Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường: Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là 4 giờ, 6 giờ hay 24 giờ?

Trong chương trình tư vấn phát sóng ngày 6/6/2020, TS.BS Trần Chí Cường - giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ đã chỉ ra những hiểu lầm đáng tiếc về thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ, đồng thời nhấn mạnh các mốc thời gian cần nhớ để tranh thủ từng giây phút cứu sống người đột quỵ.

1. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ được "nới rộng" lên 24 giờ?

Thưa TS.BS Trần Chí Cường, vì sao trong cấp cứu đột quỵ thời gian là vàng? Các mốc thời gian trong cấp cứu đột quỵ đóng vai trò như thế nào?

Mặc dù thời gian vàng trong đột quỵ đã được nhắc đến nhiều lần trên truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng nhưng đa số mọi người vẫn chưa hiểu đúng và đủ về thời gian vàng này. Thậm chí, ngay cả trong ngành Y các bác sĩ cũng không nắm rõ được các mốc thời gian vàng và ý nghĩa của nó. Việc hiểu biết về thời gian vàng sẽ giúp mọi người biết cách ứng xử tốt hơn, tránh được nguy cơ tàn phế, tử vong khi chẳng may trong nhà có người thân bị đột quỵ.

Thời gian vàng đã được nghĩ đến và đưa ra các mốc thời gian cụ thể cách đây khoảng hơn 10 năm tại các nước phát triển. Từ khi người ta nhận thấy việc điều trị đột quỵ rất bức thiết thì các hiệp hội như Hội đột quỵ thế giới, Hội Đột quỵ Hoa Kỳ lần lượt ra đời. Khi phác đồ điều trị đột quỵ đầu tiên trên thế giới ra mắt, thời gian vàng là 3 giờ đầu sau khi bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não. Tuy nhiên, sau một số nghiên cứu, phác đồ điều trị từ năm 2015 đến nay, thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ hiện có 2 mốc. Trong đó, mốc thời gian đầu tiên để tiêm thuốc tiêu sợi huyết được kéo dài lên 4,5 giờ. Mốc thời gian thứ 2 là lấy cục máu đông trong trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn là 6 giờ.

Y học đã chứng minh qua hàng triệu trường hợp, đây là các mốc thời gian mà nếu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, bằng các phương pháp can thiệp sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế, không ít người đã hiểu nhầm thời gian vàng 4,5 giờ nghĩa là phải chờ đúng mốc này mới được chích thuốc tan máu đông. Điều này không chính xác, mà phải hiểu đúng là nếu bệnh nhân đến được trong khoảng thời gian này thì việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, tôi cũng xin nhấn mạnh, không phải bệnh nhân đến trong khoảng thời gian vàng thì điều trị thành công 100%.

Trong đột quỵ, điều trị phải càng sớm càng tốt. Nếu bác sĩ tiếp cận được với bệnh nhân càng sớm thì việc điều trị càng có lợi cho bệnh nhân. Bởi các nhà khoa học đã phân tích và chứng minh, khi bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu hoặc đột quỵ nhồi máu não thì cứ 1 phút trôi qua 2 triệu tế bào thần kinh mất đi. Như vậy, chúng ta hãy thử làm một phép tính, nếu bệnh nhân đột quỵ càng đến trễ bao nhiêu thì nguy cơ tàn phế, thậm chí là càng cao bất nhiêu, vì rất nhiều triệu tế bào thần kinh đã mất đi.

Đặc biệt, còn tùy thuộc vào vị trí tổn thương của thần kinh. Có những vị trí chỉ cần 1 giờ trôi qua thì não đã tổn thương hoàn toàn nhưng có những vị trí bệnh nhân có thể chịu đựng được đến giờ thứ 6. Điều này lý giải cho việc vì sao có những trường hợp bệnh nhân đến ngay giờ đầu mà bác sĩ không cứu được nhưng cũng có trường hợp đến sau 6 giờ mà vẫn có cơ hội hồi phục.

Với kinh nghiệm điều trị hàng nghìn trường hợp của chúng tôi cho thấy, khi bệnh nhân đột quỵ đến được trong thời gian vàng hiệu quả điều trị khác biệt rõ rệt so với số lượng bệnh nhân đến ngoài thời gian vàng. Tôi lấy ví dụ, nếu bệnh nhân đến trước 4,5 giờ và có chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết tan cục máu đông. Trong trường hợp việc điều trị này hiệu quả thì từ một người đang nói khó, lơ mơ, yếu liệt tay chân chỉ một tiếng đồng hồ sau đã có thể co tay chân, mở mắt, nói chuyện bình thường, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng và ngoạn mục.

Nhưng đáng tiếc, ở Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân đến trễ sau giờ vàng vẫn còn rất cao. Theo thống kê năm 2015, có đến 97% bệnh nhân đột quỵ đến sau khoảng thời gian vàng. Kể từ 2015 đến nay chúng ta đã có rất nhiều chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe, hội nghị - hội thảo kết nối các bác sĩ, bệnh viện, đồng thời tuyên truyền trong cộng đồng thì theo thống kê của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ mới đây sau 1 năm hoạt động đã có sự cải thiện thời gian vàng rất rõ rệt. Chúng tôi đạt được con số 18% bệnh nhân đến được trong thời gian vàng.

Ngoài ra, người ta đã nghiên cứu, nếu chúng ta tiết kiệm được mỗi 15 phút thì sẽ giảm được 4% nguy cơ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ.

Có thể nói, thời gian là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn cũng như hiệu quả điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Cho dù chúng ta có bao nhiêu điều kiện, máy móc hiện đại, bác sĩ có giỏi đến đâu chăng nữa nhưng nếu ngoài thời gian vàng thì khó lòng cứu sống và phục hồi tốt cho người bệnh.

Trước những áp lực này, chúng tôi đang từng bước hoàn thiện, làm sao tất cả các bệnh viện tỉnh đều có đơn vị đột quỵ, và làm sao để bệnh nhân tiếp cận được đơn vị đột quỵ gần nhất trong bán kính chỉ khoảng 2 giờ đi xe. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu này nếu mỗi người không chủ động nâng cao kiến thức về sức khỏe, trong đó có đột quỵ. Thực tế, có những bệnh nhân cách cơ sở y tế điều trị đột hoặc bệnh viện có đơn vị đột quỵ chưa đầy 15 phút nhưng phải mất đến 2 ngày mới đến được bệnh viện.

Bên cạnh việc hiểu đúng về thời gian vàng thì chúng ta cần phải biết nên làm gì để tiết kiệm thời gian đó cho bệnh nhân.

Gần đây một số thông tin cho rằng có thể tăng giờ vàng lên đến 24 giờ nhờ áp dụng thêm các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh. BS có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Đây là thông tin mà chúng ta chưa thực sự hiểu chính xác về nó. Đúng là có phần mềm để đánh giá việc can thiệp có đem lại hiệu quả cho bệnh nhân đến sau thời gian vàng. Nếu bệnh nhân đến trước 6 giờ thì chúng ta không cần thiết phải sử dụng phần mềm RAPID để đánh giá. Vì để đưa ra kết quả đó chúng ta phải chụp CT hoặc MRI bơm thuốc tương phản và gửi kết quả vào hệ thống máy chủ của phần mềm RAPID. Sau đó, phần mềm sẽ tính toán và trả lại kết quả các thông số cho các bác sĩ. Thời gian tính toán này mất trung bình khoảng 30 phút. Như vậy, với người đến sớm trong khoảng thời gian vàng, chẳng hạn ở mốc 4,5 giờ mà chúng ta mất thêm thời gian để tính toán của phần mềm thì thực sự sẽ có hại cho người bệnh.

Do đó, phần mềm PAPID chỉ là công cụ để đánh giá cho những trường hợp bệnh nhân đột quỵ đến muộn sau giờ vàng, để xem việc can thiệp lấy huyết khối còn hiệu quả hay không. Hay nói cách khác cho dễ hiểu, ở một bệnh nhân đến trễ sau giờ vàng, chúng ta không biết bệnh nhân có tổn thương não hoàn toàn hay chưa thì mới cần khởi động phần mềm RAPID.

Vùng đột quỵ có 2 vùng. Thứ nhất là lõi nhồi máu. Nếu tế bào não ở vùng này đã tổn thương hoàn toàn thì dù có tái thông, cơ hội phục hồi cũng rất kém, thậm chí là không phục hồi. Thứ 2 là vùng xung quang lõi nhồi máu, gay còn gọi là vùng thiếu máu. Nói nôm na cho dễ hiểu, quả trứng có lòng đỏ và lòng trắng. Lòng đỏ ở đây là vùng lõi nhồi máu, lòng trắng là phần thiếu máu. Nếu phần mềm RAPID chạy ra kết quả lòng đỏ bằng lòng trắng thì cho dù bệnh nhân đó đến trước 6 giờ cũng không nên can thiệp, vì điều này hoàn toàn không có lợi cho bệnh nhân và thậm chí việc can thiệp tái thông có thể làm gia tăng tỷ lệ xuất huyết não, tăng thêm tỷ lệ tai biến sau can thiệp.

Như vậy, phần mềm RAPID không phải để kéo dài thời gian vàng. Khi sử dụng RAPID chúng ta có thể điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn hoặc cũng có thể giảm bớt số lượng bệnh nhân điều trị can thiệp không cần thiết. Một số trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trong khoảng thời gian vàng nhưng nếu quá nặng, hôn mê sâu, mất ý thức toàn diện thì phần mềm RAPID sẽ cho biết bệnh nhân có còn can thiệp cần thiết hay không.

Mạch máu của chúng ta có hệ tuần hoàn phụ gọi là tuần hoàn bàng hệ. Nghĩa là khi mạch máu chính bị tắc thì cơ thể sẽ hình thành một mạng mạch phụ, đó là những đường hẻm để máu chảy vào mạch máu nhỏ, dòng máu sẽ đi ngược, đi vòng để tránh chỗ tắc. Nếu bệnh nhân có nhiều tuần hoàn bàng hệ thì não sẽ chịu đựng được tốt hơn và lúc đó phần mềm RAPID sẽ cho kết quả vùng tránh tối tranh sáng, hay vùng thiếu máu còn rất rộng, vùng nhồi máu nhỏ thôi. Trên những bệnh nhân này thì phần mềm RAPID thực sự hiệu quả, mặc dù họ đến muộn sau 6 giờ nhưng việc can thiệp chắc chắn sẽ mang đến sự thành công và đạt hiệu quả lâm sàng tốt nhất.

Ngược lại, trên cơ địa bệnh nhân nếu không có mạch máu phụ, khi bị đột quỵ thì chỉ cần 2-3 tiếng thôi não đã tổn thương toàn bộ. Lúc đó, cho dù chúng ta sử dụng phần mềm RAPID cũng sẽ cho kết quả não đã tổn thương hoàn toàn, lòng đỏ đã bằng với lòng trắng, không có vùng chênh lệch tranh tối tranh sáng thì việc can thiệp bằng 0.

Bản thân tôi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam trải nghiệm, tham gia phân tích về phần mềm RAPID từ khi nó chưa công bố ra trên thế giới. Ngay tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cũng là một trong những cơ sở y tế đầu tiên đã trang bị phần mềm này. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ tận dụng phần mềm RAPID để kéo dài thời gian vàng cho bệnh nhân và cũng không dùng nó để quảng bá.

Nhân đây, tôi cũng xin kể lại một câu chuyện, cách đây vài tuần có một bệnh nhân đột quỵ ở TPHCM gọi điện cho tôi và muốn chuyển về Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ để điều trị. Tuy nhiên, tôi không đồng ý phương án này mà khuyên người bệnh nên điều trị ở TPHCM, vì việc vận chuyển ngược lại Cần Thơ sẽ làm tổn hại cho người bệnh. Đến hôm nay, tôi đã nhận được tin vui từ người bệnh, việc điều trị thành công và sức khỏe đang cải thiện rất tốt.

Thực sự, tôi nghĩ nếu ngành Y tế chúng ta có góc nhìn chung và sẵn sàng hướng dẫn bệnh nhân đi đến nơi nào tốt nhất để điều trị thì tôi tin rằng chúng ta sẽ không cần dùng đến phần mềm RAPID. Vấn đề chính chúng ta cần ở đây là sự hiểu biết của người bệnh nên đến nơi nào điều trị tốt nhất, kể cả trong ngành y tế cũng phải xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ trên toàn quốc một cách tốt nhất, để khi bệnh nhân đến không phải tùy thuộc “hên xui may rủi”. Nếu bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng có đơn vị đột quỵ chuẩn thì sẽ giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều.

2. Thời gian vàng trong nhồi máu não và xuất huyết não có gì khác nhau?

Thời gian vàng này áp dụng cho đột quỵ nhồi máu não hay xuất huyết não? Vì sao trong cấp cứu đột quỵ xuất huyết não không có thời gian vàng? Nếu thời gian vàng là 6 giờ, vậy có phải sau 6 giờ thì người nhà không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện nữa?

Đối với xuất huyết não, không phải không có thời gian vàng, mà nguyên tắc chung trong điều trị xuất huyết não là càng sớm càng tốt. Tình trạng xuất huyết não hoàn toàn tùy thuộc vào vị trí mạch máu vỡ, mạch máu to hay mạch máu nhỏ, nằm nong hay nằm sâu, có nghĩa là chúng ta bị động so với đột quỵ nhồi máu não. Với công nghệ can thiệp tiên tiến hiện nay, phần lớn bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị trong thời gian vàng đúng phương pháp, đủ trang thiết bị máy móc, bác sĩ có kinh nghiệm… có thể cứu được 70% - 80% bệnh nhân.

Với nhóm bệnh nhân xuất huyết não, mặc dù chỉ chiếm 20% số lượng bệnh nhưng việc điều trị khó khăn hơn nhiều và tùy thuộc vào đặc điểm của vị trí xuất huyết. Ví dụ, nếu vỡ mạch máu nhỏ do tăng huyết áp ở vị trí nông, lượng máu chảy dưới 30g, đa phần bệnh nhân có thể đến những bệnh viện cấp tỉnh, không cần phải can thiệp, chỉ cần điều trị bằng thuốc huyết áp. Bệnh nhân và người nhà không nên quan niệm nếu đã quá thời gian vàng thì ở nhà bởi điều này hết sức sai lầm.

Trong đột quỵ xuất huyết não, thời gian nào cũng là thời gian vàng, nghĩa là điều trị càng sớm càng tốt, chứ không phải là 4g30 hay 6g như đối với đột quỵ nhồi máu não. Bản thân chúng tôi đã cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân xuất huyết não. Ví dụ, những trường hợp bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu không chính xác do biểu hiện đặc biệt của vỡ phình mạch máu não, bệnh nhân có nhức đầu, nôn ói, sợ ánh sáng, cổ gượng cứng - những triệu chứng này dễ gây hiểu lầm là viêm màng não. Do đó, phương án điều trị thường là thuốc kháng sinh. Sau đó, một số bệnh nhân có thể tái xuất huyết và tử vong; một số bệnh nhân khác sau khi điều trị không hiệu quả sẽ tiến hành chụp CT hoặc chọc dịch não tủy để xác định lại. Máu trong dịch não tủy là bằng chứng xuất huyết não. Sau đó bệnh nhân được chụp mạch máu não bằng DSA hoặc MRI 3Tesla phát hiện có phình mạch máu não.

Có nhiều bệnh nhân phình mạch máu não được điều trị không phải trước 6g mà thậm chí sau xuất huyết 1 tuần, 10 ngày người bệnh vẫn phục hồi bình thường và không để lại di chứng. Tuy nhiên, có những trường hợp xuất huyết não, bệnh nhân vỡ những mạch máu lớn hoặc vị trí khối máu tụ nằm ở trung khu dây thần kinh, ví như vị trí cầu não, hành não, trung tâm điều hành thân nhiệt, hô hấp, vận động, huyết áp… là những vùng nguy hiểm. Thậm chí có bệnh nhân tới bệnh viện trong giờ đầu cũng khó lòng cứu chữa được do vị trí xuất huyết não nằm ở vùng tập trung dây thần kinh. Những vị trí này không có cách nào để cầm máu hay hút cục máu đông ra, và cũng không thể ngăn cản sự phá hủy do xuất huyết.

Khi mạch máu vỡ sẽ phá hủy và làm đứt tất cả những sợi dây thần kinh xung quanh khối máu tụ chứ không phải giống như đột quỵ nhồi máu não. Nghĩa là khi mạch máu bị tắc nghẽn, vùng não chỉ thiếu oxy và trải qua giai đoạn từ héo sang tím đen và hoại tử. Giai đoạn héo là thời gian vàng điều trị tốt nhất, giống như cây vừa héo nhưng tưới nước vào sẽ sống lại. Khi để cây khô quắt thì không bao giờ có thể phục hồi lại được. Bác sĩ chỉ có thể cứu sống cái cây nhưng những nhánh cây thì đánh bó tay bất lực.

3. Cấp cứu đột quỵ: Khi nào chụp CT, MRI, khi nào cần đến DSA?

Hiện nay có nhiều kỹ thuật chẩn đoán như CT, CTA, MRI, MRA, DSA. Xin hỏi các kỹ thuật này đóng vai trò gì trong cấp cứu, can thiệp đột quỵ. Trường hợp nào cần chụp CT, trường hợp nào cần chụp MRI, DSA?

