Ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện quận Bình Thạnh chia sẻ, người bệnh khi phát hiện bản thân có khối u hoặc mắc ung thư tuyến giáp sẽ kiêng ăn rất nhiều, sụt cân do ảnh hưởng của tâm lý gây hại sức khỏe. Vậy ung thư tuyến giáp nên ăn gì và cần chú ý thế nào trong chế độ ăn?
1. Bệnh nhân sụt cân do ảnh hưởng tâm lý sau khi phát hiện ung thư, khối u
Ung thư tuyến giáp khi chưa điều trị sẽ gây ra ảnh hưởng gì đến thể trạng và dinh dưỡng của người bệnh?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Bệnh nhân khi nghe bác sĩ nói bản thân có một khối u chưa cần biết lành tính hay ác tính, thậm chí xa hơn là tự xác nhận đó là khối u ác tính, việc đầu tiên là tâm lý hoang mang, lo sợ, dẫn tới “có bệnh thì vái tứ phương”, nghe và làm theo mọi điều những người xung quanh nói, đôi khi không tỉnh táo có thể dẫn đến trường hợp tiền mất tật mang.
Một số bệnh nhân vào khoa dinh dưỡng Bệnh viện quận Bình Thạnh mang theo một số hộp sữa hoặc ngũ cốc, thậm chí có một số dòng thực phẩm chức năng không có nhãn mác rõ ràng, hay các loại bột xay do người khác hướng dẫn, uống trong thời gian dài dẫn tới suy dinh dưỡng do không dám ăn gì vì sợ khối u phát triển.
Những khó khăn trong vấn đề ăn uống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp:
Tuyến giáp nằm ở vùng cổ, khối u có thể phát triển chèn ép vùng hầu họng dẫn tới nuốt khó hoặc khó ăn, khó nhai, tâm lý lo sợ tạo ra cảm giác ăn không ngon miệng, mất ngủ, sụt cân, stress, trầm cảm.
Việc sụt cân khi bệnh nhân phát hiện ung thư hoặc có khối u không phải do bệnh lý mà do tâm lý gây ra. Như vậy bác sĩ khuyến cáo những người vô tình phát hiện bản thân có khối u hoặc phát hiện bệnh lý ung thư tuyến giáp, các bệnh lý ung thư ở khu vực khác nên bình tĩnh, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia bao gồm bác sĩ điều trị hoặc khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện để được hưỡng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng, mang tính khoa học cao để ứng dụng được trong chăm sóc người bệnh, người thân hoặc chính bản thân mình.
2. Những lưu ý dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị u tuyến giáp
Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp đều có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ, khi bệnh nhân đang áp dụng hai phương pháp này thì chế độ dinh dưỡng nào người bệnh cần lưu ý, thưa BS?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Nếu điều trị bằng phẫu thuật và sau đó là xạ trị, đầu tiên bệnh nhân cần vượt qua tâm lý hoang mang và lo sợ, phải có sự phối hợp với bác sĩ để bác sĩ có cơ hội đồng hành cùng người bệnh trong quá trình điều trị, nếu không người bệnh dễ bị tác động bệnh ngoài, không nghe bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng nói, ngược lại nghe người hàng xóm sẽ rất nguy hiểm.
Những lời khuyên, hướng dẫn về chuyên môn y tế phải là người chuyên sâu về ngành y, đã nghiên cứu kỹ mới dám đưa ra, vì vậy bệnh nhân phải bình tĩnh và đồng hành cùng bác sĩ, trao đổi thông tin, không nên giấu giếm, bác sĩ luôn sẵn sàng lắng nghe.
Bên cạnh đó, đối với những trường hợp bệnh nhân phẫu thuật hoặc xạ trị sẽ làm cho người bệnh có cảm giác mệt mỏi và chán ăn, thậm chí rất đau tại vùng bệnh lý, nuốt không được, khó ăn. Một số trường hợp chưa kịp điều trị nhưng có khối u chèn ép làm bệnh nhân nuốt khó, khi đó có thể cho người bệnh ăn đồ ăn mềm, lỏng, tuy nhiên phải đảm bảo được năng lượng, nghĩa là sẽ có các công thức cháo xay hoặc súp xay với tỷ lệ 1:1 hoặc tỷ lệ 1:2 để có năng lượng cao.
Ví dụ như thông thường thay vì cho bệnh nhân ăn một chén cháo trắng có thể cho bệnh nhân ăn cháo, thịt, rau và bổ sung thêm các loại sữa bột đạm hoặc các loại sữa đặc trị cho bệnh nhân ung thư để giúp người bệnh có đầy đủ năng lượng.
Bên cạnh đó cần phân bổ cữ ăn, có thể 4 cữ, 6 cữ hoặc 8-9 cữ một ngày bao gồm cữ chính và cữ phụ để người bệnh dễ dàng dung nạp được thức ăn, vì cảm giác không ngon miệng và vùng tiêu hóa cảm thấy khó chịu, khó hấp thu sẽ khiến bệnh nhân đầy bụng.
Tuy nhiên việc chia bao nhiêu cữ còn tùy thuộc vào bệnh lý nền của người bệnh đó như tiểu đường, suy thận hay các bệnh lý khác. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cá thể hóa và các công thức cụ thể cho từng bệnh nhân sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều. Hiện tại khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã làm được điều đó.
Tóm lại, việc đầu tiên bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, thứ hai là hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng tại các khoa dinh dưỡng để có được lộ trình hợp lý. Thứ ba, đối với người thân và người bệnh nếu chưa kịp tham khảo ý kiến bác sĩ, nên cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, mềm, chia nhiều cữ trong ngày và cố gắng ăn nhiều nhất có thể.
