu nguyên phát, nhưng chỉ dùng khi số lượng hồng cầu quá cao, vì nếu dùng liều quá cao hay tự ý dùng kéo dài mà không kiểm tra công thức máu thì có thể xảy ra trường hợp ngược lại, nghĩa là bị ly giải tế bào máu quá nhiều gây thiếu máu, giảm tế bào máu, suy thận...

Do vậy việc dùng thuốc bao lâu, chỉnh liều ra sao thì bạn chỉ có thể tái khám định kỳ theo hẹn của BS, để kiểm tra số lượng hồng cầu, chức năng gan, thận...

Tuy nhiên, chẩn đoán của BS là “td đa hồng cầu”, nghĩa là mới theo dõi (td) chẩn đoán này thôi chứ chưa chẩn đoán xác định đâu, em nhé.


Bá Tài - tai…@yahoo.com.vn

Thưa BS,

Tôi đi bộ tập thể dục buổi sáng khoảng 1 tiếng thì chân trái bị tê từ thắt lưng trở xuống bàn chân trái. Có sao không BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bác,

Triệu chứng tê lan từ thắt lưng xuống bàn chân một bên cơ thể là triệu chứng thường gặp do chèn ép rễ thần kinh cột sống thắt lưng, ở tuổi của bác thì các nguyên nhân hay gặp là do thoát vị đĩa đệm, hẹp lỗ liên hợp đốt sống, gù vẹo cột sống...

Bác nên khám chuyên khoa Cơ xương khớp để BS thăm khám và chụp phim cột sống thắt lưng kiểm tra nhằm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và điều trị thích hợp sớm.


Bạn đọc Kim Chi

Chào BS,

Em bị bệnh sán chó, tới BV Nhiệt đới khám và đều trị nhưng những nốt ngứa vẫn còn và mọc nhiều hơn, vậy có thuốc nào dùng để bôi cho mau lành không và có để lại sẹo không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nhiễm giun đũa chó là 1 trong các nguyên nhân gây nổi ban dị ứng, nhưng đây không phải bệnh nan y và có thể điều trị được, liệu trình điều trị có khả năng thành công rất cao và được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Một số trường hợp sau điều trị nhiễm giun lại ngứa hơn là do khi giun bị “tiêu diệt” thì cũng “phóng thích vào máu một số chất” gây tăng mức độ dị ứng, nhưng tình trạng này sẽ giảm dần.

Mặt khác, ngoài nhiễm sán chó thì còn có các yếu tố gây dị ứng khác thường gặp có thể kèm theo là thay đổi môi trường sống quá khác biệt (còn gọi là trái nước trái gió), ăn hải sản, cá biển, thịt bò, rệp giường chiếu, chăn ga gối nệm quần áo không sạch, khô cứng còn cặn bột giặt, rượu bia, chàm tiếp xúc...

Như vậy, khi hết liệu trình điều trị giun đũa chó thì nên ngưng thuốc trị giun, mà chỉ trị ngứa đơn thuần mà thôi, vì uống thuốc trị giun kéo dài không có lợi mà có hại cho gan, thận. Song song đó, xem lại các yếu tố gây dị ứng khác kể trên xem có không để xử trí luôn.

Hiện tại nếu em còn nhiều nốt ngứa thì có thể tiếp tục thăm khám và điều trị tại BV Nhiệt đới, hoặc có thể khám tại chuyên khoa Da liễu là phù hợp nhất, BS sẽ kiểm tra cho em và kê thuốc điều trị thích hợp.

Theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của Bộ Y tế, BS không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh, điều này là do vấn đề an toàn của người bệnh, em nhé.


Bạn đọc Nguyễn Văn Hoan

Chào BS,

Cháu hay bị đau lồng ngực trái và sút ký, trước cháu 65kg, giờ cháu chỉ còn 60kg, cao 1.65m và cháu cũng chưa đi khám ở đâu.

Mong BS cho biết cháu có nguy hiểm đến tính mạng không ạ? Cháu cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hoan,

Đau ngực trái (vùng trước tim) có thể do nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, trung thất, thần kinh cơ, sụn sườn... Ở người trẻ, tiền căn sức khỏe trước giờ không ghi nhận có gì bất thường, không hút thuốc lá, gia đình không có ai có bệnh lý ung thư thì nguyên nhân gây đau ngực trái thường là lành tính.

Tuy nhiên, triệu chứng sụt cân là triệu chứng báo động, cần phải đi kiểm tra sức khỏe sớm để loại trừ những bệnh lý nguy hiểm như lao phổi - màng phổi, u bướu… mặc dù sụt cân có thể chỉ đơn thuần là do ăn uống kém.

Do đó, em nên kiểm tra sức khỏe sớm cho an tâm và cũng để được điều trị thích hợp, em đăng ký khám chuyên khoa Hô hấp em nhé.


Nguyễn Bảo - baonguyen…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Tôi đi khám sức khỏe định kỳ tại BV Đại học Y dược TPHCM. Kết quả xét nghiệm máu có ghi chỉ số EOS%: 0.8 (trị số bình thường 1-8%) thấp hơn bình thường. BS tư vấn không nói gì.

Tôi rất lo lắng. Xin AloBacsi cho tôi lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thứ nhất, xét nghiệm cho các chỉ số của tế bào máu hiện nay đang dùng rộng rãi là xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu bằng tia laser”.

Thứ hai, những người khỏe mạnh bình thường cũng có thể có xê dịch đôi chút trong kết quả xét nghiệm công thức máu.

Thứ ba, chỉ số bạch cầu ái toan - eosinophil trong kết quả của bạn hơi giảm thấp, nhưng đây là giá trị phần trăm, còn giá trị tuyệt đối thì bình thường, các chỉ số khác cũng bình thường thì không có gì đáng lo, chưa phải là dấu hiệu bệnh lý, có thể gặp ở người khỏe mạnh bình thường, bạn nhé.


Anh Thư - tn… @gmail.com

Cháu chào BS ạ,

Khoảng gần 1 năm trước cháu bị các triệu chứng mệt mỏi, tim đập nhanh, đau thắt ngực trái 3-5 phút chia làm nhiều cơn trong ngày nên đã đi khám, kết quả không sao, chỉ bị rối loạn thần kinh tim, BS cho uống Sulpiride và Panagin, có đỡ.

Nhưng khoảng 1 tháng lại đây cháu bị lại, đau nặng và dày hơn, kèm theo khó thở, nhiều lúc như mất hơi trong khoảng 30 giây.

Điều kiện học tập căng thẳng, đòi hỏi phải thức khuya 2-3h sáng, nhiều lúc còn cần cà phê, cháu lo lắng và không biết làm sao, xin BS cho cháu lời khuyên ạ, cháu xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Anh Thư,

Rối loạn thần kinh tim, hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ cơ quan bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết... (thăm khám và làm các xét nghiệm tầm soát loại trừ bệnh lý cho kết quả mọi thứ đều bình thường) nhưng người bệnh vẫn có nhiều “cảm giác” khó chịu.

Em đã đi khám BS, được chẩn đoán rối loạn thần kinh tim, điều trị với 2 thuốc trên thấy có đỡ, nghĩa là BS chẩn đoán đúng bệnh rồi.

Hiện tại em phải học tập căng thẳng thì bệnh tái phát lại, em có thể uống lại toa thuốc cũ, xem có hiệu quả không và chắc chắn là phải điều chỉnh thời gian biểu học tập cho phù hợp. Nếu vẫn không bớt, trạng thái lo âu nhiều thì có khả năng em bị rối loạn lo âu (mức độ tương đối nặng hơn) thì em cần phải đến bệnh viện để khám BS và được điều trị thuốc thích hợp.

Em có thể khám tại chuyên khoa Tim mạch cũng được nhưng tốt nhất là khám chuyên khoa Thần kinh - tâm thần, em nhé. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm...

Thân mến,

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X