Xạ phẫu - phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân di căn não đơn ổ và ít ổ
Đó là chia sẻ của các báo cáo viên trong phiên Tổng quát 1, Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM năm 2023, diễn ra vào ngày 12/5/2023. Nội dung phiên Tổng quát 1 với 5 bài báo cáo đi sâu vào nghiên cứu về các phương pháp mới trong điều trị ung thư.
Mở đầu phiên báo cáo, BS.CK2 Trần Thị Xuân - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM mang đến nghiên cứu “Điều trị tổn thương di căn não bằng kỹ thuật xạ phẫu sử dụng máy gia tốc (X_KNIFE) tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM”.
Theo nghiên cứu, BS.CK2 Trần Thị Xuân cho biết, đã áp dụng phương pháp xạ phẫu trên 37 bệnh nhân di căn não tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Kết quả cho thấy, xạ phẫu là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân di căn não đơn ổ và ít ổ. Trên thực tế, bệnh viện đang áp dụng cho các bệnh nhân dưới 4 ổ. Xạ phẫu đa phân liều sử dụng máy gia tốc cho hiệu quả cao và tác dụng phụ chấp nhận được. Xạ phẫu đơn phân liều được sử dụng cho các u có kích thước nhỏ.
Bác sĩ chia sẻ, ngày nay, khuynh hướng xạ phẫu còn có thể áp dụng cho bệnh nhân có sang thương não đa ổ, kích thước nhỏ. Bên cạnh đó, với kỹ thuật xạ phẫu sử dụng máy gia tốc X_KNIFE có thể rút ngắn thời gian điều trị.
Tiếp tục phiên báo cáo với chủ đề “Kết quả điều trị ung thư vòm hầu giai đoạn I-II bằng xạ trị ngoài kết hợp xạ trị áp sát”, ThS.BS Nguyễn Thị Bích Hiền - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ, ung thư vòm hầu là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh ung thư đầu cổ. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư vòm hầu là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 7 tại Việt Nam.
Trên thế giới và các nước trong khu vực đã có một số nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư vòm hầu và đều cho ra kết quả kiểm soát tại chỗ cao, biến chứng chấp nhận được. Còn ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có công trình đánh giá ứng dụng xạ trị áp sát trong ung thư vòm hầu.
Sau thời gian tiến hành nghiên cứu trên các bệnh nhân được chẩn đoán carcinôm vòm hầu nguyên phát giai đoạn I-II tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM từ 01/06/2014 đến 30/05/2021, ThS.BS Nguyễn Thị Bích Hiền kết luận, ung thư vòm hầu thường gặp ở lứa tuổi 40 - 60, ở nam nhiều hơn nữ; gặp nhiều nhất là carcinôm không biệt hóa; vị trí thường thấy ở thành sau và ngách hầu. Với phác đồ điều trị đã ứng dụng, 100% bệnh nhân đạt đáp ứng hoàn toàn tại bướu và hạch; độc tính muộn thường gặp nhất là khô miệng, chiếm 56%; tỉ lệ kiểm soát tại chỗ, tại vùng, sống còn toàn bộ 2 năm lần lượt là 98%, 99%.
Trong bài báo cáo “Ứng dụng khảo sát CtDNA cho điều trị đích và tiên lượng ung thư phổi không tế bào nhỏ”, TS.BS Nguyễn Duy Sinh - Công ty Cổ Phần Giải pháp Gene nhấn mạnh, việc khảo sát toàn diện các đột biến driver trong ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) rất quan trọng đối với liệu pháp điều trị nhắm trúng đích. Các bằng chứng khoa học cho thấy ctDNA trong huyết tương của bệnh nhân ung thư có thể được sử dụng để theo dõi sự tồn dư khối u (MRD - minimal residue deseases) sau phẫu thuật triệt căn ở các dạng khối u đặc.
Những bệnh nhân dương tính với ctDNA, đồng nghĩa MRD (+) có khả năng tái phát cao hơn nhiều lần so với những bệnh nhân có kết quả âm tính. Nhóm bệnh nhân ctDNA (+) này nếu được theo dõi thường xuyên, hoặc điều trị hỗ trợ sớm có thể kéo dài sự sống còn và giảm nguy cơ tái phát cũng như di căn một cách đáng kể.
Những bệnh nhân dương tính với ctDNA, đồng nghĩa MRD (+) có khả năng tái phát cao hơn nhiều lần so với những bệnh nhân có kết quả âm tính. Nhóm bệnh nhân ctDNA (+) này nếu được theo dõi thường xuyên, hoặc điều trị hỗ trợ sớm có thể kéo dài sự sống còn và giảm nguy cơ tái phát cũng như di căn một cách đáng kể.
TS.BS Nguyễn Duy Sinh thông tin thêm, ctDNA có thể sử dụng ở bệnh nhân NSCLC sau hóa xạ đồng thời, nếu MRD (+) là bằng chứng cho thấy có lợi khi điều trị củng cố bằng liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra việc khảo sát MRD ở bệnh nhân NSCLC giai đoạn tiến xa điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cũng giúp tiên lượng đáp ứng điều trị và sống còn toàn bộ.
Báo cáo về nghiên cứu “Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán phân biệt bướu tuyến giáp nang tai lành tính và ác tính”, BS Phan Thị Thùy Dương - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM kết luận, siêu âm là phương pháp hữu ích để đánh giá, gợi ý phân biệt bướu tuyến mang tai lành tính và ác tính. Bướu Warthin - bướu lành tính thường gặp nhất cũng có một số đặc điểm siêu âm đặc trưng.
Tần suất nam mắc bướu Warthin cao hơn nữ (9:1), tuổi trung bình mắc bệnh là 60 tuổi - cao hơn các bướu còn lại. Các đặc điểm siêu âm gợi ý bướu Warthin, bao gồm: bướu hai bên, đa bướu và có hồi âm hỗn hợp - có những nang nhỏ trong bướu.
Với bài báo về nghiên cứu “Buồng tiêm dưới da trong hóa trị tại khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM: Hiệu quả và tính an toàn”, BS.CK1 Lương Hoàng Liên - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM kết luận, buồng tiêm dưới da hữu ích cho việc tiêm truyền hóa chất, hạn chế cảm giác đau đớn và sợ hãi của người bệnh, giúp giảm tổn thương tĩnh mạch ngoại vi, giảm nguy cơ thoát mạch và nhiễm trùng. Đồng thời, thuận tiện cho nhân viên y tế trong quá trình thao tác. Buồng tiêm dưới da có thể được sử dụng lâu dài.
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là sự kiện nhân kỷ niệm 38 năm thành lập bệnh viện (15/5/1985 - 15/5/2023). Đây là lần đầu tiên hội nghị được diễn ra tại cơ sở mới (số 12 Đường 400, Phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) vào ngày 12/5/2023 vừa qua, với 36 bài báo cáo diễn ra trong 1 ngày. Trong đó, có 1 phiên Toàn thể và 6 phiên chuyên đề về Ung thư tổng quát, Nội khoa và Phẫu thuật và 3 phiên hội thảo vệ tinh. Hội nghị thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành về điều trị ung thư trong và ngoài nước, bao gồm: Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông. Các chuyên gia đến từ nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ,... cùng các Đơn vị Y tế, Trường Đại học Y khoa, Công ty Dược, Trang thiết bị y tế trên cả nước quy tụ về. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình