Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư gan: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị như thế nào?

Theo BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh, viêm gan B, C là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn tới ung thư gan. Song, có những người dù không mắc những căn bệnh này vẫn sẽ đối diện với khả năng bị ung thư. Vậy làm sao để chẩn đoán và điều trị như thế nào?

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tình hình ung thư gan tại Việt Nam hiện nay

Xin BS cho biết tình hình ung thư gan hiện nay theo thống kê mới nhất ở Việt Nam và thế giới (đứng hàng thứ mấy, bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ bệnh nhân nam/nữ…)?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Ung thư gan là một vấn đề rất nhức nhối và đau đầu nhất của tất cả các bác sĩ chuyên ngành ung thư hiện tại.

Theo Globocan năm 2019, ung thư gan ở Việt Nam đã được đưa lên hàng đầu tiên, với tỷ lệ phát triển và tử vong cao.

Tuy nhiên, ung thư gan không chỉ gặp nhiều ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tỷ lệ hàng năm mắc ung thư gan trên thế giới hiện tại khoảng 700 đến 1.4000 người, trong đó tỷ lệ tử vong từ 50-60%.

Đặc biệt, 80% bệnh nhân mắc bệnh đều là người ở nước Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á. Bởi hầu hết bệnh nhân ung thư gan ở các nước này đều kèm theo viêm gan siêu vi B, C.

Ở Việt Nam khoảng 30 ca/100.000 dân. Theo thống kê năm 2019 hàng năm nước ta có khoảng 27.000 - 30.000 bệnh nhân mắc ung thư gan, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 22.000 - 23.000 trường hợp bệnh nhân chết do ung thư gan trong những năm đầu tiên được phát hiện.

Ttheo thống kê năm 2018, tỷ lệ viêm gan B, C chiếm từ 18 -20% trên toàn dân số Việt Nam.

Nguyên nhân do ở thập kỷ những năm 80, 90 nước ta chưa được phát triển chích ngừa viêm gan B, C cho trẻ em mới ra đời, do đó những người được sinh ra, lớn lên ở thời đó thường rất dễ bị 2 bệnh này. Và không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng lâm sàng rõ ràng để người bệnh có thể dễ dàng chẩn đoán. Đa phần bệnh đều trong giai đoạn mãn tính, tức là nó âm thầm tồn tại trong cơ thể, rồi từ từ phá hủy tế bào gan làm gan bị thoái hóa; sau đó diễn tiến tới xơ gan, và dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bệnh ung thư gan.

Như vậy, chúng ta có thể thấy đây là căn bệnh rất đáng sợ, tỷ lệ tử vong cao và từ khi phát hiện đến khi bệnh nhân mất thường không quá 1 năm.

Do đó, đây là vấn đề rất cần mọi người quan tâm, lưu ý và có chế độ chăm sóc cơ thể tốt bằng cách đi tầm soát để sớm biết bệnh và chữa viêm gan siêu vi B, C, từ đó tránh được yếu tố nguy cơ ung thư gan.

2. Nguyên nhân gây ung thư gan?

Ung thư gan có những loại nào ạ? Trong đó, người Việt thường bị loại ung thư gan nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Hiện tại, ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan thường gặp nhất (trên 95%).

Ung thư gan là bệnh phức tạp, liên quan đến các yếu tố nguy cơ và phần lớn phát triển trên nền bệnh nhân bị xơ gan.

Trong đó, viêm gan B, C là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn tới ung thư gan. Tuy nhiên, không phải không mắc viêm gan B, C thì không bị ung thư gan, mà nếu có yếu tố sau vẫn có khả năng mắc bệnh như uống rượu bia. Rượu bia có nồng độ và chất kích thích cao, nếu lạm dụng sẽ khiến tế bào gan thoái hóa mỡ, từ đó gây xơ gan, và tiềm ẩn nguy cơ ung thư gan.

Ngoài rượu, cần chú ý đến chất aflatoxin thường có trong các thực phẩm mốc, là loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Bản thân chúng ta là người Đông Nam Á, khí hậu nóng ẩm nên có thói quen tích trữ lương thực như gạo, mì, sắn, ngô, khoai, lạc, đậu,… nhất là trong môi trường ẩm, nóng nên rất dễ sản sinh ra loại nấm Aspergillus và là nguyên nhân tiết ra chất aflatoxin.

Một số thí nghiệm khi cắt tế bào gan trên bệnh nhân ra cho thấy nồng độ aflatoxin ở trong ung thư gan khá lớn.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị viêm gan tự miễn, đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa chất sắt, từng điều trị hóa trị, xạ trị trước đó hoặc nhiễm chất độc da cam cũng có khả năng mắc ung thư gan.

Do đó, nếu có biểu hiện bất thường như đau tức vùng hạ sườn phải, sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt,… cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán. Vì ung thư gan hay bất kể loại ung thư nào nếu được phát hiện sớm, điều trị mang tính triệt căn thì thời gian sống 5 năm trên 80% là điều bình thường.

Còn những bệnh nhân đến bệnh viện trong giai đoạn muộn thì tỷ lệ chữa được triệt căn và kéo dài thời gian sống 5 năm hầu như rất ít.

Và tỷ lệ tử vong trong năm đầu tiên mắc bệnh chiếm 50-60%, nên đây là con số hết sức báo động, mọi người cần lưu ý nhiều hơn.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc AnhBS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Gia An 115, Nguyên trưởng trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115

3. Phương pháp chẩn đoán ung thư gan

Hiện nay, chúng ta có những phương pháp chẩn đoán ung thư nào?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Hiện tại, hầu hết tất cả các trung tâm ung thư trên toàn quốc đã được trang bị tương đối đầy đủ các phương tiện để chẩn đoán sớm bệnh lý về ung thư gan.

Bệnh nhân cần làm xét nghiệm HbsAg hoặc anti-HBc là xét nghiệm đầu tay xem có viêm gan B, C hay không. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán chuyên biệt để loại trừ ung thư gan.

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan, bao gồm:

Thứ nhất, thử máu để xem nồng độ Alpha Fetoprotein (AFP) trong máu cao hay thấp. Alpha Fetoprotein (AFP) được tiết ra trong noãn hoàng từ trong bào thai rất cao, nhưng sau khoảng 2-3 tháng sinh ra bắt đầu lượng AFP sẽ giảm. Thông thường nồng độ AFP ở người trưởng thành khoảng 20 ng/mL trong chỉ số tham chiếu là bình thường.

Hiện, một số trung tâm, hiệp hội lâm sàng về ung thư gan ở Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ đã bắt đầu sử dụng AFP coi như là chỉ số quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư gan.

Đối với chỉ số AFP trên 100 hoặc 200 thì tùy theo từng hiệp hội mà đưa nó vào 1 trong những yếu tố chẩn đoán ung thư gan trước khi có những chẩn đoán về giải phẫu bệnh như sinh thiết khối u.

Thứ 2, ngoài AFP còn có siêu âm. Siêu âm là phương tiện được sử dụng phổ biến ở các trung tâm y tế và bệnh viện lớn. Loại chẩn đoán hình ảnh này giúp bác sĩ chẩn đoán sơ bộ có hay không có u gan.

Ở một số cơ sở có trang bị máy siêu âm hiện đại như: siêu âm 4 chiều hoặc siêu âm có cản âm, Siêu âm mạch máu Doppler,…độ nhạy, độ chính xác càng cao hơn giúp bác sĩ chẩn đoán sớm ung thư gan.

Thứ 3, CTscan để chẩn đoán trong những trường hợp siêu âm vẫn còn nghi ngờ.

Thứ 4, MRI (cộng hưởng từ) là phương tiện rất tốt để chẩn đoán sớm ung thư gan còn nhỏ.

Thứ 5, kỹ thuật chụp PET/CT, tuy nhiên không nên lạm dụng kỹ thuật này vì PET/CT chụp mắc tiền và đôi khi chỉ giúp ích đánh giá giai đoạn ung thư gan đã có di căn ở cơ quan khác hay không.

Thứ 6, ngoài ra, cần có thêm 1 số xét nghiệm về máu như đồng phân của AFP là AFP-L3,… cũng giúp bác sĩ trong việc chẩn đoán ung thư gan sớm.

Thứ 7, bên cạnh đó là sinh thiết xuyên gan qua da để giải phẫu bệnh lý. Trong ngành ung thư, giải phẫu bệnh lý là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư. Đây cũng là phương pháp hữu ích khi cần đưa ra quyết định điều trị.

4. Bệnh nhân ung thư thường phát hiện bệnh ở giai đoạn nào?

Bệnh nhân ung thư gan ở Việt Nam thường phát hiện ở giai đoạn mấy, vì sao ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Hiện, khoa học kỹ thuật phát triển rất vượt bậc với nhiều phương pháp để điều trị ung thư gan.

Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đến bệnh viện đều đã ở giai đoạn ung thư gan đa ổ hoặc ung thư gan ở giai đoạn xơ gan mất bù,…. gây khó khăn cho việc điều trị.

Vấn đề cơ bản nhất trong điều trị ung thư gan là điều trị triệt căn và muốn điều trị triệt căn thì bệnh phải ở trong giai đoạn sớm.

3 yếu tố quyết định hiệu quả việc điều trị đó là:

- Điều trị triệt căn: lấy toàn bộ khối u hoặc phá hủy toàn bộ khối u

- Điều trị giai đoạn trung gian: làm giảm kích thước khối u nhỏ lại rồi mới bắt đầu điều trị triệt căn.

- Đáng tiếc 80% bệnh nhân tới điều trị mang tính bổ trợ, chăm sóc giảm nhẹ. Đây là những phương pháp điều trị vừa tốn kém tiền bạc, vừa ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và thời gian sống lại không nhiều.

Hiện tại, điều trị ung thư gan giai đoạn sớm có thể cắt bỏ gan, ghép gan, sử dụng sóng siêu âm cao tần để đốt khối u gan nhỏ. Hoặc dùng ethanol, acetic acid để chích vào gan nhằm tiêu hủy khối u gan. Đó là biện pháp điều trị tích cực tốt và hiệu quả nhất.

Phần lớn bệnh nhân đều bị ung thư gan đa ổ nên phương pháp điều trị chủ yếu là kỹ thuật TACE, nghĩa là làm thuyên tắc mạch hóa dầu hoặc thuyên tắc mạch bơm hóa chất để điều trị khôi u ung thư gan.

5. Kỹ thuật TACE điều trị ung thư gan như thế nào?

Xin BS cho biết về kỹ thuật TACE? Trường hợp ung thư gan nào có thể áp dụng kỹ thuật này? TACE có áp dụng được cho u lành ở gan không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

TACE là biện pháp bơm thuốc hóa chất từ đường động mạch đi lên khối u gan, sau đó làm tắc động mạch gan nuôi phần khối u đó, khi đó khối u không có mạch máu nuôi sẽ bị tiêu hủy. Cộng với hóa chất cũng giúp phần tiêu hủy khối u ung thư gan.

Hiện, các bệnh viện lớn trong TP đã sử dụng kỹ thuật TACE, đặc biệt ở bệnh viện Gia An cũng đã triển khai áp dụng kỹ thuật này cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân.

Về nguyên lý, 2/3 gan được nuôi bằng tĩnh mạch cửa và 1/3 bằng động mạch gan. Đáng mừng là hầu hết khối u ở gan đều được nuôi bằng mạch máu ở động mạch gan. Vì vậy, kỹ thuật TACE này sử dụng rất hiệu quả với bệnh nhân có khối u gan giai đoạn trung gian và giai đoạn tiến triển mà không thể cắt bỏ hoặc sử dụng phương pháp khác.

Khi một bệnh nhân bị ung thư gan khi đến bệnh viện Gia An, bác sĩ sẽ thành lập 1 nhóm điều trị bao gồm bác sĩ ngoại khoa, nội khoa, chuyên ngành ung thư để từ đó đưa ra lựa chọn phương pháp điều trị cho hữu ích.

Tuy nhiên, trong điều trị ung thư gan không phải chỉ cắt khối u, lấy khối u mà không để ý đến chức năng gan, vì 80% những khối u ung thư gan nằm trên bề mặt xơ gan, lúc này tình trạng gan đã bị suy gản. Nếu chỉ để ý vào việc cắt khối u mà không quan tâm đến chức năng gan thì có thể dẫn đến suy gan, và nếu bị suy gan thì tỷ lệ tử vong rất cao.

6. Có cần hóa trị, xạ trị trước khi phẫu thuật ung thư gan?

Phẫu thuật ung thư gan được áp dụng ở giai đoạn mấy, và mổ mở hay nội soi, thưa BS? Trước và sau phẫu thuật bệnh nhân có cần hóa trị, xạ trị không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Nội soi là biện pháp phẫu thuật ít xâm lấn đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân, thời gian nằm viện giảm, bệnh nhân bớt đau hơn. Chính vì vậy, phẫu thuật nội soi hiện tại đang được sử dụng phổ biến và tại bệnh viện Gia An cũng đã tiến hành phẫu thuật ung thư gan bằng nội soi, cũng như mổ mở.

Vấn đề nội soi hay mổ mở là do thói quen của các kỹ thuật viên, do trình độ kỹ thuật của các phẫu thuật viên mà chúng ta sử dụng.

Nhưng thông thường đối với khối u gan nhỏ mà chỉ cắt 1 hạ phân thùy, 1 phân thùy thì nên sử dụng phẫu thuật nội soi. Còn với khối u gan lớn, phẫu thuật kéo dài nên chọn phẫu thuật mổ mở.

Tuy nhiên, nếu phẫu thuật viên đạt tới trình độ phẫu thuật nội soi tốt thì có thể phẫu thuật nội soi ở khối u gan lớn.

Đối với ung thư gan, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đề cập vấn đề hóa, trị liệu trong ung thư gan. Nhưng với ung thư gan, đặc biệt ung thư gan trên nền xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì thuốc có đi được vào nhu mô gan không là vấn đề khó. Và thuốc đi theo đường mạch máu vào trong gan cũng hạn chế do rối loạn giải phẫu và chuyển hóa của động mạch gan.

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới hiện tại vẫn đánh giá thấp vai trò của hóa trị trong điều trị ung thư gan.

Còn xạ trị, có các trang thiết bị mới và hiện đại. Trong đó, xạ trị điều biến liều (IMRT) được sử dụng cho một số trường hợp ung thư gan còn khu trú, bệnh nhân không thể phẫu thuật do bệnh lý nền.

Còn điều trị toàn thân đối với ung thư gan đã được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng như Hiệp hội Ung thư Châu Âu cho phép sử dụng một số thuốc, trong đó thuốc nhắm trúng đích đã được đưa vào sử dụng và coi như là phác đồ điều trị ung thư gan.

Tóm lại, vai trò của hóa trị trong ung thư gan rất thấp, chỉ là vai trò của thuốc nhắm trúng đích thôi. Còn xạ trị có thể sử dụng xạ trị điều biến liều ở một số ung thư gan không thể phẫu thuật bởi bệnh lý nền.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X