Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Tăng Hà Nam Anh: Ngoài chấn thương, còn nguyên nhân nào khác dẫn đến đau khớp vai?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến đau khớp vai, bao gồm do chấn thương: té đập vai và không phải chấn thương: hội chứng cấn ở dưới mỏm cùng, rách sụn viền, chèn ép thần kinh bả vai...

1. Chấn thương khớp vai sau té đập vai gây ra các bệnh lý nào, thưa BS?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh:

Đối với khớp vai, khi té người ta thường chống tay hay đập vai xuống đất. Dù chúng ta đập vai hay chống tay xuống đất, nó cũng là chấn thương gián tiếp trong khớp vai.

Khớp vai được treo vào cơ thể của người. Nếu xem thân hình người như một máy bay, khớp vai giống như đôi cánh gắn vào thân máy bay. Để gắn được, cần có hai xương phía trước là xương đòn (dân gian gọi là xương quai xanh) và xương phía sau là xương bả vai. Hai xương đó khớp nhau ở chỗ khớp cùng đòn.

Khi chúng ta chống tay, tỷ lệ gãy xương đòn xảy ra rất nhiều đặc biệt là những người đi nhậu: chạy xe máy té đập vai sẽ gây gãy xương đòn. Điểm hay là xương đòn dễ lành.

Chấn thương vùng vai làm trật khớp vùng đòn, chúng ta thấy khúc xương ở chỗ này khi bị trật nhô lên. Nặng hơn nữa, đó là gãy vùng cổ xương bả vai. Đối với người lớn tuổi hơn một chút, có hiện tượng gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay (đối với người có tình trạng loãng xương). Đối với người trẻ hơn, xương chắc hơn so với dây chằng nên bị trật khớp vai. Người có độ tuổi từ 40 đến 50 khi bị té đập vai hay chống tay xuống, ban đầu họ chưa đau nhưng sau một vài tuần hay một tháng, họ bị đau khớp vai, coi chừng bị đứt gân chóp xoay.

Khi chúng ta muốn cử động lên xuống, nó có 4 sợi gân để giúp vai cử động. Có gần 20 gân ở khớp vai nhưng 4 gân giúp cử động gọi là gân chóp xoay. Ở phía trước có gân dưới vai, gân trên gai, gân dưới gai và gân tròn bén.

Thông thường, chúng ta sẽ bị đứt gân trên gai và gân dưới gai. Có nhiều trường hợp bệnh nhân té đập vai xuống đất hay vào tường, ban đầu họ uống thuốc một thời gian cơn đau hết. 2-3 tuần sau, họ bị đau nhiều hơn. Lúc đó, cử động vai bị hạn chế. Họ cứ nghĩ để 2-3 tháng sau mới đi khám, lúc đó gân bị đứt và tuột hẳn vào bên trong.

Các trường hợp này rất đáng tiếc, lẽ ra chúng ta nên mổ để khâu lại các dây gân. Đó là trường hợp đứt gân chóp xoay. Ngoài ra, chúng ta có các trường hợp khác ví dụ như nhiều bạn trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay nhất là các bạn chạy xe nhanh té đập đầu nghiêng đột ngột làm đứt đám rối cánh tay, nó gây liệt vai. Đó là các chấn thương do té đập vai.

2. Ngoài chấn thương, còn nguyên nhân nào khác dẫn đến đau vai?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh:

Đối với người từ 45 tuổi trở lên, sáng ngủ dậy nếu có cảm giác đau ở vai và có những hạn chế về vận động như: những động tác bình thường như đưa tay ra sau lưng để cài áo ngực, kéo dây kéo áo đầm nhưng đến một lúc, người đó không đưa tay ra sau để kéo dây áo đầm được.

Đối với trường hợp này, sẽ có 3 bệnh lý: hội chứng cấn mỏm cùng, viêm co rút bao khớp vai, đứt gân chóp xoay.

Hội chứng cấn mỏm cùng: Mỏm cùng vai rất quan trọng. Mỏm cùm vai cùng cơ delta tạo nên bờ vai tròn trịa và vuông vắn. Đoạn đó gây cấn xương phía dưới, khi đó họ đưa tay lên đầu bị đau. Đưa tay thẳng lên trời, họ hết đau nhưng đến một đoạn nào đó họ cảm thấy bị đau, bỏ thẳng xuống hết đau (nó có một cung đau).

Bệnh lý thứ hai là viêm co rút bao khớp vai là bỗng dưng gân bị tổn thương và cơ chế cơ thể làm cho khớp cứng và độ viêm dày hơn.

Bệnh lý thứ ba là đứt gân chóp xoay. Nó giống quần áo mình mặc, có một đứa bé mặc quần của ông nội để lại rồi ông bố mắng: “Cái quần này ông nội mày mặc không rách nhưng mày mặc thì rách”. Ba đời không rách mới là điều kỳ lạ.

Chúng ta sử dụng gân mấy chục năm, tất nhiên nó phải rách. Rách gân chóp xoay sẽ khiến tay mình yếu đi và cảm thấy đau. Điểm khó chịu của rách gân chóp xoay là càng về khuya, mình càng đau. Ban ngày, cơn đau rất ít nhưng về đêm nó đau dữ dội. Mở máy lạnh sẽ gây đau nhiều hơn.

Đối với người trẻ tuổi hơn, họ chơi thể thao nhiều hay bị té trật khớp vai một lần nhưng không để ý. Họ xoay tay như thế bị đau hoặc những chàng trai đi tập gym quá nhiều dẫn đến hiện tượng mất vững của khớp vai. Nếu chúng ta bẻ ngón tay xuống để chạm được cẳng tay của mình, những người đó dễ bị mất vững của khớp vai.

Một số trường hợp tập gym quá mức gây ra tình trạng hội chứng mỏm cùng. Đối với người trẻ tuổi, nó gây ra mất vững khớp vai.

Mất vững khớp vai không phải nhất định nó bị trật ra, nó sẽ chia thành giai đoạn mất vững và đau đến giai đoạn trật rõ ràng. Một số người trẻ tuổi khi tập gym, họ cố gắng đẩy ngược lên như vậy, họ nghe tiếng rột rột trong khớp vai. Bao hoạt dịch bị xơ hóa, mỗi lần cử động nó sẽ khiến gân ở mỏm cùm bị đau. Đó là các bệnh lý thường hay gặp.

Có một bệnh lý khác thường hay gặp ở nhóm người thường leo trèo ví dụ như người leo dừa, người tập gym hay nắm kéo như vậy. Họ tập một cách bình thường nhưng đến một ngày, họ thấy tay nắm yếu đi. Động tác kéo không còn dứt khoát, họ không leo dừa được nữa. Sau đó, họ thấy cơ phía sau bị teo dần đi. Đó là hiện tượng rách sụn viền và nước từ bên trong khớp vai chảy ra đằng sau, nó kẹp vào khuyết vai và gây chèn ép dây thần kinh bả vai.

Chèn ép thần kinh bả vai khiến người bị đau mơ hồ, không biết vị trí đau nằm ở chỗ nào. Khi họ kéo như thế này, họ sẽ bị đau. Khi bệnh nhân cởi áo để khám, chúng tôi thấy cơ dưới của bệnh nhân bị teo đi. Khi chúng tôi chụp MRI, chúng tôi thấy có nang nước chèn vào trong bả vai và lúc đo điện cơ nó xảy ra hiện tượng chèn ép thần kinh trên bả vai.

Hiện tượng này ít gặp, nhưng khó ở chỗ là nhiều lúc bác sĩ không chú ý đến chuyện này và bệnh nhân không đau nhiều chỉ bị đau âm ỉ. Bệnh nhân chỉ đi mua thuốc uống và họ không để ý đến chuyện này. Đến khi teo cơ, mọi thứ đã quá muộn.

Đau khớp vai là dấu hiệu cần lưu ý. Bệnh nhân nên đi khám sớm để bác sĩ phát hiện và giải quyết sớm để vai trở về gần như bình thường. Chứ để trễ quá, tỷ lệ thành công sẽ rất thấp.

3. Các triệu chứng quan trọng của bệnh lý khớp vai là gì?

ThS.BS Võ Châu Duyên:

Đau khớp vai khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân gây đau khớp vai. Cơn đau có thể chỉ nhẹ, nó chỉ thoáng qua khi chơi thể thao hay làm việc. Tay mình bị đau, viêm, sưng lên sau một thời gian nó tự hết. Có thể có một chèn ép hay rách gân bên trong đó nhưng mình không biết được. Nếu quý vị bị đau khớp vai, nên cân nhắc và đi khám.

Nếu chỉ đau nhẹ và vì lý do mình bị kẹt công việc chưa đi khám được, chúng ta giảm vận động vai, để cho nó lướt qua.

Nhưng nếu quý vị gặp triệu chứng nặng nề hơn một chút, cảm thấy tay mình yếu đi và không thể làm được công việc hằng ngày hoặc thấy cơ bên đó teo hơn nhiều so với cơ bên kia thì cần đi khám.

Đối với khớp vai, có nhiều cách kiểm tra lâm sàng. Chỉ bằng biện pháp nho nhỏ, bác sĩ có thể nhận thấy đó là viêm khớp đơn thuần, viêm cơ bong gân, rách gân, cứng khớp. Bác sĩ có thể nhận diện sơ bộ qua khám lâm sàng.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thói quen là hễ đau vai là ghé phòng khám để chụp MRI để thấy hình ảnh khớp vai dễ dàng hơn, điều này chưa thật cần thiết. Chúng ta chỉ nên chụp MRI sau khi được bác sĩ thăm khám và có chỉ định chụp.

4. Có thực sự cần thiết phải chụp MRI ngay khi bị đau vai hay không?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh:

Khi bị đau khớp vai, mình phải đến bác sĩ khám trước. Đối với rách gân chóp xoay, hội chứng dưới mỏm cùng, hình ảnh MRI ưu thế. Đối với viêm co rút bao khớp xoay hay vôi hóa chóp xoay, họ không cần chụp MRI mà chỉ cần khám lâm sàng, chụp X-quang và siêu âm.

Nhiều người hỏi tiếc gì MRI mà không đi chụp?

Tiếc chứ, vì giá chụp MRI đến 2.6 triệu. Máy MRI có 1.5 tesla trở xuống, bác sĩ phải bơm thuốc vào khớp vai mới thấy rõ tổn thương của đứt gân. Trật khớp vai tái hồi cũng cần bơm thuốc vào để thấy rõ sụn viền bị bong, trừ máy 3.0 tesla trở lên, các máy đó hiện rất hiếm. Chi phí chụp MRI lên rất cao, chụp MRI 3.0 tesla sẽ từ 3.5 triệu trở lên. Thành ra, chúng ta không lý do gì để đổ ra số tiền rất lớn trong khi X-quang cộng thêm khám lâm sàng, bác sĩ đã có thể phát hiện ra bệnh.

Chúng ta cứ đi khám trước, bác sĩ thấy cần thiết họ sẽ cho chụp MRI. Nếu không cần thiết, họ chỉ cần cho chụp X-quang, siêu âm và chẩn đoán và họ sẽ bắt đầu điều trị cho mình.

Bệnh nhân không nên tự đi chụp MRI trước, đôi khi chúng ta thấy như vậy nhưng chưa chắc nó đau của khớp vai. Có một số trường hợp, nó đau quy chiếu, mình cảm thấy đau khớp vai nhưng vận động bình thường chứ không đau ở vai lúc đó nó lại bị ở trên cổ. Chỉ có bác sĩ mới nhận diện là từ vai hay cổ.

Nếu không đủ kiến thức về vai, họ vẫn lẫn lộn đau vai với đau cổ. Đó là lý do vì sao bệnh nhân cứ chăm chăm đi điều trị cổ hoài vẫn không hết nhưng khi chụp MRI, khám mới phát hiện bệnh lý ở khớp vai.

Điểm quan trọng là ở đó. Chúng ta cần đi khám để phát hiện tổn thương nằm ở đâu rồi bác sĩ cho chỉ định chụp MRI nếu cần thiết.

Trọng Dy (ghi)

Trích: Video Đau khớp vai - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X