Hotline 24/7
08983-08983

Uống thuốc kháng sinh có chích ngừa COVID-19 được không?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch ngày 12/9 liên tục tiếp nhận rất nhiều thắc mắc về việc tiêm ngừa vắc xin khi bị dị ứng thuốc và câu hỏi liên quan đến F0 sau khi khỏi bệnh...

1. Người đang uống thuốc kháng sinh có được tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

Huy Nguyễn: Chào bác sĩ. Em có cục u khoảng 3cm được khoảng chục năm. Em ngồi nặn cái u đó khiến khối u đó bị đỏ sưng và đau. Em đi khám, bác sĩ kết luận viêm u mỡ và cho kháng sinh về uống. Hiện tại em đã uống được 7 ngày. Và hết lộ trình uống kháng sinh.

Bác sĩ cho em hỏi em giờ nên đi tiểu phẫu hay vẫn tiếp tục uống kháng sinh tiếp ạ? Và em đang uống kháng sinh thì có được chích ngừa COVID-19 không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Nếu nốt viêm hết đỏ hết sưng, màu sắc trở lại như 2-3 năm nay thì em ngưng uống kháng sinh.

U mỡ không cần tiểu phẫu vì không bao giờ thành ung thư. Chỉ tiểu phẫu vì 1 lý do duy nhất “thẩm mỹ” (nói nôm na là nhìn thấy chướng mắt).

Uống kháng sinh vẫn chủng ngừa COVID-19 bình thường nhé.

2. Có phải người mắc COVID-19 bệnh nhẹ sẽ có kháng thể mạnh hơn người bệnh nặng?

HàLinh QuỳnhChi BìnhMinh: Bác sĩ cho em hỏi, có phải người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ từ lúc cho kết quả dương tính sau 15 ngày xét nghiệm lại âm tính thì chứng tỏ kháng thể người đó mạnh hơn những người triệu chứng nặng. Đúng vậy không ạ bác sĩ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Câu hỏi của bạn rất thú vị nhưng không phải vậy đâu ạ. Việc có hay không có triệu chứng không liên quan kháng thể mạnh hay yếu.

Cũng như người đi chích ngừa về có người bị "hành" mệt mỏi còn có người khỏe re, nhưng nó không có liên quan tới việc hệ miễn dịch mạnh hay yếu, cũng như kháng thể nhiều hay ít.

3. F0 sau khi khỏi bệnh có cần chích ngừa COVID-19 không?

Hanh Nguyen: Em chào bác sĩ. Em bị F0, hiện tại em đã đi cách ly về rồi. Nhưng vô cách ly không có uống thuốc. Vậy bây giờ có cần tiêm vắc xin không ạ? Em thấy nhiều người cách ly về tiêm có vấn đề gì không ạ? Em cảm ơn bác sĩ ạ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, bạn ra khỏi khu cách ly có giấy xác nhận gì hay không? Trường hợp F0 đã khỏi bệnh thì 6 tháng nữa mới cần chích ngừa nhé.

Bạn tải app "Sổ sức khỏe điện tử" xem đã được cập nhật thẻ chưa, và đọc bài này nhé: Bạn cần những tiêu chí nào để được cấp thẻ xanh, thẻ vàng COVID?

4. Dị ứng với kháng sinh có chích ngừa COVID-19 được không?

Huỳnh Phạm Yến Ngọc: BS ơi, cho em hỏi em bị dị ứng với nhóm thuốc kháng sinh doxycyline và tetra. Dạ bình thường em không dị ứng với các thứ khác. Chỉ khi em uống phải doxycyline thì quầng mi mắt sưng nhẹ rồi đỏ, môi sưng đỏ, khắp người nổi đốm đỏ sưng lên như giác hơi ngứa phải gãi.

Mà càng gãi thì em càng ngứa và nhức nhiều hơn ban đầu, khoảng 5-6 ngày là hết ngứa. Có khi ngứa quá thì em vào BV chích mũi thuốc rồi về. 1 tuần là hết ngứa như vết đốm đỏ thì từ từ chuyển sang đen bầm và vài tháng mới bay vết thâm...

Vậy có tiêm vắc xin COVID-19 được không ạ? Em rất muốn tiêm để được đi làm. Mong BS giúp em.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Theo mô tả, em bị dị ứng kháng sinh cấp độ 1.

Dị ứng kháng sinh thì dễ dị ứng thứ khác trong đó có vắc xin, nhưng không phải 100%. Do đó em vẫn chích vắc xin COVID-19 được và chích ở bệnh viện.

Nếu dị ứng xảy ra cũng không quá nguy hiểm vì chỉ là cấp độ 1 và ở bệnh viện có đủ điều kiện để giải dị ứng tức thời.

5. Bệnh nhân F0 xuất viện hay kêu đói, phải chăm sóc thế nào?

Tuyen Ngoc: Xin BS tư vấn giúp em, người nhà em 62 tuổi, nữ, tiền sử nhồi máu cơ tim. Đã điều trị khỏi COVID-19 và xuất viện được 1 ngày. Triệu chứng mới là hay kêu đói, mặc dù gia đình cho ăn uống đầy đủ. Ban đêm cũng kêu đói nên gia đình cho uống sữa, sau đó cả đêm đi tiểu 6 lần, không ngủ được, mệt mỏi.

Tình trạng hay kêu đói này lúc chưa bị bệnh COVID-19 thì chưa từng có. Nhờ BS hướng dẫn giờ phải làm sao ạ?

BS Võ Thanh Sơn: Khi bệnh nhân kêu đói là cơ thể thiếu năng lượng thì người nhà nên chú ý dinh dưỡng hợp lí cho bệnh nhân, đảm bảo: thịt, cá, trứng, sữa, trái cây, rau củ quả.

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể cần dinh dưỡng để hồi phục. Khi bạn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể thì cơ thể sẽ tự cân bằng lại. Ban đêm chỉ nên ăn hoặc uống nhẹ thôi để không đi tiểu nhiều lần, dẫn đến mất ngủ.

Bạn chú ý kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân. Không biết bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hay không nhưng cũng phải theo dõi đường huyết nhé.

6. Đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 trên sổ sức khỏe điện tử thì sẽ được chích loại nào?

Hồ Kim Sơn: Dạ bác sĩ cho em hỏi là nếu mình đăng ký tiêm vắc xin trên sổ sức khỏe điện tử thì sẽ được chích loại nào ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Vấn đề này không biết trước được bạn ạ, tùy thời điểm lúc bạn có lịch chích thì địa phương đang có vắc xin gì. Tên vắc xin sẽ ghi trong tin nhắn/phiếu mời đi chích ngừa.

7. Đang bị rối loạn tiền đình có chích ngừa COVID-19 được không?

Lê Quang Hiền hỏi AloBacsi:

- Mẹ tôi bị tiền đình cấp và đang tiêm thuốc bổ não thì có tiêm được vắc xin không ạ?

- Hiện giờ sức khỏe bệnh nhân thế nào? Có đi lại bình thường không? Có làm được việc nhà không? Bao nhiêu ngày nữa tới lịch tiêm vậy bạn?

- Mẹ tôi không đi làm nhưng có làm việc nhà được ạ. Ngày mai là lịch tiêm rồi ạ.

- Nếu làm được việc nhà thì sức khỏe của mẹ bạn cũng ổn rồi, mai bạn cứ đưa bà ra điểm tiêm ngừa, BS khám sàng lọc sẽ đánh giá lại 1 lần nữa là có tiêm luôn hay trì hoãn nhé.

8. Chích ngừa COVID-19 có làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm HIV không?

Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983: Bác sĩ ơi, tôi chích ngừa COVID-19 được 1 tuần, đi xét nghiệm HIV thì kết quả HIV có chính xác không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, hai chuyện này không liên quan đến nhau, bạn cứ xét nghiệm như bình thường nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X