Hotline 24/7
08983-08983

Viêm mũi dị ứng dùng thuốc gì hiệu quả?

Bệnh viêm mũi dị ứng gây phiền toái cho khá nhiều người, khi phải phối phó với tình trạng hắt xì, sổ mũi liên tục. Dùng thuốc gì hiệu quả, chấm dứt các triệu chứng khó chịu này?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và BS.CK2 Vũ Hải Long - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115 đã có những chia sẻ kiến thức bổ ích cho người bệnh viêm mũi dị ứng trong chương trình giao lưu trực tuyến trên AloBacsi.

1. Vì sao viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng?

Những năm gần đây viêm mũi dị ứng được đánh giá có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Thưa BS, ở Việt Nam, viêm mũi dị ứng phổ biến ra sao? Vì sao tình trạng viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng? Khả năng mắc bệnh có sự khác biệt giữa giới tính, độ tuổi, vùng miền?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Trước đây, ít ai quan tâm đến tình trạng hắt hơi, sổ mũi. Nhưng hiện nay, các vấn đề sức khỏe đã được quan tâm nhiều hơn, khi có triệu chứng và đi khám thì phát hiện ra bệnh, trong đó có viêm mũi dị ứng. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, cùng tác động của công nghiệp hóa cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh toàn cầu, không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển đều có. Tỷ lệ mắc không có sự khác biệt giữa nam và nữ, nhưng có sự khác biệt giữa các độ tuổi. Ở trẻ em cũng có viêm mũi dị ứng nhưng ở dạng khác như mề đay, chàm sữa, thanh thiếu niên tỷ lệ viêm mũi dị ứng nhiều hơn, trong khi tình trạng này ít xảy ra ở người già.

2. Những nguyên nhân nào gây viêm mũi dị ứng?

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì thưa BS? Vì có người chỉ gặp tình trạng này theo mùa, nhưng người khác lại bị quanh năm suốt tháng. Vậy tình trạng này là do đâu? Thời điểm nào trong năm dễ bị viêm mũi dị ứng nhất?

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Như PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân đã chia sẻ, viêm mũi dị ứng có xu hướng ngày càng gia tăng, do yếu tố về môi trường, biến đổi khí hậu, tốc độ công nghiệp hóa ồ ạt và thói quen sinh hoạt trong đời sống hiện đại.

Viêm mũi dị ứng là do dị ứng nguyên xâm nhập vào cơ thể gây ra phản ứng dị ứng. Những dị nguyên đó có thể là mạt nhà, nấm mốc, phấn hoa… Bệnh dị ứng này liên quan đến vấn đề miễn dịch và di truyền. Tùy thuộc vào phản ứng của từng cá thể mà có người thì bị dị ứng gián đoạn (hay còn gọi là dị ứng theo mùa), hay dị ứng dai dẳng (dị ứng quanh năm).

Triệu chứng viêm mũi dị ứng rất dễ nhận biết như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.

3. Phân biệt triệu chứng cảm lạnh, COVID-19 và viêm mũi dị ứng?

Nhờ BS có thể chia sẻ cách nhận biết các triệu chứng viêm mũi dị ứng? Những triệu chứng như BS vừa chia sẻ rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác như cảm lạnh, cảm cúm và nhất là COVID-19, làm sao để phân biệt rõ ràng viêm mũi dị ứng với các tình trạng này, thưa BS?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Cảm là do siêu vi, dị ứng là do các dị nguyên phấn hoa, bụi, mạt nhà, lông chó, mèo.

Giữa cảm và viêm mũi dị ứng triệu chứng tương tự nhau nhưng khác nhau về thời gian. Trong khi cảm trong 5-7 ngày hoặc 10 ngày là khỏi, có thể kèm theo sốt, đau nhức mình mẩy, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, uể oải. Viêm mũi dị ứng không chỉ kéo dài 7 ngày mà có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, dai dẳng, quanh năm.

Triệu chứng COVID-19 cũng giống viêm mũi dị ứng. COVID-19 cũng có thể hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Nhưng khác ở chỗ, COVID-19 có thể gây sốt, trong khi viêm mũi dị ứng không có triệu chứng này.

Để chẩn đoán COVID-19, đến thời điểm hiện tại, dựa vào triệu chứng là không đủ mà đa phần phải làm test nhanh - kết quả trả về trong khoảng 15 phút, hoặc là xét nghiệm RT-PCR - kết quả trả sau vài giờ. Như vậy, để chẩn đoán phân biệt viêm mũi dị ứng hay COVID-19, chúng ta chỉ có thể làm xét nghiệm.

4. Thuốc Corticoid xịt mũi mang lại lợi ích gì cho người bệnh viêm mũi dị ứng trong đại dịch COVID-19?

Thưa BS, liệu có việc sử dụng thuốc xịt mũi chứa Corticoid có phần nào hỗ trợ người mắc bệnh VMDU trong trường hợp người bệnh nhiễm COVID-19 không?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Đây là câu hỏi cũng rất thường gặp trong bối cảnh COVID-19. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng sẽ có thắc mắc và lo lắng: Liệu có nên ngừng thuốc, đặc biệt là thuốc xịt mũi chứa corticoid hay không? Nếu tiếp tục sử dụng thì lợi hại ra sao?

Vấn đề này đã được nghiên cứu ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ có những tài liệu công bố rằng, với những bệnh nhân đang sử dụng corticoid xịt đối với viêm mũi dị ứng hoặc hít đối với người mắc hen phế quản vẫn tiếp tục duy trì điều trị giúp giảm đáng kể tỷ lệ bệnh trở nặng, nhập viện, nhập ICU và tử vong so với người không sử dụng corticoid xịt hoặc hít thường xuyên. Như vậy, thuốc xịt mũi chứa Corticoid có lợi với người bệnh trong COVID-19.

7. Vì sao dùng Corticoid xịt mũi giúp giảm nguy cơ nhập viện, tử vong do COVID-19?

Có nghiên cứu cho thấy những người có sử dụng Corticoid xịt mũi để chữa dị ứng hoặc hen suyễn sẽ giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19. Theo BS, vì sao lại như vậy?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Mũi là cơ quan hô hấp đầu tiên của cơ thể. Chúng ta hít thở qua mũi, sau đó không khí đi qua mũi rồi mới đi vào thanh quản, khí quản, phế quản và phổi.

Tác nhân gây bệnh COVID-19 là một loại siêu vi, đường xâm nhập đầu tiên cũng là hô hấp. Trong mũi có nhiều thụ thể ACE2, giúp viurs SARS-CoV-2 gắn và đi vào trong niêm mạc, tế bào gây nên sự biến đổi trong tế bào và làm hư hại tế bào, gây bệnh COVID-19. Các nghiên cứu chỉ ra, việc sử dụng Corticoid xịt mũi làm giảm thụ thể ACE2, virus ít có cơ hội gắn vào thụ thể, xâm nhập vào tế bào - đây là một cách gián tiếp làm hạn chế virus đi vào tế bào.

8. Ưu điểm của Corticoid dạng xịt trong điều trị viêm mũi dị ứng?

Trong nhóm Corticoid, loại thuốc nào thường được ưu tiên lựa chọn? So với các dạng thuốc uống trong điều trị viêm mũi dị ứng dai dẳng, thuốc Corticoid dạng xịt mang lại những hiệu quả hay lợi ích như thế nào?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Corticoid có 2 loại chính, uống và xịt, dạng tiêm chủ yếu dùng ở bệnh viện. Dạng uống và xịt có thể dùng lại nhà. Dạng uống mang lại hiệu quả nhanh, mạnh, nhưng hấp thu vào máu, có tác dụng phụ toàn thân khá nhiều, vì vậy thầy thuốc phải cân nhắc khi chỉ định và phải được dùng theo toa bác sĩ. Dạng xịt khi xịt vào mũi, hấp thu tại mũi là chủ yếu, ít hấp thu toàn thân.

Ngày nay, Corticoid có rất nhiều loại, trong đó loại sinh khả dụng toàn thân thấp, ít hoặc không hấp thu vào máu sẽ thì ít tác dụng phụ, chẳng hạn như Budesonide. Khi sử dụng dạng xịt, đa phần chỉ tác dụng, hấp thu tại mũi, ít vào máu nên không có tác dụng phụ như cao huyết áp, loãng xương, loét dạ dày hoặc các triệu chứng khác như Corticoid toàn thân dạng uống.

9. Nhờ đâu Corticoid dạng xịt chứa Budesonide được “ưu ái” trong điều trị viêm mũi dị ứng?

Vì sao thuốc Corticoid dạng xịt chứa Budesonide thường được khuyên dùng nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng? Dạng thuốc này thường được chỉ định cho những ai và liệu có nhóm người nào không nên thận trọng hoặc chống chỉ định?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Budesonide là một loại corticoid xịt mũi, được bào chế theo 2 dạng là budesonide thường (tự do) và budesonide este hóa.

Cụ thể, khi xịt vào mũi, budesonide tự do sẽ đem lại tác dụng liền, còn budesonide este hóa sẽ nằm trong niêm mạc mũi và phóng thích ra từ từ. Chính vì vậy, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên sử dụng budesonide 1 lần/ngày vào buổi sáng để thuốc phóng thích và kéo dài suốt 24 giờ, giúp bệnh nhân không cần phải xịt nhiều lần. Một số trường hợp như trong trường hợp polyp quá nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nên xịt thuốc 2 lần/ngày.

Nhiều phụ nữ mang thai khi bị viêm mũi dị ứng thường lo lắng việc sử dụng thuốc có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến em bé. Tuy nhiên, do có đặc điểm sinh khả dụng toàn thân thấp nên budesonide đã được nhiều công trình nghiên cứu chứng minh sự an toàn đối với phụ nữ mang thai. Đặc biệt, Budesonide đã được FDA Hoa Kỳ phân loại mức độ an toàn loại B, tức có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai. Do đó, nếu các mẹ bầu không cần phải quá lo lắng.

10. Những điều cần lưu ý khi sử dụng Corticoid dạng xịt mũi?

Nhiều người khi sử dụng thuốc Corticoid thường lo lắng về tác dụng phụ, lạm dụng gây phù và nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên sử dụng thế nào (bắt đầu từ khi nào, dùng đến giai đoạn nào…) và cần lưu ý gì trong quá trình sử dụng nên tránh tác dụng phụ? Nhờ BS đưa ra những lời khuyên cho khán thính giả hiểu rõ hơn ạ.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Chúng ta đều biết rằng, nếu sử dụng corticoid không đúng cách sẽ đem lại rất nhiều tác dụng phụ. Do đó, tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng corticoid (đặc biệt là corticoid uống) mà phải tuân theo hướng dẫn, kê toa của bác sĩ.

Một trong những loại corticoid chúng ta có thể tự mua đó là loại corticoid dạng xịt mũi. Bởi những dạng corticoid xịt mũi có đặc điểm sinh khả dụng toàn thân thấp, tức khi xịt vào thì nó chỉ tác dụng ở mũi và không hấp thu vào máu hoặc hấp thu rất ít, không đáng kể nên rất an toàn.

Dù vậy, khi sử dụng chúng ta sẽ không thể giảm triệu chứng ngay trong 1 - 2 ngày mà phải cần sử dụng trong thời gian lâu dài. Mặt khác, có thể trong 1 - 2 tuần sử dụng chúng ta nhận thấy triệu chứng giảm rõ rệt nhưng không phải vì thế mà ngưng thuốc ngay mà phải sử dụng tối thiểu 1 tháng. Bởi bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh lý mãn tính nên nếu ngưng thuốc ngay thì triệu chứng có thể tái lại và nặng hơn.

Chính vì vậy, các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc xịt kéo dài trong thời gian tối thiểu là khi hết chai thuốc xịt (1 chai thuốc có định liều trung bình khoảng 120 lần xịt), dùng trong vòng 1 tháng. Hiện nay, trên thế giới vẫn khuyến cáo bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc sau thời gian đó, thậm chí là 3 hoặc 6 tháng nếu người bệnh bị viêm mũi dị dai dẳng.

Nói tóm lại, điều an toàn nhất đối với mọi bệnh lý, cũng như mọi loại thuốc chính là sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Bởi khi bác sĩ đã đặt bút kê đơn thuốc thì đã cân nhắc kỹ lưỡng nên bệnh nhân hãy yên tâm và tuân thủ điều trị.

11. Người bị viêm mũi dị ứng cần lưu ý gì khi vệ sinh mũi họng?

Vệ sinh mũi họng là điều thường làm trong dịch bệnh, hiện nay nhiều người vẫn duy trì thói quen này để bảo vệ sức khỏe. Vậy với người bị viêm mũi dị ứng, cần vệ sinh mũi họng sao cho đúng? Cần lưu ý gì trong quá trình vệ sinh mũi họng?

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Việc vệ sinh mũi họng là điều mà các bác sĩ vẫn khuyến cáo tất cả mọi người nên thực hiện thường xuyên để loại bỏ những tác nhân, bụi bẩn lơ lửng trong không khí khi chúng ta hít vào, đặc biệt là đối với những người sống trong môi trường ô nhiễm không khí cao. Theo đó, khi rửa mũi, những tác nhân bụi bẩn kể trên có thể theo đường mũi và trôi ra ngoài.

Đối với những người viêm mũi dị ứng, viêm mạc sẽ bị phù nề và sức đề kháng tại chỗ bị giảm nên vấn đề vệ sinh mũi họng dường như phải được chăm sóc kỹ càng hơn so với những người bình thường.

Một điều mà những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng cần lưu ý đó là nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý trước khi sử dụng thuốc xịt histamin hoặc thuốc xịt corticoid.  Điều này sẽ giúp thuốc được giữ trong mũi lâu hơn và có thời gian tác động lên niêm mạc mũi. Nếu chúng ta thực hiện quy trình ngược lại thì làm mất đi tác dụng của thuốc xịt bởi thuốc chưa kịp tác dụng lên mũi đã bị quá trình mũi rửa trôi.

12. Khi thời tiết “đỏng đảnh”, người bị viêm mũi dị cần trang bị những gì để vượt qua?

Cần tránh những gì trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa viêm mũi dị ứng quay trở lại, thưa BS? Đặc biệt là trong mùa đông lạnh ở miền Bắc, giai đoạn thay mùa sắp đến ở miền Nam, người bệnh viêm mũi dị ứng cần trang bị cho mình những gì để vượt qua?

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Khi thời tiết “đỏng đảnh” thì chứng viêm mũi dị ứng cũng “đỏng đảnh” theo. Chúng ta biết rằng, đặc điểm thời tiết ở miền Bắc là có 4 mùa rõ ràng và ở miền Nam thì chỉ có 2 mùa nắng và mưa. Tuy nhiên, dù đặc điểm thời tiết như thế nào thì chắc chắn trong năm vẫn sẽ có những giai đoạn chuyển mùa.

Theo đó, những giai đoạn này thường sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố môi trường như độ ẩm, gió,… khiến bệnh viêm mũi dị ứng bùng phát dữ dội. Song, giai đoạn chuyển mùa không phải là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng (dị nguyên) mà chỉ là yếu tố thuận lợi để viêm mũi dị ứng sẵn có ở bệnh nhân khởi phát.

Nếu bệnh nhân biết được khi nào thì mình sẽ bị viêm mũi dị ứng thì cần tìm đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng trước, nghĩa là điều trị đón đầu mùa gây khởi phát dị ứng, chẳng hạn như: mùa mà có nhiều phấn hoa trong khí hay mùa có độ ẩm cao gây ẩm mốc nhiều…

Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn nên hạn chế tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng, ví dụ như:

  • Hạn chế nuôi chó, mèo.
  • Vệ sinh bụi bẩn trên các bề mặt.
  • Thay gối nằm: chúng ta có thể thay vỏ gối hàng tuần nhưng gối vẫn chứa rất nhiều bụi bẩn.

Bên cạnh đó, bạn nên làm sạch không gian sống, giữ cho nhà cửa thông thoáng, không khí được luân chuyển, giữ cho độ ẩm vừa phải (trung bình 50%) và nhiệt độ vừa phải, vệ sinh những đồ dùng sử dụng hằng ngày, hạn chế sử dụng thảm lông hoặc chiếu để không tạo điều kiện cho bụi bám vào…

Trân trọng cảm ơn công ty Johnson & Johnson Việt Nam đã tài trợ chương trình!

Phần 2: Đối phó với viêm mũi dị ứng, corticoid dạng xịt dùng sao cho đúng?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X