Hotline 24/7
08983-08983

Tràn dịch đa màng ở bệnh nhân ung thư, làm sao phát hiện và điều trị kịp thời?

Tràn dịch đa màng có thể dẫn tới biến chứng mất chức năng các cơ quan, tàn tật và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vậy làm sao để bệnh nhân ung thư biết được mình có gặp tình trạng này không? Những chia sẻ của ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sẽ giúp ích cho bạn trong vấn đề này.

1. Tràn dịch đa màng là gì? Giai đoạn nào bệnh nhân ung thư gặp tình trạng này?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Tràn dịch đa màng hay còn gọi tràn dịch đa khoang, tức là tình trạng dịch tích tụ bất thường tại nhiều khoang tự nhiên của cơ thể như khoang màng bụng, khoang màng phổi, ít gặp hơn ở khoang màng tim, màng tinh hoàn.

Không chỉ ở bệnh nhân ung thư, tình trạng tràn dịch đa màng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh lý nội khoa (xơ gan, hội chứng thận hư), bệnh lý tự miễn (viêm đa khớp, gout) hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng (lao).

Riêng ung thư có thể gặp trong ung thư phổi, ung thư buồng trứng và thường xảy ra ở giai đoạn muộn, rất ít gặp bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm.

2. Bệnh nhân ung thư bị tràn dịch đa màng do đâu?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư bị tràn dịch đa màng và có thể do các nguyên nhân lồng ghép với nhau, chứ không phải do một nguyên nhân riêng lẻ.

Chẳng hạn ung thư phổi có thể xâm lấn màng phổi, màng tim gây tràn dịch màng phổi, màng tim; ung thư buồng trứng lan tràn trong ổ dụng và gây tràn dịch trong ổ bụng.

Ngoài ra, khối u có thể làm tắc nghẽn mạch máu và mạch bạch huyết cũng làm nặng thêm tình trạng tràn dịch. Hoặc bệnh nhân giai đoạn cuối thường có tình trạng suy dinh dưỡng cũng dễ bị tràn dịch hơn.

3. Dấu hiệu bệnh nhân ung thư bị tràn dịch đa màng

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Nếu quan tâm đến sức khỏe bản thân, bệnh nhân có thể tự phát hiện thông qua các triệu chứng như bụng căng lên, nặng hơn (do chứa nước trong bụng) hoặc tức ngực, khó thở.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT để đánh giá mức độ tràn dịch ở đâu, những vị trí nào và nguyên nhân gây ra tràn dịch.

4. Phương pháp điều trị tràn dịch đa màng

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Tràn dịch là biểu hiện bệnh, do đó để điều trị đúng phải xác định được nguyên nhân gây tràn dịch. Chẳng hạn ung thư buồng trứng gây tràn dịch màng bụng có thể phải mổ để cắt khối u và sau đó điều trị ổn nguyên nhân gốc thì tình trạng tràn dịch mới cải thiện.

Hoặc tràn dịch màng phổi, nếu dịch tái lập chậm có thể chọt hút để giải áp cho bệnh nhân bớt tức ngực và khó thở. Nhưng nếu dịch tái lập nhanh và nhiều thì cần đặt ống dẫn lưu để tháo bớt dịch ra, sau đó tiến hành liệu pháp xơ hóa để làm chậm lại tình trạng tràn dịch, giúp bệnh nhân giảm bớt triệu chứng.

5. Sốt sau rút ống dẫn lưu điều trị tràn dịch màng phổi, có sao không?

Dạ BS ơi cho cháu hỏi, mẹ cháu vừa phẫu thuật cắt bỏ kén khí do tràn dịch màng phổi sau khi rút ống xông cắm vào ở bên sườn thì mẹ cháu bị sốt triền miên cơ thể nóng trên 38 độ nhưng chỉ hơi đau đầu thôi? BS cho tư vấn giúp cháu là mẹ cháu có bị làm sao không ạ? (Lê Uyên Nhi)

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Sau rút ống dẫn lưu nếu bị sốt có thể gặp trong tình trạng nhiễm trùng hoặc áp xe. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đưa mẹ quay lại bệnh viện để thăm khám, bởi bác sĩ sẽ là người hiểu rõ tình trạng của bệnh nhân và có hướng xử trí thích hợp, bạn nhé.

6. Làm sao để men gan không tăng khi uống thuốc điều trị tràn dịch màng phổi?

Thưa bác sĩ, em bị tràn dịch màng phổi, bác sĩ chỉ định uống thuốc nhưng em bị men gan cao quá, có cách nào uống thuốc mà không bị men gan không ạ? (Trung Quy)

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Tôi không biết bạn uống thuốc gì, bên cạnh các bệnh lý viêm gan siêu vi A, B, C bạn có kèm bệnh lý nào khác không? Nhưng đại đa số các thuốc đều chuyển hóa về gan, tùy mức độ nhiều hay ít.

Lời khuyên của tôi đối với bạn là nếu men gan tăng kéo dài thì bạn nên trở lại bệnh viện để bác sĩ thực hiện thăm khám, xét nghiệm xác định nguyên nhân. Hoặc bạn có thể sử dụng các loại đồ uống làm mát cơ thể như atiso, chanh, mía lau,…

7. Cách giúp giảm tràn dịch màng phổi?

Thưa BS, Bố em bị ung thư phổi giai đoạn 3 mới hóa trị lần 1 bị tràn dịch màng phổi nhưng không hút được. BS cho em hỏi có cách nào giúp giảm tràn dịch được không ạ ? Em cảm ơn ạ. (Minh Quang)

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Tràn dịch màng phổi không hút được do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn do chỗ tràn dịch bị đóng kén hoặc có vách bên trong. Tốt nhất bạn nên đưa bố quay trở lại nơi điều trị để bác sĩ thăm khám và tìm hướng xử trí thích hợp.

Ví dụ, đối với tràn dịch bị đóng kén thì dưới hướng dẫn của siêu âm, CT bác sĩ sẽ chọc hút từng kén ra hoặc can thiệp phá vách ngăn để hút dịch ra ngoài và sau đó mới có thể tiến hành liệu pháp xơ hóa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X