Hiện nay chúng ta có thể tìm hiểu rõ thế nào là CT, CTA, MRI, DSA… CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X. Khi bệnh nhân vào bệnh viện, để biết được nhồi máu não hay xuất huyết não, tối thiểu phải chụp được CT. Do đó, một bệnh viện không có máy CT thì không thể chẩn đoán được bệnh nhân nhồi máu não hay xuất huyết não. CT phát hiện xuất huyết não tốt hơn nhồi máu não trong những giờ đầu. Nghĩa là một bệnh nhân có những dấu hiệu điển hình của đột quỵ như mặt méo, yếu tay chân, nói khó, khi vào bệnh viện các bác sĩ chụp CT nói là bình thường thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và trong phần lớn các trường hợp đột quỵ trong giờ đầu.

MRI dùng từ trường, khi bệnh nhân chụp MRI trong những giờ đầu hoàn toàn có thể phát hiện được vùng não bị tổn thương. Trên MRI có thể thấy vùng thiếu máu, nhồi máu, tranh tối tranh sáng rõ ràng hơn CT rất nhiều. Vì vậy phần lớn các nước phát triển thường không dùng CT để chẩn đoán đột quỵ cấp mà dùng cộng hưởng từ, lý tưởng nhất là MRI 3 Tesla như ở BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Với độ nét và chính xác của cộng hưởng từ 3 Tesla, bệnh nhân chỉ cần tốn 15 phút để chẩn đoán nhồi máu não hay xuất huyết não, do mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ, vị trí nằm ở đâu, tiên lượng bệnh có còn vùng tranh tối tranh sáng hay không chứ không nhất thiết phải dùng đến RAPID.

Điều khác biệt nữa giữa CT và MRI là: để xem được mạch máu trên CT bắt buộc phải bơm thuốc tương phản. Trong một số trường hợp bệnh nhân suy thận hoặc có tiền căn dị ứng thuốc, khi bơm thuốc cản quang rất nguy hiểm, đôi khi có một số bệnh nhân bị dị ứng thuốc tương phản, nhưng trên bệnh nhân đột quỵ buộc lòng phải chấp nhận để bác sĩ tiêm thuốc trong điều kiện chỉ có CT. CT giúp bác sĩ phân biệt đột quỵ tắc nghẽn mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ và điều trị theo khung thời gian vàng. Nếu tắc mạch máu nhỏ, bệnh nhân đến trước 4g30 được tiêm thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông tại phòng CT để tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.

Nếu sau khi chụp CT có tiêm thuốc tương phản, phát hiện có tắc mạch máu lớn thì cẩn chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp DSA (chụp mạch mão não xóa nền). DSA vẫn sử dụng tia X giống CT nhưng phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sĩ. Sau khi chích một chỗ nhỏ ở mạch máu đùi, bác sĩ đưa ống vào mạch máu ở đùi luồn lên động mạch chủ và tiếp tục di chuyển đến não. Sau đó tìm đến vị trí mạch máu tắc và dùng dụng cụ cơ học để nạo vét, hút cục máu đông ra ngoài, thậm chí đặt stent vào mạch máu tắc để phục hồi lại. Hiện chúng tôi đã đưa được những dụng cụ vào đường kính mạch máu não chỉ 2mm mà thôi, thậm chí những ống siêu nhỏ có thể đưa đến mạch máu 1mm, chúng ta có thể can thiệp đến tận cùng hệ thống mạch máu não.

Trong cấp cứu đột quỵ, kỹ thuật nào là tối ưu nhất, giúp tiết kiệm thời gian vàng?

Hiện nay phác đồ chung là CT, có nghĩa là CT đã đạt chuẩn để chẩn đoán được đột quỵ. Tuy nhiên đây không phải là kỹ thuật tối ưu. Như tôi đã phân tích, với một bệnh viện có cả CT và MRI, phần lớn những bệnh nhân đột quỵ cấp sẽ chụp MRI. Bởi tuy thời gian chụp MRI lâu hơn CT nhưng có thể hoàn toàn đánh giá một cách chính xác, cặn kẽ và bệnh nhân không phải tiêm thuốc tương phản. Điều này đã được chứng minh ở các nước tương phản, đặc biệt là Thụy Sỹ - nơi chúng tôi đã tham gia giảng dạy, tất cả những bệnh nhân đột quỵ đều được chụp MRI. Nhưng nhìn chung, phác đồ chung vẫn dừng lại ở CT. Điều này hết sức dễ hiểu bởi giữa cái chuẩn và chất lượng cao thì ai cũng chọn cái chuẩn. Điểm chuẩn của CT cũng đã đạt con số 5 rồi.

Ngày nay không dùng DSA để chẩn đoán, DSA chỉ là phương tiện, thiết bị máy móc hỗ trợ bác sĩ can thiệp lấy cục máu đông hoặc can thiệp, điều trị những chỗ vỡ mạch máu là chính, hiếm khi sử dụng DSA để xác định bệnh nhân có nghẹt mạch máu hay không...

DSA vẫn là tiêu chuẩn vàng, nhưng với công nghệ ngày nay, CT và MRI có thể hoàn toàn thay thế việc chẩn đoán. Đa phần chúng ta có thể chọn lựa giữa CT và MRI trong vấn đề chẩn đoán đột quỵ, mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng. CT giúp chẩn đoán nhanh chưa tới 5 phút, nhưng nếu tiêm thuốc tương phản thì thời gian đó tương đương MRI và có thể mất đến 20 phút. Thậm chí nếu bệnh nhân tương tác thuốc thì không thể chụp được CT và bắt buộc sử dụng MRI.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân là phụ nữ mang thai, có tiền căn nhạy cảm tia X hoặc tiền căn ung thư tuyến giáp, thì cần hạn chế tiếp xúc tia X. Những trường hợp này chỉ định duy nhất là MRI. Nhưng ngược lại, MRI cũng không hoàn toàn tuyệt đối trong những trường hợp bệnh nhân có kim loại trong người như đinh vít, máy tạo nhịp… Máy MRI là vùng từ trường mạnh, những kim loại này có thể bị hút vào máy gây nguy hiểm cho người bệnh và máy móc, gây tổn thất cả trăm tỉ đồng.

4. Tầm soát sớm giúp ngăn chặn 80% nguy cơ đột quỵ

Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ không thiếu những ca bệnh được xem là kỳ tích, hy hữu, như trường hợp bệnh nhân xuất huyết não nguy cơ tử vong 99% nhưng vẫn được cứu sống, hiện đang phục hồi rất tốt. Những trường hợp này, bí quyết thành công nằm ở đâu? Việc bệnh nhân đến muộn, sau giờ vàng thì công tác cấp cứu và điều trị khác nhau hay không ạ?

Trước một bệnh nhân nguy kịch, bản thân tôi cũng như tất cả các bác sĩ ở Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đều đồng cảm với người thân bệnh nhân. Chúng tôi đặt mình vào hoàn cảnh của họ để biết điều nên làm tốt nhất là gì. Xa hơn nữa, nếu lỡ may chúng ta bị đột quỵ như người bệnh nhân đó thì chắc chắn chúng ta và cá nhân tôi không bao giờ muốn mình không được cứu. Do đó chúng tôi tìm mọi phương pháp, mọi cách, bằng mọi nguồn lực từ trang thiết bị, máy móc cũng như chuyên môn, trình độ không chỉ riêng chúng tôi mà hội chẩn liên lục địa để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Giữa chuyên môn và gia đình bệnh nhân, chúng tôi luôn tư vấn rõ ràng. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân tôi từ chối điều trị, nhưng người nhà không chịu nổi cảnh tượng mới cách đây vài tiếng đồng hồ, người thân họ còn đi đứng nói chuyện nhưng giờ bác sĩ thông báo 99% tử vong và họ thiết tha mong muốn bác sĩ cứu chữa, chúng tôi vẫn tiếp nhận. Đến khi bệnh nhân thật sự tử vong chúng tôi mới quyết định từ chối. Đó cũng là động lực để chúng tôi dấn thân và lăn xả cứu bệnh nhân. Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn rằng ai cũng sẽ làm như tôi. Điều may mắn là chúng tôi có trang thiết bị máy móc và các bác sĩ tâm huyết kết nối với nhau, và đôi khi, chúng tôi tạo được những kỳ tích.

Lời khuyên của tôi rằng: chúng ta không nên coi thường bệnh đột quỵ và cũng đừng sợ hãi căn bệnh này. Nếu chúng ta hiểu rõ yếu tố nguy cơ và có chiến lược cho sức khỏe của mình, tầm soát sớm nếu có những triệu chứng gợi ý đột quỵ thì đã ngăn chặn được 80% đột quỵ cho bản thân và gia đình mình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X