Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ hơn 20 năm chữa 'bệnh khó nói' của phụ nữ

Hầu hết bệnh nhân đến gặp bác sĩ Nguyễn Văn Ân bị stress, trầm cảm vì một ngày phải vào toilet hơn 20 lần, luôn mặc tã khi ngủ.

Gần 30 năm làm nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã giúp đỡ hàng nghìn phụ nữ mắc bệnh về niệu. Căn bệnh khiến nhiều phụ nữ âm thầm chịu đựng phải đeo tã hôi hám thường xuyên. Họ tự ti, né tránh và sợ hãi việc gần gũi với bạn đời, khiến đời sống hôn nhân của nhiều gia đình bị đe dọa đổ vỡ.

Chân dung bác sĩ Nguyễn Văn Ân. Ảnh: Cẩm Anh

Ngồi thấp thỏm ở phòng chờ khám, một cô gái mặc váy hồng có khuôn mặt mệt mỏi liên tục than đau vùng bụng dưới.

"Đã hơn 2 năm nay tôi phải đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, số lần tăng đến hơn 40 lần khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn", cô ngượng ngùng kể. Ban ngày, cô không thể chuyên tâm làm việc vì lúc nào cũng nhấp nhổm chạy vào nhà vệ sinh. Ở nhà, cô phải mặc tã, không đêm nào ngủ ngon giấc.

Cô gái ấy không phải là trường hợp duy nhất. Ở khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, còn nhiều bệnh nhân khác tìm đến bác sĩ Ân mong muốn thoát khỏi căn bệnh này càng sớm càng tốt.

Mỗi người phụ nữ là một câu chuyện, bác sĩ 56 tuổi dành hơn 20 năm lắng nghe những tâm tư khó nói và thấu hiểu mong muốn của họ.

Có những bệnh nhân không dám đi du lịch khi ngồi xe đường dài vì tiểu không tự chủ. Nhiều người phải đặt ống thông tiểu, thậm chí không dám lập gia đình vì mặc cảm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do bàng quang tăng hoạt hoặc bị nhão cơ đáy chậu do sinh nở, tiền mãn kinh. "Căn bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nghiêm trọng. Nhiều bạn gái đã từng chia sẻ với tôi rằng họ dành một ngày chỉ chạy vào nhà vệ sinh. Thậm chí khi ho, nước tiểu cũng cũng chảy ướt quần".

Với niềm đam mê về Niệu học chức năng, bác sĩ Ân nghiên cứu và giải mã nhiều trường hợp bệnh nhân khác nhau. Người bệnh đã cải thiện đáng kể tình trạng bệnh so với trước kia. Nhiều người bệnh đã giảm hơn 50% số lần đi tiểu và không cần mặc tã.

"Đứng ở góc độ chất lượng sống, đây là thành công đáng kể của công tác điều trị", bác sĩ Ân nói.

Kể về mối duyên của mình với ngành Niệu học, bác sĩ Ân nhớ lại những năm đầu thập niên 90, khi ấy ông vẫn đang là bác sĩ nội trú chuyên khoa Tiết niệu của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Ân tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Cẩm Anh

Nhận được lời mời của Bác sĩ Võ Văn Thành, Trưởng khoa cột sống, đều đặn 2 buổi một tuần, người thầy thuốc trẻ luôn có mặt tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để theo dõi và chăm sóc những người bệnh bàng quang thần kinh.

5 năm sau, bác sĩ Ân trở thành người tiên phong trong ngành Niệu khi làm đề tài nghiên cứu sinh về lĩnh vực bàng quang thần kinh.

Bác sĩ cho biết liệt bàng quang có nhiều dạng. Để xác định chính xác phải đo áp lực bàng quang. Thời gian đầu nghiên cứu, ông đã tự chế tạo một thiết bị đo bằng cột nước, vận hành thủ công và biểu đồ được vẽ bằng tay.

Với niềm mong mỏi có được dụng cụ đo hiện đại hơn, năm 2000, bác sĩ Ân lên đường tu nghiệp ở Pháp để học thêm về phương pháp đo niệu động lực học đa kênh.

Năm 2002, ông về Việt Nam triển khai máy đo Niệu động lực học đầu tiên trên cả nước, đặt ở bệnh viện Bình Dân TP HCM.

"Khi ấy tôi vui lắm. Nhờ thiết bị này, các bác sĩ có thể xác định bệnh chuẩn xác, giúp điều trị nhanh chóng, tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn".

Ông cũng là người tiên phong áp dụng phương pháp TVT (Tension-free Vaginal Tape), kỹ thuật mổ điều trị tiểu không tự chủ ở phụ nữ. Với tỉ lệ thành công trên 90%, kỹ thuật này đã phổ biến ở nhiều khoa Tiết Niệu và khoa Phụ Sản trên cả nước.

Uy tín từng bước được gây dựng, mọi người biết đến bác sĩ Ân với hai từ "tiên phong". Ông là bác sĩ tiên phong thành lập Đơn vị Niệu động học (2002), Đơn vị Niệu nữ - Niệu động lực học - Bàng quang thần kinh (2008) tại bệnh viện Bình Dân. Hiện tiếp tục phát triển khoa Niệu học chức năng đầu tiên trong cả nước tại Bệnh viện Đại học Y Dược.

"Người mặc áo blouse trắng cần có y đức và chuyên môn tốt". Với tâm niệm đó, trong quá trình công tác, bác sĩ Ân luôn kiên trì tìm tòi và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của ngành trong nước và trên thế giới, áp dụng vào công tác khám, điều trị bệnh.

Sau khi được bác sĩ Ân thăm khám và kê đơn thuốc, cô gái trẻ tuy bụng vẫn đau nhưng đã bớt lo lắng và mệt mỏi hơn. Cô ra về với niềm hy vọng cuộc sống được trở lại bình thường, sẽ không còn những tháng ngày mặc cảm vì bệnh tật.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X