Vắc xin sốt xuất huyết mới lưu hành tại Việt Nam hiệu quả thế nào, tiêm mấy mũi?
BS Trương Hữu Khanh cho biết, vắc xin sốt xuất huyết có thể sử dụng đối với những người từ 4 tuổi trở lên. Đặc biệt, người đã bị sốt xuất huyết vẫn nên tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, vẫn không lơ là các biện pháp phòng ngừa cơ bản như diệt muỗi, diệt lăng quăng,…
1. Vắc xin sốt xuất huyết có những tác dụng phụ nào?
Trên trang cá nhân, BS Trương Hữu Khanh cũng chia sẻ hình ảnh bản thân đã đi tiêm ngừa vắc xin sốt xuất huyết.
- Cảm nhận của BS sau khi tiêm mũi vắc xin này là gì ạ? BS có bị “hành” bởi tác dụng phụ của vắc xin, và nếu có thì đó là những tác dụng phụ như thế nào, liệu có khác với tác dụng phụ của các vắc xin khác?
- BS đã làm gì để vượt qua những khó chịu/tác dụng phụ do vắc xin gây ra ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bác sĩ đã tiêm nhiều loại vắc xin như vắc xin viêm gan B, vắc xin COVID-19, bạch hầu - uốn ván - ho gà và gần đây là tiêm vắc xin sốt xuất huyết.
Sau khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết, ngày đầu tiên bác sĩ cảm thấy bình thường. Đến ngày thứ hai có cảm giác nhức nhẹ bên tay đã tiêm, sau đó khỏi và không có biểu hiện gì đặc biệt.
Vắc xin sốt xuất huyết cũng giống với các loại vắc xin khác. Một số người có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau nhiều hơn nhưng vẫn là vắc xin thông thường.
Đa số các triệu chứng khó chịu này sẽ tự giới hạn, chỉ cần uống nước nhiều, nghĩ ngơi sẽ khỏi. Trong trường hợp sốt có thể uống paracetamol. Vì vậy, không đáng lo về các tác dụng không mong muốn.
2. Vắc xin sốt xuất huyết hiện có ở Việt Nam đã được sử dụng tại bao nhiêu quốc gia và đã triển khai bao lâu?
Hiện nay trên thế giới có bao nhiêu loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết ạ? Vắc xin sốt xuất huyết hiện có ở Việt Nam đã được sử dụng tại bao nhiêu quốc gia và đã triển khai bao lâu trên thế giới, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước đây, chúng ta có một loại vắc xin sốt xuất huyết khác, tuy nhiên hiệu quả không như mong muốn nên không xuất hiện trên thị trường.
Có thể nói đây là vắc xin đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, vắc xin này đã được phê duyệt và sử dụng trên rất nhiều nước, nhiều nhất là vùng châu Mỹ Latinh.
Sốt xuất huyết có 2 vùng chính là châu Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines… và châu Mỹ Latinh như Brazil, Argentina…
Tại châu Âu cũng phê duyệt vắc xin sốt xuất huyết, tuy nhiên không tiêm đại trà mà chỉ tiêm cho những người đến vùng có sốt xuất huyết. Ở Mỹ cũng phê duyệt nhưng không tiêm đại trà.
Vắc xin sốt xuất huyết được nghiên cứu từ rất lâu nhưng chỉ mới được triển khai vào đầu năm nay. Brazil bắt đầu tiêm đại trà từ tháng 3/2024, tại Việt Nam vừa phê duyệt và tiêm chủng hơn 1 tháng.
3. Vắc xin sốt xuất huyết chống lại các chủng nào, ai nên tiêm?
Vắc xin sốt xuất huyết hiện tại chỉ định cho những trường hợp nào, từ bao nhiêu tuổi và ai chống chỉ định với vắc xin xin này ạ? Có thể chống lại các chủng sốt xuất huyết nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một số người cho rằng vắc xin sốt xuất huyết sản xuất theo công nghệ cũ, sử dụng virus sốt vàng để gắn lên đoạn gen của virus sốt xuất huyết 3 - 4 type nên hiệu quả không cao.
Tuy nhiên, vắc xin sốt xuất huyết hiện nay, lấy virus sốt xuất huyết DEN-2 gắn thêm đoạn gen của DEN-1, DEN-3, DEN-4, chính điều đó làm cho vắc xin hiệu quả hơn.
Đây là vắc xin sống, giảm độc lực. Nghĩa là virus yếu nhưng vẫn tạo ra miễn dịch, kháng thể để chống lại virus sau này. Vì vậy người suy giảm miễn dịch không thể dùng được.
Vắc xin sốt xuất huyết có thể sử dụng cho những người từ 4 tuổi trở lên (không giới hạn độ tuổi tối đa). Cho đến hiện nay, theo nghiên cứu và sử dụng cho thấy đây là vắc xin khá hiệu quả.
4. Hiệu quả của vắc xin sốt xuất huyết thế nào, liệu trình tiêm ra sao?
Hiệu quả của vắc xin sốt xuất huyết như thế nào, thưa BS? Liệu trình tiêm vắc xin này ra sao ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi sản xuất vắc xin điều nghiên cứu dựa trên 3 hiệu quả:
- Hiệu quả phòng bệnh.
- Bệnh nhưng không nặng.
- Bệnh nhưng không tử vong.
3 chỉ số này đều rất tốt trên vắc xin sốt xuất huyết.
Khi nhiều người tiêm vắc xin, không nhiễm bệnh sẽ không lây cho người khác, bảo vệ được cộng đồng, đây là giá trị của vắc xin sốt xuất huyết.
Cần tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 tháng.
5. Hiệu lực của vắc xin sốt xuất huyết như thế nào?
Sau khi tiêm bao lâu cơ thể sẽ có kháng thể và vắc xin này có hiệu lực bảo vệ đến khi nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây là vắc xin mới nên cần thêm thời gian ghi nhận về hiệu lực.
Theo nghiên cứu, trong vòng 54 tháng tỷ lệ mắc sốt xuất huyết không phải nhập viện cao, trên 80%.
6. Người đã mắc sốt xuất huyết có cần tiêm vắc xin?
Với những người đã mắc sốt xuất huyết, có nên tiêm vắc xin này? Nếu cần tiêm, liệu trình tiêm có khác với người chưa mắc bệnh?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người đã bị sốt xuất huyết vẫn nên tiêm vắc xin. Vì sốt xuất huyết có 4 type (Dengue-1, Dengue-2, Dengue-3 và Dengue-4), nên khi đã mắc type này vẫn có thể mắc các type khác và nặng hơn.
7. Đã tiêm vắc xin sốt xuất huyết có cần áp dụng các biện pháp khác để phòng bệnh?
Nhiều người cho rằng có vắc xin sốt xuất huyết rồi, có thể bỏ qua các biện pháp như ngủ mùng, dọn sạch loăng quăng, nước tù đọng… Quan điểm của BS như thế nào ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này hoàn toàn sai lầm, vì độ tuổi tiêm ngừa từ 4 tuổi trở lên và không thể tiêm ngừa 100%. Nếu không diệt lăng quăng sẽ không thể phòng ngừa cho những trẻ dưới 4 tuổi.
Bên cạnh đó, khi diệt muỗi, diệt lăng quăng sẽ ngừa được rất nhiều bệnh, không chỉ riêng sốt xuất huyết.
Vắc xin sốt xuất huyết sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh, nhập viện, giảm tải cho ngành Y tế, người dân không còn quá lo lắng. Tuy nhiên các biện pháp phòng ngừa cơ bản như diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng, tránh muỗi,… vẫn phải thực hiện.
8. Trẻ dưới 4 tuổi phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách nào?
Vắc xin sốt xuất huyết tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Vậy trẻ dưới 4 tuổi sẽ phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như thế nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cơ bản khi tiêm cho người lớn thì người lớn sẽ không mắc bệnh và không lây cho trẻ nhỏ, tuy nhiên không thể tuyệt đối.
Quan trọng nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng theo mùa để giảm sốt xuất huyết. Nếu thấy trong nhà có muỗi phải tìm xem lăng quăng ở đâu vì muỗi không tự nhiên xuất hiện.
9. Kỳ vọng nào về vắc xin sốt xuất huyết này khi triển khai tại Việt Nam
Là chuyên gia dịch tễ, BS có những kỳ vọng nào về vắc xin sốt xuất huyết này khi triển khai tại Việt Nam ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy thuộc vào ý thức và khả năng người đi tiêm. Nếu tiêm ngừa tốt chắc chắn số ca bệnh sẽ giảm xuống, khi đó tình trạng quá tải của bệnh viện bởi các đợt sốt xuất huyết sẽ không còn và sự lo lắng của người dân về sốt xuất huyết sẽ giảm.
Sốt xuất huyết là bệnh có từ lâu, khi đến mùa bệnh người dân rất lo lắng. Chỉ những người có người thân hay bản thân bị sốt xuất huyết mới hiểu rõ bệnh “hành” như thế nào. Trong y khoa thường nhắc đến ca bệnh nặng, bệnh nhẹ, nhưng khi đã mắc sốt xuất huyết các tình trạng đều nặng nếu có triệu chứng.
Bệnh không cần nhập viện nhưng rất nặng, gây sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Vì vậy khi có vắc xin sẽ giải quyết được nỗi lo của người dân và giảm tình trạng quá tải của bệnh viện.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình