Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trương Hoàng Minh: Điều trị sỏi đường tiết niệu có những cách nào?

TS.BS Trương Hoàng Minh giải đáp thắc mắc về sỏi đường tiết niệu: kích thước nào thì nên phẫu thuật, kích thước nào thì nên tán sỏi qua da, sau phẫu thuật cần kiêng cữ thế nào…



Sỏi tiết niệu có thể gây ra các triệu chứng như đau vùng thắt lưng, đau buốt khi tiểu tiện, sốt do nhiễm khuẩn,... gây khó chịu cho người bệnh. Khi phát hiện, thường thì sỏi đã lớn khiến người bệnh băn khoăn về các phương pháp loại bỏ sỏi. Kích thước nào thì nên phẫu thuật, kích thước nào thì nên tán sỏi qua da…

Vì vậy, Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi đã mời TS.BS Trương Hoàng Minh - Trưởng khoa Ngoại niệu-ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ với quý bạn đọc vấn đề “Điều trị sỏi đường tiết niệu có những cách nào?”

Chương trình do Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn phối hợp thực hiện.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết, sỏi đường tiết niệu bao gồm sỏi ở những vị trí nào? Cấu tạo của chúng thường là từ chất gì? Loại sỏi nào thường gặp nhất ạ?

TS.BS Trương Hoàng Minh:

Cơ quan đường tiết niệu gồm có: thận, niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ trên thận xuống bàng quang), bàng quang (bọng đái) và niệu đạo (ống dài nối từ bàng quang ra lỗ sáo). Trong chuyên ngành thường chia thành 2 loại: đường tiểu trên (thận và niệu quản) và đường tiểu dưới (bàng quang và niệu đạo). Bất kỳ vị trí nào trên cơ quan đường tiết niệu đều có khả năng bị sỏi.

Cấu tạo của sỏi đa phần có thành phần của canxi, photphat, oxalat, struvic (amonium magnéium-phosphat), systin, urat ( urat uric),... Có rất nhiều thành phần tạo nên sỏi, gọi là sỏi hỗn hợp. Người châu Âu thường ăn thịt, phomai, những thực phẩm chứa nhiều protein sẽ dễ bị mắc sỏi urat. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ mắc sỏi oxalat và canxi khá cao. Ngoài ra, những người bị nhiễm trùng tiểu hay mắc sỏi truvic, sỏi nhiễm trùng.

Ở Việt Nam, các thành phần sỏi tiết niệu tương đối hỗn hợp.

Sỏi đường tiết niệu - Ảnh: internet

 2. Nguyên nhân nào đưa đến việc hình thành sỏi tiết niệu, thưa BS?

TS.BS Trương Hoàng Minh:

Có 2 loại sỏi, 1 là sỏi cơ thể và sỏi cơ quan. Sỏi cơ thể do những biến đổi của cơ thể có thể gây ra như bệnh nhân ít uống nước hoặc bị sốt kéo dài gây mất nước trầm trọng. Hoặc do rối loạn chuyển hóa như chuyển hóa canxi,... Ví dụ như những bệnh nhân bị u tuyến cận giáp có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa canxi, dẫn đến sỏi. Và việc hình thành sỏi cơ thể có thể xảy ra ở cả 2 bên.

Còn đối với sỏi cơ quan, sỏi thường chỉ nằm 1 bên hoặc do bất thường đường tiết niệu như hẹp đường tiết niệu, hẹp khúc nối bể thận niệu quản, bàng quang thần kinh do quá trình lưu thông nước tiểu bị rối loạn,... gây ra sỏi. Hoặc hẹp đường tiết niệu như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt làm bế tắc đường tiểu dưới, tăng nguy cơ sỏi bàng quang.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi, nhưng hiện nay người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính. Một số yếu tố nguy cơ cao gây nên sỏi như nhiễm trùng đường tiểu hoặc những bệnh nhân có thói quen ít uống nước, ngồi lâu ít vận động,... Ngoài ra, một số yếu tố từ di truyền, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu khoa học về yếu tố di truyền này.


3. Theo BS, những ai có nguy cơ cao bị sỏi đường tiết niệu ạ? Bệnh này có phòng tránh được không?

TS.BS Trương Hoàng Minh:

Những yếu tố về mặt gia đình, về gen; hay về địa danh, những nơi sử dụng nguồn thức ăn chứa nhiều chất chứa nguy cơ tạo sỏi, hoạt động ở nơi nắng nóng gây ra nguy cơ mất nước; những bệnh nhân thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu… Nhìn chung, những người có thói quen ít vận động, uống ít nước có khả năng bị nguy cơ sỏi đường tiết niệu cao.



4. Người bị sỏi đường tiết niệu thường có triệu chứng gì, thưa BS?

TS.BS Trương Hoàng Minh:

Khi có sỏi ở đường tiết niệu, tùy từng vị trí của sỏi mà dẫn đến các triệu chứng đặc thù. Điển hình như sỏi niệu thận hay sỏi niệu quản gây ra cơn đau quặn thận, tức đau từ sau lưng ra phía trước, xuống bộ phận sinh dục.

Có một số trường hợp như bệnh nhân bị nhiễm trùng như sốt, tiểu ra máu và nếu như tình trạng sỏi xuất hiện 2 bên hoặc trên thận độc nhất gây ra tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu (tiểu ít, không tiểu được), có thể dẫn đến tình trạng phù (như phù ở tay chân, mí mắt,...) dẫn đến suy thận.

5. Bệnh sỏi đường tiết niệu thường được phát hiện trong tình huống nào, bằng phương tiện gì ạ?

TS.BS Trương Hoàng Minh:

Bệnh nhân thường đến bệnh viện trong tình trạng hơi đau vùng lưng. Tuy nhiên, có một số trường hợp, sau khi được kiểm tra, nguyên nhân gây đau lưng không phải do sỏi. Một số bệnh khác cũng có triệu chứng tương tự viêm đường tiết niệu như thần kinh, cột sống, viêm ruột thừa, viêm túi mật,... Vì vậy, bệnh nhân phải đến thăm khám ở các cơ sở y tế để có chẩn đoán phân biệt.

Riêng để chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được siêu âm, chụp X-quang, chụp CT scan hoặc chụp UIV (tức chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch) để chẩn đoán chức năng và hình thái, vị trí viên sỏi.

Dựa vào vị trí của sỏi, tình trạng sỏi ảnh hưởng đến chức năng thận cũng như đường tiết niệu của bệnh nhân, BS sẽ quyết định phương pháp điều trị.

6. Sỏi đường tiết niệu khi nào chưa cần điều trị, khi nào điều trị nội khoa, khi nào cần can thiệp loại bỏ sỏi, thưa BS?

Nếu như sỏi nhỏ hơn đường tiết niệu, có kích thước dưới 4mm thì 90% có thể tự thải ra bằng đường tự nhiên khi bệnh nhân uống nhiều nước.

Nếu sỏi từ 4mm - 6mm thì khả năng ra ngoài theo đường tiểu thấp hơn, tuy nhiên vẫn có thể ra. Một số trường hợp sỏi nhỏ nhưng không thể ra được do đường tiết niệu bị hẹp.

Tỷlệ ra bằng đường tự nhiên đối với kích thước sỏi trên 6mm thấp. Đặc biệt, sỏi trên 1cm, khả năng ra rất thấp.

Đối với những trường hợp sỏi không thể đào thải bằng con đường tự nhiên, tùy theo vị trí và ảnh hưởng của sỏi đến chức năng thận để lựa chọn phương thức điều trị thích hợp.


Nội soi tán sỏi tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh tư liệu

7. Hiện nay, để can thiệp loại bỏ sỏi tiết niệu có những phương pháp nào ạ? Và tại Bệnh viện Nhân dân 115 đang áp dụng những phương pháp nào?

Tùy theo vị trí và ảnh hưởng của sỏi đến chức năng thận để lựa chọn phương thức điều trị khác nhau. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân sẽ được áp dụng phương pháp tán sỏi qua da cho sỏi thận bằng máy đặt ngoài cơ thể và áp sát vào vùng thận, sử dụng nguồn năng lượng phát ra để hội tụ vào 1 điểm - tức viên sỏi, làm cho kết cấu viên sỏi bị phá vỡ và những mảnh nhỏ sẽ theo ra bằng đường con đường tự nhiên. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn và được sử dụng phổ biến. Những sỏi dưới 2cm khi được áp dụng tán sỏi qua cơ thể, tỷlệ thành công rất cao.

Đối với những sỏi lớn hơn, chúng tôi áp dụng kỹ thuật lấy sỏi thận qua da. Trước đây, tại bệnh viện Nhân dân 115 áp dụng lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ, dùng kim chọc từ ngoài da đến hệ thống đài bể thận. Dùng bộ nong đưa vào hệ thống đài bể thận, sau đó đưa máy nội soi vào bên trong, sử dụng nguồn năng lượng như siêu âm, laser để tán vỡ sỏi.

Việc áp dụng phương pháp tán sỏi qua da giúp cải thiện cho bệnh nhân rất nhiều trong quá trình điều trị, tránh ảnh hưởng tia X cho bệnh nhân và bác sĩ. Giảm nguy cơ xảy ra biến chứng bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ, tỷ lệ thành công rất cao.

Hiện nay, bệnh viện còn áp dụng những phương pháp mới như sử dụng ống soi mềm. Sử dụng ống nội soi cứng có thể tán sỏi ở vùng bể thận cho những bệnh nhân nữ. Nhưng đối với những bệnh nhân nam, sỏi nằm ở vị trí trong đài thận sẽ gây khó khăn khi sử dụng ống nội soi cứng. Vì vậy, đối với bệnh nhân nam sẽ được áp dụng ống soi mềm, bao gồm 1 dây laser có kích thước nhỏ, có thể điều chỉnh 360 độ để đưa vào đài bể thận để tìm ra vị trí viên sỏi. Đây là 1 phương pháp ít xâm lấn khác với lấy sỏi thận qua da. Vì phương pháp lấy sỏi thận qua da vẫn để lại vết mổ nhỏ sau khi phẫu thuật.

Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân phải mổ cổ điển (mổ hở) vì đã thất bại với phương pháp điều trị ít xâm lấn. Đây là phương pháp các bác sĩ rất hạn chế sử dụng cho bệnh nhân.

Mỗi kỹ thuật sẽ có những ưu - khuyết điểm riêng. Như lấy sỏi thận qua ống soi mềm chỉ áp dụng cho những sỏi cứng với kích thước nhỏ hoặc vừa nhưng không thể tán được ngoài cơ thể hoặc lấy sỏi khó khăn, hoặc vị trí đài thận khi lấy sỏi thận qua da gặp khó khăn.

Hiện nay, xu hướng mới là phối hợp nhiều phương pháp. Ví dụ nếu lấy sỏi thận qua da nhưng vẫn chưa hết sỏi, bệnh nhân sẽ được áp dụng thêm ống soi mềm để tán. Hoặc nếu viên sỏi vỡ ra, rớt xuống niệu quản, sẽ được nội soi ngược dòng để tán. Hay có những bất thường về đường tiết niệu, cần lấy sỏi và tạo hình niệu quản sẽ được nội soi ngoài phúc mạc. Sỏi bàng quang thường được áp dụng sử dụng tán sỏi qua đường nội soi. Bệnh viện sẽ ưu tiên áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn từ sỏi thận cho đến sỏi niệu đạo.

8. Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo, theo BS, trong các sỏi này thì loại nào khó xử lý, loại nào dễ xử lý ạ?

Sỏi thận là một trong những loại sỏi gây thách thức cho các bác sĩ. Vì sỏi thận nằm rất nhiều trên đài thận nên tỷlệ sót sỏi tương đối cao. Việc kích thích sỏi thận ra bằng con đường tự nhiên cũng phải trải qua một quãng đường rất dài.

Những sỏi ở vị trí thấp hơn như niệu quản, niệu đạo có thể tán dễ dàng qua hệ thống nội soi.



