TPHCM: Bé sơ sinh 4 giờ tuổi hoại tử ruột từ trong bụng mẹ
Ngày 28/8/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đã cứu sống thành công bé sơ sinh mắc viêm phúc mạc bào thai. Các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng hiếm gặp và nguy hiểm.
Cụ thể, bé sơ sinh được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ 4 giờ sau khi chào đời, trong tình trạng hết sức nguy kịch. Bé sinh non 36 tuần, cân nặng 2,5kg, với các triệu chứng: da bụng nề đỏ, suy hô hấp nặng và nhiễm trùng sơ sinh.
BS.CK1 Nguyễn Hiền - Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật chia sẻ, đây là ca phẫu thuật khó, tình trạng bệnh nhi trước phẫu thuật nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu. Bé cần sớm được phẫu thuật, thời gian mổ phải nhanh, chính xác để tránh tình trạng mất máu, hạ thân nhiệt.
May mắn thay, tình trạng của bé đã được phát hiện từ trước khi sinh. Trong quá trình khám thai định kỳ, các bác sĩ sản khoa đã ghi nhận thai nhi có dấu hiệu tràn dịch màng phổi và màng bụng, nghi ngờ tình trạng viêm phúc mạc ngay trong thời kỳ bào thai. Vì vậy, ngay khi chào đời, bé đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.
Tại đây, bé được thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu và chụp X-quang, kết quả cho thấy có nhiều hơi tự do trong ổ bụng. Các bác sĩ tổ chức hội chẩn khẩn cấp và quyết định phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.
Khi mở ổ bụng, bác sĩ phẫu thuật phát hiện tình trạng nghiêm trọng: nhiều phân su, dịch ổ bụng vàng đục, một đoạn ruột dài khoảng 20cm đã hoại tử vỡ từ trước. Ổ bụng bị nhiễm bẩn nặng, các quai ruột dính chặt với nhau thành khối, gây tắc ruột.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành gỡ dính ruột, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử, làm hậu môn tạm, rửa bụng và dẫn lưu. Sau ca phẫu thuật căng thẳng, bệnh nhi đã dần hồi phục.
Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận gần 10 trường hợp viêm phúc mạc bào thai từ đầu năm đến nay
TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, từ đầu năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng gần 10 trường hợp viêm phúc mạc bào thai.
Viêm phúc mạc bào thai là một tình trạng hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 1:35.000 ca đẻ sống. Đây là một phản ứng viêm hóa học vô khuẩn của phúc mạc, gây ra bởi dịch ruột của thai nhi đi qua lỗ thủng của ống tiêu hóa.
BS Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh, việc chẩn đoán tiền sản sớm và sự phối hợp gắn kết giữa các bác sĩ sản khoa và nhi khoa sẽ mang tính chủ động, có kế hoạch điều trị đúng, kịp thời cho trẻ sơ sinh, nhằm tránh các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong.
Ông cũng cảnh báo rằng những trường hợp không được chẩn đoán tiền sản hoặc có sự chậm trễ, bỏ sót trong chẩn đoán có thể dẫn đến biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.
BS Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo, các thai phụ nên khám thai định kỳ đầy đủ để theo dõi tình hình sức khỏe thai nhi. Việc này không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ có thời gian chuẩn bị và lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho trẻ ngay sau khi chào đời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình