Hotline 24/7
08983-08983

Đối phó với viêm mũi dị ứng, corticoid dạng xịt dùng sao cho đúng?

Hàng loạt thắc mắc liên quan đến thuốc Corticoid dạng xịt dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng đã được giải đáp bởi PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và BS.CK2 Vũ Hải Long - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115.

Phần 1: Viêm mũi dị ứng dùng thuốc gì hiệu quả?

1. Người bị viêm mũi dị ứng làm gia tăng nguy cơ sốc thuốc, vắc xin?

Thưa BS, có phải viêm mũi dị ứng dễ làm mình dị ứng với các thứ khác, bao gồm cả thuốc phải không ạ? Do ở quê sắp tới có đợt tiêm vắc xin COVID-19, em sợ có bệnh viêm mũi dị ứng sẽ làm gia tăng nguy cơ sốc thuốc ạ. Mong BS cho em lời khuyên.

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Chuyện người bị viêm mũi dị ứng lo lắng mình sẽ dị ứng với thứ khác là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, bạn đọc không cần phải quá lo lắng bởi những tình trạng dị ứng thường không liên quan với nhau, ví dụ người bị viêm mũi dị ứng không liên quan đến dị ứng thức ăn.

Đặc biệt, nhiều người truyền tai nhau rằng người có biểu hiện dị ứng sẽ có một số chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 nên cảm thấy lo lắng khi cơ thể mình bị dị ứng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của thế giới cũng như Bộ Y tế Việt Nam, chỉ những người từng có tiền sử sốc phản vệ từ độ 2 trở lên, tức tình trạng dị ứng nguy hiểm cần can thiệp hồi sức, đe dọa tính mạng người bệnh thì mới cần cẩn thận trong việc tiêm vắc xin COVID-19. Theo đó, trước khi tiêm, đối tượng này cần thông báo tình trạng của mình cho nhân viên khám sàng lọc biết để có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Còn lại, những bệnh dị ứng thông thường, không quá nguy hiểm như: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, chàm da, dị ứng da… không nằm trong nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin. Do đó, bạn đọc bị viêm mũi dị ứng vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bình thường, không cần phải lo lắng gì cả. Đặc biệt, bạn nên tiêm càng sớm càng tốt bởi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

2. Làm sao để phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng?

Thưa BS, em hay nghẹt mũi, sổ mũi, chảy đờm xuống họng mỗi khi thay đổi thời tiết 3 năm rồi. Đi khám BS nói viêm xoang, nhưng BS khác lại nói là viêm mũi dị ứng. Xin hỏi BS, làm sao phân biệt đó là viêm xoang hay viêm mũi dị ứng? Trường hợp của em nên điều trị theo hướng nào ạ?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Bạn có những triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, chảy đờm xuống họng và được bác sĩ chẩn đoán là viêm xoang. Tuy nhiên, trong thời gian khám ở bác sĩ khác, bạn được chẩn đoán là viêm mũi dị ứng nhưng bác sĩ Trân vẫn chưa nắm rõ khoảng cách giữa 2 lần khám là bao xa. Bởi vẫn có trường hợp một người vừa có thể bị viêm xoang, vừa có thể bị viêm mũi dị ứng. Do đó, nếu bạn có những biểu hiện như: ngứa mũi, hắt xì, sổ mũi, đặc biệt là có “nước mũi trong như nước mưa” (theo cách gọi dân gian) thì chắc chắn bạn đã bị viêm mũi dị ứng.

Đối với viêm xoang giai đoạn đầu, nguyên nhân chủ yếu là do siêu vi. Tuy nhiên, viêm xoang ở giai đoạn sau có thể là do vi khuẩn, nên lúc này nước mũi sẽ có màu (xanh, vàng hoặc trắng đục).

Một tình trạng viêm mũi dị ứng vẫn có thể đưa đến tình trạng viêm xoang. Nguyên nhân là do mũi bị dị ứng dẫn đến phù nề, tắc nghẽn lỗ thông khe làm cho xoang bị bội nhiễm, vi khuẩn gây nên tình trạng viêm xoang, lúc đó người ta gọi là viêm mũi xoang dị ứng.

Do đó, dựa vào thời điểm bạn đi khám và triệu chứng, bác sĩ mới có thể đánh giá được bạn đang bị bệnh lý gì.

Ngày nay, để phân biệt được viêm xoang và viêm mũi dị ứng, ngoài việc dựa vào triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ còn có áp dụng nhiều phương pháp cận lâm sàng khác như: nội soi mũi, chụp CT xoang.

Theo đó, nếu kết quả nội soi mũi cho thấy hốc mũi phù nề và dịch tiết tăng thì đó là viêm mũi dị ứng. Nếu nội soi mũi thấy phù nề, dịch đục trong khe mũi thì đó chính là viêm mũi xoang.

Nếu những trường hợp triệu chứng điều trị kéo dài, khi nội soi thấy vẫn có những bất thường, bác sĩ có thể sử dụng thêm các biện pháp cận lâm sàng khác, chẳng hạn như chụp CT xoang để đánh giá xem trường hợp đó có phải viêm xoang do nấm hay không.

Sau viêm mũi xoang thông thường, bệnh nhân vẫn có thể bị viêm mũi xoang do bội nhiễm vi khuẩn hay do nấm, tức là có rất nhiều yếu tố gây bệnh.

Vì vậy, tùy theo giai đoạn bệnh và kết quả khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ có những chẩn đoán chính xác.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành y, đặc biệt là lĩnh vực tai mũi họng

3. Không điều trị viêm mũi dị ứng, nguy hiểm thế nào?

BS cho tôi hỏi, viêm mũi dị ứng nếu không điều trị có khả năng xảy ra biến chứng, vậy liệu có dấu hiệu nào cảnh báo bệnh đã chuyển nặng? Viêm mũi dị ứng khám Dị ứng hay khám Tai mũi họng mới đúng chuyên khoa? Xin cảm ơn.

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang dị ứng nếu không được điều trị mà cứ để cho cơ thể phản ứng tự nhiên với chất kích thích trong thời gian dài thì niêm mạc sẽ suy yếu. Từ đó, bệnh nhân sẽ xuất hiện những tình trạng như: thoát mạch tại chỗ; phù nề; thoái hóa niêm mạc khiến niêm mạc bị mất chức năng, không thực hiện chức năng sinh lý bình thường của cơ thể nên không khí đi vào phổi không được làm ấm và ẩm dễ dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Triệu chứng viêm mũi tại chỗ cũng sẽ làm tắc khe kẽ trong mũi mà đáng lẽ ra những vùng này cần phải được thông thoáng để dẫn lưu. Do đó, không khí nếu không thể lưu thông sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, polyp phát triển, thậm chí bệnh nhân không thể thở được bằng mũi.

Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ thấy triệu chứng nghẹt mũi tăng dần, xuất hiện những biến chứng khác như: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi). Lúc này, triệu chứng đã nặng và cần can thiệp điều trị.

Vì vậy, người bị dị ứng không nên chủ quan vì khi điều trị sớm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu để đến khi bản thân đã bị nghẹt mũi nhiều, polyp mọc đầy trong xoang thì việc điều trị sẽ bị hạn chế rất nhiều.

4. Dùng thuốc viêm mũi dị ứng chung với thuốc điều trị COVID-19 được không?

Chào AloBacsi cho tôi hỏi, tôi đang là F0, nhưng cũng đang điều trị viêm mũi dị ứng. Tôi vừa dùng thuốc điều trị COVID-19 vừa dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng được không hay phải dừng lại ạ? Tôi có đang dùng cả thuốc xịt mũi chứa Budesonide. Mong BS cho lời khuyên.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Chúng ta điều biết rằng, hiện nay các F0 có thể điều trị tại nhà. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc mà cơ sở y tế đã cấp, F0 mắc các bệnh lý sẵn có vẫn phải tiếp tục điều trị.

Ví dụ, F0 bị cao huyết áp, tiểu đường thì vẫn phải dùng thuốc trị mà bác sĩ đã kê trước, kết hợp với điều trị COVID-19 tại nhà, chứ không phải ai điều trị COVID-19 thì phải bỏ qua việc điều trị những bệnh khác.

Đối với viêm mũi dị ứng cũng vậy, bệnh nhân đang là F0 có bệnh viêm mũi dị ứng vẫn tiếp tục điều trị và sử dụng corticoid xịt mũi như bình thường. Việc sử dụng corticoid còn có lợi cho bệnh nhân hơn nữa bởi nó làm giảm các nguy cơ nguy hiểm cho bệnh nhân như: bệnh tình trở nặng, nhập viện, nhập ICU và tử vong.

Việc kiểm soát những bệnh lý đi kèm làm cho sức đề kháng của cơ thể tốt hơn giúp bệnh nhân có thể tự khỏi trong giai đoạn mắc COVID-19. Vì vậy, bạn đọc bị viêm mũi dị ứng cứ tiếp tục duy trì điều trị theo toa thuốc của bác sĩ và không có lý do gì phải ngưng cả.

5. Trẻ bị viêm mũi dị ứng khi lớn lên có hết không?

Bé nhà em 8 tuổi, bị viêm mũi dị ứng. Thuốc Corticoid dạng xịt chứa Budesonide có thể sử dụng cho trẻ từ bao nhiêu tuổi thưa BS? Khi sử dụng cho trẻ có lưu ý gì đặc biệt không ạ? Hiện tại ở quê đã cho bé đi học lại, em có cần nhờ cô giáo lưu ý những gì cho bé trong quá trình học ở trường không ạ? Tình trạng viêm mũi dị ứng ở trẻ, mai này lớn lên có hết không, thưa BS?

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Trong hướng dẫn sử dụng thuốc Budesonide tại chỗ dạng xịt, nhà sản xuất khuyến cáo bệnh nhân có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Do đó, con của bạn đã 8 tuổi nên hoàn toàn có thể sử dụng thuốc Corticoid dạng xịt chứa Budesonide.

Theo đó, để đạt được mục đích điều trị và tránh chấn thương mũi, tốt nhất chúng ta nên dùng tay trái để xịt vào lỗ mũi bên phải và ngược lại. Bởi nếu dùng tay cùng bên với lỗ mũi để xịt thì thuốc chỉ chạm tới vách ngăn ở mũi - nơi tập trung ở hệ thống mạch máu, nên khi xịt vào sẽ làm cho niêm mạc mỏng đi và có thể gây chảy máu cam ở trẻ. Đôi khi, việc xịt quá nhiều còn có thể gây thủng vách ngăn. Do đó, bố mẹ cần hết sức thận trọng khi hướng dẫn con cách xịt sao cho đúng.

Về thời gian xịt mũi, người bệnh có thể xịt 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, không nên có suy nghĩ rằng thuốc tốt thì xịt càng nhiều càng tốt. Bởi nếu xịt quá nhiều, thuốc sẽ chảy xuống họng, đôi khi lượng thuốc quá lớn chảy xuống dạ dày và thông qua đường máu sẽ ảnh hưởng đến hormone hạ đồi tuyến yên thượng thận.

Các nhà sản xuất thường tính 1 liều an toàn theo đơn vị microgam (µg).

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Chúng ta biết rằng, bệnh là sự tương tác giữa cơ thể và môi trường. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần xác định được dị nguyên gây dị ứng cho trẻ, chẳng hạn như: lông chó mèo, thú bông,… và tách rời trẻ với dị nguyên đó.

Mặt khác, bản thân mỗi người sẽ có gen dị ứng nên nếu bệnh nhân sống ở môi trường đó thì sẽ cứ bị dị ứng hoài. Một số trường hợp thay đổi môi trường, ví dụ như di chuyển đến một tỉnh thành, đất nước khác thì không bị viêm mũi dị ứng nữa.

Ngoài ra, cũng có trường hợp viêm mũi dị ứng nhiều nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên do còn trẻ và khỏe nên cơ thể đáp ứng mạnh với môi trường nhưng khi già đi thì sự đáp ứng khác đi, tỷ lệ viêm mũi dị ứng cũng giảm dần. Do đó, viêm mũi dị ứng ở trẻ thường rầm rộ nhưng khi lớn lên thì mức độ viêm dị ứng cũng thay đổi theo. Mặt khác, ở tuổi già, chúng ta lại xuất hiện nhiều bệnh khác và viêm mũi dị ứng sẽ giảm mặc dù chúng ta không thay đổi môi trường sống.

Trường hợp cơ địa đã có sẵn gen dị ứng thì đôi khi khó có thể thay đổi. Chúng ta chỉ có thể hạn chế dị ứng xảy ra bằng cách vệ sinh thường xuyên hoặc thay đổi môi trường sống.

BS.CK2 Vũ Hải Long - chuyên gia tư vấn quen thuộc của bạn đọc AloBacsi trong các chương trình chăm sóc sức khỏe tai mũi họng

6. Corticoid dạng xịt chứa Budesonide điều trị viêm mũi dị ứng có cần kê đơn của bác sĩ?

Em 32 tuổi, bị viêm mũi dị ứng theo mùa, đã đi khám trước đó, hiện giờ trời trở lạnh nên rất khó chịu ạ. Corticoid dạng xịt chứa Budesonide điều trị viêm mũi dị ứng có cần kê đơn của BS không ạ? Nhờ BS hướng dẫn giúp em cách sử dụng Corticoid dạng xịt chứa Budesonide đúng nhất ạ?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Corticoid dạng xịt là thuốc đã được bào chế để sử dụng một cách dễ dàng. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới, thuốc này được xếp vào loại OTC, tức là có thể mua tự do ở các nhà thuốc.

Ví dụ, khi sang Mỹ, chúng ta thấy những siêu thị lớn như Costco vẫn có thuốc xịt mũi được bán tự do. Ở các nhà thuốc tại Việt Nam cũng vậy, chúng ta có thể mua corticoid xịt mũi tại các nhà thuốc.

Những loại thuốc corticoid có sinh khả dụng thấp, ví dụ như Budesonide như bạn đọc đề cập, thường sẽ hấp thu vào máu ít, xịt tại mũi chỉ có tác dụng tại mũi nên khá an toàn, dễ sử dụng và bệnh nhân có thể tự mua.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tự sử dụng thuốc xịt mà thấy triệu chứng không giảm thì cần đến gặp bác sĩ. Bởi trên nguyên tắc chung, bệnh nhân dị ứng sẽ phải tránh dị ứng nguyên, điều trị bằng thuốc chống dị ứng corticoid xịt mũi nhưng mỗi người sẽ có bệnh cảnh lâm sàng riêng nên sẽ có phương pháp điều trị riêng. Theo đó, bác sĩ sẽ cá thể hoá, có thể phải phối hợp thuốc hoặc tăng/giảm liều.

7. Thực hư thuốc xịt mũi Corticoid chữa dị ứng hoặc hen suyễn giúp giảm khả năng nhập viện, tử vong do COVID-19?

Tôi đọc được thông tin, người sử dụng thuốc xịt mũi Corticoid chữa dị ứng hoặc hen suyễn giúp giảm khả năng nhập viện, tử vong do COVID-19. Thông tin này có đúng không ạ? Nếu đúng thì nhờ đâu mà thuốc xịt mũi mang lại hiệu quả này?

Vì tôi thì rất lo lắng nếu dùng các thuốc này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, như vậy dễ mắc bệnh và nếu có mắc bệnh thì dễ trở nặng hơn. Mong BS chia sẻ thêm giúp tôi. Tôi bị viêm mũi dị ứng 2 năm nay.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: COVID-19 là một đại dịch toàn cầu, đây là một căn bệnh mới, lạ mà chúng ta đang trên con đường tìm hiểu để điều trị, phòng ngừa và đối phó nó. Nói chung, mục tiêu chính là bảo vệ sức khoẻ của người dân, làm sao giảm tỷ lệ chuyển nặng, nhập viện và tử vong.

Kết quả nghiên cứu trên nhóm người viêm mũi dị ứng bị COVID-19 có và không sử dụng corticoid xịt mũi cho thấy, tỷ lệ nguy cơ nhập viện của 2 nhóm có sự khác biệt rõ rệt.

Do đó, người ta khuyến cáo rằng bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng mắc COVID-19 vẫn có thể tiếp tục dùng Corticoid xịt mũi. Thật ra, corticoid xịt mũi không gây hại mà nó còn có lợi. Điều này không có nghĩa xịt mũi là dự phòng được COVID-19 mà chúng chỉ giúp bệnh nhân làm giảm các nguy cơ như: bệnh tình trở nặng, nhập viện ICU (chăm sóc đặc biệt), thậm chí tử vong.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới vẫn theo đuổi những biện pháp phòng tránh COVID-19 là 5K và tiêm vắc xin.

8. Dùng Corticoid xịt mũi trước phẫu thuật có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc mổ?

Viêm mũi dị ứng khi nào thì dùng thuốc, khi nào phải phẫu thuật thưa BS? Nếu trước khi phẫu thuật có dùng Corticoid xịt mũi thì có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc mổ và khả năng tái phát sau đó?

BS.CK2 Vũ Hải Long trả lời: Trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng, nếu những biện pháp điều trị không còn đem lại hiệu quả thì bác sĩ sẽ cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật không phải để chữa khỏi bệnh mà là để giải phóng hốc mũi, tạo điều kiện đưa thuốc chống dị ứng vào mũi và ngăn ngừa những biến chứng xa hơn do viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị.

Ví dụ, bệnh nhân có triệu chứng nghẹt mũi thường xuyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như: ảnh hưởng đến giấc ngủ, các hoạt động vui chơi giải trí hoặc đến sức học tập, làm việc,… thì lúc này vấn đề phẫu thuật sẽ được đặt ra giống như một biện pháp “cứu cánh” cuối cùng.

Tuy nhiên, phẫu thuật không giúp trị gốc dị ứng. Trong quá trình điều trị dị ứng, thậm chí bác sĩ còn khuyên bệnh nhân phải dùng thuốc corticoid trước.

Ví dụ, khi bệnh nhân đến khám mà có triệu chứng tắc mũi do thoái hóa niêm mạc, polyp nhiều thì lúc đó các bác sĩ mới đặt vấn đề phẫu thuật để giải phóng. Theo đó, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên xịt corticoid tại chỗ ở mũi để kích thước của polyp mũi co nhỏ lại, tạo điều kiện cho phẫu thuật không chảy máu. Việc sử dụng corticoid dạng xịt được khuyên dùng trước phẫu thuật chứ không kiêng khem gì cả.

Nguyên lý của việc dùng corticoid là làm suy giảm miễn dịch tại chỗ nên không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc mổ. Thậm chí, dùng corticoid còn đem lại lợi ích như: giảm viêm tại chỗ, tạo điều kiện cho vết thương lành nhanh hơn. Trong quá trình chăm sóc sau mổ, các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân sử dụng corticoid sớm để ngăn chặn tái phát sau mổ, điều này đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh. Do đó, việc sử dụng corticoid dạng xịt trước và sau mổ đều được.

9. Lời khuyên từ chuyên gia trong việc đối phó với viêm mũi dị ứng

Nhờ BS gửi đến quý bạn đọc một vài lưu ý, đặc biệt là bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có thể ứng phó với căn bệnh này ạ.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Với bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, tốt nhất nên tránh dị ứng nguyên, đây là điều mà chúng ta có thể làm được. Bên cạnh đó, người bệnh có thể vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; thường xuyên mở cửa thông thoáng; tránh các loại dị nguyên thường gặp như chó mèo, thú bông; thường xuyên giặt mền chiếu gối; vệ sinh đồ chơi của trẻ.

Hơn nữa, nên tăng sức đề kháng cho cơ thể mình bằng cách uống nhiều nước; ăn nhiều trái cây; vận động; tắm nắng để sản sinh nhiều vitamin D giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể để có thể chống chọi với bệnh; vận động thể lực càng nhiều càng tốt.

Trân trọng cảm ơn công ty Johnson & Johnson Việt Nam đã tài trợ chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X