TPHCM công bố dịch sởi, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ?
Chiều 27/8/2024, UBND TPHCM lần đầu tiên chính thức công bố dịch sởi. Nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bùng phát đã được đề ra, trong đó chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ nhỏ. Trong hoàn cảnh này, phụ huynh cần phải làm gì, lưu ý những gì để bảo vệ con em của mình?
Dịch bệnh truyền nhiễm sởi do virus Sởi (Polynosa morbillorum) gây ra và mức độ nguy hiểm của dịch sởi được công bố là bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Đây là lần đầu TPHCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này. Chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung sởi - rubella sẽ được triển khai cho tất cả trẻ đang sống tại TPHCM từ 1 - 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin này trước đó.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM đã chỉ ra một số điều cần được phụ huynh lưu ý.
Phụ huynh nên kiểm tra ngay lịch tiêm sởi cho con
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh nhắc nhở quý phụ huynh hãy kiểm tra ngay sổ tiêm chủng của con mình. Với những ô có chữ “bệnh sởi”, bạn đếm xem đã được ghi đủ 2 lần tiêm vắc xin có chứa thành phần “sởi” hay chưa, bất kể đã tiêm vắc xin gì.
Nếu trong sổ tiêm chủng chỉ ghi có một ngày tiêm hoặc chưa có ngày tiêm nào, hãy nhanh chóng đưa con đến trung tâm y tế địa phương hoặc đơn vị tiêm chủng của bệnh viện gần nhất để được tiêm vắc xin.
Các loại vắc xin chứa thành phần sởi hiện nay bao gồm:
- Vắc xin sởi đơn, tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng;
- Vắc xin sởi-rubella, tiêm cho trẻ 12 tháng đến 5 tuổi;
Vắc xin dịch vụ là vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR II) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt, lịch tiêm vắc xin MMR II khi có dịch sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Những ai khác cần đi tiêm vắc xin sởi?
Chuyên gia khuyến nghị, những nhóm sau cần tiêm ngừa sởi:
- Phụ nữ có kế hoạch sẽ có thai trong 3 tháng sắp đến cần hoàn tất đủ 2 mũi vắc xin sởi - quai bị - rubella. Tuyệt đối không có thai trong thời gian tiêm vắc xin và một tháng sau tiêm vắc xin.
- Người lớn trong gia đình, đặc biệt là những người đang trực tiếp chăm sóc các bé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Các bảo mẫu và giáo viên trường mầm non.
- Trẻ em không biết rõ về lịch sử tiêm chủng trước đây và đang có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như: nhiễm HIV, sau ghép tạng, đang điều trị ung thư, đang chạy thận nhân tạo, cắt lách hoặc không có lách, mắc bệnh lupus, hội chứng thận hư...
Bao lâu sau tiêm vắc xin thì có hiệu quả bảo vệ?
Cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Trong khoảng thời gian này những người lớn có nguy cơ mắc sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngời bệnh sởi cần tránh tiếp xúc với trẻ.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh nhấn mạnh: "Vắc xin sởi có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi".
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình