Hotline 24/7
08983-08983

Ứng dụng siêu âm lấy bỏ dị vật kim khí cho bệnh nhân tai nạn lao động

Cuối tháng 12/2019, bệnh nhân N.X.S. (47 tuổi, quê ở Hưng Yên) được êkip bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật lấy bỏ dị vật kim khí ở 1/3 giữa cẳng tay trái do tai nạn lao động giờ thứ 16.

Theo lời chia sẻ của gia đình, bệnh nhân S. bị đinh kim loại với chiều dài 3cm bắn vào mặt trước cẳng tay. Qua khám lâm sàng, các bác sĩ thấy lỗ vào của đinh ở mặt trước 1/3 giữa cẳng tay, ấn đau vùng mặt sau 1/3 trên - giữa cẳng tay trái.

Hình ảnh phim chụp X-quang cho thấy dị vật cản quang chồng hình 1/3 giữa xương trụ trái. Quan sát đường vào và hướng xuyên của dị vật xác định dị vật này nằm sâu trong tổ chức cơ, giữa 2 xương quay và xương trụ. Các bác sĩ đã sử dụng C-arm kiểm tra để xác định đường vào rạch da nhưng gặp nhiều khó khăn do dị vật nhỏ và nằm ở vị trí sâu.

Sau đó, kíp phẫu thuật phối hợp cùng bác sĩ gây mê tiến hành sử dụng siêu âm để xác định đường vào rạch da. Phẫu thuật viên rạch da theo 1 đường dọc tại mặt sau cẳng tay lấy vị trí chọc kim là trung điểm, lần lượt bộc lộ các lớp cân cơ, nhanh chóng phát hiện ra dị vật, dùng panh gặp ra an toàn.

Nhờ ứng dụng siêu âm, thời gian tìm dị vật rút ngắn từ 20 - 30 phút, đường rạch da ngắn hơn thông thường 3 - 5cm, bóc tách các lớp cân cơ không nhiều, giảm bớt sang chấn và đau đớn cho bệnh nhân. Đồng thời, tác động của tia X từ C-arm đến nhân viên y tế, bệnh nhân được giảm bớt, và công tác chuẩn bị vật tư cũng đơn giản và gọn nhẹ.

Dị vật kim khí được lấy ra từ cẳng tay trái của nam bệnh nhân

Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân tốt, ổn định.

Ngày nay, nhiều chấn thương, vết thương có tác nhân liên quan đến dị vật kim khí do tai nạn lao động (đinh, mảnh sắt nhọn,..), hoặc tai nạn trong sinh hoạt ( mảnh đạn, kim khâu,…) khiến người bệnh đau đớn. Nếu các dị vật này không được lấy ra có thể nhiễm trùng hoặc tạo thành ổ apxe.

Thông thường, với những trường hợp này, phẫu thuật viên dựa vào phim X - Quang, vị trí lỗ vào - lỗ ra của dị vật kim khí để khu trú vùng phẫu thuật, kết hợp sử dụng C-arm để chụp X- quang để đánh giá lại, lấy mốc và xác định đường vào phẫu thuật. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp dị vật nhỏ, ở sâu trong tổ chức cân cơ là thách thức không nhỏ với bác sĩ phẫu thuật, đặc biệt là việc xác định đường vào chính xác, tiếp cận dị vật tốt nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X