Mỗi cữ ăn bệnh nhân phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm tinh bột, cháo trắng, yến mạch, cơm, súp, khoai; nhóm chất đạm có thể sử dụng thịt heo, thịt gà, cá, tôm, hải sản; bên cạnh đó nên bổ sung thêm các loại rau, quả tươi, trong đó rau có thể xay vào cháo, quả tươi có thể ép lấy nước hoặc xay sinh tố, tuy nhiên tốt nhất nên xay sinh tố vì có thể ăn luôn cả xác.
3. Phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn nên chăm sóc dinh dưỡng thế nào?
Một số trường hợp bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn muộn nên chăm sóc dinh dưỡng ra sao trong giai đoạn này, thưa BS?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Để người bệnh ung thư tự theo dõi và có những giải pháp ban đầu, người bệnh nên được ăn các món lỏng và mềm, mỗi lần có thể ăn lượng ít, xay cháo 100ml, mỗi ngày ăn 4-6 cữ cháo xay hoặc súp xay, tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng nếu người bệnh không có tiểu đường hoặc không có kiểm soát về mặt đường huyết, vì nếu cho người bệnh ăn các loại thức ăn xay nhuyễn hoặc hầm nhừ thì nguy cơ tăng đường huyết rất cao, do đó nếu người bệnh có bệnh nền tiểu đường, nên cân nhắc việc chia nhỏ cữ và thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn.
Bên cạnh đó có thể bổ sung một số loại sữa hoặc một số sản phẩm dành cho bệnh nhân ung thư, tuy nhiên việc này cần có tư vấn của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng, không nên tự ý mua vì những gì liên quan đến đặc trị, đặc hiệu, sản xuất cho ung thư thường sẽ bị quảng cáo, truyền thông đẩy giá lên rất cao, nếu người bệnh không tỉnh táo, chọn sản phẩm không phù hợp sẽ không mang lại lợi ích đối với cá thể của bản thân bệnh nhân.
Ví dụ một bệnh nhân ung thư suy dinh dưỡng cần sử dụng các loại sữa cao năng lượng, có thể từ 300 - 400 kcal/chai, khi đó cần xác định mức độ suy dinh dưỡng hiện tại của bệnh nhân, khả năng dung nạp và khả năng ăn uống các loại súp, sữa hiện tại như thế nào, có cần bổ sung thêm sữa hay không và loại nào phù hợp, do đó phải dựa trên nền tảng khảo sát khẩu phần 24 giờ và khả năng của người bệnh để lựa chọn sản phẩm như lựa chọn thuốc.
Vì vậy bệnh nhân không nên nghe lời người khác rồi mua các sản phẩm với giá rất cao sẽ làm tiền mất tật mang hoặc hao phí không cần thiết, chi phí đó nên để cho việc can thiệp dinh dưỡng một cách đúng đắn và lộ trình điều trị sau này.
4. Dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau loại bỏ khối u
Sau khi bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã được loại bỏ khối u, vấn đề dinh dưỡng có khác gì so với trước đây, thưa BS?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Vấn đề này phụ thuộc vào việc phẫu thuật tuyến giáp thế nào, có thể cắt toàn bộ, toàn phần tuyến giáp hay chỉ cắt một phần, để lại môt chút nhỏ của tuyến giáp còn mô chức năng lành tính để sử dụng duy trì hormon tuyến giáp một cách tự nhiên.
Về mặt dinh dưỡng sẽ dựa trên các nguyên tắc cơ bản đó là cần xác định người này đang ở đâu trong sơ đồ dinh dưỡng, là một người có BMI bình thường từ 18.5 - 22.9 hay một người suy dinh dưỡng có BMI < 18.5, hoặc người thừa cân, béo phì > 22.9 nhưng tỷ lệ cơ rất thấp, tỷ lệ mỡ rất dư thừa, điều này cho thấy người thày đang suy dinh dưỡng một cách tiềm ẩn.
Khi xác định được thể trạng bệnh nhân ở mức độ nào sẽ có phương án can thiệp, nếu bệnh nhân suy dinh dưỡng sẽ bổ sung năng lượng bằng cách tăng khẩu phần ăn để bệnh nhân có sự tăng cân hợp lý và đáp ứng khẩu phần phù hợp.
Nếu bệnh nhân trong tình trạng bình thường, không teo cơ, BMI bình thường, lao động, sinh hoạt tốt sẽ có giải pháp hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với thể trạng hiện tại, vừa đủ với năng lượng cũng như hướng dẫn luyện tập và chế độ vận động để duy trì được sức khỏe.
Trong trường hợp bệnh nhân đang teo cơ, cần hướng dẫn đặc biệt về chế độ vận động để bệnh nhân nâng cơ của người bệnh lên, đó là khối chức năng của cơ thể, thứ hai là điều chỉnh để bệnh nhân giảm được khối mỡ dư thừa để bệnh nhân trở về mức hợp lý, từ đó có thể tiếp tục lộ trình điều trị và theo dõi tốt hơn.
Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân ung thư, hiện nay y học phát triển và có rất nhiều loại ung thư có thể điều trị được, vấn đề là cần phát hiện sớm, tỉnh táo nhìn nhận rõ vấn đề và có sự đồng hành của bác sĩ để được điều trị tốt nhất, đó là lý do tại sao nên khám sức khỏe, có thể từ 6 tháng - 1 năm một lần nên đi khám sức khỏe định kỳ, từ đó có thể kiểm tra các bất thường của cơ thể.
Hãy yêu thương chính bản thân, cơ thể của mình, tìm ra các vấn đề để can thiệp sớm, tranh để các trường hợp khi phát hiện thì khối u đã rất to, dẫn đến can thiệp và điều trị trễ, hiệu quả không bằng khi can thiệp sớm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình