Hotline 24/7
08983-08983

200-600 triệu đồng/ca ghép tế bào gốc, thành công 80%

Với mỗi ca ghép tế bào gốc, bệnh nhân được bảo hiểm chi trả một phần và việc này đang trở thành hi vọng mới cho những bệnh nhân bị bệnh nan y về máu.

Hiện nay, ghép tế bào gốc đang trở thành cánh cửa hồi sinh cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y về máu. Nhờ có phương pháp này, cơ hội được sống của bệnh nhân tăng lên gấp bội. Để hiểu hơn về ghép tế bào gốc, chúng tôi có cuộc trao đổi với Ths. BS. Bạch Quốc Khánh – Phó Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương.

Thưa thạc sĩ, ghép tế bào gốc là biện pháp duy nhất để chữa khỏi nhiều bệnh về máu, xin ông chia sẻ con đường đi đến với ghép tế bào gốc Viện Huyết học Truyền máu TƯ?

- Ca ghép đầu tiên được thực hiện ở VN tại Viện huyết học và Truyền máu TP. HCM từ năm 1995, ở thời kỳ đó, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ vẫn còn đang nằm trong BV Bạch Mai, đây là thời kỳ vô cùng khó khăn.

Lúc  đó về tất cả mọi mặt đều không có gì để chúng ta có thể ghép tế bào gốc đồng loại thậm chí tự thân. Chính vì vậy, ban lãnh đạo viện đã quyết tâm duy trì không nóng vội trong vấn đề ghép tế bào gốc.
Chúng tôi xác định phải có thời kỳ chuẩn bị cho ghép tế bào gốc hết sức chu đáo. Chúng tôi tập trung chủ yếu vào vấn đề đào tạo cán bộ và cơ sở vật chất.

Ở thời điểm đó, một trong những việc chúng tôi đảm bảo thành công đó là điều trị hóa chất. Điều trị hóa chất những năm 90 của thế kỷ trước là cái vô cùng mới. Nếu chúng ta không điều trị hóa chất tốt thì không thể nói đến ghép tế bào gốc.

Năm 2006, sau khi chuẩn bị tương đối cơ bản những vấn đề về ghép tế bào gốc tạo máu, chúng tôi xin ý kiến của Bộ Y tế và đến tháng 6/2006 Viện Huyết học và Truyền máu TƯ đã ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị ung thư tủy xương. Ca ghép đó, chúng tôi lấy làm tiếc vì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối nên chỉ sau 6 tháng bệnh lại tái phát và đến nay bệnh nhân này đã không còn.

Từ thời điểm đó đến 5/2008, chúng tôi ghép ca ghép tế bào máu đồng loại thứ hai cho bệnh nhân bị lơ xi mi cấp (ung thư máu) từ đó đến nay chúng tôi đã thực hiện được  107 ca trong đó bao gồm cả ghép tế  bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại. 

Năm 2012, chúng tôi thành lập trung tâm tế bào gốc  bao gồm tế bào gốc từ dây rốn cộng đồng và lavo xét nghiệm, một khoa điều trị ghép tế bào gốc. Năm 2012, ghép tế bào gốc tạo máu đã được công nhận là một khoa học công nghệ thành công của năm.

Ghép tế bào gốc đòi hỏi rất nhiều đầu tư không chỉ về chuyên môn mà còn về trang thiết bị. Trong quá trình chuẩn bị cho việc ghép tế bào gốc, bệnh viện gặp phải những khó khăn gì thưa ông?

- Quá trình chuẩn bị của chúng tôi kéo dài khoảng thời gian lâu. Chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều cho việc ghép tế bào gốc như cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn bị phương tiện dụng cụ, hóa chất, thuốc men, ví dụ như thuốc để “đặc trị” cho bệnh nhân ghép tế bào gốc.

Cái khó nhất là thuốc đó hầu như không công ty dược nào muốn nhập về vì thuốc chỉ bán cho mỗi bệnh viện làm ghép tế bào gốc. Chúng tôi phải vận động mệt mỏi để cho các công ty dược nhập về.

Về chuyên môn, chúng tôi đã cử đoàn cán bộ của mình gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng sang học tập tại Viện sức khỏe Hoa Kỳ từ những năm 2004, 2005. Đến năm 2013, chúng tôi cử đoàn cán bộ sang Nhật Bản học về ghép tế bào gốc từ dây rốn. Những ngày đi học, chúng tôi vất vả có hôm 2 giờ chiều mới ăn cơm trưa. Tất cả chỉ vì mong ước ghép tế bào gốc trong tương lai.

Nhớ lại từ những ngày đầu, phòng cho ghép tế bào gốc chúng tôi phải sửa ở sau khu điều trị bệnh viện Bạch Mai. Phòng này rất chật, đi qua khu vệ sinh mới vào đến phòng. Có thể nói đó là thời kỳ rất khó khăn nhưng với quyết tâm chúng tôi đã ghép thành công. Đến nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị đã bước sang bước ngoặt mới. Chúng tôi đủ điều kiện để thực hiện ghép tế bào gốc.

Bệnh nhân ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ

Hiện nay, mỗi năm Viện ghép được bao nhiêu ca và tỷ lệ thành công như thế nào thưa ông?

- Trước năm 2010 chúng tôi chỉ ghép cho 5 - 6 ca, không phải vì không có nhu cầu mà do không đảm bảo điều kiện cần thiết nên chúng tôi làm rất dè dặt. Tuy nhiên, từ tháng 7/2010 chúng tôi chuyển sang cơ sở mới, ghép tế bào gốc thực sự bùng nổ. Năm 2011 chúng tôi ghép được 19 ca, năm 2012 thực hiện 22 ca, năm 2013 là 26 ca và quý I năm 2014 chúng tôi ghép được 18 ca. 

Chúng tôi dự kiến năm 2014 chúng tôi thực hiện 50 – 60 ca ghép tế bào gốc. Tổng hợp đến nay, chúng tôi ghép được 107 ca, 66 trường hợp ghép đồng loại, 41 ca tự thân. Tỷ lệ thành công 70 - 80% và tính đến thời điểm này bệnh nhân sống sau ghép tế bào gốc là từ tháng 3/2007. 

Ghép tế bào gốc thực sự là cơ hội mới cho bệnh nhân bị các bệnh nan y về máu nhưng người dân lo lắng chi phí sẽ rất đắt. Ông có thể cho biết chi phí một ca ghép tế bào gốc như thế nào?

Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh: Hiện nay, chi phí cho mỗi hình thức ghép khác nhau, đối với ghép tế bào gốc tự thân mỗi ca ghép có tổng chi phí 200 triệu đồng, trừ chi phí bảo hiểm chia trả thì người bệnh phải tri trả khoảng 100 triệu đồng.

Đối với ghép tế bào gốc đồng loại tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng, người bệnh phải trả 200 đến 300 triệu đồng.

Nhiều bệnh nhân từng điều trị ở Singapore nhưng chi phí quá đắt lại về Việt Nam thực hiện ghép tế bào gốc.

Trong khi đó, kỹ thuật của Việt Nam không thua kém gì nước bạn. Ghép tế bào gốc hiện nay đang thực sự trở thành “một cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh máu nói riêng và nhiều bệnh lý khác nói chung, với kỹ thuật mới này hi vọng sẽ có nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được cứu sống.

Vâng xin cảm ơn ông!


AloBacsi.vn
Theo INfonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X