9. Nhờ BS cho biết khi nào thì bệnh nhân bị sỏi tiết niệu có chỉ định: phẫu thuật nội soi sau phúc mạc, phẫu thuật lấy sỏi qua da, nội soi tán sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể?

Về chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể, đối với những trường hợp sỏi thận hoặc những sỏi niệu quản ở sát bể thận hoặc sỏi ở vị trí dưới sát bàng quang, sỏi có kích thước dưới 2cm thì có thể tán sỏi ngoài cơ thể hiệu quả.

Ở những vị trí khác, do đặc thù về giải phẫu, không thể tiếp cận được vị trí sỏi nên khả năng tán sỏi thành công rất thấp.

Nếu sỏi lớn trên 2cm thì tỷlệ phải tán rất nhiều lần tại viên sỏi. Đồng thời áp dụng trên những sỏi có độ cứng vừa phải thường người ta sẽ so sánh với độ cản quang của xương. Nếu độ cản quang của sỏi lớn hơn độ cản quang của xương sống gần đó, có nghĩa là sỏi rất cứng thì nguy cơ tán sỏi khó vỡ rất cao. Cho nên nếu sỏi có kích thước trung bình thì sẽ ưu tiên tán ngoài cơ thể.

Về phẫu thuật nội soi, những sỏi ở đường tiết niệu dưới hoặc ở niệu quản sẽ được ưu tiên làm nội soi ngược dòng, đưa máy nội soi theo đường niệu đạo tới bàng quang, niệu quản để tìm ra vị trí của sỏi. Có các nguồn năng lượng để tán sỏi ở đây, như xông hơi, siêu âm, laser,... Hiện nay, đa phần sử dụng nguồn năng lượng laser để rút ngắn thời gian tán sỏi nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và ít để lại tổn thương đường tiết niệu.

Phẫu thuật tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ là phương pháp được áp dụng cho những sỏi lớn trên 2cm. Nếu sỏi nằm ở bể thận, có thể làm nội soi ngoài phúc mạc để lấy sỏi. Hiện nay nội soi ngoài phúc mạc để lấy sỏi chỉ được sử dụng khi có những bất thường ở tiết niệu cần phải tạo hình như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, BS sẽ tạo hình lại khúc nối qua đường nội soi.

Nếu không có dị dạng đường tiết niệu sẽ ưu tiên lấy sỏi thận qua da, tán sỏi qua cơ thể hoặc nội soi ngược dòng.

10. Trước khi phẫu thuật hoặc can thiệp, bệnh nhân được chuẩn bị như thế nào, thưa BS? Thời gian thực hiện kéo dài bao lâu, khoảng mấy ngày có thể xuất viện ạ?

Tùy theo kỹ thuật sẽ có sự chuẩn bị cho bệnh nhân khác nhau:

- Tán sỏi ngoài cơ thể, bệnh nhân không cần phải nhịn ăn, buổi sáng có thể ăn nhẹ; Nhưng để đảm bảo, các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân nên nhịn ăn. Và thời gian tán nhanh chỉ khoảng 30 phút. Sau khi tán xong, bệnh nhân cần nghỉ 1-2 tiếng thì có thể xuất viện.

- Các trường hợp khác như nội soi ngược dòng, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi, mổ mở,... thì bệnh nhân cần được chuẩn bị như một cuộc mổ thông thường. Bệnh nhân ký cam kết mổ, được BS giải thích tình trạng cần mổ như thế nào, làm đầy đủ các xét nghiệm như máu chảy máu đông, chức năng gan, chức năng thận, tim, phổi,... Các phương pháp trên có thể thất bại nên cần phải chuẩn bị nếu cần chuyển sang mổ hở. Bệnh nhân cần có mặt ở bệnh viện trước 1 ngày để làm thủ tục và các khâu chuẩn bị. Bệnh nhân có thể ăn trước 6 giờ tối và cần nhịn cho đến khi vào phẫu thuật.

Tùy thuộc vào từng mức độ, vị trí sỏi mà có các bước chuẩn bị khác nhau. Như lấy sỏi ở thận, bệnh nhân sẽ được gây mê, lấy sỏi niệu quản sẽ được gây tê tủy sống.

11. Nhờ BS hướng dẫn sau khi về nhà thì bệnh nhân cần lưu ý gì trong sinh hoạt, ăn uống, vận động…?

Sỏi là một bệnh lý rất hay tái phát. Đồng thời, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nguyên nhân sỏi bắt nguồn chính xác từ đâu. Tuy nhiên, các yếu tố gây nên sỏi có thể khai thác được. Từ đó, có những phương pháp phòng ngừa.

Ví dụ như một bệnh nhân đến làm phẫu thuật lấy sỏi, sau khi đã lấy được sỏi, các bác sĩ cần hướng dẫn cho bệnh nhân ăn uống và tập luyện giúp hạn chế làm sỏi tái phát.

Tỷ lệ nam giới bị sỏi cao hơn gấp 2 lần nữ giới. Trong 1 năm, tỷ lệ tái phát ở nam giới cũng trên 50%. Vì vậy, chúng ta cần có 1 chế độ phòng ngừa, như phải uống nhiều nước. Tốt nhất uống trung bình 2 lít nước/ ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường bên ngoài, bệnh nhân có thể uống nhiều nước hơn khi nắng nóng, và giảm lượng nước khi trời lạnh.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố dễ dẫn đến việc hình thành sỏi, là giảm nồng độ citrat và oxalat tăng. Vì thế, nên uống nhiều sinh tố, ăn cam, quýt để tăng nồng độ citrat. Hạn chế ăn thịt đỏ, phô mai, nội tạng,...

Giải quyết được tình trạng bất thường trong đường tiết niệu như hẹp khúc nối, rối loạn đường tiết niệu,... Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh nhân cần được điều trị ngay để tránh nguy cơ bị tái lại, gây nên sỏi.

Chú ý chế độ sinh hoạt, vận động, tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu, nhịn tiểu,...

Khi có những dấu hiệu bất thường của các dấu hiệu sỏi như đau lưng, có các bất thường trong khi tiểu tiện thì phải đến các cơ sở có chuyên khoa tiết niệu để phát hiện sớm sỏi tái phát. Đặc biệt, sỏi khi gây ra biến chứng ở đường tiết niệu, tổn thương sẽ không thể hồi phục. Vì thế, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và điều trị thích hợp.

12. Sau khi can thiệp loại bỏ sỏi tiết niệu, bao lâu thì bệnh nhân có thể quan hệ tình dục trở lại, thưa BS?

Thường tùy theo phương pháp điều trị, can thiệp sỏi mà bệnh nhân có thể thực hiện quan hệ vợ chồng. Nếu bệnh nhân tán sỏi ngoài cơ thể thì chỉ cần nghỉ ngơi sau khi sỏi được đào thải ra bên ngoài thì có thể quan hệ tình dục lại bình thường. Thời gian trong khoảng 1-2 tuần.

Nếu bệnh nhân điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, như lấy sỏi thận qua da, hay tán sỏi nội soi, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục lại sau khi rút ống JJ ra ngoài. Ngoại trừ những người hợp có chỉ định, thông thường sau phẫu thuật 1 tháng, bệnh nhân mới có thể rút ống JJ. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe đầy đủ, sau khi cơ thể đã hồi phục, các ống thông trên người được rút ra thì bệnh nhân mới quan hệ tình dục lại bình thường.


~~~~~~~~~

Mong rằng qua những chia sẻ của TS.BS Trương Hoàng Minh - Trưởng khoa Ngoại niệu - ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115, quý độc giả đã có cái nhìn bao quát và chi tiết về các loại sỏi đường tiết niệu, cũng như các phương pháp để loại bỏ sỏi.

Và hãy nhớ thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sỏi khi kích thước còn nhỏ, dễ dàng điều trị nội khoa, quý vị nhé.

Xin cảm ơn và hẹn gặp lại bác sĩ ở buổi tư vấn tiếp theo!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Hoàng Long

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X