Hotline 24/7
08983-08983

Viêm tiểu phế quản: Theo dõi ở nhà ra sao, triệu chứng nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu không kịp thời điều trị có thể đưa đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy dấu hiệu nào cho thấy trẻ cần đến bệnh viện, trường hợp nào có thể theo dõi tại nhà? Thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Tình hình dịch bệnh tại các bệnh viện Nhi TPHCM?

Gần đây, tại các bệnh viện nhi đồng ngoài Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng. Vậy còn tại các bệnh viện nhi tại TPHCM hiện nay như thế nào thưa BS? Số lượng trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp có thay đổi so với trước đây không ạ?

Có thể nói, hiện nay, 3 gánh nặng chính ghi nhận tại các phòng khám, bệnh viện, nhập viện là bệnh lý về hô hấp, sốt siêu vi và sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, trẻ mắc các bệnh mạn tính sau thời gian giãn cách quay trở lại tái khám cũng làm cho bệnh viện quá tải.

2. Vì sao nắng nóng làm gia tăng bệnh viêm tiểu phế quản?

Đặc biệt, trong đó có những trẻ chỉ mới 1-2 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm tiểu phế quản. Xin hỏi BS, vì sao thời tiết nắng nóng hiện nay lại gia tăng tình trạng trẻ bị bệnh hô hấp, nhất là viêm tiểu phế quản ạ?

Viêm tiểu phế quản là bệnh hằng năm. Gần như năm nào cũng có bệnh này. Cho đến nay, các nhà khoa học cũng chưa tìm ra cách để bào chế vắc xin ngăn ngừa virus hợp bào - tác nhân chính gây ra viêm tiểu phế quản. Hiện nay cũng là mùa của viêm tiểu phế quản, nhưng chưa phải mùa chính. Thực tế, mùa chính của viêm tiểu phế quản là vào tháng 10.

Trước đó chúng ta giãn cách, vì vậy trẻ không có miễn dịch từ từ. Do đó, hiện nay khi hòa nhập, dẫn đến cùng một lúc rất nhiều trẻ bệnh. Khi đó sẽ gây ra sự quá tải thực sự tại phòng khám, bệnh viện.

3. Triệu chứng nào cảnh báo bệnh viêm tiểu phế quản?

Triệu chứng viêm tiểu phế quản các bậc phụ huynh cần lưu ý là gì ạ? Làm sao nhận diện, phân biệt tình trạng này với các bệnh lý đường hô hấp khác, thưa BS?

Khi trẻ ho, sổ mũi, đặc biệt là trẻ nhỏ, chưa có triệu chứng khò khè, thở khó khăn, đàm thì thường cho là viêm mũi họng. Nhưng khi bắt đầu thấy trẻ đàm nhiều, khò khè, thở nặng với trẻ nhỏ đa số là bước ban đầu là viêm đường hô hấp dưới.

Trong viêm đường hô hấp dưới, khả năng xảy ra nhiều nhất ở trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản. Chúng ta khó có thể nhận biết viêm đường phế quản, chỉ có đi khám để được xác định.

4. Trẻ bị viêm tiểu phế quản, khi nào theo dõi tại nhà, trường hợp nào đến bệnh viện?

Trẻ bị viêm tiểu phế quản, trường hợp nào cha mẹ có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà, trường hợp nào cần đưa đến bệnh viện?

Khi nghi ngờ viêm tiểu phế quản chúng ta phải đưa trẻ đi khám bệnh. Bởi vì viêm tiểu phế quản rất dễ bị bội nhiễm. Điều này chỉ có bác sĩ mới biết được, qua đó sẽ quyết định nên dùng kháng sinh hay không.

Nếu trẻ ho, sổ mũi thông thường, vẫn bú, ăn và chơi, không sốt cao thì có thể chăm sóc trẻ tương tự như viêm họng trên. Cho trẻ uống các loại thuốc ho thông thường, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, theo dõi và đếm nhịp thở. Nhưng nếu nghi ngờ trẻ viêm tiểu phế quản thì phải đi bệnh viện.

Khi đó, bác sĩ sẽ có hai lựa chọn, một là cho trẻ nhập viện nếu có nguy cơ thiếu oxy, hai là cho về nhà theo dõi. Trong trường hợp về nhà thì điều quan trọng nhất là đủ nước và đủ sữa (trẻ lớn đủ nước, còn trẻ nhỏ thì đủ sữa), dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong viêm tiểu phế quản, vấn đề lo ngại nhất là tăng đàm làm trẻ khó thở. Vì vậy, để tránh đàm thì cần uống nhiều nước giúp làm loãng đàm.

Bên cạnh đó, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Đồng thời theo dõi cách thở (thở nhanh, thở co lõm) hoặc không ăn uống được thì quay lại để bác sĩ thăm khám và theo dõi.

5. Dấu hiệu trẻ viêm tiểu phế quản cần đến bệnh viện, tránh biến chứng?

Làm sao để kịp thời ngăn chặn những biến chứng do viêm tiểu phế quản gây ra, thưa BS?

Chúng ta phải theo dõi trẻ, khi bắt đầu ho, sổ mũi, đặc biệt là trong mùa này, trẻ dưới 6-12 tháng hoặc gia đình có nhiều người bị ho thì phải đặt nghi ngờ liệu con mình có khả năng bị viêm tiểu phế quản không để từ đó theo dõi. Và khi trẻ ăn uống kém, thở nhanh, khò khè, trẻ thở co lõm thì phải đi bệnh viện. Chỉ có bác sĩ mới khẳng định đây là viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cần nhập viện hay không, nếu ở nhà chúng ta sẽ không thể biết được.

6. Phòng ngừa viêm tiểu phế quản, cần lưu ý những gì?

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần lưu ý những gì, thưa BS?

Thời điểm hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng vì trẻ có những đợt bệnh về hô hấp. Đây là điều khó tránh khỏi bởi thay đổi thời tiết và một thời gian dài trẻ không tiếp xúc với trẻ khác, với môi trường nên không có đợt bệnh nhẹ, miễn dịch tự nhiên.

Trong viêm tiểu phế quản, sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể ho kéo dài, thậm chí cả tháng rồi mới hết. Do đó, không có cách nào khác, trẻ phải đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, theo dõi sát khi trẻ bắt đầu ho, sổ mũi. Quan trọng nhất theo dõi cách thở của trẻ. Khi cần thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X