Hotline 24/7
08983-08983

Ăn đồ hấp, luộc để tránh ung thư?

Nhiều bệnh nhân ung thư đã áp dụng chế độ ăn kiêng đạm, ăn thực dưỡng... để tế bào ung thư "chết đói". Một số người sợ mắc ung thư cũng chỉ ăn đồ luộc hoặc hấp, hạn chế ăn đồ nướng, nhiều dầu mỡ.... Ăn như vậy, liệu có đúng không?

ThS.BS Trần Thị Ngọc Châu tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh - Ảnh: BVCC

Một chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp nâng cao thể trạng và kéo dài cuộc sống cho người bệnh ung thư. Đặc biệt, đối với ung thư đường tiêu hóa thì chế độ dinh dưỡng và cách ăn sao cho phù hợp lại càng cần được chú trọng.

Dưới đây là giải đáp của thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa cũng như cách ăn uống ra sao để hạn chế tối đa căn bệnh quái ác này.

Tôi đang điều trị hóa chất kết hợp xạ trị. Con gái tôi đọc trên mạng thấy nước ép củ dền tốt cho sức khỏe, bổ máu nên ngày nào cũng ép tôi uống một ly đầy. Không biết nó có tác dụng gì không thưa bác sĩ? (Đào Công Vĩnh, daovinhhungyen@...)

- Củ dền có chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u và hỗ trợ cho quá trình điều trị hóa/xạ trị.

Về việc bổ máu, chưa đủ bằng chứng khoa học cho thấy củ dền có tác dụng này vì hàm lượng sắt trong củ dền khá thấp (0.8 mg/100 g) so với các thực phẩm khác, đồng thời sắt có nguồn gốc từ thực vật thì khả năng hấp thu kém hơn nguồn động vật. Bên cạnh đó, việc tạo hồng cầu còn được chi phối với vitamin B12 (hoàn toàn không có trong củ dền) và vitamin B9 (109 mg/100 g củ dền, ít hơn nhiều loại thực phẩm khác).

Vì vậy, thay vì chỉ uống nước củ dền mỗi ngày thì bạn nên thay đổi đa dạng thực phẩm để đủ các chất dinh dưỡng.

Tôi được biết sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất cần thiết cho người ung thư dạ dày. Nhưng không biết tại sao có khi sữa làm tôi rất khó chịu, thậm chí nôn ói khi uống vào lúc bụng đói. Xin bác sĩ cho biết những thời điểm thích hợp để uống sữa và có lưu ý gì với bệnh nhân như tôi không?  (Phương Bình, phuongbinh67@...)

- Với một số người bị dị ứng hoặc kém dung nạp với sữa bò thì sẽ gặp một số phản ứng bất lợi sau khi uống sữa như nôn ói, đầy bụng hoặc tiêu chảy. Vì vậy, để tăng khả năng dung nạp sữa bò, bạn nên uống chậm và chia nhiều lần trong ngày với mỗi lần khoảng 50 ml, và quan trọng là cần uống sau bữa ăn, không nên uống lúc bụng đói vì dễ gây kích thích đường tiêu hóa.

Nếu áp dụng cách này nhưng vẫn chưa hiệu quả thì bạn cần gặp chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá tìm ra nguyên nhân và đưa giải pháp phù hợp nha.

Bác sĩ ơi tôi muốn ăn gì mẹ tôi cũng cản, suốt ngày càm ràm là "ung thư đấy". Bây giờ cả nhà tôi chỉ ăn đồ luộc, hấp vì mẹ tôi bảo chiên xào, nướng ăn vào sẽ ung thư nên cấm tiệt. Làm sao giải thích cho mẹ tôi được đây? (Phúc Trinh, phuctrinhtho@...)

- Quá trình chiên và nướng kích hoạt phản ứng Mailard và sinh ra các chất có khả năng gây ung thư, vì vậy nên tiêu thụ ở mức hạn chế. Tuy nhiên các thực phẩm xào ở nhiệt độ không quá cao, trong thời gian ngắn thì ít có khả năng kích hoạt phản ứng này và ít có nguy cơ sinh ra chất có khả năng gây ung thư.

Bên cạnh đó, dầu ăn sẽ giúp hấp thu tốt hơn các vitamin tan trong dầu (VD: vitamin A, D, E, K). Điều quan trọng là bạn cần có chế độ ăn uống với đủ các nhóm thực phẩm, cân bằng (không ăn quá ít hoặc quá nhiều một nhóm thực phẩm), và đa dạng suốt cả tuần để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và chất chống oxy hóa cần thiết.

Xin hỏi bị ung thư dạ dày cần kiêng ăn uống những thứ gì? (Trần Trung ytrungsky05@...)

- Ung thư dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn uống và quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, cho nên tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh, sẽ có những chế độ ăn uống khác nhau.

Nhưng nhìn chung, những bệnh nhân bị ung thư dạ dày cần đặc biệt hạn chế tối đa các nhóm thực phẩm sau: - Các món ăn được chế biến bằng phương pháp chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ và chất béo - Giảm thiểu lượng muối sử dụng trong bữa ăn, các loại thực phẩm muối như dưa cải, nước chấm,… - Các loại đồ uống có cồn, chất kích thích như bia rượu, cà phê, nước tăng lực,… Phối hợp ăn uống đầy đủ nhóm thực phẩm - cân bằng - đa dạng và vận động thể chất để có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Tôi bị ung thư dạ dày, thức ăn ngày nào cũng bị xay nhỏ thành súp, cháo như đồ ăn trẻ em, thực sự rất ngán. Ngoài súp ra tôi có thể ăn thứ gì khác nữa không bác sĩ? (Mai Tròn, mycircle6288@...)

- Đối với ung thư dạ dày, bệnh nhân có thể ăn nhiều cấu trúc thực phẩm khác nhau (VD: súp xay, mềm, rắn,...). Tùy vào tình trạng bệnh lý và khả năng tiêu hóa, hấp thu mà nhân viên y tế sẽ có chỉ định chế độ ăn khác nhau cho mỗi bệnh nhân. Vì thế cần có đánh giá chuyên sâu thì mới đưa ra câu trả lời phù hợp với trường hợp của bạn.

Tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn 3, nhiều người khuyên không nên phẫu thuật làm gì nữa, chỉ cần ăn uống thực dưỡng kết hợp luyện tập để kéo dài cuộc sống, vậy có đúng không? (Huệ, hue1590@...)

- Phẫu thuật cắt bỏ khối u là một phần của quá trình điều trị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ xem xét thể trạng và diễn biến của bệnh để quyết định bạn có được  phẫu thuật hay không.

 Xét về mặt dinh dưỡng, thực phẩm thông thường không thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với vận động thể chất sẽ giúp nâng đỡ thể trạng, duy trì khối cơ, và đáp ứng tốt hơn với quá trình điều trị. Điều này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của bạn hơn là việc ăn uống sơ sài thiếu dưỡng chất.

Tôi đọc báo thấy quảng cáo nấm lim xanh có thể giúp tăng cường sức khỏe, nhiều người khỏi được ung thư cũng nhờ loại nấm này. Thực sự nó có tác dụng như vậy không bác sĩ, tôi muốn mua để uống mà còn đắn đo vì giá mắc quá. (Cao Bằng, nguoiconcaobang1954@...)

- Nấm lim xanh (Ganoderma lucidum Karst) là một loại nấm linh chi đặc hữu, mọc trên thân cây lim xanh. Hiện nay, các thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ mới tập trung nghiên cứu về đặc tính chống ung thư và điều hòa miễn dịch của bộ nấm linh chi nói chung.

Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kết hợp các chế phẩm từ nấm linh chi có tác dụng như một chất bổ trợ chống lại việc ức chế miễn dịch của hóa trị/xạ trị thông thường.

Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu cho thấy khả năng ức chế tế bào ung thư ở một số nghiên cứu riêng lẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu tổng quan không cung cấp bằng chứng rõ ràng để chứng tỏ rằng việc sử dụng các chế phẩm từ nấm linh chi là một liệu pháp hữu hiệu để điều trị ung thư.

Vì vậy, việc quyết định có nên sử dụng hay không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như kinh phí và lợi ích sức khỏe của bệnh nhân. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị để có một sự lựa chọn thích hợp nhất.

Bác sĩ ơi, điều trị hóa chất dài ngày khiến tôi mệt mỏi, không còn muốn ăn uống gì cả, cứ nhìn thấy đồ ăn là sợ. Tôi phải làm sao đây (Vũ Phương, hoanghonmautim_1972@...)

- Tác dụng phụ của hóa trị thường gây chán ăn, khô miệng, và thay đổi vị giác. Vì vậy, để tăng cảm giác thèm ăn và giảm khô miệng, bạn có thể thử nhai chewing gum trước bữa ăn để kích thích tiết nước bọt. Bên cạnh đó, bạn cần được đánh giá và tư vấn dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp trước khi bị suy mòn vì ăn uống kém.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2/4 đến 15/5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email suckhoe@tuoitre.com.vn hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Gửi thắc mắc ung thư tiêu hóa cho chuyên gia giải đáp, nhận phiếu khám miễn phí



Theo Ngọc Loan - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X