Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Đào Thị Yến Phi: Người mới phẫu thuật xong nên ăn gì, cần kiêng gì?

Thường có quan niệm rằng, nếu người mới khỏi bệnh không ăn được nhiều thì cứ ăn những món mà họ thích. Điều này có đúng không? Họ cần ăn gì, kiêng gì? TS.BS Đào Thị Yến Phi - trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể sẽ hữu ích với bạn.

Tiếp theo phần 1: Người mới ốm dậy thiếu chất gì, cần bổ sung sao cho đúng?

TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Phần 2: Giải đáp thắc mắc của bạn đọc

Trần Trọng Cường: Người mới phẫu thuật xong thì có cần bổ sung axit amin hay không?

Huy Hoàng: Người mới phẫu thuật xong thì cần kiêng gì?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Phẫu thuật được chia thành 2 loại: phẫu thuật trên đường tiêu hóa và phẫu thuật ngoài đường tiêu hóa. Người vừa phẫu thuật xong thì mất lượng máu khoảng 400ml, và những hao hụt dinh dưỡng do quá trình bệnh diễn ra. Người sau phẫu thuật, chủ yếu bị giảm thành phần vitamin và chất khoáng. Về nguyên tắc chung, người bệnh ăn như chế độ bình thường. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các axit amin, vitamin và chất khoáng. Với người phẫu thuật ngoài đường tiêu hóa, nên nấu thức ăn mềm hơn để bệnh nhân dễ ăn.

Với bệnh nhân phẫu thuật trên đường tiêu hóa, chúng ta không thể cho ăn 100% qua đường tiêu hóa vì chức năng đường tiêu hóa đã giảm. Lúc này, chúng ta cần liên hệ với bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn. Bởi vì đôi khi phải cần cung cấp chất dinh dưỡng cho bệnh nhân 1 phần quan đường tĩnh mạch hoặc sử dụng chế phẩm đặc biệt. Ví dụ, thay vì ăn thịt nấu nhừ thì chúng ta phải dùng loại thịt đã được phân thích ra thành axit amin để bệnh nhân không cần tiêu hóa nhưng vẫn hấp thu được.

Nhiều người nghĩ rằng sau phẫu thuật thì cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng thực chất chỉ cần bổ sung những chất dinh dưỡng dự trữ như axit amin, vitamin, khoáng chất.

Lê Mạnh: Thưa bác sĩ, ông tôi ốm mới dậy, ông ăn đồ khô thì khó nuốt, mà cháo thì không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Như vậy cần bổ sung gì cho ông để đầy đủ chất dinh dưỡng. Xin bác sĩ cho lời khuyên giúp ạ.

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chắc bạn cũng hay nghe câu người già thì hóa ra con nít. Khi một người cao tuổi bệnh thì giống y như khi trẻ con bệnh. Khi đó, họ sẽ có chế độ ăn gần giống trẻ con.

Sữa và trứng là 2 loại thức ăn được sử dụng nhiều cho người bệnh vì thành phần dinh dưỡng tương đối cân đối. Việc hấp thu và tiêu hóa 2 loại thức ăn này tương đối dễ dàng. Ví dụ, trẻ sơ sinh, sức khỏe rất yếu nhưng vẫn dễ dàng tiêu hóa và hấp thu được sữa.

Cho nên, đối với người lớn tuổi, chức năng hệ tiêu hóa đã giảm thì nên tăng cường sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết.

Đối với ông bạn, thì nên chia thành 6 bữa ăn trong ngày: 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ. 3 bữa ăn phụ nên dùng sữa để bổ sung thêm chất dinh dưỡng mà ông bạn đã ăn thiếu trong 3 bữa ăn chính.

Nếu như 6 bữa ăn trong ngày không đủ chất dinh dưỡng cho ông bạn thì nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng. Khi đó, bạn sẽ được bác sĩ cung cấp những loại sữa đặc biệt có mức năng lượng cao hơn để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho ông bạn trong thời gian đầu.

Ở người cao tuổi, vấn đề cần lưu ý là thiếu nước. Người lớn tuổi sẽ không biết họ đang khát nước mặc dù lượng nước đã giảm đáng kể. Chính việc thiếu nước đã dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến tiêu hóa như biếng ăn, ăn được nhưng không hấp thu,... Lượng nước cần uống trong 24 giờ với người cao tuổi được tính bằng số cân nặng nhân với 40ml. Bạn nên để sẵn lượng nước cần thiết và dặn ông uống hết trong ngày.

Phú Nguyễn: Thưa bác sĩ, bà của em ốm quá. Ai cũng nói bà bị suy nhược cơ thể vì ăn rất ít. Em nên cho bà ăn gì để mập hơn? Trên thị trường hiện nay, em thấy có nhiều loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng. Liệu bà em có sử dụng được không? Sử dụng như thế nào là đúng cách ạ?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Chữ ốm không thể nói lên được tình trạng dinh dưỡng thực sự của bà. Cho nên, nếu có điều kiện, bạn nên đưa bà đi khám dinh dưỡng để được đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng.

Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét người này ốm từ khi nào; từ trước đến giờ đã ốm như vậy hay ốm đột ngột sau bệnh. Người ốm sau bệnh hoặc biến cố thì đây là ốm bệnh lý và cần được bổ sung dinh dưỡng để tăng cân.

Đối với người ốm kinh niên thì lời khuyên của bác sĩ là không nên tăng cân. Bởi vì, nếu tăng cân không hợp lý sẽ gây quá tải lên các cơ quan trong cơ thể. Những người ốm kinh niên muốn tăng cân thì cần trải qua quá trình điều trị dài gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên, chúng ta phải tăng hoạt động của các cơ quan chức năng bằng cách tăng số bữa ăn và sử dụng thực phẩm có độ đậm đặc cao như sữa cao năng lượng. Kèm theo chế độ ăn, cần tăng cường tập thể dục để tăng hoạt động của tim, gan, phổi,... Sau đó mới thiết lập những bữa ăn tăng năng lượng.

Như vậy, người ốm kinh niên muốn tăng cân thì phải có hướng dẫn của bác sĩ. Nếu người ốm sau khi bị bệnh thì nên bổ sung thêm sữa để tăng cân hiệu quả.

Trung Đỗ: Tôi đã lớn tuổi, khi ăn thì cảm thấy không ngon, vị giác giảm nhiều theo tuổi tác. Tôi cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào để đủ chất?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Đúng là khi càng lớn tuổi thì các cơ quan trong cơ thể sẽ càng giảm chức năng. Việc giảm cảm giác ngon miệng ở người cao tuổi là hệ quả của quá trình lão hóa cơ thể. Đây là điều không thể tránh khỏi khi càng lớn tuổi.

Vì vậy, bác nên ăn những món ăn mà cảm thấy ngon miệng nhất và bổ sung thêm những bữa ăn phụ. Bữa ăn phụ bác nên sử dụng sữa để bổ sung chất dinh dưỡng. Bác nên thiết lập bữa ăn dựa trên công thức gồm: chất bột đường (khoai, cơm, bún, phở,...), 30-40g chất đạm (thịt, cá), ½ chén rau (rau lá, mềm hoặc rau củ, hạn chế rau cộng), 1/2 chén trái cây và 100ml sữa. Nếu bác có kèm theo các bệnh lý như tiểu đường thì cần hạn chế muối, đường trong bữa ăn.

Nếu bác muốn có chế độ ăn cụ thể hơn hoặc muốn sử dụng thực phẩm chức năng thì cần phải có sự tư vấn của bác sĩ. Vì việc sử dụng loại thuốc có hiệu quả trên người khác thì chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả cho bác.

Nguyễn Trọng Đại: Thưa bác sĩ, mỗi lần đi thăm bệnh tôi không biết mua gì?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Nên thăm bệnh vào thời điểm bệnh nhân đã khỏi bệnh và đã được xuất viện. Bởi vì, thời điểm trong bệnh viện, bệnh nhân rất mệt nên để thời gian cho bệnh nhân nghỉ ngơi.

Loại thực phẩm phẩm phù hợp nhất cho người bệnh chính là sữa. Tuy nhiên, tùy vào căn bệnh mà bệnh nhân mắc phải thì sẽ phải chọn mỗi loại sữa khác nhau. Vì vậy, bạn cần phải hiểu biết về bệnh nhân để mua loại sữa phù hợp nhất.

Ngoài ra, chúng ta có thể mua trái cây. Người bệnh mới ốm dậy thì cần bổ xung tất cả các loại trái cây. Bên cạnh đó, bạn có thể đến nấu ăn và dùng bữa cùng bệnh nhân thì sẽ tạo không khí ấm cúng, vui tươi hơn.

Lê Tâm: Mọi người hay nói tôi ăn thiếu chất. Tuy nhiên, tôi cũng rất ý thức trong việc ăn, trong bữa ăn luôn đầy đủ 3 món (thịt, cá, rau). Ngoài ra, tôi còn ăn thêm sữa chua, trái cây, như vậy thì sao thiếu chất được. Nhưng tôi cũng cảm thấy bản thân hay bị ốm vặt. Xin bác sĩ đưa ra lời khuyên giúp tôi?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Khi nói một người thiếu chất thì phải xác định rõ là thiếu chất gì. Ví dụ thiếu sắt sẽ có biểu hiện thiếu máu, thiếu vitamin nhóm B sẽ có biểu hiện sừng hóa da, thiếu vitamin D sẽ còi xương, loãng xương. Chữ thiếu chất bạn nói thì nó chung chung và không xác định được bệnh lý. Bạn cần đi khám lâm sàng để xác định được nhóm chất bạn đang thiếu là gì.

Qua thông tin bạn cung cấp thì đây có thể là tình trạng thiếu nhóm chất dinh dưỡng đồng bộ do khẩu phần ăn ít hoặc hấp thu kém.

Có nhiều người ăn rất khỏe nhưng vẫn gầy. Đây là tình trạng liên quan đến sự chuyển hóa và hấp thu của cơ thể.

Trường hợp của bạn nếu chưa xác định được nguyên nhân gây gầy ốm thì bạn nên tăng 1-2 bữa ăn phụ trong ngày.

Nguyễn Thành Trung: Thưa BS, tôi thường cảm thấy mệt mỏi và ăn không ngon. Nhưng đi khám thì vẫn có kết quả bình thường. Tôi nên cải thiện tình trạng này như thế nào?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Trước hết, chúng ta cần tìm ra nguyên nhân gây mệt mỏi của bạn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ rối loạn tiềm ẩn nào đó. Rối loạn này không chỉ do bữa ăn mà còn do lối sống và sinh hoạt hàng ngày.

Bạn cần xem xét liệu bạn có bị stress khiến hệ thần kinh hoạt động quá mức hay không. Bởi vì, khi bạn ăn uống bình thường như người khác nhưng hoạt động hệ thần kinh quá mức thì năng lượng cần tiêu hao sẽ nhiều hơn.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, thì chất lượng giấc ngủ, stress, những xáo trộn trong cuộc sống cũng ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của cơ thể.

Bạn cần xác định được nguyên nhân gây ra mệt mỏi để cải thiện tình trạng này. Tình trạng mệt mỏi không phải chỉ do chế độ dinh dưỡng.

Lê Thanh Minh: Thưa bác sĩ, nghe bác sĩ phân tích thì tôi thấy người bệnh đương nhiên được quan tâm. Nhưng người chăm bệnh cũng cần phải bổ sung dinh dưỡng, nếu không thì 1 người đau thành 2 người bệnh. Bác sĩ có thể giúp tôi giải quyết vấn đề này?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Khi chúng ta nuôi dưỡng người chăm bệnh tốt thì đó là cách chăm sóc người bệnh hiệu quả nhất. Bởi vì, người chăm bệnh cần khỏe mạnh, tỉnh táo, nhanh nhẹn thì mới có thể chăm sóc được người bệnh.

Người chăm bệnh cần giữ chế độ ăn bình thường, không bỏ bữa và tăng lượng nước uống. Bởi vì trong môi trường bệnh viện phải hoạt động nhiều nên sẽ dễ mất nước.

Nên duy trì đủ lượng vitamin và chất khoáng, bổ sung thêm rau và trái cây trong bữa ăn.

Quan trọng nhất là giấc ngủ. Thông thường, người chăm bệnh sẽ ngủ bất cứ vị trí nào trong bệnh viện. Người chăm bệnh cần duy trì giấc ngủ đủ 6 tiếng/ngày. Nên thay phiên người chăm sóc để duy trì giấc ngủ đủ.

Nếu như người nuôi bệnh là người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường thì không nên quên uống thuốc trong suốt thời gian chăm người bệnh. Bởi vì, chỉ cần quên uống thuốc 1-2 ngày thì các nguy cơ có thể xảy ra ngay lập tức.

Mai Diệu Hằng: Thưa bác sĩ, mình có thể cải thiện hệ miễn dịch từ vấn đề ăn uống hay việc bổ sung dinh dưỡng hay không?

TS.BS Đào Thị Yến Phi:

Việc gia tăng miễn dịch là điều quan trọng để phòng chất sự xâm hại của các tác nhân bên ngoài. Câu hỏi mà hay gặp nhất là ăn gì để gia tăng miễn dịch.

Bác sĩ xin trả lời là không có loại thức ăn nào giúp tăng hệ miễn dịch. Bởi vì hệ miễn dịch là hệ cơ quan và được hình thành khi cơ thể vừa hình thành trong bụng mẹ. Sau đó, nó phát triển đến khi chúng ta khoảng 15-16 tuổi. Quá trình xây dựng hệ miễn dịch phải trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau.

Vì vậy, từ khi còn trong bụng mẹ đến khi trưởng thành phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để hệ miễn dịch được khỏe mạnh. Nhìn chung, chúng ta có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng việc uống đủ nước và cung cấp đủ thành phần dinh dưỡng bằng bữa ăn đa dạng, tránh tình trạng suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Bởi vì khi béo phì, lượng mỡ bên trong cơ thể sẽ làm rút ngắn quá trình chuyển hóa, từ đó làm hệ miễn dịch yếu đi. Cần tiêm vacxin để kích hoạt hệ miễn dịch làm việc tốt nhất. Sau mỗi đợt bệnh, cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể phục hồi tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X