Hotline 24/7
08983-08983

PGS.BS Huỳnh Wynn Trần: Vì sao tái nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ hơn?

PGS.BS Huỳnh Wynn Trần lý giải trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2, trí nhớ miễn dịch là gì, vì sao tái nhiễm bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ hơn...?

alobacsi PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần PGS.BS Huỳnh Wynn Trần

Rất nhiều quý vị hỏi tôi: tại sao trường hợp này, trường hợp kia tái nhiễm? Trước đây tôi đã trả lời đây là âm tính giả, tức là người đó có nhiễm virus nhưng kết quả test ban đầu âm tính, sau đó người đó thật sự bị bệnh và cho kết quả test dương tính.

Tuy nhiên, cho tới cách đây 2 ngày, các tạp chí y khoa nổi tiếng, trong đó có tạp chí BMJ đã đăng trường hợp xác nhận tái nhiễm đầu tiên trên thế giới, ghi nhận tại Hồng Kông.

Đây là bệnh nhân nam 33 tuổi, tháng 3/2020 anh đã bị bệnh COVID-19 với những triệu chứng rất đặc trưng. Vài tuần sau, đến giữa tháng 4 bệnh nhân này được xuất viện sau khi test 2 lần âm tính với phương pháp PCR, thời điểm này anh chưa có kháng thể. Sau đó anh đi qua châu Âu rồi trở về Hồng Kông vào tháng 8 thì bị sốt, được cách ly, xét nghiệm lần nữa thì phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.

Điểm thú vị là ở lần xét nghiệm sau, chuỗi di truyền của virus SARS-CoV-2 có 24 vị trí nucleotide thay đổi.

Xin nhắc lại SARS-CoV-2 là virus RNA, trong chuỗi gen di truyền của nó chỉ có 1 nhánh đơn. So với virus DNA có 2 chuỗi gen (như vợ chồng có đôi có cặp) thì virus RNA là “độc thân vui tính”, dễ thay đổi, dễ dị biến.

Điều quan trọng là trường hợp ở Hồng Kông, virus SARS-CoV-2 ở lần nhiễm thứ nhất và lần nhiễm thứ hai (tái nhiễm) có chuỗi gen khác nhau.

Theo nghiên cứu thì thông thường sau khi khỏi bệnh (hết triệu chứng) 1 tháng là chúng ta không tìm thấy dấu hiệu của virus rồi. Và lần thứ 2 này anh chàng cũng bị bệnh nhẹ hơn lần trước, thời gian nhiễm bệnh cách lần trước là hơn 3 tháng. Điều này liên quan đến “trí nhớ miễn dịch”.

alobacs Cấu trúc của virus SARS-CoV-2 do BS Wynn vẽCấu trúc của virus SARS-CoV-2 - bản vẽ tay của BS Wynn Trần

Lần đầu tiên chúng ta nhiễm bệnh, các tế bào của hệ miễn dịch trong đó có tế bào T và tế bào B (T cell và B cell), chúng ta ví hai tế bào này như một cặp vợ chồng, vì hai tế bào này phải làm việc cùng nhau để sản sinh kháng thể - là những baby (tôi hay giải thích như vậy cho bệnh nhân dễ hiểu). Những “baby” kháng thể này đi khắp cơ thể để chiến đấu với vi khuẩn, virus.

Khi SARS-CoV-2 đi vào cơ thể chúng ta lần đầu tiên, tế bào T cell và B cell sẽ nhận ra và chiến đấu. Sau khi chiến đấu, T cell và B cell nhớ mặt con virus này, nhớ bề mặt nó có những cái gai (S protein) và sản sinh ra những “baby” kháng thể cũng có trí nhớ này. Đến lần sau, khi SARS-CoV-2 xâm nhập lần nữa, cơ thể chúng ta nhận ra nó và sản xuất nhiều baby hơn để chiến đấu với virus.

Khái niệm này là “trí nhớ miễn dịch”, đây là một trong những kiệt tác của tạo hóa. Bất kỳ ai có hệ miễn dịch tốt đều có trí nhớ miễn dịch. Nếu không có trí nhớ miễn dịch, chúng ta sẽ bị tới bị lui cùng 1 bệnh và dễ tử vong.

Điều này giải thích vì sao lần tái nhiễm SARS-CoV-2, anh chàng ở Hồng Kông đã bị bệnh nhẹ hơn vì hệ miễn dịch đã nhận ra và chiến đấu tốt hơn. Xét nghiệm cũng cho thấy anh đã có kháng thể.

Tuy nhiên nhiều người sẽ thắc mắc là sau đó xuất hiện thêm mấy ca tái nhiễm nữa ở những nước khác. Riêng có 1 ca ở Nevada, ở lần tái nhiễm bệnh nhân bị bệnh nặng hơn, cho thấy hệ miễn dịch làm việc vất vả hơn.

Chúng ta rút ra điều gì từ những trường hợp này? Đó là hệ miễn dịch của chúng ta rất tuyệt vời, có khả năng nhớ mặt virus. Việc biến đổi này của virus cũng là đã được tiên đoán trước, khả năng tái nhiễm là có thể xảy ra.

Vậy việc virus biến đổi gen lần này có thay đổi việc chế tạo vắc xin hay không? Câu trả lời là chưa, vì điểm quan trọng là cái gai của virus (S protein) để nó có thể bám vào tế bào của chúng ta vẫn chưa thay đổi. Hầu như các vắc xin đang chế tạo hiện nay đều nhắm vào protein này.

Tuy nhiên cũng chưa biết tương lai SARS-CoV-2 sẽ biến đổi tiếp tục như thế nào. Chúng ta nhớ đến virus cúm mùa, nó cũng là virus RNA, nhưng mức độ “độc thân vui tính” nhiều hơn SARS-CoV-2. Mỗi năm virus cúm mùa đều biến đổi, các nhà khoa học phải dự đoán nó biến đổi theo hướng nào để sản xuất vắc xin mới cho phù hợp, và mọi người phải chích ngừa mỗi năm một lần. Tôi lo ngại trên đường đời vui vẻ, SARS-CoV-2 gặp virus cúm mùa và học được cách biến đổi như virus cúm mùa thì chúng ta thật sự gặp vấn đề lớn.

Trích livestream #239 Livestream Covid-19/AskDrWynn: Xác nhận tái nhiễm Covid-19 từ nhiều ca

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X