Tỷ lệ thành công phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể đạt 80-90%
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp can thiệp tối thiểu có tỷ lệ thành công cao, việc bổ sung dinh dưỡng sau phẫu thuật khá đơn giản, không cần nạp quá nhiều năng lượng so với phẫu thuật mổ mở trước đây. Đó là những chia sẻ của BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc - Trưởng khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân.
1. Tán sỏi ngoài cơ thể điều trị sỏi thận kích thước không quá 2cm
Vì sao sau tán sỏi ngoài cơ thể, khi siêu âm lại tôi vẫn thấy sỏi? Có cần làm nhiều lần mới hết sỏi không?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp can thiệp tối thiểu để điều trị sỏi thận có kích thước không quá 2cm.
Số lần tán sỏi trung bình dao động từ 2-3 lần. Do đó, sau khi tán ngoài cơ thể, bệnh nhân cần tái khám để theo dõi kích thước của các mảnh sỏi vụn còn lại để quyết định có nên tán sỏi lần 2, lần 3 hay không.
Đối với một trương pháp can thiệp tối thiểu sẽ có tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ thành công của phương pháp tán sỏi qua cơ thể giao động từ 80-90%.
Như vậy, định nghĩa của việc không thành công đối với phương pháp này là sau 3 lần tán sỏi, nếu kích thước sỏi không thay đổi, phải thay đổi phương pháp điều trị khác phù hợp hơn với sỏi của bệnh nhân.
2. Sỏi dưới 5mm không gây hại cho đường tiết niệu
Xin bác sĩ cho biết vì sao tôi đã nội soi tán sỏi thận rồi mà sau đó kiểm tra phát hiện vẫn còn sỏi nhỏ? Sỏi nhỏ này có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Nếu sỏi nhỏ vẫn còn liệu nó có to ra dần dần?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Tất cả các phương pháp điều trị sỏi thận chỉ giải quyết vấn đề sỏi hiện tại, cơ thể vẫn tiếp tục tạo ra sỏi mới. Đối với các chuyên gia Niệu khoa, tỷ lệ thành công trong điều trị sỏi thận là khi lấy hết sỏi hoặc còn sót lại những mảnh sỏi dưới 5mm.
Những bằng chứng khoa học cho thấy, nếu sỏi thận có kích thước dưới 5mm, không gây hại cho đường tiết niệu. Vì vậy, bệnh nhân sau can thiệp có kích thước sỏi từ 5mm trở xuống có thể yên tâm sống chung với sỏi.
Bên cạnh đó, cần theo dõi đều đặn sự phát triển của các mảnh sỏi vụn. Không bắt buộc lấy sạch sỏi hoàn toàn. Bởi vì, bác sĩ Tiết niệu luôn cân nhắc giữa việc lấy sạch sỏi và vấn đề tổn thương đường tiết niệu để lựa chọn phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân.
3. Sỏi sau can thiệp có thể tự đào thải qua con đường tự nhiên
Sau phẫu thuật, bác sĩ cho tôi xem lượng sỏi lấy ra khỏi thận. Tôi thấy nhẹ cả người nhưng khi về nhà tôi chợt nghĩ không biết các viên sỏi nhỏ có thể còn lại có thể bị rớt xuống gây tắc đường tiểu không ạ? Trước mổ tôi từng bị một lần, dẫn tới thận ứ nước nhiễm trùng.
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Đối với những phương pháp can thiệp hiện nay, cơ chế đều là can thiệp tối thiểu. Phương pháp này có thể đi qua đường tự nhiên hoặc đường hầm rất nhỏ vào cơ thể, mục đích là tán vụn sỏi lớn thành những mảnh nhỏ để lấy ra khỏi cơ thể, giúp cơ thể đào thải qua con đường tự nhiên thuận tiện nhất.
Vì vậy, các mảnh sỏi sau can thiệp có kích thước nhỏ để cơ thể tự đào thải ra. Tuy nhiên, có một số trường hợp, các viên sỏi khác hoặc các mảnh sỏi gai góc ra ngoài không được, bệnh nhân phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được tư vấn về những trường hợp đặc biệt.
4. Uống đủ nước, vận động, dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa và đào thải sỏi
Tôi có thể bị tái phát sỏi không? Làm thế nào để hạn chế nguy cơ hình thành sỏi thận?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Việc can thiệp lấy sỏi thận không đồng nghĩa với vấn đề khỏi hoàn toàn. Bởi vì, cơ thể theo các cơ chế, vẫn tiếp tục tạo sỏi. Việc hình thành sỏi phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn, chế độ sinh hoạt.
Thông thường, để thuận tiện nhất, khi bệnh nhân có các mảnh sỏi, bác sĩ sẽ có cơ sở để tư vấn về việc sử dụng thức ăn, thức uống, thực phẩm phù hợp. Một số phương pháp chung giúp phòng ngừa hiệu quả bằng cách uống nhiều nước (>2 lít nước/ngày), thường xuyên vận động giúp các mảnh sỏi vụn hình thành có thể trôi ra ngoài cơ thể khi chưa tạo thành sỏi lớn.
Bên cạnh đó, trong chế độ ăn nên hạn chế các thành phần chính tạo sỏi như osalad; sản phẩm chuyển hóa của nitơ như các loại thực phẩm giàu đạm.
Cần lưu ý, nhiều người có quan niệm cần hạn chế canxi vì có khả năng tạo sỏi. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu gần đây, một chế độ đầy đủ canxi có thể giúp phòng ngừa sỏi.
Để cơ thể hấp thu canxi, nên dùng chung với vitamin D hoặc phơi nắng để canxi hấp thu đúng cách.
5. Hai mốc thời gian tái khám quan trọng sau tán sỏi
Thông thường, sau phẫu thuật lấy sỏi tiết niệu, người bệnh có các mốc tái khám nào?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Đối với các phẫu thuật lấy sỏi của đường tiết niệu, có 2 mốc cần lưu ý mà bác sĩ thường hẹn bệnh nhân tái khám.
Thứ nhất là khoảng 2-4 tuần sau can thiệp, những bệnh nhân có đặt ống trong người, việc rút ống sẽ thực hiện trong khoảng thời gian này.
Thứ hai, sau khi can thiệp khoảng 3 tháng, việc đánh giá sỏi còn hay mất, kích thước sỏi vụn sẽ chính xác nhất ở giai đoạn này.
6. Một số trường hợp cần xét nghiệm máu sau khi tán sỏi
Sau phẫu thuật có phải xét nghiệm máu nữa không và xét nghiệm để làm gì?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Xét nghiệm máu cho bệnh nhân can thiệp sau mổ không thuộc chỉ định bắt buộc.
Thông thường, xét nghiệm máu được chỉ định trong một số trường hợp như: bệnh nhân nghi ngờ có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu; bệnh nhân từng có chức năng thận suy giảm, sau khi giải quyết các bế tắc, bác sĩ sẽ kiểm tra lại để đánh giá tỷ lệ hồi phục chức năng thận sau can thiệp.
7. Có thể rút ống thông sớm nếu đường tiểu và bàng quang bình thường khi điều trị sỏi
Sau phẫu thuật lấy sỏi bàng quang qua nội soi, ba tôi có đặt ống thông niệu đạo. Ba tôi nói bác sĩ cho biết là có thể rút thông này sau 1-2 ngày? Tôi sợ ba tôi nghe lầm vì tôi thấy nhiều người lưu ống thông lâu hơn.
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Đối với trường hợp sỏi bàng quang sau can thiệp, nếu đường tiểu (từ cổ bàng quang ra ngoài niệu đạo) không có bất thường, bàng quang bình thường, trơn láng, không bất thường trong quá trình điều trị sỏi. Các trường hợp này bác sĩ sẽ lưu ống thông từ 1-2 ngày, việc rút ống thông sớm là bình thường.
Thông thường, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ hiểu bệnh nhân gặp những vấn đề gì, việc rút ống thông hoàn toàn phụ thuộc vào người thực hiện phẫu thuật. Nếu bác sĩ cho bệnh nhân rút ống thông 1-2 ngày, bệnh nhân có thể yên tâm vì bác sĩ là người hiểu được vấn đề đường tiểu của bệnh nhân có thể phù hợp khi rút ống thông sớm.
8. Đái tháo đường làm tăng nhanh kích thước sỏi thận
Tôi nghe nói bị đái tháo đường thì dễ bị sỏi thận hơn? Xin bác sĩ cho biết điều này có đúng không và vì sao lại thế ạ?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Hiện nay đã tìm được một số yếu tố nguy cơ gây ra sỏi thận, một trong số đó là đái tháo đường. Nhiều trường hợp bệnh nhân sau một thời gian theo dõi đã tiến tới sỏi san hô lớn trên bệnh nhân đái tháo đường. Mặc dù bệnh nhân có đi khám sức khỏe định kỳ nhưng sỏi phát triển rất nhanh.
Khoa học và nhiều nghiên cứu đã chứng minh, đái tháo đường là yếu tố nguy cơ hình thành sỏi. Đến nay, vấn đề hình thành sỏi có rất nhiều giả thuyết, nhưng một giả thuyết các tác giả cùng đồng ý là: Bình thường cơ thể có một mảng viêm, xác vi khuẩn hoặc bất thường trong đường tiểu, tạo thành nhân.
Sau đó, nhân bám vào niêm mạc đường tiểu hoặc trôi lơ lửng. Cùng với điều kiện trong nước tiểu có nhiều thành phần như các sản phẩm chuyển hóa từ nitơ, canxi kết hợp nhân tạo thành sỏi. Đái tháo đường dễ gây cho bệnh nhân xuất hiện các phản ứng viêm, phản ứng nhiễm khuẩn, từ đó, thuận lợi trong việc tạo ra nhân sỏi.
Bên cạnh đó, khi bệnh nhân bị đái tháo đường, là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các tổn thương thận. Ví dụ, đái tháo đường là nguyên nhân dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Những tổn thương đó đã tạo điều kiện cho một số chất đi thẳng vào thận không thông qua được hệ thống lọc, vào đường tiểu và tạo điều kiện hình thành sỏi rất nhanh.
9. Không cần bổ sung quá nhiều dinh dưỡng sau phẫu thuật can thiệp tối thiểu
Trong ăn uống, tôi cần lưu ý điều gì để hồi phục nhanh sau phẫu thuật và giảm nguy cơ hình thành sỏi niệu?
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Đối với phẫu thuật hiện nay, luôn can thiệp tối thiểu vào bệnh nhân để lấy ra các loại sỏi kể cả sỏi san hô. Sau khi phẫu thuật, chế độ ăn không cần thiết bồi bổ quá mức so với bình thường.
Trước đây, sau phẫu thuật mổ mở đòi hỏi bệnh nhân cần nạp nhiều năng lượng để hồi phục. Tuy nhiên, những can thiệp tối thiểu không đòi hỏi bệnh nhân bổ sung quá nhiều dinh dưỡng sau mổ.
Khuyến cáo sau mổ, để tránh tái phát sỏi, bệnh nhân nên uống nhiều nước, hạn chế những thực phẩm có thể tạo ra sỏi như thực phẩm chứa nhiều osalad, điển hình với đàn ông có sử dụng nhiều cà phê, còn phụ nữ uống nhiều cacao, socola,… là một trong những nguyên nhân tạo sỏi.
Bên cạnh đó, chế độ ăn nên hạn chế thức ăn quá nhiều đạm như thịt đỏ, lòng, hải sản, lòng trắng trứng và bia rượu,… Những loại thực phẩm này giúp phân hủy nitơ và một số thực phẩm tạo sỏi rất nhanh.
Uống nhiều nước, tập thể dục là điều tối quan trọng, ai cũng nên làm.
10. Xét nghiệm nước tiểu ngay sau can thiệp không cho kết quả chính xác
Tôi thấy nhiều bệnh nhân kể lại là cần làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ sau hậu phẫu? Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về xét nghiệm này.
BS.CK2 Hoàng Thiên Phúc trả lời: Xét nghiệm nước tiểu không bắt buộc trong Niệu khoa. Những xét nghiệm này chỉ được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.
Đối với xét nghiệm nước tiểu chỉ tầm soát một số yếu tố đặc biệt. Bởi vì, sau quá trình can thiệp, trong thành phần nước tiểu sẽ có một số thành phần phụ như máu, hồng cầu, bạch cầu… Những xét nghiệm nước tiểu trong thời điểm này sẽ không cho ra kết quả chính xác.
Chỉ thực hiện xét nghiệm nước tiểu khi nghi ngờ nhiễm khuẩn, lấy nước tiểu đi nuôi cấy vi khuẩn là những chỉ định các bác sĩ Tiết niệu thường sử dụng. Còn lại các xét nghiệm nước tiểu khác khá hạn chế bởi những sai lệch trong kết quả sau can thiệp.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình