Tiết kiệm hơn 8 phút “vàng” cứu não nhờ chụp MRI 3 Tesla nhanh gấp đôi
Với dòng máy MRI 3 Tesla, có thể khảo sát được mạch máu não không cần thuốc tương phản với thời gian dưới 7 phút, trong khi đó các dòng máy trước đây cần khoảng 15 phút và phải có thuốc tương phản để thực hiện khảo sát này.
Bài báo cáo “Những ưu điểm của cộng hưởng từ 3 Tesla trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ” - TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trình bày đã chỉ ra những điểm ưu việt của dòng máy MRI tân tiến này, đó cũng là lý do bệnh viện mạnh dạn đầu tư tới 2 hệ thống máy MRI 3 Tesla, nhằm phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.
TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cơ bản cũng như các trung tâm đột quỵ khác nhưng có 1 điểm khác biệt là bệnh nhân được lựa chọn chụp MRI để khảo sát não ngay khi tiếp nhận, trong khi đa số các nơi khác, bước này sử dụng chụp CT.
Lý do của sự lựa chọn này là MRI có nhiều ưu điểm hơn hẳn khi so sánh 2 phương pháp chẩn đoán hình ảnh này:
Ưu điểm của MRI và CT-scan:
MRI
- Công cụ tốt để khảo sát não.
- Rất nhạy tổn thương não cấp, ước tính tuổi thương tổn.
- Với dòng máy MRI 3T tại S.I.S khảo sát được mạch máu không cần thuốc tương phản với thời gian dưới 7 phút
- Khảo sát được vi xuất huyết
CT-scan
- Công cụ đơn giản, khảo sát não, sử dụng cho bệnh nhân kém hợp tác.
- Thời gian khảo sát ngắn, nhanh chóng loại trừ xuất huyết não - điều kiện tối thiểu trước khi quyết định điều trị rTPA.
- Dễ trang bị, có phổ biến ở các bệnh viện.
Nhược điểm của MRI và CT-scan:
MRI
- Thời gian khảo sát khoảng 15 phút.
- Bệnh nhân phải hợp tác, nằm yên.
- Khó thực hiện đối với bệnh nhân nặng (mê sâu, thở máy, đang truyền xilanh điện…), chống chỉ định trên bệnh nhân có dị vật kim loại hoặc máy hỗ trợ trong người.
CT-scan
- Kém nhạy với các tổn thương nhồi máu não cấp trong thời gian quá sớm.
- Đôi khi khó phân biệt các thương tổn cũ và mới khi chúng chồng lẫn vào nhau.
- Không phát hiện các vi xuất huyết.
- Phải sử dụng thuốc cản quang để chụp mạch máu
TS.BS Trần Chí Cường so sánh ưu - nhược điểm của 2 phương tiện chẩn đoán hình ảnh MRI và CT-scan
Để đánh giá, cải tiến qui trình điều trị rTPA, TS.BS Trần Chí Cường và cộng sự tiến hành nghiên cứu “Đánh giá kết quả điều trị thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ từ tháng 2/2019 đến tháng 5/2020”. Với 2 mục tiêu:
1. Đánh giá kết quả điều trị tiêu sợi huyết trên bệnh nhân bị nhồi máu não cấp.
2. Xác định các thành phần thời gian cửa kim của bệnh nhân được điều trị rTPA tại BV SIS.
Trong thời gian tiến hành, các bác sĩ đã thu thập được tổng cộng 43 bệnh nhân thỏa điều kiện để đưa vào nghiên cứu.
Kết quả điều trị tiêu sợi huyết trên bệnh nhân nhồi máu não cấp là tỷ lệ biến chứng xuất huyết não sau điều trị tiêu sợi huyết trong nghiên cứu này là 3 trường hợp (chiếm 7%): đều không đáng kể. Có 2 trường hợp xuất huyết não PH1 (4,7%); 1 trường hợp HI2 (2,3%). Và không có trường hợp nào tử vong.
Với ứng dụng MRI 3T trong nhồi máu não cấp:
1. Kết quả điều trị rTPA: Trung bình điểm NHISS và mRS lúc nhập viện –1 tháng: giảm có ý nghĩa thống kê: 58,1% NHISS, 79,1% mRS,
2. Tỷ lệ xuất huyết não sau điều trị thấp (7,0%) nhờ loại trừ vi xuất huyết
3. Phát hiện sớm các tổn thương nhồi máu mới, phân biệt mạch lớn nhỏ giúp lựa chọn bệnh nhân tối ưu cho rTPA - can thiệp mạch
4. Các dòng máy MRI thế hệ mới có thể rút ngắn thời gian chụp, tránh được nguy cơ do bơm cản quang (nếu chụp CTA)
Kết quả trên khẳng định MRI 3 Tesla giúp cho việc lựa chọn bệnh nhân điều trị rTPA tốt hơn, an toàn hơn.
BS.CK2 Nguyễn Đức Khang, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM
BS.CK2 Nguyễn Đức Khang, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân dân 115 tham gia trả lời câu hỏi của người tham dự về chỉ định chụp CT, MRI trong điều trị đột quỵ.
Với câu hỏi: làm sao để phân biệt đột quỵ do xuất huyết não hay nhồi máu não, BS Khang cho biết về lâm sàng không có dấu hiệu nào trả lời chắc chắn được vấn đề này. Để phân biệt được đột quỵ dạng nào, tốt nhất nên dựa vào hình ảnh chụp MRI, đây là phương tiện tối ưu, mặc dù nó có vài nhược điểm là chi phí cao, và nếu bệnh nhân lơ mơ, không tiếp xúc tốt thì khó để chụp vì khi chụp đòi hỏi bệnh nhân phải nằm yên.
Về mặt chẩn đoán, để tìm ra nhồi máu não sớm thì MRI có lợi thế hơn CT rất nhiều. Về can thiệp thì máy DSA 2 bình diện là phương tiện tốt nhất. Bệnh viện S.I.S Thơ có 2 máy MRI 3 Tesla, 2 máy DSA (trong đó 1 máy 2 bình diện) và thêm phần mềm RAPID là đầy đủ phương tiện để điều trị đột quỵ một cách toàn diện.
Nếu bệnh nhân đến trước 6 giờ thì thời gian là yếu tố quyết định để cứu não, nhưng nếu bệnh nhân đến sau 6 giờ hoặc không xác định được thời gian thì các phương tiện là máy chụp chiếu và phần mềm trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định điều trị sau khi đánh giá vùng nhồi máu, vùng hoại tử, vùng cần cứu chữa… Lúc này máy MRI, máy CT chụp vùng não được tưới máu, kết hợp với tính toán chính xác của phần mềm RAPID thì lúc đó chúng ta có chỉ định can thiệp nữa hay không… tất cả đã được định ra tiêu chuẩn.
Các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh và quan khách tham quan hệ thống máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla Lumina hiện đại nhất châu Á đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
Đề tài của TS.BS Trần Chí Cường là bài cuối, kết thúc hội thảo “Cập nhật kiến thức chuyên ngành cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính” một trong những hoạt động của chuỗi chương trình: lễ khánh thành máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla Lumina và máy chụp mạch máu xóa nền thế hệ mới DSA ARTIS icono lần đầu tại châu Á, đồng thời ra mắt Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sáng 25/9.
Hội thảo còn có các đề tài:
“Vai trò của cộng hưởng từ toàn thân trong u bướu” - tác giả GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch hội Điện quang Y học hạt nhân Việt Nam, do PGS.TS.BS Phạm Ngọc Hoa - Chủ tịch hội Chẩn đoán hình ảnh TPHCM trình bày thay;
“Hình ảnh học cộng hưởng từ khớp gối” - BS.CK2 Cao Thiên Tượng, Bệnh viện Chợ Rẫy;
“Giá trị CT liều thấp trong chẩn đoán ung thư phổi” - TS.BS Cung Văn Công, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi trung ương.
Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình