Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị viêm mủ nội nhãn được điều trị thế nào?

Con trai tôi bị đau mắt kéo dài, vừa rồi đi khám mới biết bị viêm mủ nội nhãn. Xin hỏi, bệnh có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

(Trần Thanh Bình - Hải Dương)
 
Trả lời:
 
Viêm mủ nội nhãn là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm dẫn đến phá hủy các thành phần ở trong mắt (tổ chức nội nhãn) như võng mạc, dịch kính, hắc mạc... do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, virut, ký sinh trùng...
 
Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ trong độ tuổi lao động, nam gặp nhiều hơn nữ, có thể mắc bệnh cả hai mắt.
 
Biểu hiện của viêm mủ nội nhãn có thể là đau nhức mắt, thường đau tăng lên khi vận động nhãn cầu, giảm thị lực, chảy nước mắt, đau đầu, đỏ mắt, sợ ánh sáng.
 
Nếu viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn thường biểu hiện rầm rộ của một tình trạng viêm cấp tính. Bệnh nhân nhìn mờ nhiều, có thể chỉ còn nhận thức ánh sáng hoặc không; kèm theo là dấu hiệu chói mắt, cộm mắt, trẻ nhỏ thường lấy tay che mắt hoặc quay mặt vào chỗ tối.
 
Trường hợp viêm mủ nội nhãn do vi khuẩn có độc lực cao hoặc bệnh nhân đến muộn, bệnh có xu hướng trở thành viêm toàn bộ nhãn cầu (viêm toàn nhãn) - tức là viêm cả tổ chức quanh mắt. Các triệu chứng của viêm mủ nội nhãn do nấm tiến triển thầm lặng hơn so với các triệu chứng của bệnh do vi khuẩn.
 
Viêm mủ nội nhãn là bệnh tối nguy hiểm trong nhãn khoa, vì vậy, việc điều trị cần được tiến hành ngay khi bệnh nhân nhập viện.
 
Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu về viêm mủ nội nhãn, các tác giả đã đưa ra phác đồ điều trị: tiến hành lấy bệnh phẩm là dịch ở trong mắt làm xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, sau đó tiêm kháng sinh vào trong mắt ngay mà không chờ kết quả xét nghiệm.
 
Kháng sinh được lựa chọn là vancomycin phối hợp với fortum. Tiêm mũi thứ hai được đặt ra khi bệnh đáp ứng không tốt với điều trị, hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 72 giờ. Mũi tiêm thứ hai thường kết hợp với dexamethasone sau khi kết quả loại trừ viêm mủ nội nhãn do nấm.
 
Nếu do nấm, kháng sinh sử dụng tiêm nội nhãn là amphotericine B. Cắt bỏ khối mủ ở trong mắt (cắt dịch kính) được đặt ra khi điều trị nội khoa đáp ứng kém.
 
Ngoài ra, sử dụng kháng sinh phổ rộng, kháng viêm theo đường toàn thân và tra tại mắt kết hợp với thuốc giãn đồng tử.
 
Viêm mủ nội nhãn đang là một thách thức trong chẩn đoán và điều trị đối với các nhà nhãn khoa.
 
Việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực đưa đến cơ hội tốt nhất để bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở điều trị nhãn khoa ngay khi có các dấu hiệu của bệnh.    
 
Theo ThS Thu Hiền - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X