Vụ sản phụ tử vong tại BV An Bình: Những bất thường cần điều tra làm rõ
Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hạnh xảy ra tại BV An Bình, TPHCM đã hơn 2 tháng qua, nhưng cho đến nay gia đình nạn nhân vẫn phải mòn mỏi chờ câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi đó, những tình tiết bất thường cũng như cách đối phó của bệnh viện trước sự cố càng làm cho người thân chị Hạnh thêm tổn thương, đau xót.
Anh Dũng và đứa con mới sinh.
Chưa công nhận kết luận của Hội đồng chuyên môn
Theo thông tin chúng tôi được biết, Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chưa thống nhất với kết luận và báo cáo của Hội đồng chuyên môn (HĐCM) cấp Sở được thành lập để phân tích vụ việc liên quan đến cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hạnh theo chỉ đạo của PGĐ Sở Y tế - TS.BS Tăng Chí Thượng.
Trước đó, anh Phạm Việt Dũng (chồng sản phụ Hạnh) đã có đơn gửi đến Giám đốc Sở Y tế và Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Trong đơn, anh Dũng nêu rõ những tình tiết bất thường xảy ra vào ngày 17/8, thời điểm vợ anh sinh nở tại BV An Bình. Đồng thời, anh đề nghị cơ quan này làm rõ những sai phạm dẫn đến cái chết của chị Hạnh.
Ngày 25/9, Hội đồng chuyên môn cấp Sở sau thời gian làm việc đã có cuộc họp báo cáo kết luận về sự việc nêu trên. Các ý kiến đưa ra đều dựa vào hồ sơ bệnh án và tình hình xảy ra trong ca sinh của sản phụ Hạnh. Báo cáo cũng nêu rõ do không thực hiện giải phẫu tử thi nên chưa đủ cơ sở để kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong.
Điểm mấu chốt gây bức xúc cho người nhà sản phụ là việc HĐCM nhận định tinh thần của kíp trực trong quá trình tiếp nhận bệnh, chẩn đoán, xử trí là… tích cực. Nguyên nhân gây tử vong là diễn tiến bệnh quá nhanh, khó tiên lượng.
Ngày 17/10, Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM tiếp tục chỉ đạo Phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM) tiếp tục làm việc với HĐCM để xem xét kết luận nguyên nhân tử vong của sản phụ Hạnh. Bên cạnh đó, đề nghị Ban giám đốc BV An Bình báo cáo thêm về sự việc.
Đến nay, anh Dũng cho biết vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ những cơ quan anh đã gửi đơn kêu cứu. Cá nhân anh chỉ nhận được một văn bản của BV An Bình do PGĐ điều hành BS.Nguyễn Xuân Tường gửi đến. Nội dung xoay quanh việc BV tiếp tục khẳng định: “Hội đồng Khoa học Công nghệ của BV đã họp kiểm điểm tử vong của sản phụ Hạnh và nhận định đây là một tai biến sản khoa băng huyết sau sanh nặng do “đơ” tử cung. Lúc xảy ra kíp trực đã có mặt đầy đủ và xử trí đúng phác đồ của BV”.
Theo thông tin mới nhất, anh Dũng đã soạn thảo và chuẩn bị gửi đơn tố cáo đến Cục Khoa học Kỹ thuật - Bộ Công an yêu cầu làm rõ về nguyên nhân cái chết của vợ. “Nếu cơ quan điều tra cần, tôi sẵn sàng cho quật mộ để khám nghiệm tử thi nhằm có câu trả lời. Nhất định tôi không để vợ phải chết oan” - anh Dũng khẳng định.
Giải thích thiếu thuyết phục từ phía BV An Bình.
Tại sao phải giả chữ ký?
Đó là thắc mắc lớn nhất của anh Dũng cho đến thời điểm hiện tại sau khi BV An Bình chính thức thừa nhận đã giả mạo chữ ký của anh trong giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức. Anh đặt nghi vấn: “Tôi đã ký vào tờ giấy cam đoan này rồi. Nhưng sau đó lại phát hiện bị làm giả. Vậy, phải chăng có điều gì đó mà BV muốn giấu tôi hay họ cố ý thay đổi một phần hồ sơ bệnh án?”.
Phía BV An Bình giải thích, thời điểm cần ký tên, anh Dũng không có mặt nên một điều dưỡng đã phải linh động… ký thay. Anh khẳng định, tất cả nhân chứng hôm đó đều biết anh túc trực trước phòng phẫu thuật và không hề vắng mặt. Anh càng bức xúc hơn khi việc làm giả này hoàn toàn được giữ kín. Cho đến hơn 1 tháng sau ngày vợ mất, anh đến BV đề nghị xem hồ sơ bệnh án mới bất ngờ phát hiện. Báo chí phản ánh, Sở Y tế kiên quyết yêu cầu làm rõ thì vụ việc mới được phía BV An Bình thừa nhận.
Theo anh Dũng, do anh viết tay trái từ nhỏ nên chữ ký lẫn chữ viết đều không bình thường như người thuận tay phải. Do đó, chữ ký riêng của anh có những đặc điểm mà người thuận tay phải không làm được. Vì thế, ngay khi nhìn vào hồ sơ, anh đã phát hiện ngay và lấy điện thoại chụp lại làm bằng chứng. Tuy nhiên, một BS đã buộc anh xóa hình.
Một điểm nữa anh Dũng đặt vấn đề, là việc khi khâm liệm, người nhà phát hiện trên thi thể nạn nhân còn một vết mổ ngay vị trí tim cùng với vết mổ trên bụng. “Vợ tôi sinh, sao phải mổ tim? Vết mổ này cả họ hàng nhà tôi hôm khâm liệm đều thấy” - anh Dũng nói. Thế nhưng, khi thắc mắc với BS Tường (PGĐ BV An Bình), anh nhận được câu trả lời: hoàn toàn không biết về vết mổ.
Người chồng này còn bức xúc khi xin cấp giấy chứng tử, BV lại ghi “Bệnh nặng xin về” trong khi thực tế là vợ anh tử vong do sinh.
Hiện anh Dũng đang nuôi 3 đứa con nhỏ, cháu lớn nhất học lớp 2, cháu giữa lớp mầm và cháu nhỏ nhất chỉ mới 3 tháng tuổi. “Một mình tôi không biết phải nuôi con như thế nào khi vợ đã mất?” - người cha “gà trống nuôi con” tâm sự.
Mong muốn lớn nhất của anh Dũng không phải là khoản tiền hỗ trợ 80 triệu đồng như phía BV An Bình đề nghị, mà là câu trả lời xác đáng cho cái chết oan uổng của vợ anh. Anh Dũng cho biết sẽ kiên trì theo đuổi vụ việc đến cùng để tìm lời giải cho cái chết oan ức của vợ mình.
Tóm tắt sự việc: 7h ngày 17/8, anh Dũng đưa chị Hạnh đến BV An Bình (Q.5, TP.HCM) sinh con. 9 giờ, hộ sinh bế một bé trai nặng 3,4kg cho anh xem mặt và thông báo mẹ tròn con vuông. 15 phút sau, một BS hốt hoảng cho biết chị Hạnh bị băng huyết. Sau đó, sản phụ được đưa lên phòng phẫu thuật. Đến 14h30 cùng ngày, chị Hạnh được đưa vào khoa Hồi sức trong trạng thái gương mặt tím tái. 18h cùng ngày, BV yêu cầu đưa sản phụ về lo hậu sự. |
Theo Minh Sỹ - Đời sống và Tiêu dùng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình