Vì sao một con chim có thể gây ra thảm kịch hàng không?
Việc máy bay va chạm với những con chim có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lớn. Khi vụ va chạm xảy ra, các phi công có thể không biết được động cơ của máy bay bị ảnh hưởng đến mức nào.
Ngày 29/12, thế giới chấn động trước thông tin liên quan đến vụ tai nạn của chuyến bay 7C2216 của hãng hàng không Jeju Air từ Bangkok của Thái Lan đến sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) đã làm 179 người thiệt mạng, chỉ 2 người sống sót.
Theo Yonhap, chiếc máy bay đã va chạm với chim trong quá trình di chuyển, gây ảnh hưởng đến bộ đáp máy bay. Điều này được cho khiến chiếc máy bay không được hạ cánh đúng cách, tiếp đất bằng vùng bụng, chệch khỏi đường bay, va vào hàng rào phát nổ.
Với nhiều người, họ sẽ không tin khi những con chim nhỏ bé có thể gây nguy hiểm cho những chiếc máy bay có trọng lượng hàng chục tấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này diễn ra phổ biến, từng gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trong quá khứ.
Vì sao máy bay va chạm với chim lại nguy hiểm?
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), 90% sự cố máy bay va phải chim xảy ra gần sân bay. Thông thường, điều này xảy ra khi máy bay cất cánh, hạ cánh hoặc bay ở độ cao thấp, tương đương với tầm bay của chim.
Do đặc tính tự nhiên, những con chim thường bị thu hút bởi những địa hình trống trải nằm xung quanh sân bay. Trong 31 năm qua, các vụ va chạm với chim đã khiến 292 người trên toàn thế giới thiệt mạng, 250 chiếc máy bay bị phá hủy.
Hassan Shahidi - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Flight Safety Foundation cho biết, việc máy bay va chạm với những con chim có thể tiềm ẩn những mối nguy hại lớn.
Có sự chênh lệch lớn giữa một con chim với một chiếc máy bay dân dụng thông thường. Tuy nhiên khi máy bay đang di chuyển với vận tốc lên tới 1000 km/h, vụ va chạm có thể gây ra hậu quả đáng kể vì tốc độ va đập ở mức cực cao.
Theo ông Flavio Mandonca - Phó giáo sư khoa học hàng không tại Đại học hàng không Embry-Riddle, máy bay có thể hư hỏng nặng nếu va chạm vào chim trên không. Việc những con chim thường di chuyển theo bầy có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Khi vụ va chạm xảy ra, các phi công có thể không biết được động cơ của máy bay bị ảnh hưởng đến mức nào.
Theo chuyên gia Doug Drury của CNN, việc va chạm với chim có thể ảnh hưởng thế nào đến máy bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ va chạm, loại máy bay, vị trí va chạm. Hậu quả của việc này có thể khiến động cơ của máy bay dừng hoạt động.
Làm gì để tránh máy bay va phải chim?
Hầu hết các sự cố va phải chim xảy ra vào sáng sớm hoặc hoàng hôn khi chim hoạt động nhiều nhất. Các phi công được huấn luyện để cảnh giác trong những thời điểm này.
Radar có thể được sử dụng để theo dõi các đàn chim. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có thể được sử dụng ở một số nơi, vì nó hoạt động dựa trên mặt đất và chưa có mặt ở mọi nơi trên thế giới.
Hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất, Boeing và Airbus, đều sử dụng động cơ quạt phản lực (turbofan). Những động cơ này hoạt động bằng cách dùng cánh quạt để nén không khí trước khi pha trộn với nhiên liệu và đốt cháy để tạo ra lực đẩy cần thiết cho máy bay cất cánh.
Khi chim va vào một trong những động cơ này, nó có thể gây hư hỏng nặng cho các cánh quạt và làm động cơ bị hỏng. Để kiểm tra độ an toàn của động cơ, các nhà sản xuất thực hiện thử nghiệm bằng cách bắn một con gà đông lạnh vào động cơ đang chạy ở công suất tối đa.
Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Chính phủ Úc trong hướng dẫn quản lý mối nguy hiểm động vật hoang dã đã chỉ ra những gì sân bay cần làm để giữ chim và động vật tránh xa khu vực sân bay. Một trong những phương pháp là sử dụng các vụ nổ khí nhỏ để tạo ra âm thanh giống như tiếng súng săn, nhằm xua đuổi chim khỏi khu vực gần đường băng. Ở những khu vực có mật độ chim cao, sân bay cũng có thể trồng các loại cỏ và cây không thu hút chim.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình