Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng tư vấn: Hội chứng ruột kích thích, vì sao dai dẳng?

Chiều 15/3, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 tư vấn về hội chứng ruột kích thích, giải thích vì sao bệnh này dai dẳng, cách điều trị đúng như thế nào...?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - “Bóng hồng năng động”, nữ bác sĩ chuyên tư vấn về bệnh Tiêu hóa - Gan Mật

Đây là nỗi khổ "khó nói" của nhiều bạn đọc thường xuyên phải ghé thăm nhà vệ sinh, và dù có tâm hồn ăn uống nhưng phải nhịn thèm nhiều món ngon của hàng quán, bởi hễ ăn là bị "tào tháo rượt". Chẳng những thế, hội chứng ruột kích thích lại là bệnh kéo dài dai dẳng, nhiều người than phiền uống thuốc hoài không đỡ...

Tất cả những vấn đề này được TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng chia sẻ với bạn đọc trong chương trình GLTT chiều 15/3. Kính mời quý bạn đọc theo dõi.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG TƯ VẤN

PHẦN 1 - CÂU HỎI CHỦ ĐỀ: HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH, VÌ SAO DAI DẲNG?


1. Trước hết, xin hỏi BS, tại sao lại gọi là “hội chứng ruột kích thích” mà không phải là “bệnh ruột kích thích” ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

À đúng rồi, mình nghe bệnh là liên tưởng đến một triệu chứng nào đó còn khi gọi là hội chứng thì có hai lý do:

Lý do thứ nhất, đây là bệnh có nhiều triệu chứng gom lại, cho nên gọi là hội chứng.

Lý do thứ hai cũng là lý do chính, bệnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau mà lại gây tổn thương ở cùng một nơi (trường hợp này là đường tiêu hóa), do đó gọi là hội chứng.

2. Những dấu hiệu đặc trưng của hội chứng ruột kích thích là gì, thưa BS? Nó có dễ nhầm với bệnh tiêu hóa nào khác không?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Nói là hội chứng nên triệu chứng của nó rất đa dạng, đa hình, thường rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích thì chúng ta cần lưu ý những tiêu chuẩn sau:

- Thứ nhất, bệnh nhân phải có đau bụng và đau bụng này phải kéo dài, ít nhất trong 3 tháng gần đây và tuần nào bệnh nhân cũng đau bụng ít nhất 1 lần/tuần.

- Thứ hai, thời gian khởi bệnh phải từ 6 tháng trở lên thì mới gọi là hội chứng ruột kích thích.

- Thứ ba, kèm theo đau bụng thì bệnh nhân phải có 1 trong 3 bất thường: Bất thường về số lần đi cầu (táo bón, đi tiêu lỏng); Bất thường về hình dạng phân (phân cứng, chắc, sệt, lỏng toàn nước); Đau bụng có kèm liên quan đến đi cầu (Đau bụng đi cầu xong thì đỡ đau hoặc mỗi lần đi cầu thì đau bụng…).

Đây là những triệu chứng, biểu hiện của hội chứng ruột kích thích.

Rõ ràng, triệu chứng về đau bụng và triệu chứng rối loạn về đi cầu cũng như rất nhiều bệnh lý về tiêu hóa cũng có biểu hiện tương tự. Vì vậy, để chẩn đoán phải dựa vào thời gian, tổng trạng, triệu chứng kèm theo những cận lâm sàng để loại trừ những bệnh lý khác thì mới được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích.


3. Theo BS, “thủ phạm” gây hội chứng ruột kích thích là gì?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Hội chứng ruột kích thích thật ra là một bệnh lành tính và do nhiều nguyên nhân gây ra và đa phần đó là những nguyên nhân cơ năng.

Trước đây có nhiều giả thuyết đưa ra hội chứng ruột kích thích liên quan đến yếu tố thần kinh, stress. Gần đây người ta thấy một số trường hợp liên quan đến yếu tố nhiễm trùng và sau tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa dẫn đến hội chứng ruột kích thích…

Có rất nhiều nguyên nhân khởi phát cho hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, phải lưu ý đến những yếu tố thuận lợi cũng như nguyên nhân thì điều trị hội chứng ruột kích thích mới có hiệu quả.

4. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích có dễ không ạ? Để được chẩn đoán hội chứng này, bệnh nhân trải qua những thăm khám hay xét nghiệm gì ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích phải dựa vào triệu chứng lâm sàng. Ngoài triệu chứng bệnh nhân đau bụng và thay đổi về số lần đi cầu, thay đổi về hình dạng phân, tình trạng đau bụng thì phải có thời gian.

Chẳng hạn như một bệnh nhân hồi đó giờ không có gì hết, tự nhiên mới đau bụng khoảng 1 tuần nay thì không thể chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích phải có thời gian khởi bệnh từ 6 tháng trở lên.

Chúng ta thấy rõ ràng, chẩn đoán hội chứng ruột kích thích là chẩn đoán vừa dựa vào các triệu chứng, vừa dựa vào thời gian, mà còn phải chẩn đoán loại trừ. Vì vậy, khi chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, một số trường hợp nghi ngờ hoặc có dấu hiệu “báo động” thì phải dựa thêm vào những cận lâm sàng khác. Ví dụ như bệnh nhân phải được xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi, thậm chí có thể chụp CT để kiểm tra lại trước khi kết luận đây là hội chứng ruột kích thích.

Cũng cần lứu ý, hội chứng ruột kích thích có biểu hiện đau bụng và rối loạn đi cầu do đó, có rất nhiều bệnh cũng có biểu hiện như vậy nhưng nó không phải là một bệnh cơ năng và nó coi là một bệnh thực thể. Và, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm. Ví dụ như bệnh viêm loét đường ruột, rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa, thậm chí là ung thư đường tiêu hóa.

5. Rất nhiều người than phiền vì khi bị hội chứng ruột kích thích, họ uống thuốc hoài không khỏi bệnh, hoặc khỏi một thời gian rồi nhanh chóng bị tái phát. Vì sao lại như vậy, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Hội chứng ruột kích thích không hẳn là một bệnh mà là một tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không cắt được yếu tố thuận lợi, không cắt được nguyên nhân thì sẽ bị tái đi tái lại.

Người bệnh phải xác định được rằng những triệu chứng này khi gặp một vài yếu tố thuận lợi như tình trạng làm việc, thức ăn không tốt thì sẽ bị tái phát. Lúc đó, điều trị đừng quá căng thẳng, lo lắng vì căng thẳng, lo lắng cũng là một yếu tố khởi phát hội chứng ruột kích thích.

Bệnh nhân cứ nghĩ tại sao bệnh cứ tái đi tái lại hoài, có ung thư hay không và luôn luôn nghĩ đến câu hỏi lẩn quẩn “bệnh này là bệnh gì, sao chữa hoài không hết?”, chính vì vậy làm cuộc sống của người bệnh nhiều phiền muộn hơn.

6. Nhờ BS đưa ra những hướng dẫn giúp người bị hội chứng ruột kích thích mau chóng cải thiện tình trạng của mình, và hạn chế tái phát?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Sau khi chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, bác sĩ phải đưa ra một kế hoạch điều trị hội chứng ruột kích thích. Bởi vì bệnh nhân phải được xác định rằng hội chứng ruột kích thích là một bệnh không chữa khỏi mà chỉ ổn định cho bệnh nhân.

Khi bệnh nhân ổn định, bệnh nhân đỡ đau bụng, ổn định đi cầu thì bệnh nhân dễ chịu hơn, cuộc sống bệnh nhân sẽ thoải mái hơn và khi bệnh nhân được điều trị đúng cách thì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ cao lên.

Đồng thời, trong quá trình điều trị, hội chứng ruột kích thích không chữa khỏi hoàn toàn và có thể tái phát đi, tái phát lại. Vì vậy, bệnh nhân cần được yên tâm để không phải lo lắng. Vì trên nền hội chứng ruột kích thích, đa phần bệnh nhân đã bị một thời gian dài, bị đi bị lại và ảnh hưởng đến chất lượng sống, lại thường hay xảy ra trên cơ địa những người hay bị áp lực, lo lắng và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân rất nhiều.

7. Mong BS chỉ rõ những thực phẩm cần kiêng và thực phẩm nên ăn đối với người bị hội chứng ruột kích thích?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Hội chứng ruột kích thích điều trị cá thể, mỗi người khác nhau.

Đôi khi người này thích hợp với thực phẩm này hoặc không thích hợp với thực phẩm khác. Chẳng hạn, có người nói tôi cứ ăn dưa hấu, ăn những trái cây vô là tôi bị đau bụng, tiêu chảy hoặc là có người ăn chất béo, hải sản là bị. Nhưng mà có những người không bị những thức ăn đó mà bị những chuyện khác như những ngày căng thẳng, làm số liệu nhiều.

Tùy từng cá thể, chúng ta sẽ điều chỉnh chế độ ăn cũng như chế độ làm việc làm sao cho cơ thể phù hợp nhất thì bệnh mới ổn định được. Tuy nhiên thì về cơ bản, trong hội chứng ruột kích thích, người ta nghiên cứu và nhận thấy rằng nếu như áp dụng chế độ ăn như sau thì ổn định ở đa số bệnh nhân:

Thứ nhất, hạn chế chất béo.

Thứ hai, bớt những chất tươi sống quá nhiều. Ở một số người, chúng ta khuyên nên ăn rau sống, trái cây tươi. Tuy nhiên, ở một vài người bị hội chứng ruột kích thích khi ăn rau sống, trái cây tươi thì bị đau bụng, vì vậy nên hạn chế bớt.

Thứ ba, là những thực phẩm bị lên men. Ví dụ như yaourt, dưa muối đôi khi không phù hợp với người bị hội chứng ruột kích thích.

Hạn chế bớt những chất có tính kích thích. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, đừng ăn nhiều quá một lúc.

8. Trong quá trình điều trị cho nhiều bệnh nhân, BS nhận thấy người bị hội chứng ruột kích thích thường vấp phải sai lầm gì?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Người bị hội chứng ruột kích thích thường có 2 sai lầm:

Sai lầm thứ nhất: bị đi, bị lại hoài nên bệnh nhân bi quan, chữa hay không chữa cũng vậy nên bỏ cuộc. Nhưng nếu không điều trị thì sẽ thế nào? Như chúng ta biết, đau bụng và rối loạn đi cầu ảnh hưởng đến cuộc sống. Mặc dù không chữa nhưng người bệnh vẫn cứ nghĩ lẩn quẩn đến bệnh đó hoài và sẽ không làm việc được, không học hành được, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Sai lầm thứ hai: mặc dù bác sĩ giải thích rõ ràng nhưng trong đầu họ lởn vởn câu “chừng nào mình ung thư, chừng nào mình chết?”, họ điều trị với tinh thần bi quan, không tin tưởng, từ đó sinh ra một số tiêu cực khác.

Cho nên, người bị hội chứng ruột kích thích cần xác định đây là một bệnh lý mãn tính, tình trạng bị đi, bị lại là rất bình thường. Những giai đoạn nào cần điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ thì điều chỉnh, bệnh sẽ ổn định, đừng quá căng thẳng, lo lắng.

Ngoài ra, đôi khi những bệnh lý thực thể chồng lên hội chứng ruột kích thích mà  cứ nghĩ là hội chứng ruột kích thích như ung thư đại trực tràng thì khi có những biểu hiện không giống như những lần trước cần đi thăm khám để chẩn đoán xác định.


9. Hội chứng ruột kích thích nếu không được điều trị đúng cách, có thể đưa đến hậu quả gì ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Thường hậu quả ảnh hưởng đến cơ thể là không có hoặc rất ít và tổng trạng không bị ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất là ảnh hưởng đến mặt tinh thần, về mặt chất lượng sống. Người bệnh luôn ở một trạng thái lo lắng, căng thẳng, sẽ không làm việc hiệu quả và chất lượng sống của họ giảm đi rất nhiều.

Như trên đã nói, đôi khi bệnh nhân bị rối loạn đi cầu, đau bụng coi chừng có ung thư hoặc những bệnh lý thực thể khác chồng lên hội chứng ruột kích thích mà lại bỏ qua. Vì vậy, những người bị hội chứng ruột kích thích thấy đau bụng lần này khác, không giống như những lần trước, đau bụng kèm theo sốt, đi ra phân máu, sụt kí hoặc có những triệu chứng bất thường khác thì bắt buộc phải đi khám bởi có thể có một bệnh lý khác mà mình nhầm tưởng là hội chứng ruột kích thích và những bệnh lý đó gây nguy hiểm cho cơ thể.

10. Những ai thường mắc phải hội chứng ruột kích thích? Và cách phòng ngừa hội chứng này như thế nào, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Hội chứng ruột kích thích liên quan đến yếu tố tâm lý, yếu tố thần kinh, yếu tố thực phẩm.

Vì vậy, người mắc hội chứng ruột kích thích thường ở trong lứa tuổi trung niên, là lứa tuổi chịu nhiều áp lực về công việc, về gia đình.

Thường người nữ bị nhiều hơn nam. Có lẽ, phụ nữ lo lắng, căng thẳng nhiều việc (việc gia đình, việc xã hội, trong nhà…) nên tỷ lệ nữ bị cao hơn nam.

Hội chứng ruột kích thích cũng hay xảy ra trên cơ địa những người hay lo lắng, bị stress. Gần đây người ta thấy rằng hội chứng ruột kích thích cũng xảy ra ở một nhóm người sau khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích nên giảm bớt những yếu tố thuận lợi gây ra hội chứng ruột kích thích. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Có những căng thẳng, lo nghĩ, ta cứ nói đừng lo nghĩ nữa và dôi khi đâu ai muốn lo nghĩ, tự lo nghĩ đến với mình. Chúng ta phải sắp xếp lại công việc để bớt bị áp lực hơn và bớt lo lắng, căng thẳng hơn. Đồng thời lưu ý một vài thức ăn - những yếu tố làm khởi phát hội chứng ruột kích thích, chúng ta biết, chúng ta tránh bớt đi và ít bị đi, bị lại.

Thân mến.

PHẦN 2 - CÂU HỎI BẠN ĐỌC

Vũ Kiên - Hòa Bình

Thưa bác sĩ,

Em năm nay 35 tuổi. 4 tháng gần đây em đi ngoài có hiện tượng khi đại tiện xong cảm giác phân không hết ở hậu môn, nặng hậu môn. Đi xong lại muốn đi lại, cứ thế nhiều lần trong ngày. Phân lúc lỏng, lúc táo, lúc đi được nhiều, lúc lắt nhắt, phân không có máu. Ban đêm ngủ dậy thì thấy nhẹ ở hậu môn, nhưng khi nào đi đại tiện xong là bị như trên cho đến cả ngày. Bụng không thấy đau.

Em đã đi nội soi đại tràng Sigma, bác sĩ bảo là trĩ nội độ 1 và rối loạn nhu động ruột, đã uống thuốc kê của bác sĩ rồi mà không hết. Em cũng đã uống mấy loại thuốc đại tràng cũng không đỡ.

Em xin hỏi bác sĩ là bệnh của em như vậy có chữa được không, có nên đi khám lại không? Mong bác sĩ giải đáp giúp em với ạ. Em cảm ơn bác sĩ.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn Vũ Kiên,

Tình trạng đi đại tiện xong cảm thấy nặng hậu môn kiểu mót rặn kèm theo những triệu chứng như bạn mô tả nhiều khả năng bạn bị hội chứng ruột kích thích.

Đối với tình trạng bệnh này, việc điều trị thường phải kéo dài, nếu thuận tiện bạn có thể đến khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân Dân 115 để thăm khám và điều trị.

Thân mến.


Nguyễn Thanh Khang - nguyenthanh...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi,

Khoảng 1 tháng nay em đi đại tiện phân có hình dạng như lá lúa và hay bị tiêu chảy. Vậy có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không?


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn Khang,

Triệu chứng đi đại tiện phân dẹt, có hình dạng lá lúa là một  trong những dấu hiệu sớm của bệnh lý đại trực tràng, nếu kèm theo đi tiêu máu, sụt cân là dấu hiệu báo động của ung thư đại trực tràng. Vì vậy, bạn cần đi khám và nội soi để có chẩn đoán chính xác.

Thân mến.

BS Tuyết Phượng trao đổi cùng BTV. Ảnh: Hoàng Long
BS Tuyết Phượng trao đổi cùng BTV. Ảnh: Hoàng Long


Khám Vân - vankha...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi 53 tuổi, gần đây hay đi đại tiện thấy phân có màu xám, nhưng cũng có lúc phân màu đen sẫm. Tôi từng bị viêm dạ dày, đã nội soi khoảng 4-5 lần. Gần đây nhất cách nay 6 tháng, nội soi bao tử và xét nghiệm máu không có vi trùng Hp, nhưng có bị viêm bao tử không nặng.

Tôi xin được hỏi là có khả năng tôi đang bị xuất huyết bao tử không? Nếu đúng thì điều trị như thế nào? Cám ơn bác sĩ nhiều.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn Khám Vân,

Khi có biểu hiện đi tiêu phân xám, màu đen sẫm thì đầu tiên cần phải loại trừ do sử dụng những thuốc hoặc thực phẩm có màu đen.

Xuất huyết tiêu hóa cũng có triệu chứng đi tiêu phân đen, xuất huyết có thể xảy ra ở dạ dày, ở ruột non hay ở đại tràng. Vì vậy, nội soi dạ dày nếu không thấy tình trạng xuất huyết thì cũng không loại trừ xuất huyết tiêu hóa ở các vị trí khác, có thể cần phải nội soi đại tràng, nội soi ruột non nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa.

Chẩn đoán xác định nhiễm vi trùng Hp hoạt động phải dựa vào các test được thực hiện qua nội soi hoặc test hơi thở, xét nghiệm máu không có giá trị để chẩn đoán xác định và điều trị.

Vì vậy, chị phải đi khám và làm các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh và điều trị hiệu quả.

Trân trọng.


Nguyễn Thanh Huyền - Vũng Tàu

Bác sĩ cho em hỏi,

Em bị đau dạ dày năm 2014, đã điều tri khỏi. Mấy hôm nay em bị đau lại và nôn ói ra dịch vàng, đi nội soi thì kết quả bình thường, nhưng hang vị: niêm mạc viêm nề trượt đỏ nhiều có giả mạc và hoại tử đen (foto).

Bác sĩ cho hỏi em có bị sao không ạ? Bác sĩ nội soi kết luận em bị viêm dạ dày cấp Hp (-). Em đọc thì biết hiện tượng đó rất có khả năng lớn đã có tế bào ung thư. Vậy em có nên đi sinh khiết không?

Rất mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em bị bệnh đau đầu lúc 15 tuổi và kéo dài đến giờ. Em bị máu nhiễm mỡ 3.9mg.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn Huyền,

Tình trạng bạn bị đau và nôn ói nhiều kết hợp với hình ảnh nội soi viêm phù nề có giả mạc và hoại tử đen chứng tỏ bạn đang bị tổn thương dạ dày diễn tiến. Vì vậy, bạn phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa sớm để được tư vấn và điều trị.

Thân mến.


Nguyen That - Hưng Yên

Chào bác sĩ,

Hiện em đang bị đau âm ỉ bụng trên bên trái (lệch sang bên trái so với ức khoảng 3-4 cm). Em thường xuyên đau vào buổi sáng ngủ dậy, buổi trưa, buổi chiều tối, có khi đau âm ỉ cả ngày kèm theo ợ hơi (không ợ chua).

Em đã đi khám rất nhiều nơi và nhiều lần. Nội soi dạ dày bị viêm trợt rải rác hang vị. Siêu âm ổ bụng bình thường. Nội soi đại tràng bình thường (từ tháng 2/2018). Xét nghiệm máu bình thường.

Ngoài hiện tượng đau em còn bị đi ngoài rất khó. Nếu đi được thì đi rất ít, phân nhỏ như đầu đũa, đôi khi nát, đôi khi táo. Có khi không buồn đi ngoài dù ăn nhiều hay ăn ít. Em đi khám ở nhiều bệnh viện, các bác sĩ bảo bị hội chứng ruột kích thích và chỉ cho thuốc uống nhưng không thấy hiệu quả.

Em rất khó đi ngoài và đi trung tiện liên tục. Xin bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn nhiều.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn,

Biểu hiện bệnh của bạn là một tình trạng đau bụng kết hợp với rối loạn về đi cầu kéo dài nhiều tháng, nhiều khả năng đây là hội chứng ruột kích thích.

Người bị hội chứng ruột kích thích thường phải điều trị lâu dài kèm theo xử lý các yếu tố thuận lợi thì việc điều trị mới hiệu quả. Bạn nên khám và tư vấn bác sĩ Nội tiêu hóa để được khám và hướng dẫn chi tiết hơn.

Chúc bạn sức khỏe.

BS Tuyết Phượng trao đổi cùng BTV. Ảnh: Hoàng Long
BS Tuyết Phượng vừa là Trưởng khoa Nội tiêu hóa, vừa kiêm nhiệm phụ trách phòng Công tác xã hội. Ảnh: Hoàng Long


FB Tú Đ.

Hai ngày gần đây mình bị đau bụng, chỉ đau ê ẩm chỗ này chỗ nọ, không đau cố định trái hay phải hoặc giữa, triệu chứng giảm đi khi ngủ và đặc biệt lúc nằm thì bụng sôi kêu ùng ục. Thời gian đi ngoài và phân cũng thay đổi, thật sự ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình.

Theo mình tìm hiểu đó là triệu chứng của IBS. Vậy mình nên thay đổi lối sống thế nào và nên ăn những gì? Mình là dân thể thao nên có dùng Protein Powder và ăn nhiều thịt (đã cắt nhỏ cho dễ tiêu hóa), vậy có ảnh hưởng gì trong việc chữa bệnh không?


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn,

Những triệu chứng tiêu hóa của bạn mới xảy ra trong 2 ngày gần đây, không đủ dữ liệu để chẩn đoán đây là hội chứng ruột kích thích bạn nhé.

Vì những triệu chứng biểu hiện thời gian ngắn đa dạng, vừa đau bụng vừa rối loạn đi cầu, vừa bị sôi bụng trên cơ địa bạn hay dùng những thực phẩm nhiều đạm, chưa loại trừ bạn bị rối loạn hấp thu và rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa.

Bạn có thể liên hệ khoa Nội tiêu hóa BV Nhân Dân 115 để được khám và hướngdẫn chi tiết hơn.

Thân mến.

Thực hiện: Mỹ Thi - Hải Yến
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X