TS.BS Trần Chí Cường: Người “ăn xin” cho bệnh nhân tài nhất
Một năm bạn sẽ làm được gì, có thể biến ước mơ thành hiện thực chăng? Vậy mà anh - đã làm được:Từ ý tưởng đến khi chính thức khởi công xây dựng BV Đột quỵ chỉ tròn một năm.
Ai là người có thể biến “điều không thể thành có thể”?
Khi mà có hàng trăm dự án treo đắp chiếu từ năm này qua tháng khác, tại sao anh và cộng sự lại huy động được nhiều trăm tỷ đồng nhanh như thế?
Đơn giản và cốt lõi chỉ là NIỀM TIN.
Mọi người tin anh! Tin một cách chắc chắn và mãnh liệt rằng: Chung sức cùng anh, giữa đồng bằng sông Cửu Long sẽ mọc lên một bệnh viện cấp cứu đột quỵ hiện đại, sẽ là cái phao cứu sinh kịp thời của 10 ngàn ca đột quỵ mỗi năm của 13 tỉnh miền Tây Nam bộ.
Anh là ai mà có thể tạo được niềm tin to lớn đến vậy?
1. Cuộc hẹn đầu tiên với anh là ở cổng
trường Đại học Y Dược TPHCM.
Chẳng quen biết nhau nhưng chỉ cần nghe qua điện thoại: “Cần nhờ anh xem dùm
một phim chụp MRI não” là anh vui vẻ hẹn: “Mang phim đến trước cổng trường anh
xem cho”.
Xem kỹ hồ sơ. Ôn tồn giải thích. Tư vấn cặn kẽ.
Xong.
Anh đứng nhanh, đi vội, chia tay trong sự ngơ ngác.
- “Bác sĩ ơi, cho em gửi chút...”.
Anh cười hiền: “Thôi. Xem dùm thôi mà”.
2. Bố vợ anh “mô tả” về chàng con rể
mà ông thương như con trai:
- “Thằng con tui nó đi mổ tối ngày. Điện thoại reo là vù chạy. Bất kể ngày đêm.
Y như mổ dạo vậy. Chỗ nào cần cũng đi. Có hôm vừa từ Kiên Giang về đến Sài Gòn,
điện thoại reo lại lên xe vọt xuống Cần Thơ...”.
3. Không câu nệ. Không than khó và sẵn sàng dốc hết tiền túi đóng ứng viện phí cho bệnh nhân nghèo. Phong cách ông tiến sĩ bác sĩ y khoa gốc miền Tây - Đồng Tháp in đậm dấu trong tác phong hào sảng và chân chất, giản dị của anh.
Tháng 6 vừa qua chứ không đâu xa, tiếp nhận một ca bệnh của AloBacsi giới thiệu qua. Biết gia cảnh bệnh nhân nghèo từ Quảng Ngãi vào, anh khám, cho làm xét nghiệm miễn phí rồi tặng luôn 2 tháng thuốc điều trị.
4. Gương mặt thánh thiện với đôi mắt như trẻ thơ của anh sáng hẳn lên khi nói về người bệnh. Anh nói như tuyên thệ: “Dâng hiến cuộc đời phục vụ việc cứu người”.
Chia sẻ của anh trước hơn 200 đồng
nghiệp từ 6 quốc gia trong hội thảo sáng 20/7 vừa qua tại Cần Thơ nhận được sự đồng thuận tuyệt đối: “Không cần tranh luận Nội thần kinh hay Ngoại
thần kinh là quan trọng hơn trong cấp cứu người đột quỵ. Không có bác sĩ số 1, chỉ có bệnh nhân là số 1".
5. Bàn tay, khối óc và kinh nghiệm của các chuyên gia đột quỵ là vô giá. Khi đã bị đột quỵ một núi vàng cũng không thể cứu bạn tỉnh dậy và sống lại. Nhưng các anh - các chuyên gia cấp cứu đột quỵ lại làm được.
Các anh đã giành giật với thần chết để trả lại cuộc sống cho biết bao bệnh nhân đột quỵ.
Ngày ngày, đứng trước những ca mổ mong manh giữa sự sống và cái chết - sinh mạng bệnh nhân, hy vọng đặt hết vào tay anh.
Một bên là hạnh phúc một bên là khổ
đau ly biệt.
Anh biết trên vai anh là hy vọng, là hạnh phúc của cả một gia đình.
Cũng như trăn trở của bao chuyên gia đột quỵ tâm huyết khác, anh nhói buốt trước con số thống kê “hơn 90% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trễ”.
Làm sao? Phải làm sao để rút ngắn khoảng cách từ nhà đến bệnh viện? Nhiều lần gặp nhau anh chia sẻ: anh ước trong bán kính 300km có một bệnh viện Đột quỵ để ai bệnh cũng kịp cấp cứu trong 3-4 giờ vàng ban đầu.
Làm sao để bác sĩ khoa cấp cứu của các bệnh viện nhuần nhuyễn trong thao tác cấp cứu đột quỵ để giành giật người bệnh khỏi bàn tay thần chết? Làm sao để người bệnh được cấp cứu nhanh nhất?
6. Bởi câu hỏi đau đáu trong tim, nên anh quyết định: tìm đồng nghiệp chung chí hướng truyền đạt, chia sẻ tất cả những gì anh lĩnh hội được. Bởi theo anh: “Không có gì khó với anh em bác sĩ, chỉ là mới quá với nước ta và nhiều người chưa biết cách”.
