Vắc xin cúm mùa có an toàn cho phụ nữ mang thai không?
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Viện Pasteur TPHCM giải đáp câu hỏi của chị em phụ nữ: chích ngừa cúm trước khi mang thai thế nào, sau tiêm bao lâu mới được mang thai, nếu mang thai rồi có thể tiêm ngừa cúm được không… và nhiều thắc mắc khác xung quanh việc chích ngừa cúm.
1. Cùng lúc lưu hành 3 bệnh lý cúm, viêm phổi, COVID-19, phải dự phòng thế nào?
Với tình hình đồng lưu hành của 3 bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp hiện nay xin BS cho biết khuyến cáo hiện tại của Tổ chức y tế thế giới về công tác dự phòng như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa:
Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới nói đến 3 vấn đề lớn đối với bệnh lý hô hấp, gồm cúm, viêm phổi, COVID-19. Năm 2020, Tổ chức y tế thế giới nói rằng cố gắng lan rộng việc chích vắc xin cúm, vì nó làm giảm đi gánh nặng của 3 bệnh lý này trên người bệnh.
Năm 2021, Tổ chức y tế thế giới đề cập, cứ mỗi lần một bệnh nhân được tiêm một mũi vắc xin cúm hay vắc xin viêm phổi - những vắc xin đã sẵn có, khi đó bệnh nhân đã được mặc một bộ phòng hộ cá nhân.
Tổ chức y tế đặt ra vấn đề như vậy vì cho tới giờ phút này, người ta chưa biết được khi bệnh nhân đồng nhiễm giữa cúm và COVID-19 hoặc viêm phổi và COVID-19 hoặc cả 3 bệnh lý thì hậu quả nó thảm khốc như thế nào.
Khi đó, hệ miễn dịch không chỉ chịu gánh nặng thay đổi về mặt sinh lý bệnh của cúm mà còn của COVID-19 và bệnh viêm phổi. Cả ba bệnh này đồng tấn công lên một cơ địa “mong manh dễ vỡ” sẽ cực kì nguy hiểm.
Do đó, để áp dụng 5K hiệu quả triệt để, bạn phải hoàn tất chích ngừa cúm và viêm phổi. Đồng thời, chúng ta cũng có thể làm giảm gánh nặng về bệnh cúm mùa hàng năm.
2. Vắc xin ngừa cúm có an toàn cho thai kỳ không, tiêm vào lúc nào?
Phụ nữ mang thai có thể tiêm ngừa cúm để quá trình mang thai thuận lợi không ạ? Trong gói chích vắc xin tiền sản có vắc xin cúm mùa, nếu mà tiêm thì sau bao lâu mới được mang thai ạ?
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa:
Ở Mỹ và các nước châu Âu, có loại vắc xin cúm sống giảm độc lực. Loại vắc xin này đòi hỏi cơ địa miễn dịch toàn vẹn, do đó gây khó khăn cho người được tiêm.
Hiện nay, ở Việt Nam, có nhiều loại vắc xin khác nhau nhưng đều là dòng vắc xin bất hoạt. Loại vắc xin này không gây ra nhiều tác dụng phụ như vắc xin sống giảm độc lực.
Vắc xin cúm bất hoạt được chỉ định cho tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi có bệnh nền. Người ta cũng bắt đầu nhấn mạnh về tác dụng của vắc xin cúm cho thai phụ.
Nếu thai phụ sử dụng loại vắc xin bất hoạt thì hoàn toàn an tâm về tính an toàn. Bởi theo thông kê và theo dõi của trung tâm giám sát phản ứng sau tiêm trên toàn cầu, không có bất kỳ tác dụng phụ nào đối với thai phụ, và sự phát triển của bào thai.
Do vậy, khoa phụ sản bắt đầu đề cập đến việc sử dụng vắc xin cúm cho phụ nữ có thai. Có thể sử dụng giai đoạn tiền sản hoặc sau khi phát hiện mang thai. Sau khi phát hiện mang thai, phụ nữ sẽ được khám thai và lựa chọn tiêm vắc xin vào quý 2 - 3 của thai kỳ.
Vắc xin có bề dày và hồ sơ an toàn nhất đối với thai phụ là vắc xin với thành phần bán đơn vị, mang tính quyết định kháng nguyên, do đó giảm tác dụng phụ rất nhiều.
Người lớn tuổi, có bệnh nền và thai phụ là nhóm người có yếu tố nguy cơ cao, rất “mong mang dễ vỡ”. Do vậy, điều quan trọng là cần có loại vắc xin an toàn, không có nhiều tác dụng phụ cho nhóm đối tượng này.
Khi sử dụng vắc xin bất hoạt sẽ không ảnh hưởng đến quá trình mang thai của phụ nữ. Do vậy, sau 28 ngày tiêm vắc xin, phụ nữ có thể mang thai bình thường.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM
3. Phụ nữ mang thai rồi có thể tiêm ngừa cúm được không?
Thưa BS, vì trước khi mang thai em không biết nên chưa tiêm ngừa vắc xin. Sau đó mới biết là phụ nữ mang thai cần phải chủng ngừa để bảo vệ cho mẹ và bé. Xin hỏi, nếu bây giờ tiêm vắc xin cúm thì có được không ạ? Vắc xin cúm nên tiêm ở giai đoạn nào của quá trình mang thai? Em cảm ơn BS.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa:
Nếu bạn có thể tiêm được trong giai đoạn tiền sản thì quá tốt. Nếu bản thân đã có thai thì BS sẽ cho bạn tiêm ngừa vắc xin cúm vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ. Thông thường tất cả các trường hợp khi đến khám thai muộn các BS sẽ khám thai kỳ 1 và hẹn bạn khoảng từ 3-4 tháng là có thể chích được vắc xin cúm. Với phụ nữ có thai sẽ được chích 1 mũi trong thai kỳ.
Khi bạn đã chích được 1 mũi vắc xin cúm ở giai đoạn thai kỳ hoặc tiền sản thì trong vòng 6 tháng đầu tiên em bé vẫn nhận được những kháng thể mà mẹ truyền qua để bảo vệ trong 6 tháng đầu của cuộc đời. Nếu ai cũng được chích ngừa ngay khi mang thai thì lúc này kháng thể sẽ được tạo ra như hình ảnh một cái kén (trang phục của Hoa hậu hoàn vũ năm nay) cho toàn bộ người dân trong cộng đồng.
4. Năm ngoái đã mắc cúm rồi, năm nay có cần chích ngừa cúm nữa không?
Một người năm ngoái đã mắc cúm, tỷ lệ tái nhiễm trong đợt cúm mới liệu có cao hay thấp hơn người chưa bị mắc cúm không thưa BS? Năm ngoái mẹ em đã mắc cúm mùa rồi thì năm nay có mắc lại nữa không ạ? Vì em sợ đã mắc cúm mùa thì khi tiêm ngừa tỷ lệ bảo vệ của vắc xin không còn cao như người chưa mắc ạ.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa:
Bạn nên nhớ phải tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm, bởi chủng virus cúm hàng năm sẽ thay đổi và được dự báo. Do vậy, nếu muốn hiệu quả thì mỗi năm bạn đều phải tiêm một mũi vắc xin cúm.
Đối với những người đã từng mắc cúm mùa trước khi tiêm vắc xin thì hãy nhớ: khi bạn đã nhiễm cúm một lần rồi nghĩa là cơ thể bạn đã tạo ra kháng thể, nhưng đây lại là một kháng thể không toàn vẹn và không đủ sức để bạn có thể chống lại bệnh cúm cũng như sự tái nhiễm của nó.
5. Người trên 65 tuổi có cần chích ngừa cúm nữa không?
Ông ngoại cháu 70 tuổi. Cháu muốn đưa ông đi tiêm ngừa cúm, nhưng ông bảo giờ này trên 65 tuổi rồi cần tiêm ngừa làm gì nữa. Xin hỏi BS, tiêm ngừa cúm với người lớn tuổi liệu có thực sự cần thiết? Nếu tiêm thì nên tiêm vắc xin loại nào thì tốt hơn ạ? Tôi muốn hỏi là bản thân tôi và những người trong nhà đi tiêm phòng cúm thì có giúp ông cụ giảm nguy cơ bị cúm hơn không? Cám ơn bác sĩ.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa:
Đối với ông đã 70 tuổi thì phải nên chích, khi đã chích rồi ông ngoại của bạn sẽ thấy được hiệu quả của vắc xin cúm là thế nào trong 1 năm tới đây.
Với câu hỏi tiếp theo của bạn: muốn cả gia đình đi chích ngừa cúm để giúp ông của mình giảm nguy cơ mắc bệnh được không? Tôi xin trả lời bạn đây được gọi là miễn dịch cộng đồng. Xin hỏi bạn là bạn có chắc chắn rằng ngoài gia đình bạn ra ông ngoại sẽ không tiếp xúc với ai khác ví dụ: hàng xóm, bạn bè,…
Bạn hãy nhớ: Ở Anh và Ấn Độ vì người ta chờ miễn dịch cộng đồng của COVID nên họ mới bị lọt vào vòng xoáy khủng hoảng. Miễn dịch cộng đồng là một khái niệm để chúng ta học và cố gắng vươn tới, cố gắng đạt được; chứ không phải để chúng ta lấy ra bàn bạc. Từng cá nhân phải bảo vệ chính mình mới là điều quan trọng nhất.
6. Vắc xin cúm có được phép tiêm cùng lúc với vắc xin khác hay không?
Thưa BS, vắc xin cúm có được phép tiêm cùng lúc với vắc xin khác hay không để hạn chế số lần đến cơ sở tiêm chủng vì ông bà lớn tuổi và cũng đang trong giai đoạn dịch bệnh.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa:
Khi nghiên cứu về hồ sơ của vắc xin cúm người ta nhận thấy vắc xin này có thể được tiêm chung với nhiều vắc xin khác. Như vậy bạn nên yên tâm, có khi bà ngoại và ông ngoại bạn cùng đi tiêm ngừa nhưng bà ngoại chỉ chích 1 mũi trong khi ông ngoại phải chích 2 mũi, tùy vào việc người đó đã tiêm đủ số mũi chưa, chính các BS khám tiền chủng sẽ quyết định điều đó.
Minh Huy - Hiền Thục
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình