Hotline 24/7
08983-08983

Bất thường ở tuyến yên khiến con người tăng chiều cao đột biến

Có nhiều nguyên nhân khiến một người tăng chiều cao bất thường, trong đó thường gặp nhất là u tuyến yên.

Theo bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường, tuyến yên còn gọi là tuyến não thùy, nơi điều tiết các hoạt động sinh trưởng phát triển của cơ thể. Đây cũng là nơi tiết ra hormone sinh trưởng Growth hormone (GH). Hormone này kích thích tuyến giáp, kích thích sinh dục, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất như tổng hợp protein, tác động gián tiếp đến mô sụn và xương.

Bệnh nhân bị u tuyến yên có các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, rụng tóc, rối loạn chức năng tình dục, cơ yếu, bầm da... Các ảnh hưởng từ dư thừa hormone tăng trưởng gồm mặt thô, bàn tay và bàn chân to ra, răng không thẳng hàng, đổ mồ hôi quá nhiều, cao huyết áp. Người bệnh gặp vấn đề về tim, thoái hóa khớp, tăng trưởng tuyến tính quá mức, thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Biến chứng nghiêm trọng nhất là mất thị lực hoàn toàn khi thần kinh thị giác bị hủy hoại.

Bệnh được phát hiện nhờ chụp MRI sọ não. Hiện nay phẫu thuật nội soi cắt bỏ u tuyến yên có thể được thực hiện thông qua đường mũi. Nhờ phương pháp nội soi, các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ khối u và tuyến yên nên cắt bỏ chính xác. Nếu u ác tính, bác sĩ sử dụng dao Gamma để loại bỏ khối u. Các tia phóng xạ nhỏ được chiếu vào khối u từ nhiều hướng giúp triệt tiêu các tế bào dị dạng. Dao Gamma cũng dùng để phẫu thuật u lành tính không thể cắt bỏ bằng phương pháp nội soi.

Bác sĩ cho biết thêm, trẻ cao đột biến còn do di truyền. Bố mẹ cao thì con cái thường cao và ngược lại. Nếu con phát triển một cách không ngừng thì nên đưa bé đi khám chuyên khoa nội tiết để định lượng lại hormone GH và chụp MRI sọ não. Một số trường hợp khi khám nội tiết, chụp MRI, tuổi xương, khám mắt không phát hiện bệnh, rất có thể trẻ phát triển chiều cao mạnh do đến giai đoạn đầu tuổi dậy thì. Thông thường, một đứa trẻ có thể tăng vọt chiều cao thêm 10-12 cm một năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt.

Bệnh thường gặp nhất gây ra hiện tượng phát triển cao lớn bất thường là u tuyến yên. Ảnh: HDHUT

Chiều cao bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Tuổi thọ

Theo WedMD, giáo sư Mary Schooling ở trường Đại học Y tế công cộng và Chính sách y tế New York (Mỹ) cho rằng người chiều cao vượt trội ít sống thọ hơn người chiều cao trung bình hoặc thấp.

Ung thư

Một số nghiên cứu cho thấy người cao dưới mức trung bình nguy cơ bệnh ung thư thấp hơn. Phụ nữ thấp cũng ít có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng hơn người cao. Lý do, cơ thể có nhiều tế bào phát triển đồng nghĩa với nguy cơ đột biến gây ung thư nhiều hơn.

Xả nhiệt

Những người thấp ít có cảm thấy quá nóng hoặc bị say nắng. Người cao khi tập thể dục cường độ cao dễ dẫn tới đột quỵ do sốc nhiệt hoặc kiệt sức.

Những vấn đề về cổ, lưng và cột sống

Người thấp hay cao hơn mức trung bình đều phải làm việc trong những điều kiện như mọi người khác, là nguyên nhân gây ra những vấn đề cho cổ và lưng. Người cao dễ bị gãy xương hông hơn. 

Theo Thúy Quỳnh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X