Không một chút giấu nghề, anh cố
gắng chia sẻ thật nhiều, cả trong thực hành, cả trong các khóa học cấp cứu đột
quỵ khắp các thành phố lớn (năm 2016: Tổ chức tại TPHCM với 250 bác sĩ tham dự,
năm 2017: tổ chức hội nghị đột quỵ tại Cần Thơ sĩ số cũng tương đương). Rất
nhiều đồng nghiệp - đàn em của anh hiện là trụ cột, “lính chiến” trong cấp cứu
đột quỵ ở nhiều bệnh viện trong và cả ngoài nước.
Xa hơn nữa, anh khát khao biến “Việt Nam thành trung tâm đào tạo bác sĩ đột quỵ”. Hội nghị đột nghị quốc tế ở Đà Nẵng năm 2014, thu hút hơn 500 bác sĩ khắp năm châu là một minh chứng sắt thép về quyết tâm của anh.
Bằng uy tín của mình, anh đã đưa về nước “đủ mặt anh hào” - là các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thần kinh và cấp cứu đột quỵ khắp thế giới.
7. Hơn 97% trong tổng số 10.000 ca đột quỵ mỗi năm của các tỉnh miền Tây đến bệnh viện quá trễ. Khoảng cách địa lý đằng đẵng vài ba trăm km giữa các tỉnh và TPHCM, làm số bệnh tử vong hoặc tàn phế do đột quỵ rất lớn.
Làm ở chuyên khoa hàng ngày đối diện giữa sự sống và cái chết. Hơn ai hết, anh cảm nhận rõ "Mong manh lắm một kiếp con người". Càng chứng kiến những sự ra đi đột ngột vì đột quỵ càng thôi thúc anh hành động.
Tập hợp những người cùng chí hướng. Anh như con thoi. Vẫn đứng lớp giảng dạy, vẫn đi mổ đều đều nhưng anh liên tục di chuyển giữa Sài Gòn - Cần Thơ.
Bàn tay quen cầm dao mổ lại lọ mọ hàng đêm ngồi gõ: Dự án thành lập Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.
Anh mang đề án tâm huyết gõ cửa cơ quan chính quyền. Và “Có đi ắt sẽ đến". Cửa đã mở. Cảm tấm lòng và tài năng của anh, lãnh đạo Cần Thơ dành hẳn 4.000m2 đất để chung sức biến ước mơ thành hiện thực.
8. Hôm nay đây, vỡ òa trong niềm vui khởi công xây dựng BV Đột quỵ - Tim mạch, trên khán đài, anh đứng phát biểu mà giọng cứ run run: “Cảm ơn các mạnh thường quân. Cảm ơn lãnh đạo Cần Thơ và bằng hữu đã thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành”.
Cảm xúc mộc mạc chân thành của anh như luồng điện truyền thẳng đến con tim những người tham dự. Mừng vô cùng cho dân miền Tây và mừng nhất là cho các anh - những thầy thuốc hết lòng trong sự nghiệp “cứu người”.
9. Bên dưới dõi lên khán đài lễ khởi
công, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phan Trịnh Minh Hiếu, người bạn đời cũng là đồng
nghiệp của anh xúc động:
“Anh ấy là người “hành khất” có tài nhất mà chị từng biết. Anh nhiều lần móc sạch bóp đóng tiền cho người bệnh, đứng tên bảo lãnh cho bệnh nhân tỉnh xa, rồi đi xin tiền đóng viện phí cho người có hoàn cảnh khó khăn... Lần này, anh “xin” hẳn một khoản lớn - đến 250 tỷ, thế mà các mạnh thường quân, bè bạn cũng “móc ra”, với lời cam kết: “Coi như khoản đóng góp cho cộng đồng, không màng lợi nhuận”.
10. Cuộc đời làm vợ một người có chí khí, tâm huyết: Quyết không để “ra đi” những ca còn có thể cứu được - chị cảm nhận rõ trách nhiệm của mình: “Nếu cản trở anh, chị sẽ có tội”.
Chung màu áo trắng, chung tâm huyết thực hiện lời thề Hypocrite: “Lấy người bệnh làm trung tâm”, chị luôn tự nhủ: “Tề gia, lo tròn việc nhà cho anh an tâm thực hiện hoài bão”. Hàng ngày, chị còn giúp lưu lại danh sách và cập nhật tình hình bệnh nhân để anh tham khảo và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.
Sắp tới đây, khi anh nhận lời làm Cố vấn chuyên môn của BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, chị cũng “cắp cặp đi học khóa quản lý” để chung sức, đồng lòng “tát biển Đông” cùng chồng.
Nhận xét về cậu học trò cưng, TS.BS Huỳnh Hồng Châu - BV Đại học Y Dược TPHCM không giấu vẻ tự hào: “BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ ra đời quả quá sức phi thường. Tài năng của Cường (TS.BS Trần Chí Cường - PV) được giới y khoa thế giới phát hiện từ rất sớm. Đây là một bác sĩ rất hiếm có. Ở anh hội tụ những tố chất quý giá của một chuyên gia y tế bậc cao: Tay nghề giỏi, ham học hỏi, thích chia sẻ - tâm huyết và rất hết lòng với người bệnh.Thầy và trò ấm áp trong hội thảo |
Hồng Tâm
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình