Hotline 24/7
08983-08983

“Đuổi” stress bằng hít thở

Một trong những phương pháp chữa stress hiệu quả nhất hiện nay là hít thở thật sâu. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết cách thở đúng.

Tác hại của stress

“Sau gần ba năm lao vào công việc, thậm chí không có lấy một ngày nghỉ ngơi, thư giãn, một ngày kia, tôi bắt đầu nhận thấy mình luôn ở trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và dễ nổi cáu. Cùng với đó là cảm giác buồn chán, cô đơn, không thiết công việc, chỉ thích ngồi một mình và không muốn gần bất cứ ai, cảm thấy mọi thứ đều trở nên vô nghĩa”.

Không hiếm bệnh nhân tâm sự với bác sĩ như vậy, và một khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ người bị stress bình quân là 52%. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ này là 55%.

Thời gian đầu, triệu chứng của stress chỉ là rối loạn thần kinh và khí hóa, nhưng về lâu dài, stress có thể gây ra những tổn thương như viêm xoang, loét dạ dày... Ngoài ra, stress còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể và làm trầm trọng thêm các chứng bệnh đang tiềm ẩn.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Y khoa Phòng ngừa ở Atlanta, Mỹ, những người dưới 60 tuổi nếu bị stress sẽ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao gấp ba lần người không bị stress.

Đặc biệt ở những người bị stress, suy nhược thần kinh hoặc mất ngủ lâu ngày, trương lực cơ bắp thường ở trong tình trạng căng cứng hơn bình thường, và chính điều này đã tác động ngược trở lại, làm rối loạn thêm hoạt động của hệ thần kinh.

Hít sâu thở nhẹ

Thông thường, nhiều người vẫn dùng cách đơn giản nhất để giảm stress là uống vitamin B (gồm 8 loại vitamin được tổng hợp lại) vì nghĩ sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là hệ thống thần kinh; hoặc ăn nhiều ngũ cốc, thịt, cá, vài loại trái cây và rau củ.

Nhưng có đúng là vitamin B có thể giúp vượt qua stress hiệu quả không? Nhiều thử nghiệm xác nhận, uống vitamin B vào mỗi buổi sáng, sau một tháng có thể làm giảm mức độ stress nhưng thực tế, vitamin B chỉ có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn thôi, chứ không thể loại bỏ stress.

Bạn có thể uống vitamin để bổ sung các chất dinh dưỡng đã bị cạn kiệt, nhưng để giải quyết stress, phải tìm cách khác.

Một trong những phương pháp chữa stress hiệu quả đang được áp dụng phổ biến hiện nay là hít thở thật sâu. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết cách thở đúng.

Phần lớn chúng ta thở bằng ngực và thở yếu, chủ yếu vận động phần phổi giữa và trên. Cách thở này khiến phổi mỏi mệt do phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo đủ ôxy. Thở bằng ngực tạo áp lực lên tim, khiến tim phải co bóp nhiều hơn để cung cấp đủ lượng máu cho việc lưu thông ôxy. Đây là cái vòng luẩn quẩn vì quá trình stress sẽ làm hơi thở gấp và yếu, tạo ra một stress khác.

Thông thường, một nhịp thở sâu gồm ba giai đoạn: hít vào sâu, từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra; nín thở giữ hơi; thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ.

Có bốn cách hít thở như sau:

- Hít thở để thư giãn: Nằm ngửa, hai cánh tay giang ra hai bên, lòng bàn tay ngửa lên, ngón tay hơi co lại. Nhắm mắt và thả lỏng phần lưng. Hít mạnh hơi vào khoang bụng rồi thở ra từ từ cho đến khi cảm thấy cơ thể như chìm sâu xuống đất.

- Hít thở ở tư thế ngồi thẳng: Ngồi xếp chân theo tư thế nửa hoa sen (lòng bàn chân phải ngửa trên bụng chân trái) trên một mặt phẳng, giữ lưng thật thẳng, hai bàn tay ôm bụng để giúp việc thở có kết quả. Tập trung khí, hít thở vào cơ hoành (màng chắn khoang bụng trên, không phải ở ngực) một cách nhịp nhàng để có thể nhận biết sự lưu thông của khí và máu.

- Vừa đi bộ vừa thở: Sự hít thở và di chuyển có liên quan với nhau vì đều do khối óc điều khiển. Vì thế, nên đi bộ chậm để nhận thức được sự hít thở. Nên đi chân trần trên mặt đất khoảng 15 phút mỗi ngày, trong khi đi thỉnh thoảng lại kết hợp với thở bằng bụng.

- Tập thở theo yoga: Có thể tập thở ở tư thế nằm, đứng, ngồi trên ghế, nhưng tốt nhất là ngồi ở tư thế hoa sen (lòng bàn chân phải ngửa lên đùi trái và ngược lại), hay nửa hoa sen. Phép thở yoga là nhẹ nhàng, chậm rãi, đều đặn theo ba thì (hít vào, giữ hơi, thở ra), hoặc bốn thì (hít vào, giữ hơi, thở ra, nín hít). Tâm trí hoàn toàn tập trung vào hoạt động hô hấp và lộ trình của hơi thở.

Ngoài phương pháp luyện thở, bạn cũng nên áp dụng chế độ ăn cân bằng kết hợp tập thể dục và đi bộ.

Theo DS.Hồng NguyễnDoanh nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X